Tấp nập ngày thơ Việt Nam lần thứ 6

Tấp nập ngày thơ Việt Nam lần thứ 6
TPO - Sáng ngày Tết Nguyên tiêu Mậu Tý 2008 tại sân Thái Miếu và sân nhà Thái Học những nhà thơ, những người yêu thơ đủ mọi lứa tuổi lại có dịp được say thơ và giao lưu với những nhà thơ yêu thích.

Ấn tượng trình diễn thơ

Với các nhà thơ trẻ như Dạ Thảo Phương, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh và nhà thơ "già" Dương Tường thì trình diễn thơ đối với họ không phải là mới. Từ năm 2006 đến nay, Hội đồng Anh và Trung tâm Văn hóa Pháp đã tạo cơ hội cho họ được trình diễn và có khán giả.

Nhưng năm nay, trình diễn thơ lại mới - Mới vì được trình diễn vào đúng Ngày Thơ. Mới vì họ đổi mới chính họ.

Ngay trong Chiều buông những tiếng thở dài... Dương Tường đã được các bạn trẻ yêu thơ biết đến như một nhà thơ "thị giác". Ông xuất hiện trên sân khấu vứt phịch cái túi, cởi phăng hai áo khoác rồi rút ra một cuộn giấy vệ sinh. Trong đó đã ghi đầy những dòng thơ bằng bút dạ màu xanh.

Ông kết hợp diễn thơ cùng với Phan Huyền Thư và Dạ Thảo Phương. Giấy vệ sinh "thơ" quấn đầy người, Dương Tường im lặng làm các động tác, còn hai người đẹp vây lấy ông rồi cất giọng đọc Tôi là đàn bà...

Nhạc sĩ - Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến được các bạn trẻ tung hô bằng những tiếng pháo tay và hú huýt. Họ thích anh vì những bài hát độc, họ thích anh vì... lắm chức danh. Đến với Ngày thơ Việt Nam lần thứ 6 này, Nguyễn Vĩnh Tiến lại "thét" thơ mình trên nền nhạc cổ.

Anh trình bày tất cả 3 bài, có cả bài anh sáng tác từ năm 1994, nhưng được hát như làn điệu ca trù, đệm nhạc bằng cây đàn đáy và còn có cả biểu diễn hip-hop "nhẹ nhàng" (không nhạc) phụ họa.

Dạ Thảo Phương kết hợp với Minh Anh để trình diễn trên hai chiếc ghế băng bằng gỗ dài... 4,5 m. 3 người đẹp... ngân nga những câu thơ trong chiếc áo nâu sồng dài cách tân, "đánh" cùng quần bò.

Vi Thùy Linh chọn 2 bài thơ về ngôi nhà và mùa yêu... ít sex, cùng diễn bên cạnh một diễn viên múa nam trong tiếng đàn violin réo rắt.

Tóm lại, khán giả phải vận dụng thính giác, thị giác để "thẩm thấu" những bài thơ, mà có lẽ nó giống hệt như một "vở kịch, một đoạn diễn, hay một câu chuyện có phác họa".

Chưa kể, những đoạn trình diễn của các nhà thơ ấn tượng quá, những tay săn ảnh, phóng viên và một số khán giả xô hết lên sân khấu để xem. Những khán giả còn lại phải huy động cả chân (tức kiễng), nhảy phắt lên ghế với mong muốn... thưởng thức (!).

Tấp nập ngày thơ Việt Nam lần thứ 6 ảnh 1
Nhà thơ Vân Long dù đang nằm viện vẫn tới Ngày Thơ để được đứng trước sân khấu... đọc thơ. Ảnh: H.T

Bên lề

Hai sân thơ hoạt động song song, nên khán giả đôi lúc cứ phải nhộn nhịp vào ra hết hai sân để nghía chỗ này và thưởng chỗ kia đôi chút. Ngay cả nhà thơ - Bùi Tuyết Mai, nhà thơ nữ người Mường, mới trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2007 - cũng phải chạy xô.

Vừa thấy chị trong trang phục dân tộc, tóc dài đến tận khoeo chân thả vắt ra phía trước, xuất hiện bên sân đọc thơ ở Thái Miếu, đã thấy MC Hữu Việt giới thiệu chị lên trình diễn thơ ở sân nhà Thái Học.

MC Phong Điệp, có trang web văn thơ riêng, năm nay không có dịp được đọc hay trình diễn thơ của mình, nhưng chị rất linh hoạt và đặt các câu hỏi vô cùng hóm hỉnh dành cho các nhà thơ.

