Năm 2008 ở Hà Nội:

70 tuyến phố lại bị đào bới

70 tuyến phố lại bị đào bới
TP - Tháng 3/2008, Sở GTCC Hà Nội đã công bố danh sách trên 70 tuyến phố sẽ bị đào hè, đường trong năm 2008. Nạn đào đường vốn đã gây ra nhiều hệ lụy nay lại tiếp tục hành người dân Hà Nội.

Tại quận Hoàn Kiếm, hàng chục con phố chật chội vừa qua cơn vật lộn với cuốc xẻng, gạch đá của gói thầu CP 2 - dự án thoát nước giai đoạn 1 và dự án tăng cường năng lực giao thông nay lại có thêm nhiều tuyến phố mới chuẩn bị “lên bàn mổ”. Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Phùng Hưng, Lý Nam Đế, Đinh Tiên Hoàng, Bà Triệu... là những con phố xếp hàng chờ đến lượt bị đào bới.

Đây là những tuyến  phố đẹp vào loại bậc nhất Hà thành, là các trục giao thông quan trọng nằm từ tâm phố cổ như: Cầu Gỗ, Hàng Dầu đến các tuyến phố kiểu Pháp như: Quang Trung, Ngô Quyền, Bà Triệu.

Các tuyến đường sẽ bị đào trong năm 2008

Quận Hoàn Kiếm: Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Phùng Hưng, Phan Chu Trinh, Lý Nam Đế, Cầu Gỗ, Hàng Dầu, Trần Nguyên Hãn, Hàng Chuối, Phan Bội Châu, Đinh Tiên Hoàng, Ngô Quyền, Bà Triệu, Huế, Lò Đúc.

Quận Ba Đình: Lê Hồng Phong, Giang Văn Minh, Trấn Vũ, Châu Long, Trúc Bạch, Quán Thánh, Cửa Bắc, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Biểu, Phạm Hồng Thái, Phó Đức Chính, Yên Phụ, Kim Mã, Ngọc Khánh, Hòe Nhai, Phan Đình Phùng.

Quận Tây Hồ: Thanh Niên, Thụy Khuê, Yên Phụ, Bưởi, Nghi Tàm, Âu Cơ.

Quận Hai Bà Trưng: Trần Nhân Tông, Tăng Bạt Hổ, Giải Phóng, Ngô Thì Nhậm, Trần Khát Chân.

Quận Hoàng Mai: Lạc Trung, Minh Khai, Kim Ngưu, Tam Trinh.

Quận Đống Đa: Chùa Bộc, Khâm Thiên, Thái Hà, Nguyễn Lương Bằng, Láng Hạ, Cát Linh, đường Láng, Thái Thịnh, Giảng Võ, Trường Chinh, Nguyên Hồng, Bích Câu, Đê La Thành, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Công Hoan.

Quận Cầu Giấy: Cầu Giấy, Tô Hiệu, Trần Đăng Ninh, Dương Quảng Hàm, Nguyễn Khánh Toàn, Trần Duy Hưng, Nguyễn Phong Sắc, Lê Đức Thọ. 

Nguồn: Vnexpress

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong số 16 tuyến phố trên địa bàn quận Hoàn Kiếm nằm trong kế hoạch sẽ bị đào năm 2008 có nhiều tuyến phố vừa được thành phố Hà Nội đầu tư hàng chục triệu đô la nâng cấp thảm bê tông mới được 3-4 năm như tuyến phố Huế, Bà Triệu, Ngô Quyền...

Tương tự, các quận Đống Đa, Ba Đình cũng có tổng cộng 32 tuyến phố trong danh sách được... đào. Trong số đó có nhiều phố đang là huyết mạch giao thông của Thủ đô và tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc cao như Nguyễn Thái Học, Chùa Bộc, Nguyễn Lương Bằng, Khâm Thiên...

