Văn hóa xếp hàng nơi công cộng rất tệ...

Văn hóa xếp hàng nơi công cộng rất tệ...
TPO - Hãy ra cây xăng, quán kem Thủy Tạ, Tràng Tiền (Hà Nội), thậm chí nhà vệ sinh công cộng... bạn sẽ thấy làm gì có khái niệm xếp hàng. Thật là xấu hổ khi người nước ngoài thì xếp hàng mua kem, còn chúng ta vô tư chen lên mà cô nhân viên vẫn bán như thường.

>> Văn hóa xếp hàng ở Ngân hàng càng phải được tôn trọng
>> Văn hóa xếp hàng phải bắt nguồn từ giáo dục

Văn hóa xếp hàng nơi công cộng rất tệ... ảnh 1

Chen lấn để giành phiếu đăng ký mua căn hộ. Ảnh: VietnamNet.

Bất kể chỗ nào cũng ồn ào thái quá. Từ học sinh lớp mẫu giáo lớn đến hết trung hoc, nghĩa là 18 năm được học xếp hàng vào lớp, nhưng quả thật tôi cũng chả bao giờ thấy giáo viên dạy các em có ý thức xếp hàng ở nơi công cộng khi chờ đợi đến lượt mình.

Bắt đầu từ xe bus, ga tàu và cao hơn là ga hàng không với đủ hạng người nhưng tôi chả thấy sự khác nhau nhiều lắm. Vẫn thế, thường trực một tính "cá nhân chủ nghĩa" rất cao nơi công cộng.

Và còn tệ hơn nữa là hiện nay tồn tại một giới thừa tiền, thừa sự sài sang, nhưng lại thiếu... văn hóa. Họ có mặt ở nhứng nơi khá sang trọng, nơi cần thể hiện tinh thần văn hóa công cộng. Nhưng buồn thay, ở đó họ lại nghĩ rằng "khâu oai" mới là thể hiện đẳng cấp, thật nực cười khi họ lại không biết ai cũng nhìn họ là vì sao, còn họ lại tưởng mình oai...

Ngoài giáo dục cần có chế tài nghiêm khắc

Tôi đã có lần viết bài tham gia về văn hoá, văn minh của rất nhiều người trong xã hội chúng ta hiện nay như việc vứt rác bừa bãi, khạc nhổ vô tội vạ, tiểu tiện, đại tiện, phóng uế nơi công cộng,....nói chung là thật là xấu hổ khi nhìn sang một số nước văn minh bên cạnh chúng ta.

Xếp hàng trong việc mua, hay sử dụng các dịch vụ công cộng ở nước ta lại càng tệ hại; không ai nhưòng ai, không có trật tự, bát nháo, lộn xộn và thiếu văn hoá.

Tất cả những hiện tượng trên là kết quả tất yếu của việc giáo dục ý thực chấp hành văn minh nơi công cộng; mà văn minh cũng được xây dựng trên cơ sở pháp luật; văn minh chỉ hình thành khi nó được giáo dục, có chế tài nghiêm khắc để trừng phạt người vi phạm và phải thật công minh không kể ai, lâu dần thì mới thành ý thức được.

Tôi thấy Singapore từ thời Thủ tướng Lý Quang Diệu có biện pháp phạt vi phạm văn minh công cộng có hình thức "đánh mông bằng roi", ông lý giải nếu phạt tiền thì những kẻ có tiền vẫn vi phạm và nộp tiền mà vẫn có thể tái phạm, nên ông áp dụng phương châm "mông người giàu cũng như mông người nghèo".

Qua câu chuyện trên tôi đề nghị các nhà quản trị xã hội muốn xã hội tốt đẹp trong rất nhiều vấn đề, không chỉ có giáo dục suông mà phải có chế tài thật sự nghiêm khắc thì ý thức tốt đẹp của người dân sẽ dần được thiết lập.

Càng lớn thói quen xếp hàng càng biến mất ?

Chúng ta đã được học từ khi đi mẫu giáo, đi học lớp 1... trước khi vào lớp chúng ta đều phải xếp hàng 1 để đi vào lớp 1 cách trật tự. Thế mà.. càng lớn, cái thói quen đó càng mất dần ở người lớn (thậm chí cả những người CÓ HỌC).