Phía ngoài Văn Miếu những ông đồ vẫn bán... chữ, bên trong thì các nhà xuất bản đua nhau bán thơ, sách. Có cả dịch vụ vẽ chân dung siêu tốc ngay trong... sân thơ.

Khách đến nghe thơ, thưởng thơ, xem thơ đồng thời vẫn có cơ hội được trổ tài họa thơ. Họ được phát những bài thơ về chuột cũ để họa lại, thêm nữa hoàn thành thêm một vế đối còn thiếu, đúng hình thức sinh hoạt thơ phú cổ xưa.

Phút xúc động

Kết thúc buổi sáng, như một điểm lặng trong ngày thơ tưng bừng. Phút nhả thơ, trong không khí trang nghiêm, không tiếng nhạc, chỉ những câu thơ được xướng lên đầy cảm xúc.

50 câu thơ xuất sắc trong lịch sử thi ca Việt Nam qua cuộc bình chọn của Ban tổ chức đã được nhả lên trời bằng những quả bóng bay như kính dâng hương hồn các cố nhà thơ.

Mặc dù còn "Tổ chức thiếu khoa học" như nhận xét của một nhà thơ, khiến người tham dự không thể biết quá trình buổi lễ cũng như đánh đố người xem khi không đưa ra một thông cáo chương trình cụ thể nhưng đến giữa Ngọ, bất chấp cái nắng mới của ngày xuân, khán giả đầu trần vẫn ngồi xem thơ và chờ đợi phần giao lưu tại sân nhà Thái Học, Thơ và Hát.

Ban tổ chức không lường hết được số lượng người đến tham gia dẫn đến tình trạng chen chúc, xô đẩy rất nhiều nhà thơ lão thành, hay các cụ yêu thơ Việt đã phải... ngồi đất xem thơ.

Khởi nguồn từ bài thơ Rằm Nguyên tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ngày Thơ Việt Nam, cho đến nay, đã tròn 6 năm tuổi. Thơ ca Việt Nam, các nhà thơ Việt Nam, những người yêu thơ Việt Nam vẫn khắc sâu những gì Người tâm niệm: Thơ ca luôn gắn bó khăng khít với tình yêu và lòng tự hào dân tộc. Trong ngày hội Nguyên tiêu này, hình ảnh của Người lại thân thương sống lại qua giọng thơ của nghệ sỹ Mạnh Hưng với bài: Chúng ta chiến đấu cho Người sống mãi, Việt Nam ơi!.

Hội thơ Nguyên tiêu - thời điểm để nhìn lại một năm qua đi của thơ ca Việt Nam, không chỉ là ngày tôn vinh thơ ca, tôn vinh các nhà thơ và những đóng góp của họ cho thơ ca nước nhà, mà quan trọng hơn, đó là ngày mà các nhà thơ và những người yêu thơ có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với nhau, đọc cho nhau nghe đôi vần thơ của mình, như một lời chào, một lời tri ân, một khối tâm tình trĩu nặng với độc giả.

Có những nhà thơ đã lớn tuổi như: Bằng Việt, Trần Ninh Hồ, Hoàng Trần Cương; có nhà thơ trẻ như Nguyễn Việt Chiến, Tằng A Tài; có những nhà thơ nữ như Kim Hoa, Tuyết Mai, Đạo Tĩnh, có những nhà thơ người dân tộc thiểu số như Tuyết Mai, Pờ Sào Mìn… cho dù ở những miền đất xa xôi như Nghệ An, như Hòa Bình, các nhà thơ cũng “lặn lội” đường dài mong ngày hội ngộ của những áng thơ.

Về thơ, nhà thơ Trần Ninh Hồ nói: “Thơ là cuộc đại mộng, còn trí tuệ thể hiện ở đại giác. Trí tuệ lớn mới có cảm xúc lớn. Ấy là trí tuệ của con tim”.

Nhà thơ Pờ Sào Mìn (dân tộc Hơ-rí), vốn nổi tiếng với câu thơ Dân tộc tôi như cái cây có hai nghìn chiếc lá, không quản đường xa để tới Ngày Thơ. Ông nói: “Vì cả đêm nằm trên tàu, vừa mới tới đây nên trông tôi mới phờ phạc thế này, nhưng gặp các nhà thơ và các bạn yêu thơ thế này thì vui đến quên cả mệt”.

Ngày Thơ, ấy là ngày đất nước “hẹn” lời tri ân với Thơ và Nhà thơ, ấy là ngày các nhà thơ “hẹn” lời gặp mặt, cũng là ngày người yêu thơ được thực sự thưởng thức món ăn tinh thần nuôi dưỡng tâm hồn họ.

MỚI - NÓNG