Thâm nhập đường dây xuất lậu than

Thâm nhập đường dây xuất lậu than
TP - Qua chuyến đi thực tế bí mật gần 10 ngày, tận thấy những chiêu thức qua mặt cơ quan chức năng, hợp thức hóa mỗi ngày cả trăm ngàn tấn “vàng đen” không rõ nguồn gốc để xuất khẩu (trốn thuế) kiếm lời, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng.

Thuyết phục mãi, thậm chí phải thêm “cú huých” là cuộc điện thoại của một lãnh đạo có cỡ, chúng tôi mới được theo một chiếc tàu chở than lậu, thực hiện hành trình từ một cảng tư nhân quen thuộc ở phường Mông Dương (thị xã Cẩm Phả, Quảng Ninh) sang Trung Quốc.

Từ sáng sớm, sau gần 2 tiếng đồng hồ “xuống” than qua máng trượt, chiếc tàu vỏ sắt bên ngoài không ghi số (thực chất là sà lan trọng tải 800 tấn, có số hiệu đăng ký), thẳng hành trình “làm luật” dày đặc trên biển.

Bắt đầu là trạm của CSGT đường thủy tỉnh Quảng Ninh tại Cái Rồng (thuộc huyện đảo Vân Đồn), tiếp đó là trạm kiểm soát của Cảnh sát biển, rồi lực lượng tuần tra kiểm soát trên biển ở khu vực Đầu Tán, cửa khẩu Vạn Gia.

Khi tàu chúng tôi đến các trạm này, anh “lơ” tàu phải kẹp theo giấy tờ khoảng 500 nghìn đến 1 triệu đồng, thậm chí 2 - 3 triệu đồng mới có thể tiếp tục hành trình, nếu không muốn bị kiểm tra.

Đã qua được 2 trạm, thấy anh “lơ” tàu thông báo còn lâu mới đến trạm kiểm soát gần nhất, chúng tôi lên boong quan sát. Nước biển trong xanh một màu, gió mặn táp vào mặt. Hơn 1.000 tấn than khiến con tàu trọng tải 800 tấn ì ạch chạy, mép tàu chỉ cách mặt nước vài chục centimet.

Câu chuyện pha lẫn tiếng sóng biển, tiếng gió, tiếng máy nổ ầm ào với anh “lơ” tàu dẫu bị ngắt quãng đôi chút, nhưng chúng tôi vẫn hiểu: Trước kia, tất cả các trạm kiểm soát này đều bị vô hiệu hóa, vì mỗi tàu chỉ cần “làm luật” khoảng 18 - 25 triệu đồng là có thể lướt sóng sang tận bên kia (Trung Quốc) mà không cần mở tờ khai, làm thủ tục xuất khẩu. Dân than lậu thường gọi là “luồng thẳng”.

Cũng trong câu chuyện với anh “lơ” tàu dạn dĩ, nói tiếng Trung như người bản địa, “cơ chế” bất thành văn trong hành trình than lậu xem ra khá tinh vi nhưng cũng trắng trợn hơn bao giờ hết.

Đang dở dang câu chuyện, chúng tôi bị đẩy xuống hầm tàu, vì đến cửa khẩu Vạn Gia, trên đảo Vĩnh Thực. Lúc này, sau gần 8 tiếng đồng hồ, tàu chúng tôi cập cửa  khẩu Vạn Gia.

Khác với hành trình thông thoáng mà anh “lơ” tàu vừa nói, hàng chục chiếc tàu chở than đang ách tắc xung quanh khu vực Vạn Gia. Từ boong tàu nhìn ra, chúng tôi kịp ghi hình những chiếc tàu đang chờ thủ tục: QN 4888, Trường Minh, Thịnh Long 27, HP 2518, Vietthuan 05, BN 0729, NĐ 1367...

Đó là điều bất ngờ trong mường tượng của chúng tôi, nhưng không bất ngờ đối với anh “lơ” tàu mà chúng tôi quá giang. Lý do đơn giản, chiếc tàu đang chở chúng tôi là tàu chạy “luồng thẳng”.

Còn những tàu kia bị ách lại vì một nguyên nhân cũng hết sức đơn giản nhưng không dễ nói ra. Tuy nhiên, cứ theo lời anh “lơ” tàu nói thì đó là do các bộ phận chức năng trên biển không thống nhất được mức “chung chi” nên quyết làm rõ mọi chuyện, nhất là nguồn gốc xuất xứ than.

Nếu không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc than thì khó mà qua nổi cửa khẩu Vạn Gia để thẳng tiến sang “biên kia”.

