Gặp lại ông Quách Lê Thanh

Gặp lại ông Quách Lê Thanh
TP - Làn gió mát từ mặt ao thoảng lên dường như cũng khơi lên ý nghĩ từng lấp ủ, từng khư khư bám riết anh bạn đồng nghiệp từ lúc ở Hà Nội vô đây. Vừa ném những lượm cỏ cho cá, thuận tay và chừng như cũng thuận mồm, anh buột ra cái chuyện buồn hồi ấy.

>> Kỳ trước

Lại dẫn cả lời các cụ những là nói trên nghe đe dưới sợ hoặc nói có người nghe, đe có người sợ để vận vào các ông quan gặp may lẫn hanh thông trong chốn quan trường!?

Quả là bất hạnh khi ông Thanh trước hồi gặp nạn, cấp dưới không thèm nghe cứ làm bậy đã đành là cái họa rồi, nhưng còn trên?

Và cả khi gặp nạn, những sự trần tình này khác của ông đã không thấu? Anh bạn còn bộc bạch cùng ông Thanh rằng, cái việc ông chủ động nộp lại ngay số tiền chạy tội khác nhiều với việc một quan đầu tỉnh mới đây…

Rồi những là muốn làm người lương thiện trong bối cảnh này sao mà khó?! Chả thế mà nhà văn Nam Cao từng than ai cho mày làm lương thiện (!?) vv... và vv...

Ông Thanh chăm chú nghe nhưng cái nhìn thì cứ quấn xuống những tăm cá quẫy... Bất đồ ông cười lớn: “Anh đã thoả thuận với các chú khi mới vô đây là không khơi lại chuyện cũ rồi cơ mà?”.

Rồi ông vỗ vai anh bạn với người khác thì không biết thế nào anh không dám nhận xét nhưng như anh đã từng nói, anh thấy mình thanh thản khi quyết định như thế cũng như bây giờ các chú thấy anh đang thanh thản giữa bản Mường với ruộng nương gà vịt thì khó chi cái việc làm người lương thiện?

Làm người thiện việc thiện là tự giác là tự nguyện chứ ai cho và phải xin ai? Thôi lên nhà uống rượu anh đọc cho nghe cái này...

Cái này là bài thơ mà ông là tác giả. Bộ ván trên nhà sàn lúc này đã quần tụ mấy người bà con lẫn hàng xóm của ông Thanh lúc nghe xe con về  đã tìm sang.

Đó là các vị trưởng thôn, phụ trách mặt trận xã... Can rượu trắng mà bà vợ ông mang từ Hà Nội về chủ yếu để tiếp khách hãy còn lần lượt được rót ra các chén.

Thấy tôi ngó quanh, ông nói ngay bà vợ đi Hà Nội chơi với cháu mấy bữa nay. Bà vợ ông Thanh, tôi có biết qua mấy lần đến chơi nhà. Chỗ khuất cầu thang lối dẫn lên gác nhà ở phố Tây Sơn bà hay ngồi đấy một mình. Bên cạnh bao giờ cũng có một hộp trầu. Bà nghiện trầu từ hồi trẻ. Răng đen nhanh nhánh.

Không chỉ có hộp trầu. Bà rời bản Muốt theo chồng ra Hà thành kèm theo những công thức, những bó những bịch thuốc nam của người Mường mà ông bố truyền cho.

Không có biển quảng cáo nhưng nhiều năm nhiều người không hiểu sao đã biết tiếng và tìm đến bà bởi những bài thuốc khá hay chuyên trị chứng đại tràng lẫn phong thấp.

Nguồn dược liệu lần thì bà tự về quê kiếm, đận thì các cháu trong Cẩm Thuỷ mang ra cho. (Đận viết bài về sự kiện ông Thanh nộp lại tiền của kẻ chạy tội, tôi có đề cập đến chi tiết bà vợ ông Thanh chữa bệnh.

Bài báo có lẽ cũng tác dụng phần nào... Bằng cớ là có 3 lá thư bạn đọc gửi đến nhờ tôi mách hộ địa chỉ nhà ông Thanh để họ đến lấy thuốc). Trên bộ ván đã vang lên chất giọng vang khoẻ của gia chủ với bài thơ mà ông viết nhân sự kiện làm được cái nhà sàn. Cũng xin trích ra đây một đoạn

Có quê nay lại có nhà
Từ nay thôi cũng mẹ cha đời đời
Nén hương thơm ấm hồn người
Cha nghèo mẹ khó một đời vì con
Ơn này ghi tạc lòng son
Nhớ lời cha dạy vẫn còn thấm sâu
Con ơi ghi nhớ lấy câu
Giàu sang cũng chẳng bằng giàu nghĩa nhân
Một đời quan vạn đời dân
Từ đây được sống thân gần bà con
Con đi muôn dặm nước non
Công cha hun đúc ý con vững bền
Việc dân việc nước triền miên
Công cha nghĩa mẹ gắn liền tình quê
Ngựa xe lối cũ đi về
Chẳng quên mái ấm cột tre nhà sàn
Biết ơn cô bác xóm làng...

