Thi ĐH, trung bình điểm Sử là 2,09 - Vì sao?

Thi ĐH, trung bình điểm Sử là 2,09 - Vì sao?
TP - Ngày mai, 27/3, tại Hà Nội sẽ diễn ra hội thảo khoa học Thực trạng việc dạy và học Lịch sử trong trường phổ thông, nguyên nhân và giải pháp. Sáng 25/3, một cuộc họp báo về hội thảo đã được tổ chức.
Thi ĐH, trung bình điểm Sử là 2,09 - Vì sao? ảnh 1
Chấm thi môn Lịch sử kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Hà Nội 2007 - Ảnh: Hồ Thu

Theo Phổ điểm toàn quốc môn Lịch sử khối C kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2007 do Cục Công nghệ thông tin Bộ GD&ĐT cung cấp, có 150.234 thí sinh, chiếm tỉ lệ 95,74% tổng số thí sinh làm bài thi môn Lịch sử) đạt từ 0 đến 4,5/10 (điểm dưới trung bình)

Điểm từ 5/10 trở lên (điểm từ trung bình trở lên) có 6.680 thí sinh (chiếm tỉ lệ 4,26%).

Đặc biệt lưu ý là điểm 0/10 có 5.908 thí sinh, chiếm tỉ lệ 3,76% tổng số thí sinh dự thi. Điểm cao nhất là 9/10 (không có điểm 10 nào) chỉ có 17 thí sinh; điểm 8,5 cũng chỉ có 17 thí sinh.

So với các môn thi khác, điểm trung bình môn Lịch sử giữ thứ hạng thấp nhất với mức điểm là 2,09/10 (điểm trung bình một số môn khác: Lý – 5,19; Hóa – 4,49; Văn – 4,41; Toán – 3,65; Ngoại ngữ - 3,64).

Tổng kết này cho thấy một thực tế không mấy sáng sủa về tình trạng học và dạy lịch sử. Đó là lý do vì sao, trong hội thảo ngày hôm qua, các nhà sử học đã đưa ra nhiều ý kiến.

Cuộc họp báo không có đại diện Bộ GD&ĐT, mặc dù theo thông tin trên giấy mời, cơ quan này là một trong những đơn vị tham gia tổ chức hội thảo.

Nỗi niềm của những nhà Sử học

Chủ trì cuộc họp báo gồm GS NGND Đinh Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam (KHLSVN); nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội KHLSVN; ông Triệu Văn Hiển, Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

Giải thích về sự vắng mặt của đại diện Bộ GD&ĐT, GS Đinh Xuân Lâm cho biết: “Tối hôm qua chúng tôi liên lạc qua điện thoại với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân thì được Phó Thủ tướng trả lời rằng, ông đang công tác ở nước ngoài. Bộ trưởng khẳng định trước khi đi công tác ông đã giao trách nhiệm cho lãnh đạo các Vụ chức năng của Bộ GD&ĐT tham gia sự kiện này”.

Tuy nhiên, GS Đinh Xuân Lâm cũng nhắc lại một “kỷ niệm” liên quan tới mối quan tâm của Bộ GD&ĐT đối với môn Lịch sử: Cách đây vài năm, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức rà soát chương trình và SGK các môn học (trong đó có môn Lịch sử) của các lớp phổ thông cơ sở. Đã có nhiều cuộc hội thảo, nhiều bản nhận xét, có nghiệm thu và kiến nghị, có tổng kết với sự tham dự của Bộ GD&ĐT. Nhưng sau đó là “sự im lặng đáng sợ”.

Không phải ngẫu nhiên mà những câu chuyện trên được kể lại. Trong cuộc họp báo, nỗi niềm của các nhà sử học không chỉ bộc lộ qua sự chia sẻ sự bất bình về những “điểm số môn Lịch sử trong những kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ quá thấp, thấp đến mức không thể hiểu nổi”!

Đằng sau kết quả dạy - học môn Lịch sử trong các trường phổ thông “quá kém”, cần được “báo động” đó là sự thờ ơ của xã hội, đặc biệt là của ngành GD&ĐT đối với môn Lịch sử!

GS Đinh Xuân Lâm khẳng định: “Trẻ em rất quan tâm tới lịch sử. Tôi đã từng chứng kiến cảnh 5 – 6 em xúm quanh một cuốn sách kể chuyện lịch sử trong nhà sách để đọc. Do đó, nếu các em thờ ơ với môn Lịch sử thì đó là lỗi của người lớn”.

Nhẫn nại đòi công bằng cho Lịch sử

Ông Triệu Văn Hiển kể về sự “hút hàng” của một số ấn phẩm lịch sử được Hội KHLSVN đầu tư biên soạn. Ông Dương Trung Quốc nhớ lại thời điểm cách đây 15 năm, ông cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã bàn với một doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin đưa lịch sử vào trò chơi trên máy tính ra sao...

Nhưng những nỗ lực của các nhà sử học trong việc nâng cao hiểu biết môn Lịch sử trong giới trẻ đã “lọt thỏm” giữa bộn bề cuộc sống, khi tỉ trọng mối quan tâm xã hội dành cho lịch sử quá ít.

Ông Dương Trung Quốc phân tích về những nguyên nhân khiến thế hệ trẻ vào đời thiếu kiến thức lịch sử: “Chúng ta trách HS thờ ơ với môn Lịch sử nhưng hãy xem cách chúng ta đối xử với môn Lịch sử. Trong hệ thống GD, vị trí môn Lịch sử rất thấp, đầu tư cho người dạy Sử - học Sử rất ít.

Nhiều GV dạy Sử chưa từng được đến các địa danh nổi tiếng như Bạch Đằng Giang, Chi Lăng... Đã vậy chúng ta lại có một quan niệm sai lầm về Lịch sử, xem đây là một môn “khổ sai của trí nhớ” trong khi đó ý nghĩa lịch sử chính là những bài học ngụ ngôn”.

Sự không công bằng với môn Lịch sử còn thể hiện ở chương trình môn Lịch sử: nặng về chính trị trong khi Lịch sử trước hết là một khoa học. Do đó, trong nội dung SGK Lịch sử có quá nhiều bài về chiến tranh (chiến tranh cũng đề cập nhiều tới chiến thắng), ít bài về kinh tế, hầu như thiếu vắng mảng văn hóa.

Theo ông Dương Trung Quốc, việc quan tâm tới tầm vóc môn Lịch sử không chỉ là trách nhiệm của một tổ chức hội chuyên môn: “Ngay với hội thảo này, Bộ GD&ĐT nói là họ có quan tâm nhưng lại quan tâm theo kiểu có kinh phí thì cho một ít rồi cử người này người kia tham dự”.

Với hội thảo “Thực trạng việc dạy và học Lịch sử trong trường phổ thông, nguyên nhân và giải pháp”, phía nhà tổ chức cho rằng họ không có nhiều kỳ vọng tạo bước đột phá trong việc dạy và học môn Lịch sử. Sự kiện này chỉ đơn giản là một tiếng chuông cảnh tỉnh được các nhà sử học tiếp tục gióng lên đòi sự công bằng cho môn Lịch sử trong hệ thống GD.  

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.