Thế nhưng cũng có ý kiến cho đây là một động thái cho một vài đại gia bán “quyền được xuất than” cho đầu nậu để kiếm lời bất chính. Một người lái xuồng hằng ngày chở khách từ bến ra đảo Vĩnh Thực nói:

“Lâu lắm rồi mới có hiện tượng tàu neo đậu chờ thủ tục đông thế này. Các ông ấy (lực lượng chức năng trên biển - PV) chung chi thế nào mà làm khổ người ta thế này cơ chứ!...”.

Thâm nhập đường dây xuất lậu than ảnh 1

Tàu chở than lậu trên biển xuất sang Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 15/3 tại cửa khẩu Vạn Gia (Móng Cái , Quảng Ninh)

Cấm cứ cấm...

Khi tư liệu được lấy xong cũng là lúc tàu chúng tôi vượt cửa khẩu Vạn Gia sang bên kia. Từ đây, gần như không bị kiểm soát nào. Tàu chở than chỉ làm thêm một thủ tục đơn giản là cắm cờ nước bạn lên mũi tàu và có thể chạy thẳng đến bất cứ cảng nào của Trung Quốc (như Bạch Long, Phòng Thành, Giang Bình, Kỳ Xá, Khâm Châu...).

Có đi mới biết: Các tàu chở than của Việt Nam lưu thông, buôn bán trên lãnh hải bên kia khá tự do. Ngay cả việc chuyển tải hàng giữa biển khơi cũng rất đơn giản, tiện gọn. Theo quan sát của chúng tôi, tàu chở than lậu từ nước ta sang Trung Quốc chủ yếu có tải trọng từ 800 - 1.000 tấn nhưng bao giờ cũng chở quá tải vài trăm tấn.

Theo giá hiện tại, mỗi tấn than lậu khi mang sang đến cảng Giang Bình hoặc Phòng Thành (Quảng Tây) bán, lãi khoảng 100.000 đồng, sau khi trừ các chi phí xăng dầu, “làm luật”... Như vậy, sau một hành trình vài ba ngày, mỗi tàu than mang về khoản lợi nhuận không dưới 100 triệu đồng.

Khi chúng tôi hỏi tại sao không mua than của Nhà nước rồi vận chuyển mà bán, có hóa đơn hẳn hoi lại không phải “làm luật”, nhiều người trong ngành than nói thẳng:

“Thế thì lãi lời gì. Giá than bên đó (Trung Quốc) chỉ cao hơn giá của chúng ta chút ít thôi. Các doanh nghiệp xuất than có nguồn gốc chủ yếu là hưởng tiền hoàn thuế, chứ chênh lệch đâu có bao nhiêu...”. Có lẽ vì thế nên hành trình than lậu trên biển đã tồn tại từ hàng chục năm nay vẫn nhộn nhịp không dứt.

Cuối năm 2006, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc hạn chế xuất khẩu than, giảm nguy cơ “chảy máu” nguồn tài nguyên quý giá của đất nước, Bộ Tài chính có Quyết định số 67/QĐ-BTC về việc sửa đổi, bổ sung thuế xuất khẩu một số nhóm mặt hàng, trong đó có việc nâng thuế xuất  than từ 0% lên 10%.

Mới đây, tháng 2/2008, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) có văn bản xin Thủ tướng đồng ý tăng giá bán than. Điều đó khiến tình trạng vận chuyển, buôn bán than lậu trên biển càng diễn biến phức tạp, khó kiểm soát.

Hôm 6/3, lực lượng tuần tra kiểm soát trên biển Quảng Ninh đã bắt giữ tới 3 tàu với gần 3.000 tấn than không rõ nguồn gốc đang tìm cách “làm luật” để xuất sang Trung Quốc.

Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh cho biết: Nếu năm 2006, chỉ phát hiện và thu giữ 437 tấn than lậu thì năm 2007, con số này là 878 tấn (con số trên toàn tỉnh là 800.000 tấn). Tuy nhiên, thực tế đây chỉ như phần nổi của một tảng băng khổng lồ.

Từ đầu tháng 3/2008 đến nay, dù các lực lượng chức năng trên biển đã kiểm tra gắt gao nguồn gốc than trước khi xuất sang Trung Quốc nhưng mỗi ngày cả trăm chuyến tàu chở hàng trăm ngàn tấn than lậu, trị giá hàng trăm tỷ đồng, vẫn vượt qua tất cả để xuất bán kiếm lời. Ai đã giúp họ hợp thức hóa nguồn gốc khối lượng than khổng lồ này?

-------------

Còn nữa

Nhóm PV Kinh tế

MỚI - NÓNG