Cả nước tưng bừng chào đón Giao thừa

Cả nước tưng bừng chào đón Giao thừa
Đón Tết Mậu Tý năm nay, người dân TP. Hồ Chí Minh đang bước vào một mùa xuân mới với những niềm vui mới cùng sự phát triển mạnh mẽ không ngừng của thành phố và đất nước. Khí thế của mùa xuân thời hội nhập đang lan tỏa khắp mọi nơi trên thành phố mang tên Bác.

>> Lung linh Hồ Gươm đêm giao thừa

Cả nước tưng bừng chào đón Giao thừa ảnh 1

Pháo hoa đón giao thừa Tết Mậu Tý tại trung tâm TPHCM. Ảnh: Quang Nhựt - TTXVN

46 tỉnh, thành bắn pháo hoa

Theo thống kê sơ bộ, cả nước có 46 tỉnh, thành phố tổ chức bắn pháo hoa trong đêm Giao thừa gồm: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Tây, An Giang, Bà Rịa -Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bắc Kạn, Bắc Giang, Bình Định, Bình Thuận, Bình Dương, Cần Thơ, Đắk Lắc, Đồng Nai, Đồng Tháp, Gia Lai, Hải Dương, Hậu Giang, Hoà Bình, Khánh Hoà, Kiên Giang, Lai Châu, Lâm Đồng, Phú Thọ, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quàng Ninh, Quảng Trị, Sóc Trăng, Sơn La, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Thanh Hoá, Tiền Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hải Dương, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc, Bến Tre, Kon Tum.

Kinh phí bắn pháo hoa ở các tỉnh, thành phố không dùng ngân sách nhà nước mà do các doanh nghiệp, cá nhân tình nguyện đóng góp.

Từ sau 19 giờ đêm 30 Tết, khu vực trung tâm thành phố, đường hoa, đường ánh sáng, các điểm lễ hội và điểm bắn pháo hoa đã có rất đông người dân khắp nơi đổ về để cùng chờ đón chào năm mới.

Tết này, hàng loạt chương trình, hoạt động phục vụ nhu cầu chơi xuân, vui xuân của người dân được thực hiện từ rất sớm và tại nhiều nơi trên toàn thành phố. Từ sau Tết Dương lịch, khu vực trung tâm thành phố, điểm tham quan của hàng chục vạn lượt người dân thành phố và khách du lịch đã tiếp tục được trang hoàng và thay đổi nhiều điểm để mang lại màu sắc của cái Tết dân tộc. Trên các đường Lê Lợi, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Duẩn, đèn hoa rợp trời cùng những biểu tượng hoa mai, rồng bay và những đàn én tung bay đã mang lại không khí xuân về từ rất sớm.

Cùng với những phố đèn hoa, hàng loạt các công sở, khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại, cửa hiệu và cả nhà dân ở mặt tiền đường khu trung tâm đều đã chỉnh trang lại và trang trí thêm nhiều hoa, cây kiểng, biểu tượng vui... khiến đường phố Sài Gòn những ngày Tết thoáng đãng và đẹp hơn.

Nhưng trung tâm của Tết ở TP. Hồ Chí Minh vẫn là những điểm vui xuân truyền thống. Đường hoa Nguyễn Huệ (từ 29 đến mồng 4 Tết) với hàng trăm loại hoa đua nhau khoe sắc suốt con đường, cùng với những sắp đặt non bộ, cây cảnh, suối reo, chim hót, trâu cày, mái tranh, bụi chuối, bờ ao, lũy tre, cây cầu khỉ... tạo nét làng quê nông thôn Việt Nam thật ấn tượng giữa lòng thành phố hiện đại. Tại tượng đài Bác Hồ là vườn mai cổ thụ bừng lên trong nắng xuân phương nam.

Một địa chỉ quen thuộc nữa của người dân thành phố là Hội Hoa Xuân – Tao Đàn (từ 25 đến mồng 6 Tết) với hàng trăm loại hoa, cây kiểng, cá cảnh, bon sai trong và ngoài nước trưng bày tại đây.

Có mặt tại đường hoa Nguyễn Huệ để chờ đón thời khắc giao thừa cùng người thân tại Việt Nam, anh Walter Jutzi, người Thụy Sỹ, hiện đang sống tại khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng cho biết: “Đây là năm thứ hai tôi được đón Tết ở Việt Nam nên đến đêm giao thừa cũng thấy thật bồi hồi, lắng đọng. Tết ở TP. Hồ Chí Minh thật ấn tượng, rất đẹp, rất đông vui và đặc biệt là ấm áp hơn so với cái Tết ngoài Hà Nội!”.

