Italia: Chuyện về 5 lá phiếu và chính phủ thứ 62

Italia: Chuyện về 5 lá phiếu và chính phủ thứ 62
TP - Ngày 25/1, Tổng thống Italia Giorgio Napolitano phải tổ chức cuộc họp khẩn cấp để giải quyết khủng hoảng chính trị sau khi Thủ tướng Romano Prodi, phải từ chức chỉ vì thiếu đúng 5 phiếu ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm.
Italia: Chuyện về 5 lá phiếu và chính phủ thứ 62 ảnh 1
Ông Prodi

Từ sau Thế chiến II (1945) đến nay, Italia đã có tổng cộng 61 Chính phủ và thường tồn tại trong một thời gian ngắn. Chính phủ của vị Thủ tướng 68 tuổi Prodi cũng phải ra đi sau 20 tháng cầm quyền vì không vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Thượng viện dù trước đó giành được sự ủng hộ của Hạ viện.

Đây là lần thứ hai, ông Prodi, cựu Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, buộc phải từ chức bởi chính sự “phản bội” của những đồng minh từng ủng hộ mình. Năm 1998, ông Prodi từng phải rời ghế Thủ tướng sau hai năm nắm quyền khi không có được sự ủng hộ.

Theo thông lệ, ông Prodi tiếp tục nắm quyền điều hành Chính phủ Italia cho đến khi có quyết định mới của Tổng thống Giorgio về việc sẽ tổ chức bầu cử trước thời hạn hay thành lập Nội các lâm thời.

Tổng thống Italia Giorgio từng tuyên bố không muốn có cuộc tổng tuyển cử khác trước khi diễn ra cuộc cải cách hệ thống bầu cử được cho là căn nguyên dẫn tới sự mất ổn định của nền chính trị Italia trong nhiều thập kỷ qua.

Cuộc thảo luận về tương lai chính trị Italia sẽ kéo dài tới hết tháng 1/2008. Nhiều khả năng, Bộ trưởng Nội vụ Giuliano Amato sẽ trở thành Thủ tướng tạm quyền nếu Chính phủ lâm thời được thành lập.

Trong khi đó, theo giới phân tích, cựu Thủ tướng Prodi có thể buộc phải kêu gọi cuộc tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn khi các nhà lãnh đạo chính trị ở nước này không muốn bị điều hành bởi một Chính phủ tạm quyền.

Hầu hết các nghị sĩ ở Italia muốn cải cách hệ thống bầu cử ở nước này để có thể thoát khỏi những cuộc khủng hoảng chính trị trong nhiều thập kỷ qua. Trước đó, ông Prodi, một giáo sư kinh tế, cam kết cải cách hệ thống lương hưu và tự do hoá hệ thống kinh tế Italia.

Tuy nhiên, kế hoạch đầy tham vọng của ông Prodi luôn đối mặt với những cuộc biểu tình chống đối trên đường phố Italia trong nhiều tháng qua. Nền kinh tế Italia vì thế vẫn chưa thoát khỏi tình trạng trì trệ.

Trong khi đó, cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, 71 tuổi, thuộc Liên minh Dân tộc cánh hữu đối lập, có nhiều kinh nghiệm phát triển kinh tế, lại kêu gọi tổ chức cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn. Các nghị sĩ thuộc liên minh bảo thủ của ông Berlusconi cũng kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử sớm.

Giới phân tích chính trị ở Italia cho rằng, ông Berlusconi, người giàu nhất Italia, muốn tận dụng cơ hội này để trở lại nắm quyền. Trong cuộc bầu cử tháng 4/2006, ông Berlusconi đã phải nhường ghế Thủ tướng cho ông Prodi, nhưng ảnh hưởng của nhà tài phiệt này vẫn rất mạnh mẽ.

Trong 20 tháng cầm quyền, Chính phủ của ông Prodi phải đối mặt với vô vàn sóng gió. Gần đây, Chính phủ của ông Prodi đã có nguy cơ sụp đổ khi cựu Bộ trưởng Tư pháp Mastella rút khỏi liên minh cầm quyền. Phe đối lập ngay lập tức đã kêu gọi ông Prodi từ chức.

Tuy nhiên, ông Prodi đã lựa chọn biện pháp thuyết phục các nghị sĩ ủng hộ ông bằng một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ở lưỡng viện của quốc hội. Hôm 23/1, ông Prodi đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Hạ viện, nhưng thất bại ở Thượng viện.

T.Đ
Tổng hợp

MỚI - NÓNG