Ở bất cứ đâu khi phải xếp hàng là mọi người lại xô đẩy, chen lấn không cần biết đến người khác. Cách đây 2 hôm, tôi ra cửa hàng mua sữa ở Giảng Võ, lúc đó có 4 người đã đứng phía trước, tôi đến sau và đứng đợi. Một cô gái trông rất có học, dáng cao, chân dài, mặc váy rất đẹp thản nhiên chen lên trên và ...coi như không có ai.

Tôi chỉ còn biết thở dài cho một cô gái đẹp về hình thể nhưng văn hóa thì hạng bét. Quá thất vọng !

Không có văn hóa xếp hàng đã thành phổ biến

Thực ra thì chuyện chờ tới lượt ở Việt Nam mình thành xa xỉ phẩm. Tôi nhiều lần cùng vợ đi siêu thị, xếp hàng tới lượt thì bị chen lấn. Nói với người lấn lượt, hay nói với nhân viên phục vụ thì chỉ nhận được ... cái cười trừ.

Bây giờ đi ra đường cho tới về nhà bao giờ cũng thấy cảnh đấy! Sang đường không chờ tới đèn đỏ, vào thang máy không chờ tới người trong thang ra đã đang là chuyện ... thường ngày ở Hà Nội (ít nhất là thế).  

Không chỉ xếp hàng, mà còn nhiều chuyện nữa...

Có thể lấy ví dụ trong rạp chiếu phim. Trước khi chiếu phim, các rạp đều có thông báo để khán giả tắt điện thoại hoặc chuyển sang chế độ rung, tránh làm ảnh hưởng đến người khác.

Nhưng trong bất kỳ buổi chiếu phim nào mà tôi đi xem thì luôn có một ai đó đang giữa phim thì có điện thoại kêu ầm ĩ, và người đó thì thản nhiên trả lời điện thoại với giọng oang oang đủ để át tiếng phim.

Hay một ví dụ khác là đi thang máy. Người nước ngoài khi thang máy dừng và cửa mở ra, thì họ luôn đợi cho những người bên trong cần ra đi ra hết, sau đó họ mới từ từ đi vào.

Nhưng ở VN, khi cửa thang máy mở ra thì người ở ngoài ùn ùn đi vào, còn người ở trong có muốn đi ra thì phải đùn đẩy cái dòng người chảy vào kia sang một bên thì mới ra được nơi mình cần.

Rồi còn là một ví dụ về các ăn mặc. Có một lần tôi được một đồng nghiệp VN đặt 1 câu hỏi mà tôi không biết trả lời thế nào, đó là: Tại sao phụ nữ VN lại thích mặc đồ ngủ ra đường?? Còn rất nhiều ví dụ khác về chuyện hút thuốc lá, nói chuyện to nơi công cộng mà nếu có kể ra thì cũng không hết.

Chuyện xếp hàng ở Malaysia và ở Việt Nam

Tôi đã có dịp sang Malaysia 3 tuần để học nghiệp vụ. Những hôm đầu, đi vào quán ăn nhanh, cũng cứ quen theo kiểu Việt Nam, chúng tôi đứng ngay phía gần người bán để mua mà không xếp hàng, nhưng người bán hàng đã không bán mà bảo chúng tôi phải xếp hàng.

Thấy xấu hổ quá. Từ hôm đó, đi đâu chúng tôi cũng tuân thủ việc xếp hàng một cách rất nghiêm chỉnh.

Phải nói rằng văn hoá xếp hàng ở Malaysia luôn được tuân thủ thật tốt. Từ quán hàng ăn, nhà vệ sinh công cộng, điểm mua vé trong các khu vui chơi..., người dân đều luôn xếp hàng một cách vui vẻ và xem đó là điều đương nhiên.

Sau lần đó, khi về Việt Nam, tôi rất nghiêm túc khi xếp hàng mỗi khi mua hàng hay thanh toán tiền tại các siêu thị.

Thế mà có hôm tôi đi siêu thị BigC, đang đứng xếp hàng chờ thanh toán, còn 1 người nữa là đến lượt tôi. Có 1 cô bé học sinh cấp 2 trên người vẫn mặc đồng phục, chắc là cuối cấp, rất cao ráo và trông lớn trước tuổi, mặt có nét, tóc cắt và ép rất sành điệu từ sau sấn lên, chèn vào ngay trước mặt tôi để chiếm lấy lượt thanh toán của tôi.

