Hành trình của lòng dũng cảm

Hành trình của lòng dũng cảm
TP - Đó là hành trình của một cựu chiến binh Mỹ, một cô gái nguyện suốt đời mình sống cho những số phận bất hạnh, một bệnh nhân mà sự sống chỉ đếm được từng ngày… và những người bạn từ các nước khác nhau. Họ đi để góp phần làm vợi bớt nỗi đau da cam.

Năm 2007, một cuộc gặp gỡ tình cờ đã kết nối hai con người thời hậu chiến. Một cựu chiến binh – Doc Bernie Duff – từng tham chiến tại Việt Nam 39 năm về trước, bị ám ảnh bởi những hình ảnh ghê sợ của chiến tranh đến mức bị “hội chứng Việt Nam” hành hạ từng đêm. Bảo Anh – cô gái từng được cư dân mạng bầu chọn là cô gái du lịch với Blog Vietnam – The Hidden Charm.

Bảo Anh từng là sinh viên báo chí, ra trường làm báo, PR rồi chuyển sang ngành du lịch. Cô có điều kiện thực hiện những chuyến thăm, gặp gỡ các em nhỏ bị chất độc da cam hành hạ tại các trung tâm bảo trợ. Và cô gặp Doc, đi cùng nhau đến với những số phận bất hạnh. Hành trình Cam ra đời cũng tự nhiên khi ý tưởng của họ muốn làm một điều gì đó để thỏa mãn những khao khát cháy bỏng trong lòng.

Ý tưởng tổ chức một hành trình đi bộ xuyên Việt được đưa lên blog của cả Bảo Anh và Doc. Những lời đề nghị được tham gia đến từ cả bên kia trái đất. Bob, một giám đốc công ty sản xuất nón vải đã về hưu tình nguyện tài trợ và tham gia. Joanne Margaret Simpson (thường gọi là Jo), đang mang trong mình căn bệnh “chết dần từng bộ phận”, cuộc sống chỉ còn đếm từng ngày cũng muốn làm thành viên, tham gia như một hoạt động cuối cùng của cuộc đời mình.

Hai con của bà,  Dan và Jessica, cũng xin nghỉ làm trong thời gian đi bộ để vừa tham gia, vừa chăm sóc mẹ. Phan Duy Phúc và Phan Thị Truyền, cựu sinh viên ĐH Sân khấu điện ảnh, một quay phim và một biên tập, quyết định đeo bám và thực hiện một bộ phim tài liệu về Hành trình Cam.

Đoàn còn có Michael Eddie Quick, về hưu sau một tai nạn xe hơi khủng khiếp, đang mắc bệnh tiểu đường và béo phì. Và điều đặc biệt nhất là những thành viên này (trừ những người ở Việt Nam) đều chưa từng gặp mặt nhau. Hành trình Cam là một sợi chỉ đỏ nối họ lại với nhau.

 Hành trình Cam là hành trình của 10 thành viên chính thức: Bảo Anh, Doc Bernie Duff, Michael Eddie Quick, Joanne Magaret Simpson, Karla Foss Reilly, Daniel Simpson Ayres, Jessica Susan Ayres, Robert Schuessler, Phan Duy Phúc, Phan Thị Truyền.

Trong số này, vì nhiều lý do, Karla sẽ bắt đầu cuộc hành trình từ Đà Nẵng và đi đến Hà Nội. Dọc đường đi, ai muốn trở thành thành viên của đoàn đều có thể đi theo từng chặng.

Hành trình  Cam xuất phát từ sáng kiến của Doc và Bảo Anh từ năm 2007. Đoàn sẽ đi bộ xuyên Việt và quyên góp tài trợ ủng hộ những nạn nhân của chất độc da cam. Qua chuyến đi bộ này, những cảnh đẹp của Việt Nam sẽ được giới thiệu với bạn bè thế giới.

Dự kiến, hành trình sẽ trải qua trong 67 ngày, tính từ ngày 25/4/2008 tại TPHCM đến ngày đầu tháng 6/2008 tại Hà Nội.

