Quốc tế chia rẽ trước tuyên bố độc lập của Kosovo

Quốc tế chia rẽ trước tuyên bố độc lập của Kosovo
TP - Một ngày sau khi cơ quan lập pháp Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia, Liên Hợp Quốc (LHQ) và Liên minh Châu Âu (EU) thể hiện rõ sự chia rẽ sâu sắc về vấn đề độc lập của Kosovo.

Hội đồng Bảo an thường trực LHQ có 5 nước thành viên gồm Nga, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp thì 3 nước gồm Anh, Pháp, Mỹ đã lên tiếng ủng hộ việc tỉnh Kosovo tách ra khỏi Serbia. Nga và Trung Quốc phản đối việc Kosovo trở thành một nhà nước độc lập.

Sự chia rẽ này tự nó đã chứng tỏ việc Kosovo tuyên bố độc lập không được LHQ công nhận, vì vậy việc làm đó là bất hợp pháp. Điều này cũng cho thấy trong thời gian tới sẽ không có nghị quyết nào của Hội đồng Bảo an về việc công nhận hay phản đối việc tuyên bố độc lập của Kosovo.

Phía Nga đã khẳng định rằng Kosovo dù có tự tuyên bố độc lập thì cũng không bao giờ trở thành một quốc gia hợp pháp vì Matxcơva sẽ luôn giữ quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an.

Ngày 19/2, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice về vấn đề độc lập của Kosovo. Ông Lavrov đã cảnh báo người đồng cấp Mỹ rằng việc tuyên bố độc lập của Kosovo gây nguy hiểm cho sự ổn định quốc tế.

Nga và Trung Quốc thuộc phía đông bán cầu cùng nhiều nước khác từng ủng hộ Nghị quyết 1244 của Hội đồng Bảo an LHQ về việc đưa lực lượng quốc tế vào giữ gìn hòa bình ở Kosovo.

Nghị quyết 1244 được LHQ thông qua sau chiến dịch NATO do Mỹ đứng đầu tiến hành không kích tỉnh Kosovo và toàn cõi Nam Tư  hồi năm 1999 để đẩy quân đội Serbia khỏi tỉnh có đến 90% dân số là người Hồi giáo gốc Albania này.

Một số nước phương Tây như Mỹ, Anh, Pháp, Đức ủng hộ nền độc lập được giám sát ở Kosovo. Theo đó, EU cử 2.000 nhân viên tới tham gia các hoạt động quản trị Kosovo trong khi lực lượng NATO được duy trì tại đây để đảm bảo an ninh.

Mỹ và một số nước phương Tây cho rằng Nghị quyết 1244 chỉ cho phép đặt Kosovo dưới sự ủy trị của LHQ đồng thời cho phép sự có mặt của quân đội quốc tế tại đó chứ không hề cấm tỉnh này trở thành quốc gia độc lập.

Ngày 19/2, Tổng thống Serbia Boris Tadic đã đến tận Hội đồng Bảo an ở New York để đọc bài phát biểu phản đối việc Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia, khẳng định tuyên bố của Hội đồng lập pháp Kosovo về độc lập khỏi Serbia là vi phạm luật pháp quốc tế.

Các đại diện của Nga và Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an bày tỏ ủng hộ quan điểm của Serbia do Tổng thống Boris Tadic đưa ra. Trong khi đó đại diện Anh tại Hội đồng Bảo an thì cho rằng do Belgrade và Pristina không thể tái hòa hợp được với nhau, cách duy nhất còn lại là giám sát nền độc lập của Kosovo.

Những nước đã lên tiếng ủng hộ độc lập của Kosovo gồm: Mỹ, Đức, Pháp, Ý, Anh, úc, Thổ Nhĩ Kỳ, Albania, Afghanistan.

Những nước phản đối gồm: Nga, Tây Ban Nha, Romania, Slovakia, đảo Síp

Quan điểm với Anh, lập trường của Mỹ là công khai ủng hộ Kosovo tách ra khỏi Serbia. Tổng thống Mỹ George W.Bush đang trong chuyến thăm châu Phi đã bày tỏ sự ủng hộ việc Kosovo tuyên bố độc lập.

Trước đó, ông Bush đã gửi một lá thư riêng cho người đứng đầu Kosovo Fatmir Sejdiu khích lệ những bước đi dẫn đến việc tách tỉnh Kosovo ra khỏi Serbia để trở thành một quốc gia độc lập.

Trong một bài diễn văn đọc tại Tanzania ngày 19/2, Tổng thống George W. Bush khẳng định Mỹ sẽ sớm thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ đối với Kosovo.

Mâu thuẫn trong EU

Việc Kosovo với dân số 2 triệu người tuyên bố độc lập khỏi Serbia hôm 17/2 cũng khiến EU trở nên bất đồng sâu sắc. Một số nước thành viên lớn của EU gồm Anh, Pháp, Đức, Ý đã lên tiếng  ủng hộ Kosovo trở thành một quốc gia độc lập bất kể điều đó có được Hội đồng Bảo an LHQ công nhận hay không.

Các nước này khẳng định quan điểm của họ công nhận Kosovo là một nhà nước đầy đủ. Trong khi đó một số nước khác trong EU như Tây Ban Nha, Slovakia, quốc đảo Síp phản đối việc Kosovo tách ra khỏi Serbia.

Do 27 quốc gia EU không tìm được tiếng nói chung về ủng hộ hay phản đối trước việc Kosovo tuyên bố độc lập, cuối cùng tại một hội nghị của EU tổ chức hôm 18/2 tại Brussels (Bỉ), tất cả 27 Bộ trưởng Ngoại giao EU đành phải đi đến thỏa thuận thừa nhận việc đang tồn tại sự khác biệt về quan điểm giữa các quốc gia thành viên EU về Kosovo.

Thỏa thuận này nói rằng việc công nhận hay không công nhận Kosovo là một nhà nước độc lập là do mỗi quốc gia thành viên EU tự quyết định trên cơ sở quan hệ song phương giữa nước đó với Kosovo.

Serbia khởi tố vụ án hình sự

Ngay sau khi nghị viện Kosovo tuyên bố tỉnh này độc lập khỏi Serbia, Bộ Nội vụ Serbia đã khởi tố các tội hình sự đối với các nhà lãnh đạo gốc Albania ở Kosovo với tội danh thành lập “nhà nước sai trái” trên lãnh thổ Serbia.

Tại thủ đô Belgrade của Serbia, trong hai ngày 18-19/2 hơn 10.000 sinh viên xuống đường tuần hành phản đối việc Kosovo độc lập. Tại các khu vực của người Serbia sinh sống ở tỉnh Kosovo, hàng nghìn người tụ tập phản đối tuyên bố nói trên của hội đồng lập pháp Kosovo.

Nhiều xe hơi tại thành phố Mitrovica bị đốt cháy. Ngày 19/2, một số người Serbia tức giận đã ném lựu đạn vào tòa nhà văn phòng của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu ở Kosovo.

Nguyễn Đại Phượng
Tổng hợp

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.