Kịch bản cho người thất bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng

Kịch bản cho người thất bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng
TP - Thử thách đầu tiên là họ sẽ mất bao nhiêu thời gian để quên đi nỗi thất vọng vì không thể vào Nhà Trắng. Điều này không dễ.

Tháng 11/2008, Thượng nghị sĩ (TNS) John McCain, người đã là ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa, sẽ đấu tay đôi với TNS Hillary Clinton, 60 tuổi hoặc TNS Barack Obama, 46 tuổi, đại diện cho đảng Dân chủ.

Nếu giành chiến thắng, ông McCain đã bước sang tuổi 72 và sẽ là Tổng thống Mỹ già nhất trong nhiệm kỳ đầu tiên. Cựu Đệ nhất Phu nhân Clinton có thể sẽ là nữ Tổng thống đầu tiên.

Ông Obama có thể sẽ là Tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ và là một trong những nhà lãnh đạo trẻ nhất.

“Cả ba người đối mặt với những tình huống rất khác nhau, nhưng mỗi người sẽ được vinh dự hơn hoặc gặp phiền toái nếu thất bại”, ông James Thurber ở Trung tâm Nghiên cứu Tổng thống và Quốc hội đánh giá.

Thử thách đầu tiên là họ sẽ mất bao nhiêu thời gian để quên đi nỗi thất vọng vì không thể vào Nhà Trắng. Điều này không dễ.

TNS bang Massachusetts John Kerry, người thất bại trong cuộc đua trở thành ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ năm 2004, tâm sự:

“Thật khó khăn. Nhưng bạn vẫn phải tiếp tục. Nghị sĩ là một công việc tuyệt vời. Bạn có thể làm nhiều việc tốt”.

Hai năm đầu tiên sau thất bại năm 2004, ông Kerry ít xuất hiện trước công chúng. Tới năm 2007, TNS Kerry mới bắt đầu nổi lên như một người chỉ trích mạnh mẽ chính sách chống khủng bố của Mỹ.

Tháng 11 tới, lần đầu tiên có 2 TNS đối mặt nhau trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Một TNS giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng gần đây nhất là ông John F.Kennedy năm 1960.

Giải Nobel cho một người thất bại

Ông Al Gore, cựu TNS trở thành Phó Tổng thống, đã “hồi phục” mạnh mẽ sau thất bại trước đối thủ George Bush trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2000. Năm 2007, cựu Phó Tổng thống Al Gore đã giành giải Nobel Hoà bình nhờ những nỗ lực của ông trong cuộc chiến chống lại hiện tượng khí hậu nóng lên tên toàn cầu.

Ông George McGovern, một ứng cử viên khác của đảng Dân chủ, nhớ lại những khoảnh khắc tĩnh lặng trong cuộc đời sau khi bị đối thủ Richard Nixon đánh bại năm 1972.

“Đột nhiên mọi thứ trở nên tĩnh lặng và bạn cảm thấy hơi cô đơn. Mọi người biến mất. Truyền thông rời bỏ. Lực lượng Mật vụ nói lời tạm biệt. Bạn không còn ở trên trang nhất các tờ báo mỗi ngày”, ông McGovern, 85 tuổi, tâm sự từ nhà mình tại Michell, Nam Dakota.

 Sau một thời gian tìm cách điều chỉnh, ông McGovern đã quyết định tiếp tục làm nghị sĩ và tái đắc cử ghế nghị sĩ năm 1974. Ông McGovern dồn tâm huyết cho cuộc chiến chống đói nghèo, giúp đỡ trẻ em, phụ nữ và các gia đình nghèo túng.

Lãnh đạo trong Quốc hội?

Theo các TNS và giới học giả, bà Clinton và ông Obama hiện chỉ trích lẫn nhau một cách khéo léo. Tuy nhiên, bất kỳ ai thất bại trong cuộc đua trở thành ứng cử viên Tổng thống cũng sẽ ủng hộ cho người chiến thắng.

“Nếu tiếp tục là TNS, bà Clinton có thể trở thành nhà lãnh đạo của phe đa số”, TNS đảng Dân chủ Joseph Biden dự báo. TNS đảng Dân chủ Patrik Leahy cho rằng bà Clinton “có thể trở thành một trong những thành viên Thượng viện có ảnh hưởng và quyền lực lớn nhất”.

Ông Obama - TNS nhiệm kỳ đầu tiên, nhân vật có sức cuốn hút và có năng khiếu hùng biện – có thể tiếp tục chạy đua vào Nhà Trắng năm 2012 hoặc 2016. “Nếu thất bại trong cuộc đua trở thành ứng cử viên, ông (Obama) có thể tiếp tục và sẽ là một ứng cử viên lớn”, Paul Light tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc hội thuộc Đại học New York, nhận định.

Nếu TNS McCain thất bại, ông sẽ tiếp tục lớn tiếng tại Thượng viện để bảo vệ cuộc chiến tại Iraq và phản đối bất kỳ nỗ lực nào của tân Tổng thống thuộc đảng Dân chủ trong việc rút quân khỏi Iraq.

Một cố vấn hàng đầu của đảng Cộng hoà nói: “Tôi chắc rằng ông McCain sẽ tiếp tục những gì ông đang làm và chiến đấu vì những gì ông tin tưởng”. Ông McCain là TNS trong 4 nhiệm kỳ và nếu tiếp tục tranh cử vào Thượng viện vào năm 2010, ông đã 74 tuổi. Tuy nhiên, các học giả Mỹ cho rằng ông McCain sẽ về hưu sau nhiệm kỳ TNS này nếu không đắc cử Tổng thống.

D.H
Tổng hợp

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.