KGB đã sử dụng mỹ nhân kế như thế nào?

KGB đã sử dụng mỹ nhân kế như thế nào?
TP - Việc sử dụng vũ khí “ái tình” không chỉ khiến cho các con mồi của KGB phải thân bại danh liệt mà nó còn làm thay đổi cả đường lối đối ngoại của quốc gia.
KGB đã sử dụng mỹ nhân kế như thế nào? ảnh 1
Margarita

Tình yêu đến không báo trước. Kể cả những điệp viên nổi tiếng là gan dạ, lạnh lùng, cũng không dám liều nói mạnh với hai chữ đó. Tình yêu đã làm cho nhiều người nổi tiếng trở thành kẻ phản bội Tổ quốc, nhưng đối với một số  người khác - lại là động lực lập nên những chiến công đi vào lịch sử.

Món cốc-tai “Tình và gián điệp” cổ điển nhất và cũng nguy hiểm nhất là sợi dây xuyên suốt các câu chuyện sau đây...

Kỳ I - Tình yêu dưới đám mây hình nấm

Một người đàn ông đã luống tuổi đang lúi húi ghi ghi chép chép gì đó trên bàn viết. Những dòng chữ không thẳng hàng, nét chữ nguệch ngoạc. Nhưng nếu như có ai đó tìm cách nhìn trộm vào trang giấy, sẽ đọc được những dòng này: “Mới đây, anh tự mình gội đầu, song chẳng ra làm sao cả. Anh không được cẩn thận như em đã làm. Mọi cái ở đây đều nhắc nhở anh nhớ đến em: Chiếc khăn san, những cuốn từ điển, chiếc tẩu tuyệt vời mà chúng ta tưởng đã đánh mất, và tất cả những đồ vật ít ỏi trong căn phòng của anh, một cái tổ nhỏ bé và cô đơn”.

Người đàn ông viết những dòng này là nhà vật lý nổi tiếng thế giới Albe Anhxtanh. Lúc đó ông đã bước sang tuổi sáu mươi sáu. Bức thư này ông viết cho vợ của nhà điêu khắc Nga nổi tiếng Sergey Conhenkov.

Người ta dù ở bất cứ lứa tuổi nào cũng phải cúi đầu trước Thần tình yêu. Nhà vật lý vĩ đại nổi danh với thuyết tương đối và bản tính đa tình, không phải là một ngoại lệ.

Mùa xuân năm 1924, nhà điêu khắc tài danh của Liên xô Sergey Conhenkov đã tới New York để tổ chức triển lãm Nghệ thuật Nga. Cùng đi còn có vợ ông, một phụ nữ Nga tuyệt đẹp, ăn mặc sang trọng đúng mốt thời thượng.

Người đàn bà này, bây giờ báo chí mới được nói tới, đã đóng góp một phần công lao to lớn trong việc chế tạo bom nguyên tử của Liên Xô. Gia đình của Conhenkov dự định sang Mỹ làm triển lãm trong vòng hai tháng, nhưng sau đó đã ở lại hai chục năm trời.

Năm 1935, trường Đại học tổng hợp Princeton mời nhà điêu khắc Conhenkov nặn tượng bán thân của Albe Anhxtanh. Nhà vật lý vĩ đại đến xưởng điêu khắc của Conhenkov và ngồi hàng giờ đồng hồ để làm mẫu.

Margarita, vợ của Conhenkov, làm vui lòng khách bằng những câu chuyện đùa dí dỏm. Albe Anhxtanh không thể cưỡng lại được sức quyến rũ của người phụ nữ tuyệt đẹp này.

Lúc đó, vợ của nhà bác học còn sống nên quan hệ giữa hai người chỉ giới hạn trong phạm vi tình bạn thông thường. Nhưng sau khi Elza qua đời, cả hai đều không che giấu tình cảm thật của mình trước công chúng.

Những kiểu chuyện tình như vậy, bây giờ đâu có làm ai ngạc nhiên? Vợ của một nhà điêu khắc trứ danh là nhân tình của một nhà bác học nổi tiếng thế giới.

Nhưng vấn đề lại ở chỗ khác. Giao du trong giới thượng lưu của Mỹ,  Margarita thực hiện một nhiệm vụ quan trọng của tình báo Liên Xô. Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Margarita làm thư ký cho Hội bảo trợ nước Nga và thường xuyên đến thăm Albe Anhxtanh ở Princeton.

Năm nào hai người cũng đi nghỉ tại hồ Xaranak trong toà biệt thự số 6. Vào cuối tháng 8 năm 1945, Margarita đã thuyết phục thành công Albe gặp gỡ với tổng lãnh sự Liên Xô Mikhailov, một điệp viên nấp dưới vỏ bọc ngoại giao tại New York.