Ông trưởng thôn cho hay, bài thơ này ông Thanh làm đã lâu nhưng lần mới đọc là trong đêm giao lưu với học sinh trường thanh niên dân tộc nội trú nhân Ngày Thơ Việt Nam bữa rằm tháng Giêng mới rồi.

Chuyện ông Thanh thi thoảng có làm thơ lẫn việc thuộc nhiều thơ thì nhiều người biết. Hồi ông có chân trong Thường vụ kiêm Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa, trường Trung cấp Sư phạm tỉnh đón nhà thơ Xuân Diệu về nói chuyện.

Tỉnh cử ông là người có thể hầu chuyện được mời nhà thơ ra Sầm Sơn nghỉ để thể hiện thịnh tình quý khách của tỉnh. Khi nghe giới thiệu người tiếp mình là Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, không biết có điều gì bực mình hay cơn cơ chi mà thi sĩ Xuân Diệu đã trợn mắt lên mất mặn mất ngọt ngay rằng cái quân tổ chức là chuyên định kiến với soi mói biết gì thơ phú mà đến đây!

Nhưng tối hôm ấy, không biết do két bia Trúc Bạch cùng chục trứng gà (có người mách trước cho ông Thanh sở thích cố hữu ấy của thi sĩ) hay cái ông Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy thuộc và trích nhiều thơ Xuân Diệu (mà việc ấy là sở trường của ông Thanh) cuộc tiếp xúc thành công mỹ mãn và sau này hai người còn có mối thâm giao dài dài nữa!

Tôi cũng không ngạc nhiên khi thấy vị trưởng thôn thì thào rằng cái nhà ông Thanh này có căn làm thầy mo lắm!

Bởi có lần, hồi ông còn ở Ban Nội chính, một buổi tối tôi đến nhà ông cùng một người bạn làm ở Viện Xã hội học, anh bạn đã lấy làm lạ và kinh ngạc bởi  từ tầm 7 giờ tối đến tận khuya, Quách tiên sinh đã cao hứng trích đoạn vài nghi thức cũng lễ mo lên trời cũng như lễ cưới của người Mường. Cứ như anh bạn cho hay, thực ra đó là những trường ca truyền khẩu của dân tộc Mường.

Kể cả những người nghiên cứu chuyên nghiệp còn phải giở sách ra mà đọc chứ không thể nhớ và đọc vo như ông Thanh được! Bây giờ Quách tiên sinh nhân nói về việc tang lẫn việc cưới của người Mường với anh bạn đồng nghiệp đã đem cả chiếc máy ghi âm mà ông mới sưu tầm và ghi được trích đoạn một đêm mo Mường.

Trong câu chuyện say sưa của gia chủ, tôi nhận ra cái chất Mường đang dần dần phát lộ qua cử chỉ qua chất giọng như than như hát của Quách tiên sinh! Hèn chi cái căn Mo (thày cúng) mà ông trưởng thôn thì thào hồi nãy là có duyên do cả.

Câu chuyện trên bộ ván vân thị của ông Thanh với khách đang cái hồi sôi nổi. Rằng những hủ tục trong việc cưới việc tang thì dứt khoát phải bỏ nhưng những mỹ tục thì nên giữ.

Chả hạn  những bộ váy áo, đệm nằm chăn đắp... tự tay mẹ chồng lẫn nàng dâu dệt tặng cho nhau trong ngày cưới. Đám cưới của con trai ông lâu rồi nhưng người bản Muốt quê nhà tặng 28 cái váy, 18 cái chăn theo phong tục.

Hồi ông còn làm Bí thư Huyện ủy, sáng ấy sang làm việc bên công an thấy ông chú họ đang bị giam ở đó. Hỏi ra ông chú bị nhốt do cái tội tuyên truyền mê tín dị đoan!

Hỏi kỹ nữa thì biết có mấy đám báo tử, người nhà liệt sĩ không tin người thân mình đã chết qua thông báo của đại diện UB lẫn Mặt trận những là đã hy sinh anh dũng tại mặt trận...

Đã được mai táng tại nghĩa trang gần mặt trận vv... và vv... Người thân liệt sĩ chỉ có tin con em họ thực sự hy sinh (thực sự chết) qua thông báo có lớp lang theo cái lý của người Mường qua đêm cúng!

Ông chú họ vốn là một mo Mường tất nhiên theo đời sống mới đã phải giải nghệ từ lâu nhưng để làm yên lòng người thân liệt sĩ nên đã phải mạo muội làm việc đó!