Cô bé hình như cũng chẳng biết việc mình làm là thiếu văn hoá hay sao ấy, mặt cứ nhâng nhâng và coi đó là điều đương nhiên. Tôi cũng chẳng muốn nói gì, chỉ nghĩ rằng từ những hành vi thiếu văn hoá ấy, chúng ta hy vọng gì ở những chủ nhân tương lai của đất nước nếu không giáo dục và uốn nắn kịp thời từ mỗi gia đình.

Trách nhiệm lớn thuộc về ngành giáo dục

Tôi đồng ý với những ý kiến cho rằng trách nhiệm lớn thuộc về ngành giáo dục. Thử hỏi học sinh, sinh viên đã được dạy gì trong trường học? Các môn giáo dục làm người có được xếp vào chương trình chính khóa của các lớp phổ thông chưa? Có được Bộ giáo dục chú trọng biên soạn cả một chương trình giảng dạy chưa?

Đơn giản nhất là những cái rất cần trong cuộc sống hàng ngày ở nơi công cộng như luật giao thông cũng chẳng thấy có giáo trình chính thức nào cả? Tương tự, khi công dân đủ 16 tuổi đã phải có trách nhiệm dân sự rồi.

Thế mà chẳng thấy trường nào dạy luật dân sự cho học sinh trung học cơ sở hay THPT cả. Không lo đưa vào chương trình kiến thức phổ cập cho học sinh, sinh viên, để rồi một số người sau khi kết thúc việc học thì vô tư vi phạm với lý do là "không biết".

Hiện tượng "nóng hổi" hiện nay là giáo dục giới tính tuổi "teen" cũng chỉ thấy bàn ra tán vào việc "Giáo dục sức khỏa sinh sản" mà không biết còn mảng giáo dục vô cùng quan trọng về giới tính là "Giáo dục tâm lý, tình yêu, hôn nhân và hạnh phúc".

Không thể phủ nhận trách nhiệm của gia đình. Nhưng thử hỏi trách nhiệm định hướng lối sống xã hội của các ban ngành tuyên truyền và giáo dục về nhận thức các giá trị sống đến đâu?

Xếp hàng là biểu hiện tính tổ chức xã hội

Xếp hàng là một trong những biểu hiện mang tính trực quan nhất về tính tổ chức xã hội. Nó thể hiện tính trật tự trong một xã hội. Chẳng thế mà trong bất cứ diễn đàn nào nói về văn hóa, chủ đề xếp hàng luôn được đề cập đến.

Vì mang tính tổ chức nên, nên chúng ta phải tìm hiểu ai là người điều hành, giám sát. Vì vấn đề này không được xác định hoặc xác định không đúng nên nó vẫn trở thành chủ đề được bàn tán.

Chúng ta cứ đặt vào tình huống chúng ta đang xếp hàng, nếu chúng ta chen lấn để được việc nhanh hơn mà không có bất cứ sự trừng phạt nào thì tôi tin chắc sẽ rất nhiều người sẽ chen lấn. Anh có thể có ý kiến, chị có thể có bình phẩm nhưng nếu tôi không có ý thức, tôi không tôn trọng người khác thì đã sao nào?!

Quả thật, những người khác hoặc là phải chen lấn để lấy lại quyền của mình hoặc là đành phải chấp nhận việc phải chờ đợi lâu hơn. Những người nghiêm túc chờ đợi chắc chắn phải chịu thiệt thòi. Vậy vấn đề là ở đâu?

Vấn đề là phải tìm ra người có quyền điều chỉnh việc này. Thực sự không khó lắm khi tìm ra con người này.

Tôi có dịp đi một số nước, tôi thấy việc xếp hàng thật là thanh thản. Khi bạn đã xếp vào hàng, bạn chẳng phải lo nghĩ sẽ có người chen lấn. Thậm chí nếu hàng có dài quá, bạn còn có thể lôi sách ra đọc để chờ đến lượt mình.

