HS bỏ học, trách nhiệm cụ thể là của địa phương

HS bỏ học, trách nhiệm cụ thể là của địa phương
TP - Như báo Tiền phong đã đưa tin, sau Tết ở nhiều địa phương diễn ra tình trạng học sinh bỏ học nhiều. Một trong những lý do khiến học sinh bỏ học là các em chán nản khi bị xếp loại học lực yếu kém.

>> Trường lớp khang trang, học sinh vẫn bỏ học
>> Hàng nghìn học sinh bỏ học

>> Lâm Đồng: Báo động tình trạng học sinh THPT bỏ học

Trao đổi với Tiền phong, Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định: “Không thể vì sợ học sinh bỏ học mà giáo viên cho các em điểm giả...”

Thưa ông, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã được các địa phương báo cáo như thế nào về tình trạng HS bỏ học giữa chừng trong năm học này?

Hiện tượng HS bỏ học năm nào cũng có. So sánh với những năm trước thì số HS bỏ học năm nay tăng hơn một ít. Tuy nhiên, có nhiều lý do để HS bỏ học: thiên tai, hoàn cảnh kinh tế xã hội...

Trong đó có một lý do đáng kể xuất phát từ việc thực hiện cuộc vận động nói không với bệnh thành tích. Do khâu đánh giá trong hoạt động dạy học được thực hiện chặt chẽ hơn, khách quan hơn nên nhiều HS chán nản khi có kết quả học lực yếu kém, phải lưu ban.

Nội dung này đã được lãnh đạo các Sở GD&ĐT nêu lên trong cuộc họp giao ban hàng quý đợt trước Tết. Theo đó những địa phương ở các vùng kinh tế xã hội khó khăn có tỉ lệ học sinh bỏ học tương đối cao.

Cấp THPT tỉ lệ bỏ học cao hơn cấp THCS. Cấp học THPT, có nơi số HS bỏ học lên đến gần 20%. Số liệu cụ thể vào thời điểm hiện tại Bộ GD&ĐT chưa cập nhật.

Tuy nhiên cũng khó thống kê bởi sau Tết thường là khoảng thời gian diễn ra hiện tượng bỏ học kiểu “giã gạo” (HS đi học không chuyên cần, ngày bỏ ngày không).     

Tính đến tháng 12/2007, tổng số HS cấp THCS bỏ học trên cả nước là 63.729 - chiếm tỉ lệ 1,1% so với tổng HS của bậc học này; tổng số HS cấp THPT bỏ học là 50.309 (tỉ lệ 1,66%).

Cấp THCS, Trà Vinh là địa phương có tỉ lệ HS bỏ học cao nhất: 10,75% (5.450 HS).

Tiếp theo là An Giang: 7,8% (8.803 HS); Kiên Giang: 5,02% (5.077 HS); Tây Ninh: 4,1% (2.604 HS).

Một số tỉnh tỉ lệ HS bỏ học tương đương tỉ lệ bình quân chung trong cả nước nhưng có số lượng HS bỏ học lớn: 4.547 HS (1,56%); Đăk Lăk: 3.274 HS (2,04%); Thanh Hóa: 2.975 HS (1,06%)...

Cấp THPT, An Giang là địa phương có tỉ lệ HS bỏ học cao nhất: 19,31% (8.600 HS). Tiếp theo có Tuyên Quang: 11,07% (3.409 HS); Đăk Lăk: 9,29% (7.398 HS); Trà Vinh: 7,93% (2.034).

Quý Hiên
(theo thống kê của Bộ GD&ĐT)

Lúc mới khởi động cuộc vận động “hai không”, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng đã tiên liệu hiện tượng này. Vậy hiện nay Bộ đã có hướng chỉ đạo các địa phương xử lý thế nào để chống HS bỏ học?

Việc làm cụ thể là trách nhiệm của địa phương. Bộ lo những vấn đề lớn như  cải thiện điều kiện học tập cho HS nghèo để các em không phải bỏ học; chỉ đạo hỗ trợ cho các thầy cô phụ đạo HS yếu kém vào buổi thứ 2 hoặc các ngày nghỉ; tăng cường cơ sở vật chất, giảm bớt khó khăn cho các nhà trường để tạo điều kiện cho HS đến trường được vui chơi, học tập...

