Nên "cải cách" sách giáo khoa lịch sử

Nên "cải cách" sách giáo khoa lịch sử
TPO – Nhiều giáo sư đầu ngành, từng nhiều năm viết sách giao khoa (SGK) lịch sử nhận định, chương trình môn học này chưa hoàn chỉnh, kiến thức quá nặng về quân sự, chính trị, “đánh đố” trí nhớ của học sinh.

>> Chuột chạy cùng sào mới “vào” Lịch sử

Nên "cải cách" sách giáo khoa lịch sử ảnh 1
Giáo sư Đinh Xuân Lâm.

Giáo sư Đinh Xuân Lâm – Phó Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam:

Chắp vá

Để xảy ra thực trạng hiện nay, tội không phải của học sinh mà là người lớn. Chương trình xây dựng chưa tốt, SGK viết chưa hay, phương pháp dạy không hấp dẫn nên học sinh thụ động, chỉ học thuộc lòng đối phó.

Chúng tôi viết SGK nhiều, dạy lâu năm, thấy rằng: chương trình chưa hoàn chỉnh, mang tính chắp vá. Chương trình nặng về kiến thức quân sự, chính trị mà không thấy rằng lịch sử dân tộc bao gồm cả mặt văn hóa, kinh tế.

Chương trình hạn chế dẫn đến chất lượng SGK kém.

SGK hiện nay quá nặng. Ngay như cuốn Lịch sử lớp 12 do tôi chủ biên, kiến thức còn nặng về chiến tranh, quân sự. Văn hóa, kinh tế rất quan trọng thì lại nói ít. Đề cập về chiến tranh, có bài kể từng trận đánh một, nói chi tiết về số binh lính của địch chết, bị thương…

Trong quá trình biên soạn, chúng tôi đã nói chương trình này là không được, phải có một chương trình ổn định, có tính chất pháp lý của Nhà nước thì trên cơ sở đó mới viết được SGK hay.

Tuy nhiên, khi có đề xuất, người chỉ đạo nói trong quá trình viết sẽ điều chỉnh dần chương trình. Như vậy là không được. Chúng ta phải nghiên cứu lại và hoàn chỉnh chương trình. Khi đã có chương trình ổn định rồi mới đặt vấn đề viết SGK tốt.

Sau hội nghị này, chúng tôi sẽ trực tiếp làm việc với Bộ GD&ĐT và các cấp quản lý để sau đó có những biện pháp mạnh hơn.

Nên "cải cách" sách giáo khoa lịch sử ảnh 2
Giáo sư Vũ Dương Ninh. Ảnh: vnu.edu.vn. 

Giáo sư Vũ Dương Ninh – Đại học Quốc gia Hà Nội:

Trùng lặp

Chương trình môn Sử được trải dài qua 3 bậc học: tiểu học (lớp 4 và 5), trung học cơ sở (lớp 6 đến 9), trung học phổ thông (lớp 10 đến 12).

Có ý kiến dẫn chứng sự khác nhau giữa chương trình của môn Sử bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông là không rõ ràng, có những bài hầu như lặp lại.

Đây là một thực tế. Kể cả trong bộ SGK mới, các tác giả không khỏi lúng túng để phân định cho rõ nội dung bài học của từng bậc.

So sánh chương trình lớp 8 với lớp 11, lớp 9 với lớp 12 sẽ thấy thời lượng gần bằng nhau, các thuyết minh trong nội dung chương trình gần như nhau. Điều đó thật khó cho người viết sách và thầy cô trong việc phân định mức độ giữa hai bậc học.

Chúng ta cần tính toán lại, ở chương trình lịch sử lớp 9 có nhất thiết bắt học sinh học liên tục từ năm 1919 đến sau này? Theo tôi, học sinh chỉ cần nắm chắc mấy mốc chính về lịch sử hiện đại như: thành lập Đảng, cách mạng tháng Tám, chiến thắng Điện Biên Phủ, Tổng tiến công mùa Xuân 1975.

Chương trình và SGK cần nhấn vào các mốc đó, làm nổi bật vị trí và ý nghĩa của nó. Cần có sự dẫn giải cho học sinh hiểu được tính liên tục của các sự kiện nhưng không vì thế lại đi sâu vào tất cả các giai đoạn, chiến dịch, trận đánh…

Đến chương trình lớp 12 thì nâng lên một cách hệ thống hơn, sâu hơn nhưng cũng không nên quá chi tiết như nội dung SGK 12 hiện nay.

“Quý hổ tinh bất quý hổ đa”, nội dung chương trình SGK nên “thà ít mà tốt”.

Bộ GD&ĐT chủ trương biên soạn 2 hệ thống SGK dành cho ban Khoa học Tự nhiên và Ban Khoa học Xã hội. Nhưng thực tiễn, học sinh không chọn phân ban theo mong muốn của Bộ nên sinh ra cái gọi là “Ban cơ bản” và chuyển hóa thành 2 loại SGK chuẩn và nâng cao.

Sự khác biệt giữa sách chuẩn và nâng cao không nhiều, việc chia tách chỉ gây thêm sự lúng túng cho học sinh và lãng phí thời gian, tiền bạc cho khâu biên soạn.