Như Bảo Anh từng viết trên blog:

“Doc là nạn nhân của chất độc da cam, hàng ngày anh phải dùng thuốc để chống chọi với các di chứng. Nhưng khi trở lại Việt Nam, chứng kiến những em bé vô tội sinh ra không có mắt, không có tay chân, những em bé với lớp da như vảy cá và hình hài kỳ dị, hoặc với những cái đầu to nằm bất động suốt đời,… anh mới hiểu thế nào là “nỗi đau da CAM”.

Với chúng tôi, “nỗi đau da CAM” không chỉ của cá nhân Doc, của mỗi em bé sinh ra không lành lặn, không chỉ là nỗi đau của những của những gia đình có nạn nhân của chất độc da cam, không chỉ là nỗi đau của một dân tộc mà còn là nỗi đau chung của nhân loại.

Chúng tôi nghĩ đã đến lúc cần làm một điều gì đó nhằm góp chút sức nhỏ bé trong việc bù đắp lại những đau đớn, mất mát về thể xác lẫn tinh thần cho những “Nỗi đau da CAM”. Đó là lí do chúng tôi tổ chức cuộc hành trình này”.

Chuyến đi này không chỉ là tiền trạm cho những chuyến đi kế tiếp hàng năm, tạo nên một thương hiệu để có thể đứng ra quyên góp tài trợ của bạn bè trên thế giới. Nó còn giúp đánh động lòng yêu thương của mọi người, là kênh để cho thế giới biết nhiều hơn về con người cảnh đẹp của Việt Nam.

Cuối cùng thì chương trình cũng không chờ được giấy phép khi mà ngày xuất phát đã gần kề. Trước đó, các thành viên đã có những cuộc tập luyện hết sức nghiêm túc. Chặng đường đi bộ của Bảo Anh và Doc được nâng lên từng ngày: 5km, 7km, 20km…

Ở bên kia đại dương, Bob và Mike cũng tập luyện. Những người bạn Úc cũng sẵn sàng lên đường. Nhưng, địa điểm xuất phát không thể tiến hành như dự kiến ban đầu là từ làng Hòa Bình vì vướng mắc vấn đề giấy phép.

Hành trình của lòng dũng cảm ảnh 1
Xuất phát

Vì hành trình cam

Trước ngày lên đường, Bảo Anh kể rằng, trong khi đang ăn tối, có một món quà bất ngờ được gửi đến. Đó là số tiền mà một người bạn đang học bên Mỹ gom góp từng đồng, bớt lại từ những bữa ăn gửi tặng đoàn. Bạn bè tại Việt Nam, những người không đi được thì chung tay nhau gửi đến Hành trình Cam một phần kinh phí. Bạn bè trên mạng ngày nào cũng động viên. Bảo Anh đã rơi nước mắt vì những tấm lòng ấy.

Đoàn bắt đầu xuất phát từ Bệnh viện Từ Dũ. Thành viên xuất phát lúc này bất ngờ “đội” lên rất nhiều. Có những thành viên ngoài dự kiến, dù chỉ đi bộ với đoàn một quãng ngắn đến Hàng Xanh, chân cầu Sài Gòn… cũng góp mặt. Họ đi chỉ để chia sẻ, chỉ để góp mặt, chỉ để cùng những thành viên khác bước trên chặng đường dài. Và dọc đường, chia tay bằng những cái ôm ghì, những cái hôn vội trên khuôn mặt lấm tấm mồ hôi.

Bà Huệ, 60 tuổi, nhà ở Long An. Nghe tin về đoàn đi bộ Hành trình Cam, bà bắt xe lên TPHCM. Cùng con gái, bà có mặt từ lúc đoàn bắt đầu xuất phát. Qua cầu Sài Gòn, con gái bà phải quay về làm việc. Còn bà, đeo bám đến hết ngày cùng hành trình, dù trước đó, bà chỉ dự kiến đi vài cây số do sức khỏe. Bà ôm Bob, Mike, Doc…, những người nước ngoài to lớn và vỗ về như một người chị chúc họ lên đường thành công.