Bên cạnh đó, Bộ giới thiệu những giải pháp hay của các địa phương với mục đích nhân rộng những giải pháp đó.

Giải pháp tổng thể thì có đề án phổ cập GD, phổ cập GD tiểu học đúng độ tuổi. Yêu cầu đầu tiên đối với phổ cập chính là không có HS bỏ học.

Theo ông hiện nay có địa phương nào làm tốt công tác chống HS bỏ học?

Với những địa phương kinh tế xã hội phát triển (số HS bỏ học từ trước đến nay rất thấp) thì không kể. Còn các vùng khó khăn cũng có nhiều tỉnh làm tốt công tác này.

Chẳng hạn như Bắc Kạn, trong quá trình chống ngồi nhầm lớp đã có nhiều HS phải lưu ban. Nhưng ngành GD tỉnh này đã tuyên truyền, giải thích với phụ huynh HS để phụ huynh HS thấy con em mình phải ở lại lớp là điều không thể tránh khỏi.

Khi phụ huynh đã nhận thức rõ vấn đề thì họ sẽ hợp tác với nhà trường, không cho con em mình bỏ học.

Yên Bái cũng là nơi có những giải pháp tốt. Họ tăng cường kết hợp dạy nghề với dạy văn hóa để HS không có khả năng hoàn thành tốt chương trình trung học phổ thông nhưng vẫn “được” khi đi học.

Ở trên ông có đề cập tới giải pháp tổng thể là phổ cập GD. Nhưng chính các giáo viên than phiền phổ cập GD là áp lực tạo bệnh thành tích. Có điều gì mâu thuẫn ở đây không, thưa ông?

Phổ cập GD là mục tiêu phát triển xã hội, nó không là áp lực. Cách làm phổ cập bằng mọi giá mà không quan tâm tới chất lượng mới tạo nên bệnh thành tích.

Giờ đây, một mặt ngành cố gắng đạt mục tiêu về phổ cập GD, một mặt quan tâm đầy đủ hơn tới việc phải đảm bảo chất lượng GD. Giải pháp thi cử nghiêm túc, phụ đạo HS yếu, tăng cường các biện pháp vận động HS đi học... phải được thực hiện đồng thời với các giải pháp đảm bảo số lượng.

Trên thực tế, có một số địa phương khi thực hiện cuộc vận động chống bệnh thành tích đã điều chỉnh lại kế hoạch phổ cập. Đáng lẽ đạt mục tiêu năm trước thì giờ lùi lại năm sau.

Như vậy mục tiêu phổ cập mình không bỏ nhưng vẫn đảm bảo học thật, thi thật.

Nhưng cũng có các giáo viên cho rằng một khi đã học thật, thi thật thì phải chấp nhận một tỉ lệ nào đó HS bỏ học khi các em không theo nổi chương trình?

Hiện tượng xảy ra mình không khắc phục được thì phải chấp nhận. Tuy nhiên quan điểm của lãnh đạo Bộ GD&ĐT là không đồng tình với việc để HS bỏ học.

Phải cố gắng huy động HS đi học cho dù các em có hoàn cảnh kinh tế gia đình thuận lợi hay khó khăn, các em khỏe mạnh hay khuyết tật...

Mặt khác, không phải vì sợ HS bỏ học mà cho HS điểm tốt, cho các em lên lớp dù trình độ các em chưa đạt yêu cầu...

Vả lại, tiêu chuẩn đặt ra của phổ cập cũng không yêu cầu phải là 100% HS đi học. Thậm chí có những vùng khó khăn, tỉ lệ đi học chỉ cần đến 80%. Đó là nói về tiêu chuẩn.

Còn trong ý thức phấn đấu thì phải cố gắng phấn đấu bằng hết. Trong câu chuyện phát triển nguồn nhân lực, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cũng nói nhiều tới việc năm 2020 phải có được 80% số HS trong độ tuổi phải đạt trình độ giáo dục bậc trung học.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng để đạt đến trình độ đó các em không nhất thiết phải  học trung học phổ thông mà có thể là bổ túc trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp. 

Xin cảm ơn ông!

Quý Hiên
Thực hiện

MỚI - NÓNG