Vì sao? Chẳng lẽ không có người chen ngang? Không hẳn, vẫn có người chen ngang nhưng số này rất ít. Điều thú vị là, anh có thể chen ngang qua tôi, qua nhiều người nhưng nếu không được phép của bất kỳ những người nào đứng trên anh, nếu có bất cứ người nào phàn nàn về việc anh chen ngang, anh sẽ bị từ chối phục vụ. Và nếu anh vẫn muốn được phục vụ, xin mời anh xếp hàng lại từ đầu.

Thậm chí, tôi còn nhớ có câu chuyện của một bạn đã đi Mỹ kể rằng, khi đến một cơ quan công quyền nào đó, bạn đã đi thẳng vào một cửa còn trống thì ngay lập tức được yêu cầu quay lại đứng sau vạch chờ gọi đến lượt (chỉ có duy nhất một mình?!).

Như vậy các bạn cũng thấy ai là người có quyền ở đây. Có một điều thú vị là ở nhiều nơi tại Việt nam, đặc biệt là ở các cơ quan công quyền, người phục vụ (người bán hàng, người tiếp nhận hồ sơ...nói chung là những người đang thụ lý giải quyết công việc) luôn yêu cầu mọi người giữ trật tự, xếp hàng và giải quyết từng người một nhưng họ sẵn sàng giải quyết công việc cho bất cứ người nào giúi hồ sơ vào tay họ.

Hình như ở đây vẫn nặng tâm lý xin cho. Hình như họ nghĩ rằng đơn giản, tôi chỉ giải quyết việc của mình, còn việc xếp hàng đó là việc của các vị, tôi có ăn lương giữ trật tự đâu?! Để rồi cuối cùng tất cả mọi người đều bực mình, kể cả người thụ lý công việc. Ý thức văn minh trong xếp hàng không chỉ là của người xếp hàng. Cần lắm ý thức của cả người điều hành.

Cần tôn trọng văn hóa xếp hàng

Đọc qua các bài viết về văn hóa xếp hàng của người Việt chúng ta để ý thấy rằng điều này gần như hiển hiện ở bất kỳ nơi đâu bất kỳ chỗ nào nếu như không có văn hóa tập thể sự chỉ đạo của ai đó.

Nếu bạn đã từng vào hệ thống nhà hàng ăn nhanh của KFC, BBQ, Megastar ... bạn sẽ có cái nhìn hoàn toàn khác về văn hóa xếp hàng. Văn hóa hình thành từ ý thức và sự sắp xếp có tổ chức của người làm kinh doanh.

Như vậy, có phải muốn có văn hóa xếp hàng người Việt nên học hỏi lại văn hóa kinh doanh của các cty nước ngoài? Xin thưa rằng không phải, tất cả phụ thuộc vào cách sắp xếp điều hành của các tổ chức kinh doanh trong nước thì tôi tin rằng cảnh chen lấn, xô đẩy sẽ không còn diễn ra ở các địa điểm dù là nơi công cộng hay nhà ga, bến cảng.

Chuyện xếp hàng ở quầy ATM

Chuyện văn hoá xếp hàng có lẽ chúng ta còn phải nói...dài dài. Hệ thống dịch vụ càng phát triển thì chúng ta càng gặp phải những bất cập trong vấn đề ai sẽ là người được phục vụ trước.

Có lần tôi đi rút tiền từ một quầy ATM, hành vi chen lấn xông vào rút tiền trước (tôi thấy rõ có cả những người đang mặc đồng phục của một công ty có tiếng là lịch sự hẳn hoi) mặc cho những người đến trước đang đứng đợi là chuyện tôi vẫn thường thấy.

Điều làm tôi cảm thấy rất buồn ở đây là việc người trước chưa rút xong nhưng người sau đã chen lên thậm chí nhòm ngó cả vào màn hình của người đến trước mình trên máy ATM để xem thử hỏi tính bảo mật về thông tin cá nhân liệu có được bảo đảm?

Lúc đó tôi chỉ còn biết lắc đầu cười trừ với anh bạn cùng đi rút tiền với tôi.

Khi người Việt "xếp hàng" ở Nhật...