Đúng thời khắc Giao thừa, nét hân hoan hiện rõ trên từng gương mặt những người dân và du khách đi chơi Tết. Hàng chục ngàn người có mặt tại các điểm tổ chức bắn pháo hoa để chờ đợi giờ phút chuyển giao năm cũ và năm mới.

Năm nay, chú Chuột mang năm mới đến cùng mọi người giữa những màn pháo hoa rực sáng bầu trời thành phố tại 6 điểm. Đêm nay, người dân các vùng sâu và xa nhất của thành phố đều được thưởng thức những màn pháo hoa đặc sắc.

Hòa mình vào không khí đón xuân mới thấy niềm hân hoan và sự phấn khởi, vui tươi đang lan tỏa khắp nơi. Cùng với muôn sắc của đèn, hoa, trên các đường phố, hai màu đỏ - vàng của cờ nước, cờ Đảng tung bay rực rỡ trong gió, góp thêm cho sắc xuân nét tươi thắm và ý nghĩa.

Không chỉ là mùa xuân của đất trời, một mùa xuân yên vui của dân tộc, của một đất nước độc lập, tự do, thống nhất còn được thấy qua những hoạt động trưng bày, triển lãm kỷ niệm ngày thành lập Đảng (3/2), kỷ niệm 40 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh cũng được thực hiện trong dịp này.

TP. Hồ Chí Minh đang tưng bừng vào mùa xuân hội nhập với những ước vọng mới của mỗi người dân, như anh Lê Quang Liêm, 29 tuổi, ngụ tại khu Miếu Nổi, quận Phú Nhuận cho biết: “Mong rằng trong năm mới, thành phố sẽ vươn cao hơn nữa để đời sống người dân ngày càng tốt hơn mà thành phố mình cũng giàu đẹp hơn”.

Đà Nẵng: Giao thừa Tết Mậu Tý 2008, Đà Nẵng tổ chức bắn pháo hoa tại 4 điểm dọc bờ Đông và bờ Tây sông Hàn phục vụ người dân thành phố. Trong đó, 2 điểm ở bờ Tây sông Hàn trên đường Bạch Đằng đoạn trước Bảo tàng Điêu khắc Chăm và Tòa án Nhân dân thành phố, 2 điểm ở bờ Đông sông Hàn trên đường Trần Hưng Đạo tại phường An Hải Tây (quận Sơn Trà) và phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà). Mỗi điểm có 5 xe bắn pháo hoa với mỗi xe bao gồm 10 quả đạn pháo hoa. Thời gian bắn pháo hoa kéo dài 15 phút.

Cả nước tưng bừng chào đón Giao thừa ảnh 2
Pháo hoa trên bầu trời TP Đà Nẵng. Ảnh : TTXVN

Đã từ lâu trở thành thông lệ, ngay từ 22 giờ, dòng người đổ về các điểm bắn pháo hoa rất đông, nhất là sau khi theo dõi chương trình nghệ thuật đặc biệt nhân kỷ niệm 40 năm Xuân Mậu Thân và đón Tết Mậu Tý được tổ chức trước tiền sảnh Nhà hát Trưng Vương, lượng người đổ về đường Bạch Đằng rất đông, bất chấp thời tiết năm nay không được thuận lợi lắm, do ảnh hưởng đợt rét kéo dài hơn 10 ngày qua. Nhưng với ý thức và thực hiện nếp sống văn minh đô thị nên mọi người xem pháo hoá rất trật tự.

Nhìn chung, Tết năm Đà Nẵng vẫn đảm bảo sự bình yên và an toàn vốn có của thành phố bên sông Hàn. Sức mua sắm của người dân và cũng như giá cả thị trường không có đột biến nhiều. Hơn 2000 căn hộ cho người nghèo đã kịp bàn giao cho các đối tượng trong dịp Tết và như vậy, năm nay, thành phố Đà Nẵng mọi người dân đều có một mái ấm gia đình để đón Tết cổ truyền của dân tộc.

Yên Bái: Vào thời khắc Giao thừa đón mừng năm mới Mậu Tý 2008, thành phố Yên Bái tưng bừng màu sắc pháo hoa, với quy mô tổ chức ở 2 địa điểm là Khu Công viên Yên Hoà (Khu quần thể di tích nhà chí sỹ yêu nước Nguyễn Thái Học) và khách sạn Hào Gia km 5 trung tâm thành phố Yên Bái.

