Ghi từ sân bay Heathrow

Ghi từ sân bay Heathrow
TP - Tôi đã vài lần đến Anh, đến sân bay quốc tế Heathrow của thủ đô Luân Đôn, nhưng đều mải làm thủ tục, lấy hành lí… chưa khi nào có thời gian để nhìn ngắm.
Ghi từ sân bay Heathrow ảnh 1

Đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại sân bay Heathrow. ảnh : Đức Tám - TTXVN

Ra khỏi chuyên cơ, tôi vội nhìn lên bầu trời nước Anh: một ngày không sương mù. Mặt trời ló rạng sau những đám mây, giây phút hiếm hoi của xứ sở, mà vào những ngày này thường là sương mù hoặc màn mưa ảm đạm.

Ra sân bay đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, phu nhân và đoàn có đại diện Bộ Ngoại giao Anh, ngài Mark Kent - đại sứ Anh tại Việt Nam, đại sứ Việt Nam tại Anh Trần Quang Hoan và phu nhân, cùng nhiều cán bộ, nhân viên đại sứ quán, bà con Việt kiều, nhiều lưu học sinh đang du học tại Luân Đôn…

Lễ đón diễn ra giản dị, lịch sự đúng như phong cách người Anh.

Xem lịch trình làm việc dày đặc, tự nhủ, phải “chạy mới kịp”. Thời gian dự kiến, 14h30 giờ Luân Đôn, đoàn tháp tùng lên xe về khách sạn. Tôi nhìn đồng hồ, vẫn giờ Việt Nam, đã 9 giờ tối. Chỉ còn hơn một tiếng để viết bài và truyền về toà soạn. May sao, suốt mười ba giờ ngồi trên chuyên cơ, ngoài mấy tiếng chợp mắt, tôi đọc tài liệu, phác thảo bài viết…

Nắng được một lúc, trời lại nhiều mây. Tháp Big Ben hiện ra mờ ảo. Đây là tháp đồng hồ nổi tiếng chính xác về giờ giấc, được coi là chuẩn mực của thế giới. Tôi đã có một bài viết về Big Ben, ngọn tháp từng rung lên những hồi chuông đón chào năm mới của nước Anh.

Bước vào thế kỉ thứ ba, ngọn tháp cao 320 feet, được đặt tên theo quả chuông to nhất, nằm trong tháp, nặng 14 tấn. Thực ra ở đây có đến năm quả chuông. Tháp được xây dựng trong mười ba năm, hoàn thành vào ngày 7/9/1859, và bây giờ nó là một trong bảy kì quan thế giới. Con người biết làm ra chiếc đồng hồ, để chia sự vô tận ra từng giây từng phút…

Trong những giây phút ngồi trên ô tô về khách sạn Intercontinental, nơi đoàn nhà báo ở, tôi không khỏi bồi hồi nhớ lại những kỉ niệm ở Luân Đôn…

Một ngày nắng, một ngày mưa
Một ngày tôi với sương mờ nước Anh
Một ngày trời đất lặng thinh
Để mình tôi, với một mình sông Thêm (Thames)

Bây giờ, không phải chỉ một mình tôi đang ngắm nhìn Luân Đôn. Cầu Tháp (Tower Bridge), Hyde Park, lâu đài Buckingham, và kia là con mắt của Luân Đôn (London Eye) đang nhìn chúng tôi với cái nhìn chào đón…

Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, nước Anh trải qua nhiều thăng trầm lịch sử. Năm 43 đến năm 409 bị người La Mã chiếm đóng, sau đó người Bắc Âu xâm chiếm và hình thành các vương quốc Anglo-Savon…

Cuộc cách mạng công nghiệp Anh năm 1760-1830 là cột mốc quan trọng không những cho nước Anh mà còn cho cả thế giới tư bản, để tạo nên sự phát triển của nền văn minh sau này… Năm 1800 ra đời đạo luật hợp nhất nước Anh và Bắc Ailen, đến năm 1973 vương quốc Anh gia nhập EEC (nay là EU).

Với diện tích 224.820 km2, nước Anh đứng thứ 3 châu Âu về dân số (trên 60 triệu người). Là nền kinh tế đứng thứ 2 châu Âu (sau Đức) và đứng thứ 6 thế giới. Thu nhập bình quân đầu người (GDP tính theo DPP) đạt 35.000 USD. Anh nổi bật là 1 trong những nền kinh tế toàn cầu hoá nhất thế giới, với kim ngạch xuất khẩu mỗi năm (2004) đạt 287 tỷ bảng Anh (gần 600 tỷ USD) đứng thứ 3 thế giới (sau Mỹ và Đức).

Theo lịch làm việc, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tiếp ngài John Rose, Tổng Giám đốc điều hành tập đoàn Rolls-Royse vào lúc 16 giờ  (giờ Luân Đôn) , lúc đó cũng là 11giờ đêm giờ Việt Nam. Tôi bỗng nhớ tới một bài viết đăng trên báo Tiền phong về những ông bà chủ đang sở hữu những chiếc xe Rolls-Royce nổi tiếng thế giới.

Bài báo còn cho biết, Rolls-Royce chuẩn bị mở đại diện ở Việt Nam. Nhanh nhạy quá! Kinh doanh thời nay là phải thế. Không biết ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam cũng có mặt trên chuyên cơ đến Anh lần này sẽ nghĩ gì?