Đây là câu chuyện của chính tôi trong lần đầu ra nước ngoài, nhớ lại mà tôi cứ xấu hổ mãi... Xin kể ra đây cùng các bạn, hy vọng sẽ góp thêm vào diễn đàn "Văn hóa xếp hàng" rất bổ ích này cùng Tiền phong Online.

Cách đây 4 năm, trong lần được đi đào tạo một khóa ngắn ngày tại Nhật Bản, tôi cùng một số đồng nghiệp Việt Nam đi tàu điện cao tốc. Tất cả chúng tôi đều lần đầu tới Nhật Bản và cũng là lần đầu tiên được đi loại tầu này.

Khi vào ga, chúng tôi thấy một hàng dài người Nhật xếp hàng lặng lẽ để chờ tàu tới. Chắc do thói quen không biết xếp hàng từ ở nhà, một anh bạn đồng nghiệp nhanh nhảu dẫn chúng tôi hồn nhiên đứng thành một nhóm sát đường tàu cách cái hàng dài đang xếp của người Nhật chừng vài mét. Cả bọn chắc mẩm "đứng đây cho tiện, lên tàu cho nhanh".

Tôi thoáng giật mình và lúng túng khi thấy nhiều người Nhật đang xếp hàng nhìn chúng tôi như những người "từ trên trời rơi xuống"... Đúng lúc đó, con tàu lao vút tới, một cánh cửa đúng chỗ người Nhật xếp hàng mở ra, tất cả họ nhanh nhẹn theo thứ tự bước lên tàu. Còn chỗ chúng tôi đứng chả có cái cánh cửa nào được mở ra. Cả bọn nhốn nháo chạy lại chỗ xếp hàng nhưng đã muộn. Con tàu lao vút đi để lại chúng tôi tẽn tò trên sân ga...

Đến lúc này tôi mới nhìn kỹ lại, hóa ra dọc sân ga, người ta đã kẻ sẵn những vị trí dành cho hành khách xếp hàng chờ lên tàu, còn chúng tôi - những người VN - lại không chịu quan sát, lại có phần láu cá không chịu xếp hàng, hồn nhiên đứng vào vị trí sai quy định (không có vạch kẻ), nên nhỡ tàu là tất yếu.

Đến tận bây giờ, khi học được văn hóa xếp hàng rồi, mà mỗi khi nhớ lại chuyện này tôi vẫn còn cảm thấy nóng ran mặt mũi vì xấu hổ. Chính người Nhật đã dạy cho tôi một bài học nhớ đời về "văn hóa xếp hàng", về nếp sống văn minh đấy các bạn ạ.

Người VN chúng ta rất ít khi chịu xếp hàng

Tôi đã có một thời gian ngắn sống ở Nhật Bản. So với người Nhật, thật đáng buồn là người VN chúng ta rất ít "chịu" xếp hàng, thậm chí "không biết" xếp hàng tại những nơi công cộng như bến xe, nhà ga, siêu thị, bệnh viện...

Cứ nhìn cảnh chen lấn, xô đẩy, nhiều khi còn thêm cãi vã mà khiếp! Chao ôi, rõ ràng nhà ga đã chia thành 2 lối ( có hiển báo và chữ) cho khách mua vé tàu, một lối vào và một lối ra, vậy mà khách vẫn cứ thản nhiên vào, ra cả hai lối!

Chia hai lối cũng bằng không! Bởi vì chẳng ai biết xếp hàng cả, chỉ muốn mua được tấm vé thật nhanh! ở quầy thanh toán của siêu thị cũng vậy, chen ngang vào, được nhắc nhở thì nhăn mặt: "đây" mua ít đồ, thông cảm cho trả tiền trước!

Tôi có con trai 13 tháng tuổi, cháu đang bập bẹ nói và lẫm chẫm đi. Tôi đã tự nhủ với mình rằng, tôi sẽ dạy cháu biết xếp hàng, biết chờ đến lượt mình tại những nơi công cộng.

Nghe có vẻ dễ, nhưng tôi vẫn băn khoăn liệu rằng chỉ gia đình thôi đã đủ chưa? Có lẽ, mà chắc chắn, phải cần đến nhà trường và toàn xã hội, khi tất cả chúng ta chung lòng vì một phép tắc ứng xử tối thiểu.

