Chuyện nông dân trả ruộng và mất ruộng - Kỳ 2

Mất đất, mất cả cơ nghiệp

Mất đất, mất cả cơ nghiệp
TP - Tại Bắc Ninh, quá trình đô thị hoá diễn ra rầm rộ khoảng dăm năm trở lại đây. Nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất mọc lên khắp nơi, mang lại khoản thuế không nhỏ cho ngân sách Nhà nước.

>> Kỳ 1: Làm quần quật, mỗi ngày được 1 bơ gạo!

Mất đất, mất cả cơ nghiệp ảnh 1
Khu công nghiệp vẫn đang tiếp tục lấn đất trồng lúa của người dân Tiên Du, Bắc Ninh. Ảnh: Phong Cầm.

Thế nhưng, những hệ lụy từ việc người nông dân bị thu hồi đất thì khó có thể cân đo đong đếm được...

Nhiều gia đình hết đất canh tác

Năm 1998, khi quốc lộ 1A chạy qua địa phận Bắc Ninh hoàn thành và đưa vào sử dụng cũng là thời điểm mở đầu cho quá trình công nghiệp hoá của tỉnh này. Lúc đó, hàng chục xã được UBND tỉnh Bắc Ninh chọn để xây dựng các khu công nghiệp (KCN), khu đô thị (KĐT). Và đương nhiên, việc thu hồi đất nông nghiệp với diện tích không nhỏ cũng diễn ra rầm rộ.

Một trong những địa phương “mất” đất nông nghiệp đầu tiên phải kể đến là xã Hoàn Sơn (huyện Tiên Du). Trao đổi với PV, lãnh đạo xã này cho biết: Hoàn Sơn vốn là xã thuần nông. Người dân quanh năm chỉ quen với việc cày, cấy, chứ gần như không có nghề phụ.

Thế nhưng, hiện nay, trụ sở công ty, nhà máy, xí nghiệp mọc lên khắp nơi. Tốc độ đất đai bị thu hẹp diễn ra nhanh đến chóng mặt. Theo thống kê của xã này, từ năm 1999 đến nay, Hoàn Sơn đã bị thu hồi tới 260/390 ha đất canh tác nông nghiệp để xây dựng các KCN Tiên Sơn, KCN Hoàn Sơn - Đại Đồng. Nhiều thôn trên địa bàn xã diện tích đất bị thu hồi lên tới 90-95%; thậm chí, một số hộ không còn tấc đất để... cắm dùi.

Dẫn chúng tôi đi thực tế, anh Định - một nông dân ở thôn Đoài than thở: “Cả nhà có 7 miệng ăn, chỉ trông chờ vào 1 mẫu ruộng. Thế mà nay gia đình tôi đã bị thu hồi tới 7 sào để cho các doanh nghiệp xây nhà máy. Với 3 sào còn lại chắc chắn gia đình tôi sẽ không đủ ăn”.

Điều anh Định vẫn canh cánh bấy lâu là, số tiền được đền bù quá ít, không đủ để anh và các thành viên khác trong gia đình ở độ tuổi lao động học nghề và tìm kiếm việc làm phù hợp. Do đó, cái đói vẫn đang treo lơ lửng trên đầu 7 thành viên gia đình anh Định mà chưa có lối thoát…

Đó cũng là tình cảnh của nhiều gia đình khác trong xã Hoàn Sơn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong số khoảng 4.000 lao động bị mất việc ở Hoàn Sơn thì đến nay mới chỉ có 500 - 700 người tìm được việc làm mới.

Theo ông Nguyễn Hoàng Khương - Bí thư Đảng ủy xã Hoàn Sơn, nếu Nhà nước tiếp tục thu hồi đất theo tốc độ này thì chỉ vài năm nữa Hoàn Sơn sẽ không còn đất canh tác.

Trong khi đó, các nhà máy sử dụng công nghệ hiện đại, cần ít lao động nên số lao động ở địa phương không có việc làm sẽ tăng nhiều. Đó là mối nguy cho địa phương.

Không chỉ Tiên Du, tại huyện Quế Võ, tốc độ “mất” đất canh tác còn diễn ra chóng mặt hơn. Ngay khi quốc lộ 18 hoàn thành (năm 2003) cũng là lúc Bắc Ninh tiến hành quy hoạch hàng loạt KCN tại đây.

Xã Phương Liễu bị thu hồi nhiều đất nhất. Tính đến nay, xã Phương Liễu đã bị thu hồi 200 ha đất (chiếm 1/3 diện tích đất của xã). Hầu hết đất bị thu hồi là loại đất tốt, có thể quay vòng sản xuất 3 vụ/năm, cho năng suất cao.

Theo quy hoạch của UBND tỉnh Bắc Ninh, trong vài ba năm nữa tỉnh sẽ thu hồi hơn 400 ha đất nông nghiệp còn lại của xã này để giao cho các doanh nghiệp. Nhiều gia đình ở xã này rơi vào cảnh “trắng tay”, vì tư liệu sản xuất quan trọng nhất là đất canh tác thì đã bị thu hồi hết. Nguy cơ tệ nạn xã hội đang hiện hữu trước mắt người dân nơi đây.

Còn đâu cơ nghiệp?

Giới thiệu với chúng tôi về mảnh đất vừa bị san lấp, chị Nguyễn Thị Biển (thôn Giang Liễu, Phương Liễu, Quế Võ) ngậm ngùi: “Cả nhà có 6 nhân khẩu với 1,2 mẫu ruộng, nay đã bị thu hơn một nửa. Tiền đền bù (25 triệu đồng/sào) đã nhận và tiêu hết vào việc xây nhà. Số ruộng còn lại vừa xấu vừa khó canh tác nên không thể thu hoạch mỗi vụ 3 triệu đồng như trước đây. Nghe nói, số ruộng này tới đây cũng sẽ bị thu hồi nốt nên gia đình tôi đang rất lo, không biết nay mai sẽ sống bằng gì”.

