Chuột chạy cùng sào mới “vào” Lịch sử

Chuột chạy cùng sào mới “vào” Lịch sử
TPO – “Thi đại học, có em không làm được bài môn Lịch sử, liền viết 4 trang giấy, trong đó thừa nhận: Mình là người dốt nát nhất trong những người dốt nát vì đã chọn môn Lịch sử để thi” – PGS. TS Phạm Xanh (ĐHQGHN) cho biết.

>> Thi ĐH, trung bình điểm Sử là 2,09 - Vì sao?

Chuột chạy cùng sào mới “vào” Lịch sử ảnh 1
Nhiều học sinh không "mặn mà" với môn Sử.

Thầy nản, trò chán

Theo Giáo sư Đinh Xuân Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nhiều nguyên nhân chủ và khách quan được đưa ra lý giải cho thực trạng học và thi môn Lịch sử kém như hiện nay.

“Môn Lịch sử và người dạy không được coi trọng. Môn học này bị coi là “môn phụ”, năm thi, năm không thi tốt nghiệp nên có tình trạng chương trình bị cắt xén một cách tùy tiện” – Giáo sư Lâm nói.

Giáo sư Lâm cho hay, khi được hỏi về những nguyên nhân giảm sút chất lượng dạy và học môn Lịch sử, 41,19% giáo viên phổ thông nói do môn này chưa được các nhà quản lý giáo dục trong trường chú trọng đúng với vị trí cần có…  

“Quan điểm không đúng về môn Lịch sử còn chi phối cả cha mẹ học sinh, nhất là trong hoàn cảnh kinh tế thị trường, các môn khoa học kỹ thuật, ngoại ngữ tỏ ra đắc dụng hơn. Đó là chưa nói đến cái nạn chạy theo thành tích, học sinh kém vẫn cho điểm cao, vẫn cho lên lớp để đảm bảo chỉ tiêu thi đua” – Ông Lâm nói thêm.

Đồng tình với quan điểm trên, giáo viên Lê Thị Thu Hương (Trường THPT Chu Văn An Hà Nội) nêu ví dụ: Trường THPT Chất lượng cao Chu Văn An có lớp chuyên Sử, nhưng số em thực sự đam mê môn này chỉ chiếm số ít. Nhiều em chỉ “mượn” Lịch sử để được vào trường học, vì điểm thi vào chuyên Sử thấp hơn các lớp chuyên khác.

Như vậy, trong trường hợp này, môn học Lịch sử chỉ là “công cụ” để các em thực hiện tính toán riêng, chứ không xuất phát từ niềm đam mê. Vì vậy, đòi hỏi các em chăm học và học tốt là rất khó.

Xét ở góc độ nghề nghiệp, học sinh và gia đình hiện nay thực dụng hơn nên thường theo đuổi ngành học có nhiều cơ hội kiếm được việc làm, thu nhập cao mà “ngại” Lịch sử, cũng như một số môn khoa học xã hội. Và như vậy, trong “luật chơi” cung – cầu, môn học Lịch sử bị coi như một thứ “hàng hóa”… ế.  

“Người học chưa nhận thấy nhu cầu thiết thực thì người dạy cũng rất khó tìm cách để người học chủ động thích. Xu hướng ngày nay của học sinh là “thi gì học nấy”, còn nếu không thi thì “học để làm gì?”” – cô Hương nêu một thực tế.

Trong khi đó, cô Lê Thị Hiền – giáo viên trường THPT Lương Đác Bằng (Thanh Hóa) lại quan tâm đến khía cạnh người thầy. “Nguyên nhân rất quan trọng đối với chất lượng môn Lịch sử chính là đội ngũ giáo viên”.

Theo giáo viên này, nhiều giáo viên dạy Lịch sử chưa hiểu rõ vị trí, chức năng bộ môn của mình. Khi thấy học sinh và phụ huynh không mặn mà với môn Lịch sử, giáo viên cũng mặc cảm và buông xuôi, tự coi thường “môn phụ”.

Cô Hiền cũng cho rằng, một nguyên nhân khác làm môn Lịch sử “lừ đừ” như hiện nay là chế độ thi cử chưa nghiêm. Thi đại học, các trường đang bỏ dần môn Lịch sử khiến “đất dụng võ” ngày càng bị thu hẹp.

Thầy nản, trò chán, cơ sở vật chất hạn chế, đồ dùng dạy học chuyên môn lạc hậu, (chủ yếu là bản đồ, ít các phần mềm phục vụ cho giảng dạy), sách giáo khoa còn “nhiều vấn đề”… được xem là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “dân ta chưa biết sử ta”.

Trả lại “tên” cho môn Sử

Theo Giáo sư Đinh Xuân Lâm, khâu đầu tiên cần giải quyết là phải có quan niệm đúng về bộ môn Lịch sử từ các cấp quản lý giáo dục đến cha mẹ học sinh và toàn xã hội.

“Giải pháp hàng đầu là phải có sự thay đổi mang tính cách mạng về quan niệm đối với môn Lịch sử ở bậc phổ thông” – Giáo sư Lâm nói.

Cụ thể hóa quan điểm này, Giáo sư Đỗ Thanh Bình – Chủ nhiệm khoa Lịch sử (Đại học Sư phạm Hà Nội) dẫn ví dụ: Có thể chỉ đạo không dạy dồn tiết môn học này, hoặc không bỏ chương trình, nội dung khi Lịch sử không nằm trong danh sách công bố thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT…

Về sách giáo khoa, Giáo sư Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng: Với chương trình như hiện nay, có cố gắng cải tiến phương pháp giảng dạy của một số thầy, cô giáo, nhưng học sinh không thích môn Lịch sử là điều dễ hiểu, gần như tất nhiên.

Đồng quan điểm này, Giáo sư Vũ Dương Ninh (ĐHQGHN) đề xuất, nên phân bố chương trình theo hướng “ít mà tinh” chứ không nên tham lam, dễ trùng lặp như hiện nay.

“Đề thi môn Lịch sử không nên ra theo hình thức trắc nghiệm hoàn toàn mà có phần tự luận vì học Sử cần phải có tư duy, liên hệ, vận dụng, rút ra bài ý nghĩa, bài học lịch sử” – cô Hiền đề xuất.

Còn cô Lê Thị Thu Hương thì góp ý, nên lồng ghép dạy Lịch sử địa phương vào dạy Lịch sử dân tộc để tăng thêm tính thực tiễn, sinh động của bài giảng để thu hút sự hứng thú của học sinh.

Đối với người dạy, “cần tăng cường kiểm tra chéo giữa các trường với mục đích vừa giám sát giáo viên trong việc thực hiện quy chế chuyên môn, về để tăng cường sự giao lưu, học hỏi” – cô Hương kiến nghị.

---------------

Bài 2: Nên “cải cách” sách giáo khoa Lịch sử

MỚI - NÓNG