Vụ bao chiếm đất rừng ở Kiên Giang, quan chức cũng xí phần

Vụ bao chiếm đất rừng ở Kiên Giang, quan chức cũng xí phần
TP- Về vụ hàng trăm hộ dân trong và ngoài huyện An Minh (Kiên Giang), đổ xô vào rừng phòng hộ tại tiểu khu I, xã Đông Hưng B bao chiếm đất, chặt phá cây tràm, dựng nhà trái pháp luật…, được biết, hàng chục quan chức cũng có phần.

Ngày 21/2, với sự hỗ trợ của công an và ngành chức năng, lực lượng kiểm lâm huyện An Minh đã vào trong rừng sâu, tiếp cận được một số hộ dân phá rừng, làm nhà trái phép.

Tuy nhiên trong suốt buổi sáng qua, chỉ có 3 biên bản về hành vi bao chiếm đất rừng trái phép và hủy hoại tài nguyên rừng được lập nhưng đều không được các đương sự thừa nhận.

Khi đoàn công tác đến nhà bà Quách Thị Lan (55 tuổi, ngụ tại ấp kinh 5, xã Đông Hưng B), bà hất hàm nói: “Mấy chú hỏi tên tôi làm gì? Cả bốn, năm trăm hộ cất nhà chứ riêng gì mẹ con tôi đâu mà lập biên bản. Tôi không ký đâu, ký là sai hợp đồng (ý nói đã thống nhất từ trước - TG).

Cái nhà này cất tập thể lâu rồi nhưng đâu có ai ngăn cản gì đâu. Nhà tôi 2 vợ chồng 4 đứa con, không có đất, cả nhà đi làm mướn. Đất thì cấp cho cán bộ hết, cấp xong họ sang bán mấy trăm triệu. Đất lâm nghiệp xưa nay người dân ai dám đụng đến, nhưng thấy cán bộ làm sai trái dân mới làm bậy”. 

Cách vị trí ngôi nhà nhỏ của bà Lan cất bất hợp pháp khoảng 30m, là ngôi nhà lá khá rộng nằm cạnh khu rừng tràm. Anh Trịnh Chí Linh nói: “Cha con tôi trông coi khu đất rừng 40 ha này cho ông Tâm (Nguyễn Văn Tâm), Chủ tịch UBND huyện An Minh và ông Hai Hùng (cán bộ Công an tỉnh).

Tiền công 300 ngàn đồng/tháng, ngoài ra tôi được trồng và thu hoạch chuối trên bờ bao, bắt cá, ong rừng. Tuy nhiên mấy tháng qua dân bên ngoài vào quậy quá, bắt hết cá, lấy hết mật ong rừng(!?)”.

Khi đoàn kiểm tra lập biên bản vi phạm đối với anh Hoàng Văn Đảo và Nguyễn Văn Thái, cả 2 người này đều nói rằng “Nhà của người khác cất, họ không biết, không vi phạm chặt phá rừng. Thậm chí họ còn nói: “Chúng tôi ở đây để chờ được giải quyết”.

Rõ ràng chính quyền và ngành chức năng huyện An Minh đang phải đối mặt với những thách thức từ cuộc phân chia đất rừng có tổ chức khá chặt chẽ, quy mô lớn này. Những hành vi vi phạm của người dân đang được ngụy biện từ những nguyên nhân khác cộng với thái độ vòng vo bất hợp tác của họ.

Chủ tịch UBND xã Đông Hưng B, ông Nguyễn Minh Việt cho biết: “Số người tỉnh khác về chiếm đất đã giảm, nhưng số lượng nhà chòi vẫn đang mọc lên hàng ngày, hàng đêm. Hiện đã có khoảng 200 chiếc nhà, mỗi cái khoảng 12m2 được cất lên trong rừng phòng hộ trên đất đã được giao khoán trước đó.

Dọc các tuyến kinh Ngang, kinh Đứng, kinh 11, 28 và 29 đều đã có nhà mọc lên. Gỗ dựng nhà được chặt từ rừng tràm ngay tại chỗ, lá lợp được vận chuyển lén lút qua các tuyến kinh vào ban đêm”.

Chúng tôi thấy cách chốt kiểm lâm số 29 của huyện An Minh chừng 25m mọc lên một khung nhà bằng tràm còn tươi rói, nó chỉ mới vừa được dựng lên vài ngày. Điều này chứng tỏ người dân quá liều lĩnh, coi thường pháp luật, trong khi ngành kiểm lâm huyện quá thờ ơ.

Nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng vì cán bộ kiểm lâm có nhiều đất rừng nên dân bất chấp? Danh sách 50 hộ giao khoán đất rừng sai quy định chúng tôi có được hầu hết là cán bộ kiểm lâm và cán bộ xã, huyện An Minh.

Việc người dân tiếp tục vào rừng dựng nhà, chiếm đất trong những ngày tới là khó tránh khỏi nếu không có biện pháp thật kiên quyết của chính quyền.

Chiều qua (21/2), khi chúng tôi vừa ra khỏi cửa rừng thì có rất nhiều ghe thuyền của người dân đang tụ tập ở bên ngoài. Vật liệu lá lợp cũng đã sẵn sàng xếp sẵn 2 bên sông.

Trong khi đó các đối tượng cầm đầu vẫn lén lút xúi giục người dân làm điều sai trái. Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang hứa sẽ kiên quyết xử lý những hành vi sai phạm của những người quá khích, và cũng sẽ xử lý nghiêm cán bộ vi phạm để làm gương.

Những cán bộ nhận giao khoán đất rừng sai quy định chưa được xử lý

Năm 2007, Thanh tra tỉnh Kiên Giang đã từng “khui” ra hàng loạt cán bộ nhận giao khoán đất rừng tại An Minh sai quy định, trong đó đông đảo nhất là các cán bộ ngành kiểm lâm và BQL rừng phòng hộ với 17 trường hợp.

Các ông như Hoàng Văn Đúng, Phan Văn Quận, Trần Phi Hải, Nguyễn Minh Trí, Trần Đang Thành, Nguyễn Tấn Xông (BQL rừng); Tiết Tường Hận (Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện) và các cán bộ của hạt: Hồ Văn Đắng, Đoàn Văn Tam, Nguyễn Văn Hướng, Lê Hoàng Xuyên, Hồ Văn Hoàng, Trần Lê Tâm, Nguyễn Văn Toàn.

Danh sách này có cả cán bộ của Chi cục kiểm lâm như ông Nguyễn Văn Nghĩa. Ngoài ra còn có các cán bộ của Sở Khoa học công nghệ, Sở Y tế, Công an tỉnh, Sở NN&PTNT, Chi cục thú y… bình quân mỗi người khoảng 10 ha.

Thanh tra tỉnh cũng nêu danh sách 15 người là cán bộ huyện An Minh được cấp đất rừng, diện tích từ 4,82 ha – 9,64 ha vào năm 2001 nhưng chưa cấp sổ, gồm: Nguyễn Văn Hoài (Ban Tổ chức Huyện ủy), Nguyễn Hoàng Khôi (cán bộ Huyện ủy), Phạm Văn Hùng (cán bộ Ban Tuyên giáo), Nguyễn Trắng Anh (Chi cục thuế), Nguyễn Văn Beo (huyện đội)…

Một số người là cán bộ HĐND tỉnh, Huyện ủy Vĩnh Thuận cũng tham gia nhận đất rừng ở tận An Minh. Thanh tra tỉnh Kiên Giang đang làm rõ các cán bộ sau khi nhận giao khoán rừng đã sang nhượng trái quy định.       

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.