Bà Trịnh Vĩnh Trinh: Quyết làm tới cùng!

Bà Trịnh Vĩnh Trinh: Quyết làm tới cùng!
TP - “Trước đây, lúc sinh thời anh Sơn không đặt vấn đề thu tác quyền nên chúng tôi không thu. Bây giờ anh Sơn đã mất, Việt Nam lại có Luật Sở hữu trí tuệ nên là những người thừa kế, chúng tôi phải có trách nhiệm gìn giữ bảo quản những di sản anh Sơn để lại".

>> Hát một bài nhạc Trịnh phải trả 300 ngàn

Gặp chúng tôi, bà Trịnh Vĩnh Trinh có vẻ khá bình thản

Bà cho biết: "Nhưng chúng tôi thu tiền tác quyền này không phải cho chúng tôi mà là để xây dựng quỹ học bổng mang tên anh Sơn, nhằm hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam. Đây cũng là nguyện vọng của anh Sơn lúc sinh thời”.

Nhưng theo ý kiến của một số người, việc thu 300.000 đồng/bài/lần hát là quá cao và khiến cho nhiều điểm diễn sẽ không có khả năng chi trả?

Trước khi đề ra mức tiền trên, chúng tôi đã tham khảo rất kỹ Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam và thấy đó là số tiền hợp lý. Tôi xin nêu một ví dụ, vào năm 2007, tại phòng trà M. đã tổ chức 2 đêm nhạc Trịnh Công Sơn do ca sỹ QD hát.

Phòng trà này đã thu tiền phụ thu cho mỗi khách là 300.000 đồng, chưa kể tiền nước. Tôi đã chứng kiến cả 2 đêm, đêm nào khách cũng kín chỗ. Với trên 100 chỗ ngồi, tổng số tiền phụ thu 2 đêm của phòng trà này đã lên tới trên 600 triệu đồng.

Nhưng họ đâu có nói gì đến tiền tác quyền. Nhiều trường hợp đã cố tình xù tiền tác quyền.

Như vào cuối tháng 3/2007, một Cty tổ chức biểu diễn đã xin phép chúng tôi được tổ chức 2 đêm nhạc Trịnh Công Sơn tại Hà Nội.

Sau khi chúng tôi yêu cầu trả tiền tác quyền, họ đồng ý sẽ trả nhưng vào phút cuối lại nói hoãn không tổ chức chương trình đó nữa.

Nhưng sự thật là họ vẫn tổ chức và đã “trốn” tiền tác quyền.

Còn với một số phòng trà nhỏ, doanh thu thấp, chúng tôi vẫn đồng ý để cho họ thương lượng. Cách đây hơn 2 tuần, sau khi nhận được giấy yêu cầu tiền tác quyền, có vợ chồng chủ quán nhạc Trịnh ở quận Bình Tân đã tới gặp chúng tôi và cho biết họ yêu thích nhạc Trịnh nên mới mở quán nhỏ để kinh doanh.

Sau khi xem xét thực tế doanh thu, chúng tôi đã đồng ý cho họ tự nguyện trả tiền tác quyền.

Vì thế tôi vẫn khẳng định số tiền 300 ngàn đồng không phải là cố định mà chúng tôi có thể thay đổi, miễn sao cho những người sử dụng nhạc Trịnh để kinh doanh phải thấy trách nhiệm của mình trong việc trả tiền tác quyền.

Việc thu tiền tác quyền nhạc Trịnh sẽ khiến nhiều khán giả mất cơ hội thưởng thức nhạc Trịnh, và nhiều phòng trà cũng bắt đầu từ chối hát nhạc Trịnh?

Tôi không nghĩ là như thế! Từ trước tới nay rất nhiều nhạc sỹ khác được trả tiền tác quyền, tại sao Trịnh Công Sơn lại không được trả? Việc từ chối hát nhạc Trịnh tại một số phòng trà tôi không biết, nhưng việc tuân thủ pháp luật về tiền tác quyền là điều đương nhiên.

Còn nhạc Trịnh đã có chỗ đứng trong lòng khán giả từ rất lâu nên tôi tin trong thời gian tới, khi tác quyền được thực hiện nghiêm túc, khán giả vẫn có cơ hội thưởng thức.

Lúc sinh thời nhạc sỹ Trịnh Công Sơn rất ưu ái với những ca sỹ trẻ khi sử dụng các ca khúc của ông để tạo dựng tên tuổi. Liệu khi tiền tác quyền được thực thi, những ca sỹ trẻ mong muốn được hát nhạc Trịnh có thể được lưu ý?

Như tôi đã nói, Quỹ tài năng trẻ mang tên anh Sơn do chúng tôi lập ra cũng nhằm tìm và phát hiện những tài năng trẻ trong âm nhạc. Cách đây mấy năm, một ca sỹ trẻ ra album đầu tay chúng tôi cũng không lấy tiền tác quyền và hiện nay ca sỹ đó đã nổi tiếng.

Sau khi qũy thành lập xong và đi vào họat động thì không chỉ miễn tiền tác quyền, chúng tôi còn tài trợ, giúp đỡ các ca sỹ trẻ lập nghiệp.

Sao gia đình bà không ký ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ tác quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thu cho tiện?

Chúng tôi không quen nói đến chuyện tiền bạc nên khi đặt vấn đề tiền tác quyền, chúng tôi đã gặp một số phản ứng.

Vì thế chúng tôi cũng đã làm việc với Trung tâm Bảo vệ tác quyền tác giả âm nhạc Việt Nam và có lẽ chúng tôi sẽ ủy quyền cho nơi này làm giúp thì hợp lý hơn.

Nhưng chúng tôi vẫn khẳng định sẽ quyết tâm làm tới cùng việc thu tác quyền nhạc Trịnh Công Sơn vì điều này Luật đã cho phép.

Xin cảm ơn bà.

MỚI - NÓNG