Chỉ mấy chục phút nữa, tại bến tàu Westminster, những người phụ trách công ty dầu khí BP sẽ đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, phu nhân và đoàn…

BP đến Việt Nam từ khá sớm. Tôi vẫn nhớ ngôi nhà số 13 phố Hồ Xuân Hương, ngay cạnh toà soạn báo Tiền phong, BP đã thuê làm trụ sở đại diện trong một thời gian khá dài. Mỗi buổi trưa đi ăn cơm bụi qua số nhà 13, chúng tôi lại “hát” : BP super V, BP super V…, y hệt như người ta quảng cáo trên tivi hồi đó.

Tôi biết ngày mai, vào lúc 9 giờ (giờ Luân Đôn) sẽ diễn ra cuộc toạ đàm với khoảng 70 chuyên gia tư vấn đầu tư tài chính hàng đầu của Anh do hãng Prudential cùng 1 số công ty như HSBC, DragonCapital, ngân hàng Standard Chartered tổ chức.

Quan hệ thương mại Việt Nam – Anh tăng nhanh từ năm 1990 đến nay. Chính sách thương mại của Anh tương đối cởi mở, không theo chủ nghĩa bảo hộ. Một số vụ EU kiện ta bán phá giá, hay vụ hải sản nhiễm kháng thể, Anh thường có lập trường ủng hộ Việt Nam. Theo một tài liệu của Bộ Thương mại (nay là Công thương) kim ngạch xuất khẩu của ta sang Anh năm 2001 là 511 triệu USD, đến năm 2006 tăng lên 1 tỷ 450 triệu USD.

Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen là nước quân chủ lập hiến, có hệ thống luật pháp theo mô hình luật án lệ. Nữ hoàng là nguyên thủ quốc gia, đứng đầu các cơ quan lập pháp và hành pháp, tổng tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang, và là người đứng đầu Giáo hội Anh. Trên thực tế, quyền lực Nữ hoàng chỉ có tính chất tượng trưng. Nữ hoàng còn là nguyên thủ quốc gia của 15 trên 48 nước thuộc khối Liên hiệp Anh.

Quốc hội Anh được cấu thành bởi 3 thành phần: Vua (hay Nữ hoàng), Thượng viện và Hạ viện. Thượng viện còn gọi là viện Nguyên lão, hiện có 674 nghị sĩ, nhiệm kì 5 năm gồm có các thượng nghị sĩ cha truyền con nối, có dòng dõi quý tộc và hoàng gia.

Công Đảng Anh đang tiến hành cải cách Thượng viện theo hướng xoá bỏ cha truyền con nối, thay vào đó là những người có công với đất nước được Nữ hoàng tin cậy.

Hạ viện là cơ quan lập pháp chủ yếu gồm 659 nghị sĩ, được bầu theo nguyên tắc phổ thông bầu phiếu, nhiệm kì 5 năm. Chức năng chính là thông qua các đạo luật, các chủ trương chính sách về kinh tế, chính trị, xã hội, chính sách đối nội đối ngoại và giám sát hoạt động của Chính phủ. Thủ tướng do Nữ hoàng bổ nhiệm và được Hạ viện thông qua.

Theo dự kiến, chiều thứ 4 mùng 5 tháng 3 sẽ diễn ra hội đàm chính thức giữa đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu với Thủ tướng Anh Gordon Brown tại số 10 phố Downing. Sau đó là cuộc gặp với chủ tịch Hạ viện ngài Michael Martin và chủ tịch Thượng viện - nữ nam tước Helene Hayman tại lâu đài Westminster. Cùng dự hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn có Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Gia Khiêm.

Ngồi trên ô tô, một người bạn hiện đang sống và làm việc tại Luân Đôn bảo tôi: “Anh để ý mà xem. Nhà cao cửa hẹp”. Phải, tôi quan sát những dãy nhà tăm tắp, những con phố tráng lệ, cả khách sạn lần trước tôi ở ngay trung tâm thủ đô, đúng là nhà cao cửa hẹp.

Một đặc điểm khác lạ ở Luân Đôn, cửa đều hẹp và thấp. Người ta nói người Anh bảo thủ nên cửa nhà không rộng, không cao, mà hẹp có phải vậy không? Hay vì ở xứ sở quanh năm sương mù lạnh giá, cửa luôn phải đóng thì rộng làm gì?!

Nói vui vậy thôi chứ ngay từ sân bay quốc tế Heathrow, tôi đã cảm nhận sự rộng mở của những người bạn ở xứ sở sương mù. Từ cái bắt tay, nụ cười đến nghi lễ đón tiếp thân tình đã nói lên tình cảm, sự quan tâm của Chính phủ cũng như những người dân Anh đối với Việt Nam… Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần này, chắc sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước.

Tôi nhớ dạo tháng bảy năm ngoái, trong chuyến bay sang Anh tổ chức cuộc thi người đẹp, tôi đến thăm một đứa cháu đang làm việc tại đây. Nó ở Zone 5 hay Zone 6 gì đó, gần ngoại thành Luân Đôn. Tôi đi tàu điện ngầm độ một tiếng thì đến nơi.

Đứa cháu mới ngày nào còn chân lấm tay bùn ở quê nay đi ô tô ra ga tàu điện đón tôi. Hai vợ chồng nó tổ chức một bữa cơm thân mật, có gần chục lao động Việt Nam đến chia vui. Trong bữa ăn, cô cháu dâu kể rằng, nó vừa đi khám thai, bệnh viện miễn phí hoàn toàn.

Nó bảo : Nếu cháu đăng kí sinh con ở đây, chính quyền sẽ cấp nhà ở, sẽ có tiền trợ cấp nuôi con trong thời gian một năm… Nó ghé tai tôi: “ở đây người ta quan tâm đến con người thế đấy bác ạ” …

MỚI - NÓNG