Văn hóa xếp hàng đang bị lãng quên

Nhìn thấy bà cụ mồ hôi đầm đìa, mấy chàng thanh niên cứ xô đi xô lại, tôi đề nghị mua vé tầu cho bà. Len vào đám đông sau 30 phút đồng hồ tôi mới kiếm được hai chiếc vé.

 - Cảm ơn cháu! Nếu không có cháu giúp, bà chẳng biết làm thế nào để mua được vé cả.

Tôi chưa kịp nói gì bà cụ tiếp luôn…

 - Đấy cháu xem, vẫn còn gần một tiếng đồng hồ nữa tầu mới chạy, nhưng người ta cứ chen lấn nhau chẳng ai chịu nhường ai cả. Một vài lần bà định góp ý, mấy cậu thanh niên cứ khùng lên nói tục… Mình già rồi đành lảng ra cho yên chuyện. Mỗi lần phải ra Hà Nội thăm con gái, nghĩ tới cảnh phải mua vé tầu lại…

Vừa nói bà cụ vừa thở dài ngao ngán.

Thấy tôi chăm chú, bà kể “ từ thời bao cấp người ta xếp hàng mua đồ đến nay bà chẳng còn nhìn thấy “văn hoá” xếp hàng trong cuộc sống đời thường. Ở siêu thị, nhà ga, bến xe … đặc biệt là ngoài đường, người ta cứ chen lấn nhau theo “luật rừng mạnh kẻ nào người ấy đi” làm cho chuyện tắc đường xẩy ra như “cơm bữa”.

Chỉ riêng việc tiêu hao xăng xe do tắc đường ở các thành phố lớn hàng năm cũng lên tới hàng tỉ đồng. Lại cả những vụ va quệt lẫn nhau, lời qua tiếng lại, nhiều cậu thanh niên cậy khoẻ “thụi” nhau giữa đường.

Ở một số thành phố phát triển như Singapore, Matxcơva người ta xây hàng rào, treo những khẩu hiệu nhắc nhở mọi người xếp hàng nơi công cộng. Khi công tác ở Matxcơva nhìn thấy từ trẻ con và người già đều thứ tự trước sau tôi lại nhớ tới câu chuyện “ Lê nin trong hiệu cắt tóc”.

Lúc còn nhỏ ai cũng phải học thuộc lòng bài thơ “Đàn kiến nó đi” của Định Hải : “một đàn kiến nhỏ chạy ngược chạy xuôi, chẳng ra hàng một, chẳng thành hàng đôi. Chúng em vào lớp, sóng bước hai hàng, chẳng như kiến nhỏ, rối tinh cả đàn”. “ Văn hoá xếp hàng” là một nét đẹp nơi công cộng nhưng ngay nay đang dần bị lãng quên.

"Tôi còn sống hơn 50 năm nữa, tôi chờ được..."

Hình như người Việt Nam không có văn hoá xếp hàng. Lên, xuống cầu thang mọi người chen nhau, nhất là 2 cô bạn lâu ngày gặp nhau ở cổng thang máy, cứ thế đứng nói chuyện, mặc kệ mọi người phải lách qua mới đi được.

Hàng ngày, khi qua ngã tư đèn xanh, đèn đỏ mọi người cứ chen nhau, có khi chỉ vì một chiếc xe máy không chịu nhường đường, mà cả một dãy xe tiếp theo phải dừng lại. Chẳng ai nhắc nhở và cũng chẳng ai bị phạt.

Có lần tôi đi mua hàng trong siêu thị, xếp hàng khá dài, khi đến lượt thanh toán thì có một cô gái xách mội giỏ hàng, chẳng nói một lời cứ thế chen, đạt giỏ lên bàn thanh toán.

Cô nhân viên thu ngân nhắc đề nghị chị xếp hàng, mọi người phía sau phản đối, nhưng cô ấy cử tỉnh bơ, coi như không nghe thấy, tôi đành phải bảo với cô nhân viên :" Chắc là cô ấy vội ra đi, chị cứ thanh toán trước, tôi còn sống hơn 50 năm nữa, tôi chờ được...?".

Nhưng hình như cô gái không hiểu, nên sau khi được thanh toán xong, tôi thấy bộ mặt cô ta có vẻ thoả mãn lắm.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.