“Trên” quy định không, “dưới” vẫn thu tiền

“Trên” quy định không, “dưới” vẫn thu tiền
TP- “Bố trí khu vực để phương tiện giao thông và không thu phí trông gửi của người dân khi đến làm việc, giao dịch”, là một trong những quy định của Quy chế văn hóa nơi công sở được Thủ tướng ban hành có hiệu lực từ 9/2007. Thế nhưng, nhiều công sở ở Hà Nội vẫn thu tiền của dân.

Trong vai người dân đến giải quyết thủ tục hành chính, chúng tôi đã đến một số cơ quan công sở trên địa bàn Hà Nội, và nhận thấy hầu hết các cơ quan này vẫn vô tư thu tiền trông giữ xe của dân khi đến liên hệ công việc, giao dịch. Thậm chí, một số nơi xem việc thu tiền trông gửi xe là chuyện đương nhiên.

Tại phòng công chứng số 1 (đường Bà Triệu), nơi mỗi ngày có hàng trăm lượt khách đến giao dịch, nhưng tất cả khách đều phải gửi xe trên vỉa hè với mức giá 3.000 đồng/1 xe máy. Trước thắc mắc của chúng tôi, nhân viên trông giữ xe quát tháo: “Ông từ trên trời xuống à! Không trả tiền thì lấy ai trông xe?”.

Tương tự tại điểm tiếp nhận thủ tục đăng ký hộ khẩu của Công an quận Cầu Giấy (trên đường Láng), người dân đến giao dịch, làm việc phải trả 2.000 đồng/1 xe máy. Hỏi nhân viên trông giữ xe thì được trả lời “các ông lên quận mà hỏi, ở đây chúng tôi chỉ là người làm thuê”.

Kế đó, chỉ vài bước chân là điểm đăng ký xe số 1234 đường Láng của Phòng CSGT (CA TP Hà Nội), tình trạng thu tiền giữ xe của người dân khi đến giao dịch, làm việc vẫn diễn ra thường lệ. Tại Phòng Cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự xã hội số 90 Nguyễn Du (PC 13 - CA TP Hà Nội), trước cổng ra vào treo tấm biển “khách đến liên hệ công tác đề nghị gửi xe ngoài cổng cơ quan”, tức là phải gửi xe trên vỉa hè với giá 2.000đồng/1 xe máy. Theo lý giải của nhân viên bảo vệ “vì cơ quan chật không đủ chỗ để xe cho khách”.

Thực tế cho thấy diện tích nhiều công sở không quá hẹp để không có chỗ giữ xe, không ít trụ sở mặt bằng rộng vẫn vô tư thu tiền giữ xe như tại Sở Xây dựng, thu 2.000 đồng/1 xe.

Điều khiến cho người dân khi đến giao dịch tại đây bức xúc hơn là, cung cách trông giữ xe của đội ngũ nhân viên bảo vệ. Tất cả khách khi đến giao dịch tại đây đều chỉ được phát một vé gửi xe tự tạo, và khách cứ thế dắt xe để vào bãi. “Một vài nghìn không lớn, nhưng quy định đã ban hành thì các cơ quan công sở phải có trách nhiệm chấp hành. Quy định này cũng là một cách để tạo hình ảnh gần gũi của các cơ quan công quyền với người dân, và tạo thuận lợi cho dân” - Ông Lê Văn Chung, cán bộ hưu trí ở quận Đống Đa nói.

Còn rất nhiều cơ quan, công sở khác vẫn tùy tiện thu phí trông giữ xe của người dân mà trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi không thể liệt kê hết.

Không thu tiền thì vô trách nhiệm?

Nhiều người dân khi được hỏi đều tán thành với quy định do Thủ tướng ban hành nêu trên. “Qua báo, đài được biết Chính phủ, rồi UBND TP Hà Nội ra quy định các cơ quan, công sở không thu phí giữ xe của người dân đến liên hệ công việc, chúng tôi rất mừng. Nhưng khi thực hiện sao nhiều nơi vẫn cứ thu tiền mà không bị xử lý?” - Một người dân bày tỏ.

Một số người dân lại tỏ ra bức xúc cho rằng, một số cơ quan, công sở khi chuyển sang trông giữ xe miễn phí thì trông giữ theo kiểu phó mặc, vô trách nhiệm. Với lý do trụ sở chật hẹp, chỉ đủ chỗ cho cán bộ nhân viên để xe, hay do lực lượng bảo vệ ít, nên một số cơ quan mỗi khi khách đến làm việc phải tự lo việc bảo quản phương tiện của mình, hoặc phải đưa xe đi gửi chỗ xa khác.

Từ đó, nhiều nơi đã xuất hiện dịch vụ trông xe ngay gần khu vực cơ quan, công sở với giá “chặt chém” không theo quy định nào. Chẳng hạn, tại Chi cục Thuế quận Đống Đa, không có chỗ để xe, khách hàng phải gửi vào các bãi xe tự phát của tư nhân với giá từ 3.000 đến 5.000 đồng/1 xe máy.

Tương tự, tại trụ sở UBND quận Đống Đa, mỗi ngày tại đây luôn có hàng trăm người đến giao dịch, làm việc, bãi xe chật kín sân. “Dù khách đến liên hệ công tác phải qua cổng bảo vệ, nhưng cả một bãi xe hàng trăm chiếc không ghi vé, mặc cho nắng mưa thử hỏi có ai đảm bảo an toàn, yên tâm không? Cứ mỗi lần đến quận làm việc mà cứ nhấp nhổm lo mất xe, có khi gửi bên ngoài mất tiền nhưng lại yên tâm hơn.” - Một người dân nói.

Bãi trông giữ xe của Phòng CSGT Hà Nội, số 86 Lý Thường Kiệt dù có tấm biển đề “không thu phí trông xe”, nhưng nó lại khiến người gửi xe bất bình, lo lắng vì không có vé xe. Lạ hơn, tại bãi gửi xe của Bộ GD&ĐT (đường Đại Cồ Việt), dù có áp dụng quy định miễn phí, nhưng khi lấy xe nhiều khách hàng phải miễn cưỡng rút ví bỏ tiền vào một cái hộp to đùng của các nhân viên trông xe với hàng chữ “kinh phí tự nguyện, trông xe không thu tiền”.

Quy chế văn hóa công sở ban hành kèm theo Quyết định số 129 của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực từ 4/9/2007, trong đó quy định rõ: “Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các cấp có trách nhiệm bố trí khu vực để xe của cán bộ, công chức và người dân đến giao dịch, làm việc và không được thu tiền của dân”.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

Ý kiến bạn đọc

Hoàng Phi Hồng : Tỉnh của chúng tôi cũng vậy !

Tôi rất đồng tình với nội dung của bài viết này. Tại tỉnh của chúng tôi cũng vậy. Tôi đến Sở Tư pháp làm công chứng cũng mất tiền gửi xe. mỗi xe là 2000đồng/1 lượt. Tôi đề nghị các cơ quan có thẩm quyền hãy quan tâm đến vấn đề này và xử lý nghiêm nhưng cơ quan cố ý làm trái với quy định của Nhà nước. Đặc biệt là kỷ luật người đứng đầu cơ quan đó.

MỚI - NÓNG