Sơn nữ chinh phục chính khách Hoa Kỳ

Sơn nữ chinh phục chính khách Hoa Kỳ
TP - Xong ân tình với gia đình GS Papert, hoàn thành một tuần lễ hoạt động của các cựu binh Mỹ tại Việt Nam, Thảo lại được tham gia thu xếp cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và GS Nicholas Negroponte nhân dịp Thủ tướng tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) ở Davos, Thụy Sỹ,  tháng 1/2007.

Cuộc gặp xác định khả năng đưa One Laptop Per Child vào Việt Nam, một chương trình – nếu triển khai – sẽ cải thiện đáng kể khả năng tiếp cận thông tin của hàng triệu thanh thiếu niên ta.

… Lần đầu tiên trong ngân sách tài chính năm 2007 của chính quyền Mỹ, xuất hiện một khoản chi dù vô cùng nhỏ, ba triệu USD, cho các hoạt động khắc phục hậu quả về môi trường và sức khỏe ở những khu vực bị ô nhiễm dioxin ở Việt Nam, điều mà hơn 30 năm qua, các thế hệ chính quyền Mỹ luôn phủ nhận và lảng tránh.

Thảo là người góp phần nhỏ thêm giọt cuối cùng vào ly nước đầy ắp từ lâu để cho nó tràn ra vào ngày 26/5/2007, thời điểm khoản chi bổ sung ba triệu USD được Tổng thống George W.Bush chính thức phê duyệt.

Vận động hành lang thông qua quan hệ thân hữu với Tim(*) chính là cú hích cuối cùng, là điều kiện đủ để thực hiện điều kiện cần mà hàng triệu nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam tạo nên không mệt mỏi hàng chục năm qua: Đòi chính quyền Mỹ phải thực thi công lý.

Tháng 6/2006, Thảo từ Mỹ về Việt Nam để chuẩn bị tài liệu cho luận văn về chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam. VVAF gợi ý, dịp này, sao đích thân Thảo không khởi động chương trình hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam cho VVAF.

Sơn nữ chinh phục chính khách Hoa Kỳ ảnh 1
Thảo đến từng nhà nạn nhân chiến tranh thu thập thông tin cho cuộc vận động hành lang (tại một gia đình nạn nhân ở tỉnh Nam Định)

Kiểm điểm lại những lần gặp gỡ trao đổi với Tim, Thảo đặt đi đặt lại câu hỏi liệu mình có thể thuyết phục được người bạn lớn tuổi này không. Để thuyết phục, phải chuẩn bị những gì, nói thế nào, ở đâu, bao giờ? Đã đến lúc chín muồi để nhỏ giọt nước cuối cùng chưa? Rồi tiếp cận ra sao, có cần ai yểm trợ không?.v.v..

Cuộc biểu tình chống chiến tranh Iraq ngày 24/9/2005, lớn nhất ở thủ đô Washington kể từ khi Mỹ và đồng minh tấn công Iraq năm 2003. Thảo nhớ rõ việc cô rủ Tim và bạn của ông như thế nào, Tim đồng ý và tham gia nhiệt tình cùng 300.000 người cho đến cuối ra sao.

Thảo còn nhớ câu trả lời của Tim khi cô hỏi cuộc biểu tình quy mô lớn như thế, lần đầu tiên sau nhiều năm trên khu phố bao quanh Tòa Bạch Ốc, liệu có gây tác động nào đến chính sách của chính quyền Hoa Kỳ hay không.

Tim, người hồi đó đã làm việc lâu năm trong Thương viện, nhận định: “Quy mô này chưa đủ lớn để gây tác động. Cần nhiều người hơn nữa như chúng ta từng phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam”.

Thực tế chứng minh tiên đoán của Tim: Ngay cả khi Đảng Dân chủ thắng thế trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2006, chính sách của ông Bush thay đổi cũng không bao nhiêu.

Thảo hồi tưởng từng chi tiết, cử chỉ, lời nói của Tim trong cuộc nói chuyện phiếm mang màu sắc chính trị lần ấy và một số lần khác nữa. Cô lờ mờ nhận ra, các quyết định chính trị mà Tim đưa ra phải được thực hiện trên cơ sở có đầy đủ tư liệu thuyết phục phản ánh không chỉ cả một quá trình mà cả hiện tại.

Sự già dặn trên chính trường không cho phép Tim đưa ra một đề xuất không có lợi cho đảng mình hoặc có nguy cơ không được thông qua.

Tình bằng hữu khiến cô nhập vai thuyết khách suôn sẻ khi đặt vấn đề với Tim. Tháng 9/2006, ở quê nhà, Thảo điền dã một loạt tỉnh Thái Bình, Nam Định, Quảng Nam, và Đà Nẵng, thăm hàng trăm gia đình nạn nhân. Cô thu thập thông tin nóng nhất ở những nơi từng là chiến trường ác liệt.

Tình cờ gặp chị Hiền, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nạn nhân Chất độc Da cam TP Đà Nẵng, từ Đà Nẵng ra Hà Nội họp, tôi được chị kể  về cuộc gặp đầu tiên của chị với Thảo ở Đà Nẵng. Nghe nói có cuộc bàn giao nhà tình thương cho gia đình nạn nhân da cam/dioxin, Thảo xin đi luôn trên quãng đường sông 30 km.

