Chuyện ít biết về các “cô gái xấu xí”

Chuyện ít biết về các “cô gái xấu xí”
TP- Ý tưởng đầu tiên về một cô gái xấu xí có tên là Betty thuộc về  Fernando Salom, sinh năm 1960, một tác gia quen thuộc đối với khán giả truyền hình Colombia, chuyên dựng phim truyền hình dài tập.

Kịch bản phim Yo soy Betty, la fea (Tôi là Betty, cô gái xấu xí) được Fernando viết năm 1999 và được hãng RCN Television Colombia sản xuất trong thời gian từ 1999 đến 2001.

Bộ phim đem lại thành công vang dội cho Fernando, hơn tất cả những kịch bản trước đây của anh. Trong một thời gian dài, dân Colombia khắp nơi “buôn chuyện” về Betty và vẻ xấu xí kỳ quặc của cô, trong số đó có cả tổng thống Andreas Pastrana! Thậm chí, báo chí Colombia đã nhắc đến bộ phim cùng thuật ngữ “Hội chứng Betty” hoặc “Bettymania”!

Tiếp đó, cô gái xấu xí Betty đã chinh phục khán giả yêu thích phim truyền hình dài tập (và cả những người trước đó thờ ơ với thể loại phim này!) ở các nước Mỹ Latinh khác như Chi-lê, Achentina, Mexico, Brazil.

Chuyện ít biết về các “cô gái xấu xí” ảnh 1
 “Cô gái xấu xí” của Nga

Sau khi hãng Sony mua bản quyền phim này, cô gái Betty đã bắt đầu “xuất ngoại” sang châu Âu và các nước khác trên thế giới cùng cặp kính to sụ, trang phục lỗi mốt và nẹp răng lúng búng trong miệng.

Cô chiếm được cảm tình của khán giả bằng vẻ hài hước chân thành, sự trong sáng, tốt bụng và nhất là, cô đáng yêu ở một điểm: không bao giờ than trách số phận đã cho cô một vẻ ngoài không mấy may mắn so với người!

Tại Mỹ, cô gái xấu xí được các minh tinh màn bạc xinh đẹp của Hollywood săn đón đến khó tin, và cuối cùng diễn viên xinh đẹp Salma Hayek đã giành được vai này!

Phải nói thêm là, kịch bản phim dành cho một nước cụ thể đều được viết lại cho phù hợp với tâm lý người xem ở nước đó. Không phải tất cả các nước đều dùng tên phim là “Cô gái xấu xí”.

Chẳng hạn, bộ phim có tên là Verliebt in Berlin (Phải lòng Berlin) ở Đức, là Lotte ở Hà Lan, là Yo soy Bea (Tôi là Bea) ở Tây Ban Nha, là Maria, i Asximi (Maria và Asximi) ở Hy Lạp, Sensiz Olmuyor tại Thổ Nhĩ Kỳ, He poducb kpacubou (Đừng sinh ra đã đẹp) ở Nga.

Là một người Việt đang sống tại Nga, tôi có điều kiện được xem bộ phim này trên phiên bản của Nga và so sánh với “Cô gái xấu xí” của Việt Nam hiện đang được chiếu trên truyền hình qua kênh VTV 4.

Chuyện ít biết về các “cô gái xấu xí” ảnh 2
Và “Cô gái xấu xí” của Việt Nam

Tôi thú vị nhận ra rằng, câu chuyện về cô gái bẩm sinh xấu xí nhưng đáng yêu ấy không phải là một câu chuyện theo “mô-tip” cũ kỹ mà ai đó đã nhận định.

Bộ phim đầy ắp những tình tiết và những vấn đề của cuộc sống hiện đại. Và hai bài hát của bộ phim khá hay, không kém gì bài hát của bộ phim theo phiên bản của Nga.

Tuy nhiên, có một điểm khá băn khoăn về tính cách nhân vật chính Huyền Diệu. 

Huyền Diệu thông minh, chân thật, tràn đầy những tình cảm đẹp đẽ đối với con người và cuộc sống. Nhưng Huyền Diệu đôi khi không nhất quán trong logic tính cách của mình.

Cô sắc sảo trong kinh doanh, tự tin trong các vấn đề về tài chính thuộc lĩnh vực mà cô nắm vững, nhiều lúc cô tỏ ra rất đàng hoàng (khi tiếp xúc với người đại diện nhà băng, khi đối đáp với phó Tổng giám đốc Duy Minh) nhưng nhiều khi lại thể hiện như một cô gái ngốc nghếch, thậm chí quá ngớ ngẩn!

Chẳng trách mà khán giả nhìn thấy rõ, cô đang tự làm xấu mình, đôi lúc đến mức “quá tay”!

Nếu nhìn vào cách bài trí đồ đạc trong nhà, cách ăn mặc nền nã của người mẹ, cách cô cảm nhận tình cảm, sự việc, con người rất tinh tế, cách cô để ý đến những thói quen nho nhỏ, vặt vãnh của tổng giám đốc An Đông để kịp thời đưa anh cốc nước hay cặp cầu nhỏ luyện tay… thì ai cũng thấy sự vô lý đến khi cô khoác lên mình chiếc áo sơ mi thùng thình, mặc cái quần cộc và bộ dạng cố tỏ ra co ro cúm rúm của mình.

Nhân vật Katya xấu xí của Nga có khác hơn một chút. Cô xấu xí một cách… bình tĩnh, không gắng “nhấn” nét xấu ấy của mình bằng hành động.

Quần áo lỗi thời nhưng không quá kệch cỡm, đến mức mà người bình thường nhất cũng không chấp nhận được (như Huyền Diệu của chúng ta). Cô không co rúm người lại trước sếp của mình, không giữ bộ mặt ngơ ngơ hay nở nụ cười vô nghĩa như đôi khi Huyền Diệu vẫn làm.

Giá như có thể sửa đổi đôi chút cách thể hiện của nhân vật này thì có thể nói, bộ phim sẽ thành công hơn.

Nói gì thì nói, “Cô gái xấu xí” – theo phiên bản của Việt Nam cũng đang và sẽ tiếp tục đem lại những giây phút nhẹ nhõm cho khán giả Việt Nam trong và ngoài nước.

Sự thành công của “Cô gái xấu xí” trên màn ảnh nhỏ của các nước trên thế giới cho thấy một điều, quan niệm về cái đẹp, về tình yêu, về những điều nho nhỏ đáng yêu trong cuộc sống… của các dân tộc đều ít nhiều có những điểm chung.

Thụy Anh
(LB Nga)

MỚI - NÓNG