Tôi cho rằng, trong điều kiện hiện nay, chỉ nên tập trung xây dựng bộ SGK dùng chung cho học sinh, thể hiện những kiến thức cơ bản, cốt lõi nhất. Còn giảng dạy cho lớp phân ban, nâng cao đến đâu thì nên thể hiện trong sách dành cho giáo viên.

Tổ chức viết SGK như hiện nay cũng còn bất cập. Một cuốn khoảng 300 trang mà có tới 10 tác giả thì quá cồng kềnh. Nhiều người viết khó tránh khỏi sự thiếu nhất quán. Sự thiếu vắng nhà giáo phổ thông khi biên soạn cũng làm cho SGK có phần xa cách đối với trình độ và tâm lý học sinh.

Nên "cải cách" sách giáo khoa lịch sử ảnh 3
Giáo sư Phan Huy Lê

Giáo sư Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam:

Cần viết lại SGK

Sách giáo khoa Lịch sử đã qua nhiều lần biên soạn. Lần sửa lại vào năm 2006 đã có những cố gắng đáng kể cả về nội dung và trình bày. Tuy nhiên, SGK hiện không thể xoay chuyển được tình hình thời sự ở mức phổ thông.

Theo chương trình hiện nay, nhiều kiến thức lịch sử cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông quá cao, hoàn toàn không phù hợp với học sinh. Có quan điểm, học Sử là phải nhớ sự kiện, hiểu biết về diễn biến nhưng đây đâu phải là môn học thuộc lòng.

Vấn đề căn bản là phải hiểu Sử, nó là quá khứ nhưng gắn rất chặt với tương lai. Môn Sử bị xa rời là do chính hai lý do đó.

Học sinh không thích học Sử - mà tôi cho rằng, không thích là hoàn toàn đúng đắn. Đó không phải trách nhiệm của thế hệ trẻ mà là của người lớn, của xã hội và những người có trách nhiệm trong ngành giáo dục.

Trước hết cần thay đổi chính nhận thức cơ bản về vị trí của môn Sử, về yêu cầu giáo dục của môn học này. Đó mới là vấn đề căn bản. Từ thay đổi này thì rõ ràng phải biên soạn lại chương trình, viết lại sách giáo khoa.

Môn Sử mà sa sút như hiện nay thì cực kỳ nguy hiểm, không thể lường trước được nguy hại đối với thế hệ trẻ. Không biết gì về quá khứ dân tộc thì điều đó sẽ như thế nào?

Đối với học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, lịch sử vô cùng quan trọng. Giáo dục lịch sử không chỉ trang bị kiến thức mà phải giúp các em hiểu lịch sử thế giới, lịch sử dân tộc. Từ cái hiểu đó tác động tới nhận thức và cả tâm hồn của thế hệ trẻ.

Các em sẽ biết ứng xử với quá khứ và vận dụng quá khứ đó đối với cuộc sống hôm nay và mai sau. Sử là cuộc đối thoại liên tục giữa hiện tại và quá khứ.

Vì thế, ngay cả việc tổ chức biên soạn SGK cũng phải thay đổi, không thể giao cho một ban, một hội đồng có tính chất độc quyền như hiện nay. Cần phải tập hợp các chuyên gia giỏi, kết hợp với các giáo viên dạy phổ thông trong khâu biên soạn SGK.

Nên "cải cách" sách giáo khoa lịch sử ảnh 4
Nhà sử học Dương Trung Quốc
* Nhà sử học Dương Trung Quốc: Nhiệm vụ quan trọng nhất của giáo dục phổ thông là hình thành nhân cách cho học sinh. Có người trao đổi với tôi, kiến thức lịch sử có thể click chuột ra ngay. Mục đích của học lịch sử không phải chỉ để nhớ.

Hiện nay, học sinh phải nhớ nhiều quá. SGK vẫn mang nặng kiến thức nhiều hơn là giáo dục hình thành nhân cách cho học sinh. Tôi cho rằng, cái quan trọng là những bài học của lịch sử thấm vào thế hệ trẻ chứ không phải chỉ kiến thức đơn thuần.

* Phó Giáo sư Lê Mậu Hãn - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội: Hiện chương trình lịch sử cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông và đại học giống nhau khá nhiều mà cách thức, phương pháp giảng dạy không có gì mới.

Nên cách mạng trong khâu viết SGK theo hướng kiến thức nhẹ hơn, không dàn trải. Ví dụ trong một trận đánh, không nên đưa chi tiết ta diệt bao nhiêu giặc, địch nhảy dù thế nào…, chỉ cần nói mốc và đi sâu vào kết quả, rút ra bài học, ý nghĩa.

* Cô Lê Thị Thu Hương – Giáo viên dạy lịch sử, trường THPT Chu Văn An (Hà Nội): Nội dung SGK, nhất là chương trình thí điểm phân ban hiện nay còn nhiều vấn đề phải bàn. SGK chưa hấp dẫn về hình thức, hình ảnh nghèo nàn.

Nội dung SGK rất nặng, quá nhiều sự kiện lịch sử dẫn đến việc học sinh được học môn này từ tiểu học nhưng kết thúc trung học phổ thông cái cần nhớ vẫn không nhớ được.

MỚI - NÓNG