Để phục vụ nhân dân khu vực thành phố và các huyện lân cận như Trấn Yên, nhất là đối với các cháu thiếu niên nhi đồng, Yên Bái đã quyết định bắn pháo hoa sớm hơn tại điểm công viên Yên Hoà, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cháu kịp về nhà đón Giao thừa.

Gia Lai: Trong đêm Giao thừa Tết Mậu Tý, dòng người từ các hướng lần lượt đổ về Quảng trường 17/3 và Nhà Văn hoá Thanh thiếu nhi thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) để dự lễ hội mừng Xuân. Ai nấy cũng đều rạng rỡ một niềm vui - niềm tin trước thời khắc bước vào năm mới đầy hứa hẹn và đón nhận những gì tốt đẹp nhất sẽ đến...

Thời tiết ở Pleiku hơi se lạnh, tại đây có cả chục ngàn người đứng chất kín cả khuôn viên Quảng trường đã chứng kiến và tận hưởng một lễ hội được tổ chức quy mô, hoành tráng và ấm áp nhất từ trước tới nay.

Bằng các chương trình ca múa nhạc tổng hợp đặc sắc mừng Đảng - mừng Xuân, nhất là âm vang của tiếng cồng chiêng và những vòng xoang dịu dàng của các cô gái J'rai - Bahnar đã mang lại nhịp thở đầy sinh khí trên mãnh đất Tây nguyên bao la hùng vĩ này.

Đặc biệt hơn là người dân thành phố đã chiêm ngưỡng được trọn vẹn màn bắn pháo hoa đẹp mắt trên bầu trời, toả sáng lòng ước mơ trong cuộc sống mới của họ.

Vĩnh Phúc: Ngay sau khi Chủ tịch nước đọc thư chúc Tết, bầu trời thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc rực sáng ánh pháo hoa muôn hồng ngàn tía.

Tại thành phố Vĩnh Yên, hàng chục ngàn người đổ về các quảng trường lớn như Vườn hoa Trung tâm, Nhà Văn hoá thể thao,quảng trường UBND tỉnh, hồ Đống Đa ,hồ Hoàng Quy, hồ Cống Tỉnh, đại lộ Hùng Vương, đại lộ Hai Bà Trưng... cùng nhau đón Xuân.

Đoàn ca múa nhạc thuộc Sở Văn hoá thông tin dựng sân khấu ngoài trời ngay tại Quảng trường trung tâm và hoạt động ngay từ 21h với các tiết mục độc đáo, hấp dẫn.

Không chỉ thành phố Vĩnh Yên hay thị xã Phúc Yên mà các vùng xa xôi hẻo lánh như các xã Quang Yên, Sáng Sơn, huyện miền núi Lập Thạch, Đại Đình, Bồ Lý, Đạo Trù huyện miền núi Tam Đảo cũng rực ánh điện quang. Tuy dòng người lưu chuyển rất đông nhưng nhờ các lực lượng chức năng làm tốt công điều hành giao thông trật tự, không xảy ra tắc đường .

Ninh Bình: Tuy tiết trời lạnh giá, nhưng vào giờ giao thừa hàng ngàn người đã có mặt tại khu vực nhà thi đấu thể thao tỉnh theo dõi màn pháo hoa rực rỡ kéo dài 15 phút.

Đây là năm đầu tiên tỉnh đạt kỷ lục thu ngân sách gần 1.400 tỷ đồng nên nhiều đơn vị tham gia đóng góp kinh phí cho màn bắn pháo hoa tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong giờ phút chuyển sang năm mới.

Trên các tuyến đường phố, mật độ xe cộ rất đông nhưng đảm bảo được trật tự, an toàn. Lực lượng cảnh sát giao thông đã kịp thời xử lý hàng chục trường hợp phóng nhanh vượt ẩu qua các ngã tư. Trật tự, an ninh trong lúc giao thừa được bảo đảm, chưa thấy có hiện tượng đốt pháo nổ trên địa bàn thành phố.

Sau khi xem bắn pháo hoa, rất nhiều thanh niên nam nữ đã đến các chùa Non Nuớc, Phúc Chỉnh dâng hương, hái lộc. Các lực lượng bảo vệ cũng tăng cường tuần tra để mọi người không bẻ cành cây lộc để làm hư hỏng cảnh quan môi trường cây xanh trên đường phố. Phút giao thừa trôi qua an bình, vui vẻ.

MỚI - NÓNG