Anh Đinh Lư Giang, giảng viên khoa Việt Nam học (ĐHKHXH&NV TPHCM), là người đã cùng Bob sánh vai trong chuyến đi xuyên miền Tây năm 2007. Làm việc 3 năm tại Hàn Quốc, anh Giang quay về Việt Nam, mở những diễn đàn dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, giới thiệu du lịch Việt Nam cho bạn bè thế giới. Biết đến Hành trình Cam, anh Giang tham gia với đoàn 2 ngày và cứ tiếc hùi hụi: Phải chi được dừng lại trước cổng trường ĐHKHXH&NV. Cả trăm người nước ngoài là học sinh của anh đã nghe tin và rất muốn được tiễn đoàn lên đường…

Đoàn đi trên đường, những bà mẹ tất tả chạy theo tặng những chai nước suối ướp lạnh. Những em bé thơ thẩn bên đường dõi mắt theo, cười tươi khi nhận những chiếc bong bóng màu cam của đoàn. Những chiếc ghế kéo vội, dù che vội khi đoàn dừng chân giữa hành trình.

Đoàn đến thăm một gia đình phải đối diện với nỗi đau da cam đến tận cùng. Người chồng mất sớm vì mang trong máu chất độc da cam. 7 người con đã mất 4. Hai người con, một 35 tuổi và một 37 tuổi, nằm co quắp trên giường suốt chừng ấy năm. Chỉ còn cô con gái út, vượt lên số phận để vừa trở thành một sinh viên. Jo chỉ biết cúi mặt khóc. Doc hôn đi hôn lại những nạn nhân của chiến tranh, không muốn rời đi dù thời gian ít ỏi vì chuyến thăm ngoài dự liệu. Cả đoàn rơm rớm khi đối diện với nước mắt của người mẹ, người đau khổ nhất.

Hành trình của lòng dũng cảm ảnh 2

Bảo Anh - cô gái của Hành trình Cam

67 ngày - Để tiếp tục có những chuyến đi

Theo dự kiến, đoàn sẽ đến Hà Nội trong vòng 67 ngày. Khoảng thời gian ấy, Hành trình Cam sẽ đặt chân đến hầu hết những địa danh từng là nỗi khủng khiếp khi nhắc đến chiến tranh tại Việt Nam. Đoàn cũng tiếp xúc và hỗ trợ những số phận bất hạnh, những em bé đang chịu đựng nỗi đau da cam gặm nhấm từng ngày.

Một trang web sẽ được hình thành sau chuyến đi. Hình ảnh, tư liệu về chuyến đi, cảnh đẹp đất nước trên đường cũng sẽ được cập nhật đưa lên mạng chia sẻ cùng bạn bè toàn thế giới. Một chuyến đi đầu đầy rẫy khó khăn.

Nhưng tất cả các thành viên khẳng định rằng mình sẽ không bỏ cuộc. Riêng Bảo Anh – cô gái người Quảng Bình nhỏ nhắn, đầy nghị lực – nói rằng đây sẽ coi như chuyến đi tiền trạm để mỗi năm, Hành trình Cam sẽ thành một chuyến đi thường xuyên, thu hút đông thành viên hơn, giúp đỡ nhiều hơn cho những nỗi đau.

Thành viên của đoàn đang háo hức cho một dự định trên đường thiên lý. Họ mong mỏi được gặp cựu binh Trần Ngọc Sơn (xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình). Đây là cựu chiến binh xuất phát từ Hà Nội, dự kiến đi bộ 70 ngày để đến TPHCM vào đúng ngày 30/4/2008. Ông là một nạn nhân của chất độc da cam và muốn đi thăm lại những chiến trường xưa khốc liệt.

Nếu chuyến đi này thành công, năm sau ông sẽ đi và kèm theo một đồng đội bị cụt chân đi thăm chiến trường xưa cùng mình. Người mong mỏi gặp ông nhất là Doc, một cựu chiến binh ở bên kia chiến tuyến. Nhưng họ chưa thể liên lạc được với nhau và đang trông chờ vào những người bạn tốt giúp đỡ cho một cuộc gặp gỡ đó. 

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.