Sau cuộc gặp gỡ này, Margarita quay trở lại New York và xúc tiến việc hồi hương về Liên Xô. Còn nhà bác học đề nghị Tổng lãnh sự một cuộc gặp sau đó vài ngày nhưng không phải ở Princeton mà tại nhà nghỉ bên một hồ nước rộng và rất xa.

Trong  bức thư sau này gửi cho người tình, Albe Anhxtanh viết: “Ngài tổng lãnh sự lại chuyển lời chào đến anh. Có vẻ như, anh và ông ấy rất cảm mến nhau”.

Trong những thư khác, Anhxtanh lại nói đến những gợi ý, những lời khuyên mà ông tổng lãnh sự đưa ra. Một trong những bức thư ấy viết: “Chiều hôm qua anh mới  trở về từ New York. Nhiệm vụ thật nặng nề. Nó có thể gây nên những biến động lớn đối với em... Mặc dù, theo dòng thời gian, em đang nóng lòng muốn được trở về mảnh đất nơi em đã sinh ra”.

Trong hồi ký của mình, thiếu tướng Paven Xudaplatov, nguyên trưởng phòng đặc biệt khẳng định, Margarita Conhencova là một điệp viên đã được kiểm tra và hoàn toàn tin cậy.

Sứ mệnh của bà tại Mỹ liên quan tới kế hoạch chế tạo bom nguyên tử của người Mỹ. Nhiệm vụ cuối cùng của vợ nhà điêu khắc tài danh là chắp được mối quan hệ của cha đẻ ngành vật lý hiện đại với ông tổng lãnh sự.

Nhiệm vụ này, cô đã hoàn thành một cách xuất sắc. Đây là nhiệm vụ tối quan trọng sau khi Stalin quyết định: Liên Xô cũng phải sản xuất bom nguyên tử.

Cho đến cuối thế chiến thứ hai, tình báo Liên Xô đã khai thác được tương đối đầy đủ những bí mật tại các phòng thí nghiệm ở Los-Alamos. Về lý thuyết, bom nguyên tử đã được hoàn thành.

Nhiệm vụ bây giờ là hiệu chỉnh lại hàng loạt các chi tiết về kỹ thuật. Stalin đặt ra nhiệm vụ này trước cơ quan tình báo của Liên Xô vào ngày 20/8/1945.

Thực chất của sứ mệnh là làm sao có được những bí mật về bom nguyên tử từ Nils Bor, một nhà bác học có cảm tình với Liên Xô. Nhưng theo lôgic, Albe Anhxtanh cũng nằm trong tầm ngắm của cơ quan tình báo Xô viết.

Hơn thế nữa, nhà bác học vĩ đại này không những kịch liệt phản đối việc độc quyền vũ khí nguyên tử mà còn cho rằng việc này nguy hiểm cho toàn thể nhân loại.

Bởi vậy, bất cứ học sinh nào của ông trong phòng thí nghiệm nguyên tử tại Los-Almos đều sẵn sàng đáp ứng bất cứ yêu cầu nào mà ông nêu ra.

Bom nguyên tử của Liên Xô được sản xuất nhanh hơn rất nhiều so với dự kiến của các nhà bác học Mỹ. Bởi vậy, họ có quyền nghi ngờ về khả năng bí mật nguyên tử bị đánh cắp.

Tháng 10 năm 1945, Tổng lãnh sự Liên Xô tại New York bị trục xuất khỏi Mỹ. Cũng trong năm đó, Margarita cùng chồng chở về tổ quốc. Trong giờ phút chia tay, Albe Anhxtanh đã tháo chiếc đồng hồ đeo tay của mình tặng cho người tình. Họ biết rằng, đây là cuộc chia tay mãi mãi.

Sau khi trở về tổ quốc, không như số đông những người hồi hương trong thời kỳ này bị tống vào trại tập trung, vợ chồng nhà điêu khắc nhận được một căn hộ lộng lẫy tại giữa trung tâm thủ đô Matxcơva. Sergey Conhenkov được phong anh hùng lao động, viện sĩ Viện hàn lâm.

Năm 1971, khi nhà điêu khắc từ trần ở tuổi 97, một nhóm người mặc thường phục đã vào nhà ông và lấy đi toàn bộ tư liệu hồ sơ của Conhekov. Song, vì vội vàng, họ đã bỏ qua nhiều thứ. Đó là hàng trăm bức thư của nhà vật lý vĩ đại gửi vợ nhà điêu khắc. Không lâu trước khi chết, bà đã cho thiêu hủy toàn bộ số thư đó.  

Kỳ II: Cuộc sống hai mặt của Olga Chekhova

Kỳ III: Vị đại sứ Pháp đa tình

Hoàng Phillip
Từ SNG

(Theo tạp chí Văn học nước ngoài số 12/1989, 1999, Những điệp viên của thế kỷ XX - Nhà xuất bản Cộng hoà 1994, Trò chơi nguy hiểm - Tạp chí Chính trị 1990 và các tài liệu khác)

MỚI - NÓNG