Theo tổng hợp của Sở GTCC Hà Nội, toàn thành phố có trên 70 tuyến phố dự kiến sẽ bị đào đường, hè trong năm 2008. Ông Lê Văn Dục, Phó Giám đống Sở GTCC cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có 9 đơn vị đăng ký xin được đào đường, hè. 

Về danh sách các tuyến phố bị đào trong năm 2008, ông Dục cho biết, đây là cách làm mới của Sở GTCC Hà Nội trong công tác cấp phép, quản lý giám sát đào đường, hè.

Theo đó, thay vì một tuyến phố trước đây có thể hôm nay vừa đào và khi vừa hoàn trả lại có doanh nghiệp xin được... đào, lần này Sở công khai các tuyến phố nằm trong diện được phép đào để các doanh nghiệp đăng ký với Sở.

Sau khi tổng hợp nhu cầu, Sở GTCC sẽ cấp phép đào trên từng tuyến phố với một thời gian nhất định trong năm. Và việc đào đường chỉ được thực hiện trên một tuyến hoặc một số tuyến nhất định chứ không đào tràn lan.

Làm như vậy, Sở sẽ công khai hóa việc cấp phép và giám sát cấp phép tránh chồng chéo gây thiệt hại cho xã hội. “ Đây là cách làm mới khoa học và sẽ đạt hiệu quả tốt” - Ông Dục khẳng định.

Như một vấn nạn

Đào đường sẽ tiếp tục ám ảnh người dân Thủ đô khi mà sự phát triển đô thị còn chắp vá, manh mún. Thế nhưng, làm thế nào để giảm thiệt hại từ đào đường là vấn đề rất cần các cơ quan chức năng quan tâm.

70 tuyến phố lại bị đào bới ảnh 1
Đường Hồ Tùng Mậu hoàn thành dịp Sea  Games 22 - đã bị đào bới tan nát  

Nút giao Kim Liên - Đại Cồ Việt là một ví dụ. Là tuyến đường huyết mạch của Hà Nội nhưng công trường thì cứ tiến chậm như rùa (có thể chậm 6 tháng).

Người dân mỗi khi qua đây rất khó “thông cảm” với cách hành xử của nhà thầu, chủ đầu tư: Rào tứ phía, đào tứ phía mà chẳng phía nào hoàn thành. Ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông gây thiệt hại không nhỏ.

Phố Nguyễn Trãi ngay sau khi được thảm bê tông đã bị “rạch mặt” (chiều phải tuyến Hà Nội - Hà Đông), và cuối năm 2007 chiều ngược lại của con đường cũng được “phẫu thuật”.

Con đường mới toanh nhanh chóng trở thành “thương binh” do việc hoàn trả mặt đường cẩu thả. Vì thế nó nhanh chóng xuống cấp.

Tại Hà Nội hiện có hàng chục con đường xuống cấp nghiêm trọng bởi chính ngành giao thông cho phép đào đường trong khi lại không kiểm soát được những giấy phép mà Sở cấp. Đường sá Hà Nội đã thiếu nay lại thêm bẩn, xuống cấp, với hàng trăm mảnh vá...

Trao đổi với Tiền phong, ông Thạch Như Sĩ, Chánh thanh tra Sở GTCC Hà Nội cho biết, việc công khai các tuyến phố được đào sẽ thuận lợi trong công tác giám sát, xử lý của thanh tra giao thông.

Vậy Sở có chế tài nào xử lý nghiêm các vi phạm?

“Chúng tôi xử theo các quy định của pháp luật”- Ông Sĩ nói. Chỉ tiếc rằng, nếu như xưa nay xử lý đúng theo quy định của Luật, chắc hẳn sẽ chẳng có những con đường mang “thương tật” đầy mình và nhanh chóng xuống cấp.

Hàng năm, Hà Nội chi rất nhiều tỷ cho việc đầu tư phát triển đường sá thế nhưng việc quản lý khối tài sản lớn này dường như lại chưa tương xứng.

MỚI - NÓNG