Lần ấy, ông Thanh đã xin tha cho ông chú nhưng hình như từ bấy đến nay những day dứt trong việc bảo tồn gìn giữ cái chất đậm đà bản sắc Mường vẫn đeo bám và ông Thanh cũng chưa biết xoay xở ra sao?

Cổ cao ba ngấn/ Tóc vấn ba vòng/ Mày cong như trăng đầu tháng/Mắt rạng như gương đồng... Ông Thanh đọc một tràng tiếng Mường rồi dịch cho chúng tôi cùng nghe trích đoạn một bài hát trong đám cưới Mường. Ông cười vẻ đắc ý rồi nhìn suốt lượt chúng tôi.

Bằng một vẻ chất phác lẫn hồn nhiên, ông thủng thẳng nếu cái tiếng Mường được phổ biến rộng rãi như chữ viết của người Kinh thì những đêm cúng đêm hát ấy còn hơn đứt thơ phú của mấy người từng được gọi là thi sĩ!

Câu chuyện trở lại với những điều mừng và chưa được vui ở bản Muốt quê ông. Chỉ hơn 50 nóc nhà sàn, mà bản đã góp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ 44 bộ đội trong đó đã có 20 liệt sĩ. Bản có 2 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trên 30 con em trong bản đã và đang học các trường đại học.

Và nữa, hình như cái bản này phát về đường quan? Bằng cớ là có 3 ông từng giữ chức Bí thư Huyện ủy là người của bản. Mặc dù cuộc gặp chỉ là tình cờ nhưng qua câu chuyện tôi biết những thành viên trên bộ ván nhà sàn này vẫn thường xuyên lui tới nhà ông trong đó có mấy cán bộ cũng là chỗ con cháu trong nhà.

Ông Thanh cho hay đời sống dân bản Muốt cũng đang còn khó khăn mặc dầu hộ đói đã hết nhưng phổ biến vẫn là nghèo.

Ông trưởng thôn bộc bạch với cả nhà rằng, việc ông Thanh dựng nhà làm vườn và tổ chức chăn nuôi như thế, thứ nhất là để làm kinh tế cho gia đình ông, thứ nữa là tấm gương để bà con phấn đấu làm theo. Câu chuyện đi đến cái khó là vốn.

Ông Thanh hơn đứt được bởi có vốn để đầu tư trang trải cho việc trồng trọt chăn nuôi. Lại có kinh nghiệm nữa. Kinh nghiệm chăn nuôi trồng trọt thì phổ biến truyền thụ dễ thôi. Nhưng vốn cho cả làng cả bản thì là một chuyện khác, là việc khó.  Nhiều bận ông Thanh đã cùng bàn với bà con dân bản để tháo gỡ... 

Mà hướng ra có thể đề nghị cấp trên năng động dùng Quỹ xoá đói giảm nghèo để chi dùng cho kinh tế vườn rừng? 580 ha vườn rừng của bản Muốt là một thế mạnh. Làm cách nào để sinh lợi từ đất rừng đây? Hiện đang vướng cái nghị định chi đó là không được chặt cây ở những khoảnh rừng đã giao.

Nhưng theo ông Thanh, chặt là để tái sinh rừng, để trồng rừng để quay vòng vốn để đầu tư hiệu quả hơn thì khác với việc chặt trống chứ?  Hình như trong đầu ông cựu Tổng thanh tra đã chắp nối đã hình thành những sự tháo gỡ?

Mối quan hệ xưa cũ lẫn quen biết của ông Thanh từ Bộ NN&PTNT cho đến Chính phủ và cao hơn nữa, thực tế nóng hổi bức xúc đang đặt ra từ cơ sở  có lẽ sẽ giúp cho tiếng nói của ông Thanh có chút sức nặng với dân bản?

... Tôi rời ngôi nhà sàn đầu bản Muốt ấy với chùm Pồnpồng (thứ hoa trắng muốt từa tựa như cúc đại đóa được chắp từ những mảnh nhỏ của thứ gỗ chàng bạng mà nghệ nhân nào đó của bản Muốt chế tác.

Thứ hoa chỉ dùng trong những dịp lễ thiêng của người Mường)  mà ông Thanh  nói là cầm theo đi cho may mắn. May mắn?

Hình như tôi  vừa được lây cái may của một ông chủ mà mỗi sớm mỗi chiều được thung thăng thơ thới thả bước giữa những xanh mát của vườn nhà, giữa âm thanh huyên náo của những gà vịt ngan ngỗng do chính tay mình chăm bẵm?

Không day dứt và cũng chả ân hận, thường thư thả ngồi chíp bằng giữa gian nhà sàn rộng thênh mà hào sảng mà oang oang chuyện trò, đôi khi còn hát múa và bàn việc làm ăn với dân làng yêu dấu,  những quan chức ta khi thất thế, có lẽ ít người được như Quách tiên sinh đây?

Làng Lon ngày chớm Hạ năm Tý

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.