So với nhiều người, chị Biển chỉ mới tiêu hết số tiền đền bù chứ không tiêu “âm” như nhiều hộ khác. Vì tại Giang Liễu, hàng chục hộ dân sau khi nhận tiền đền bù, đang phải đi... vay ngân hàng để sống.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thửa - Trưởng thôn Giang Liễu cho biết: Đa số các hộ trong thôn đều nghèo, nhà cửa đang tuyềnh toàng nên nhận được tiền đền bù là họ xây nhà và mua sắm đồ dùng sinh hoạt. Để xây được nhà, nhiều hộ lại phải vay thêm tiền ngân hàng. Hàng chục hộ dân trở thành “con nợ”, nhiều gia đình khó có khả năng trả nợ” - Ông Thửa tâm sự.

Điều trái ngược xảy ra: Hộ dân nào còn ruộng thì còn hy vọng sẽ được thu hồi tiếp để lấy tiền trả nợ. Còn hộ dân nào đã bị thu hồi hết thì bây giờ không biết trông mong vào đâu.

Gặp chúng tôi, ông Đào Văn Vinh - Trưởng thôn Móng (xã Hoàn Sơn, Tiên Du) cũng buồn rầu không kém, khi cho biết: Nhiều hộ dân trong thôn đang đối mặt với nguy cơ tái nghèo do không biết chuyển đổi ngành nghề để phát triển kinh tế.

“Họ đang lâm vào tình trạng chung là thất nghiệp hoặc có công việc nhưng không ổn định, thu nhập bấp bênh. Đi liền theo đó là các tệ nạn như nghiện hút, cờ bạc... bắt đầu xuất hiện, làm mất an ninh trật tự địa phương” - Ông Vinh lo.

Theo khảo sát của Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh, việc thu hồi đất của tỉnh này thời gian qua đã tác động đến khoảng 43.000 hộ dân (chiếm khoảng 20% số hộ) với khoảng 220.000 người bị ảnh hưởng, tương đương 1/4 dân số toàn tỉnh. Như vậy, trung bình cứ 4 người thì có 1 người nằm trong diện bị thu hồi đất.

Theo Trưởng phòng Quản lý lao động tiền công - tiền lương, Sở LĐ-TB&XH, trong số những người ở độ tuổi lao động bị thu hồi đất nông nghiệp thì mới chỉ giải quyết được việc làm cho trên 14.000 người, chủ yếu ở độ tuổi dưới 30. Gay go nhất là những người ở trong độ tuổi từ 35-60, vì rất khó lo công ăn việc làm, do trình độ kém, chưa cập nhật được kỹ thuật mới.

Cũng theo Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh, đời sống của người dân tại những vùng bị thu hồi đất rất đáng lo. Hiện chỉ có 35% số hộ được đánh giá có mức sống khá hơn, còn lại nhiều hộ vẫn sống như cũ, thậm chí có nhiều hộ mức sống thấp hơn so với trước khi bị thu hồi đất.

- Từ năm 2001 đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã thu hồi hơn 3.000ha đất nông nghiệp. Theo kế hoạch, đến năm 2010, Bắc Ninh sẽ có tổng số 8 KCN tập trung và việc thu hồi đất chắc chắn sẽ không dừng ở con số trên.

Cũng theo dự kiến, đến năm 2015, Bắc Ninh sẽ có 14-15 KCN tập trung và phải thu hồi diện tích gần 8.700ha. Số đất này đã chiếm tới hơn 10% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh.

- Ông Đặng Minh Ngọc - Giám đốc Sở NN&PTNT Hưng Yên cho biết: Tỉnh Hưng Yên có 53.000 ha đất nông nghiệp. So với năm 2003, giảm khoảng 5.000 ha. Đất nông nghiệp giảm mạnh là do bị thu hồi để làm các KCN, đường giao thông...

Mặc dù tỉnh chưa có đánh giá chung về sự tác động đối với những hộ dân bị thu hồi đất, song một số hộ dân sau khi bị thu hồi đất có mức sống thấp hơn.

Về vấn đề người lao động nông thôn mất việc làm, không có đất canh tác, phải đi làm ăn xa... cũng là vấn đề lớn đang được tỉnh quan tâm hàng đầu.

- Theo ông Nguyễn Xuân Sang - Phó giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa, dù quá trình đô thị hóa tại Thanh Hóa chưa thực sự mạnh mẽ, nhưng hiện tượng thu hồi đất nông nghiệp chuyển sang mục đích sử dụng khác là vấn đề rất đáng quan tâm. Tuy nhiên, ở các vùng ven đô TP Thanh Hóa, các thị xã như Bỉm Sơn, Sầm Sơn, có rất nhiều hộ dân bị thu hồi hết đất nông nghiệp.

Ngay tại làng tôi (làng Tạnh, phường Đông Vệ, TP Thanh Hoá), Nhà nước cũng thu hồi mất 1/2 diện tích đất nông nghiệp. Khi thu hồi, Nhà nước và doanh nghiệp có hỗ trợ cho các hộ dân mấy chục ngàn đồng/ sào Trung Bộ để tìm việc làm, nhưng gần như chẳng có ai tìm được việc làm bằng số tiền hỗ trợ đó.

Cũng vì thế, các tệ nạn xã hội phát triển mạnh hơn, ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh trật tự địa phương. 

----------

Còn nữa

MỚI - NÓNG