“Tôi lo sốt vó. Lỡ thuyền lật thì sao?”, chị Hiền giọng đặc miền Trung với nước da trắng và nét mặt ưa nhìn, nói. “Tới nhà nào, cô ấy cũng khóc. Cô ấy bỏ tiền túi ủng hộ nạn nhân, ủng hộ xây nhà tình thương cho gia đình nạn nhân.

Đêm ấy, cô ấy ra ngay sân bay Đà Nẵng, lên chuyến cuối cùng trước khi sân bay đóng cửa để tránh cơn bão Sansane”.

Sau những ngày thực địa, Thảo tranh thủ thư cho Tim để ông hiểu về chuyện của những gia đình cô gặp trong ngày. Trở lại Mỹ, cô trò chuyện với Tim bằng lời lẽ của bạn bè.

Sơn nữ chinh phục chính khách Hoa Kỳ ảnh 2

Thảo chờ phà qua sông thăm gia đình người khuyết tật ở Đà Nẵng

Có vẻ cũng thấm nhuần phương ngôn Nga mà nữ TS Susane truyền cho Tổng thống Ronald Reagan khi còn đương chức -  Tin tưởng nhưng phải kiểm chứng, bạn thân thiết của Thảo quyết định bay sang Việt Nam.

Tháng 12/2006, Tim cùng đoàn cựu binh Mỹ sang Việt Nam, tận thấy những thay đổi của một Việt Nam hậu chiến. Điều Thảo mong đợi nhất lờ mờ hiện ra. Tim thổ lộ, thực tình ông cũng thấy nhu cầu hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chất độc dioxin và cần sớm xúc tiến.

Cô còn gặp Bobby Muller, cố tri của thượng nghị sỹ John Kerry quyền lực và là Chủ tịch VVAF ở Mỹ, để nghe hướng dẫn các đường đi nước bước tiếp theo. Đắn đo, cân nhắc, thảo luận. Cuối cùng, Tim làm tờ trình đề nghị bổ sung ngân sách lên lưỡng viện Quốc hội. Đệ trình được duyệt ngay và chuyển sang chính quyền Bush để thực thi.

Lại vận động hành lang

Trong thư ngày 21/12/2007, ông Chủ tịch Quỹ cựu Chiến binh Mỹ Bobby Muller viết gửi  Tiến sỹ Charles Bailey của Quỹ Ford, ghi nhận vai trò vận động hành lang của Thảo đối với vụ phê chuẩn ngân sách lịch sử khởi động dự án hỗ trợ nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam.

Khoản chi bổ sung ba triệu USD cho năm tài chính 2007 trên cơ sở chuẩn chi của Quốc hội Mỹ đánh dấu thắng lợi bước đầu có ý nghĩa cực kỳ quan trọng của cuộc đấu tranh không mệt mỏi của nạn nhân da cam Việt Nam.

 Khoản chi nhỏ nhoi đó tạo tiền lệ để, các năm tài chính tiếp sau, Quốc hội và chính quyền Mỹ mặc định phê duyệt với các mức chi khác nhau.

Hiềm nỗi, năm tài chính 2008 Quốc hội Mỹ cắt giảm viện trợ chương trình hành động bom mìn nhân đạo ở ba nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia) do nhu cầu tăng tài trợ cho Afghanistan và Iraq trong tổng ngân sách cho các hoạt động hải ngoại năm 2008 hơn 34 tỷ USD.

Điều chỉnh này ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách dự án khảo sát và đánh giá tác động của bom mìn vật nổ còn sót lại sau chiến tranh do Bộ Quốc phòng Việt Nam thực hiện, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Quỹ cựu Chiến binh Mỹ, do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ.

Tháng 11/2007, Thảo lại viết thư cho Tim Rierse, phân tích khía cạnh chính trị của dự án như giúp giải quyết vấn đề lịch sử của chiến tranh để lại và đóng góp cho quan hệ quốc phòng song phương. Đọc thư viết cho Tim, tôi còn thấy cô nâng quan điểm.

Đại loại, dự án là phép thử quan hệ quốc phòng song phương, mối quan hệ trước khi có dự án khảo sát bom mìn (năm 2001) vẫn có trao đổi nhưng chỉ làm đâu xong đấy chứ chưa thành kế hoạch dài hơi.

Theo gợi ý của Chủ tịch VVAF Bobby Muller, cuối tháng 11/2007, Thảo thu xếp sang Mỹ hai tuần. Tại văn phòng của Tim trong tòa Quốc hội Mỹ, Tim nói: “Thảo ạ, tôi biết có chuyện cắt giảm đáng kể ngân sách cho chương trình hành động bom mìn nhân đạo ở ba nước Đông Dương năm tài khóa 2008. Không thể chấp nhận được.

Tôi không hứa được bất cứ điều gì nhưng chắc chắn sẽ xem xét lại ngân sách cho chương trình hỗ trợ nhân đạo về hành động bom mìn của ba nước trong bảng ngân sách bổ sung năm tài chính 2008”.

(*) Tim Rierse – Tổng thư ký Tiểu ban phân bổ ngân sách, Ủy ban đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ

---------------------

(Còn nữa)

Quốc Dũng

MỚI - NÓNG