Kosovo tuyên bố độc lập - Một tiền lệ nguy hiểm!

Kosovo tuyên bố độc lập - Một tiền lệ nguy hiểm!
TP - Dẫu việc tuyên bố độc lập trái với Nghị quyết 1244 của Hội đồng Bảo an LHQ này được Mỹ và một số nước châu Âu ủng hộ, dư luận thế giới đang tỏ ra đặc biệt lo ngại trước tiền lệ nguy hiểm cổ súy cho phong trào ly khai trên toàn thế giới này.

>> Phản ứng của thế giới trước tuyên bố độc lập của Kosovo

Theo kế hoạch độc lập được đặc phái viên LHQ Martti Ahtisaari soạn thảo và đã được Nghị viện Kosovo thông qua, tuyên bố độc lập sẽ chính thức có hiệu lực sau 120 ngày – gọi là thời hạn chuyển tiếp.

Cho đến đêm 18/2, cuộc họp của các Ngoại trưởng EU tại Brussels (Bỉ) bàn về việc công nhận độc lập của Kosovo vẫn chưa kết thúc.

Theo đó, gần như chắc chắn chỉ có Anh, Pháp, Italy và Đức công nhận nền độc lập của Kosovo. CH Síp, Romania, Slovakia, Tây Ban Nha, Bulgaria và Hy Lạp vẫn giữ thái độ phản đối cứng rắn tuyên bố độc lập của tỉnh thuộc CH Serbia này. Những quốc gia còn lại thuộc EU giữ thái độ thận trọng hoặc lưỡng lự.

Việt Nam ủng hộ việc giải quyết vấn đề Kosovo theo Nghị quyết 1244 của HĐBA LHQ

Ngày 18/2, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về việc ngày 17/2, Kosovo tuyên bố độc lập, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Dũng nêu rõ:

“Việt Nam luôn quan tâm sát sao những diễn biến tình hình xung quanh vấn đề Kosovo và mong muốn các bên liên quan đối thoại, thương lượng để giải quyết những bất đồng nhằm đạt được một giải pháp toàn diện cho vấn đề Kosovo bảo đảm lợi ích chính đáng của các dân tộc liên quan vì hòa bình bền vững ở Châu Âu và trên thế giới, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó có nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.

Việt Nam ủng hộ việc giải quyết vấn đề Kosovo theo Nghị quyết 1244 ngày 10/6/1999 của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã được sự đồng ý của các bên liên quan.

Nghị quyết 1244 đòi hỏi giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Kosovo cần thực sự có sự tự quản cho Kosovo, đồng thời cần xem xét đầy đủ các nguyên tắc về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Cộng hòa Liên bang Nam Tư (nay là Cộng hòa Xéc-bia) và các nước khác trong khu vực. Việc Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập là không thực hiện đúng Nghị quyết 1244 của Hội đồng bảo an, làm căng thẳng thêm tình hình ở Kosovo và khu vực Ban - căng.

Việt Nam kêu gọi các bên kiềm chế và tiếp tục phấn đấu với sự đóng góp của cộng đồng quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc, vì một giải pháp chính trị toàn diện, bền vững, đáp ứng mong đợi chung của các dân tộc ở khu vực Ban - căng và cộng đồng quốc tế”.

Mối bất đồng sâu sắc xung quanh tuyên bố độc lập của Kosovo cũng đã diễn ra tại Hội đồng Bảo an LHQ. Nga khẳng định tuyên bố độc lập của Kosovo là “hoàn toàn vô giá trị”.

Đại sứ Nga tại LHQ nói không hề có cơ sở nào để thay đổi nghị quyết năm 1999 của Hội đồng Bảo an LHQ về vấn đề Kosovo.

Giữ lập trường cứng rắn trước tuyên bố độc lập của Kosovo như vậy vì hơn ai hết, nước Nga đã trải qua quá nhiều mất mát, đau thương khi phải đương đầu với quân ly khai Chechnya và những tổn thất mà quân ly khai gây ra tại nước CH thuộc Nga này.

Cùng với việc Kosovo tuyên bố độc lập “thuận buồm, xuôi gió”, Nga cảnh báo về phong trào ly khai nổi lên ngày càng mạnh mẽ tại vùng Abkhazia mà Nam Ossetia tại Gruzia.

Tây Ban Nha cũng có lý do để phản đối mạnh mẽ tuyên bố độc lập này. Chính quyền nước này cũng đã quá mệt mỏi khi đối phó với lực lượng ly khai ETA xứ Basque.

Người dân Tây Ban Nha cũng đã phải đổ nhiều máu trong cuộc chiến chống lực lượng ly khai này. Trung Quốc cũng bày tỏ sự “quan ngại sâu sắc” trước tuyên bố độc lập của Kosovo, đồng thời thúc giục chính quyền tỉnh này đối thoại với chính quyền trung ương Serbia.

Thủ tướng Serbia Vojislav Kostunica gọi Kosovo là “quốc gia sai trái”, đồng thời lên án sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với tuyên bố độc lập của Kosovo là “sẵn sàng giẫm đạp lên luật pháp quốc tế vì lợi ích quân sự của mình”.

Rõ ràng, một nguy cơ tiềm ẩn xung đột giữa người Serbia và người Albania ngay chính tại Kosovo có thể bùng nổ bất cứ lúc nào sau khi tỉnh này tuyên bố độc lập. Lực lượng NATO đã nâng cao mức báo động về an ninh, đặc biệt tại những vùng có 2 dân tộc này sinh sống.

Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu lực lượng này có thể đảm bảo an ninh ở những vùng dễ xảy ra xung đột như thành phố lớn phía Bắc tỉnh Kosovo Mitrovica, nơi người Serbia ở phía Bắc và người Albania thiểu số sống ở phía Nam sông Ibar? 

MỚI - NÓNG