Đường thông, hè thoáng: Sẽ kiểm tra, xử lý 24/24 h

Đường thông, hè thoáng: Sẽ kiểm tra, xử lý 24/24 h
TP - Hôm qua (30/6), Văn phòng UBNDTP Hà Nội đã tổ chức thông báo kế hoạch triển khai chiến dịch ra quân thực hiện các quyết định của UBND TP nhằm trả lại bộ mặt đô thị.

Theo đó sẽ nghiêm cấm bán hàng rong tại 62 tuyến phố và 48 điểm di tích, trụ sở cơ quan, cấm để phương tiện giao thông tại 56 tuyến phố.

Đường thông, hè thoáng: Sẽ kiểm tra, xử lý 24/24 h ảnh 1
Ở phố Lương Văn Can - Hoàn Kiếm

Quyết tâm của thành phố

Trả lời câu hỏi của Tiền phong về quyết tâm của thành phố trong việc xử lý những cán bộ thực hiện không nghiêm chủ trương, hoặc vì những lý do “tế nhị” nào đó làm ngơ cho sai phạm, ông Phạm Chí Công, Phó Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết:

“Mọi sai phạm của cán bộ đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, phát hiện ở cấp nào thì cấp đó sẽ xử lý, kể cả trường hợp thuộc thẩm quyền của thành phố”.

Theo ông Công, chủ tịch, phó chủ tịch các quận huyện phải sâu sát, chỉ đạo quyết liệt và duy trì thực hiện kế hoạch của thành phố. Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội Nguyễn Thịnh Thành bổ sung, nếu có chứng cứ cụ thể về cán bộ vi phạm thì  sẽ  xử lý. Ngoài ra, Sở Nội vụ sẽ thành lập đoàn công tác kiểm tra đột xuất để phát hiện sai phạm của cán bộ.

Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội khẳng định đây không chỉ là đợt ra quân mà còn là cuộc vận động lớn, không chỉ hướng đến kỷ niệm Thủ đô ngàn năm tuổi, mà còn thay đổi một thói quen cũ- sắp xếp, tạo điều kiện để bà con kinh doanh tốt hơn.

Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thị Mai nói, sở đã tổ chức tuyên truyền để bà con bán hàng rong nắm được chủ trương của thành phố, để bà con không vi phạm.

Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh, mỗi quận huyện sẽ có 2 tổ công tác gồm thanh tra giao thông, cảnh sát trật tự, thành phố tổ chức 5 tổ liên ngành để kiểm tra. Tổ liên ngành sẽ trực tiếp kiểm tra, xử lý vi phạm dưới lòng đường, phối hợp các quận huyện xử lý vi phạm vỉa hè, lề đường.

“Sau khi ra quân sẽ tiếp tục kiểm tra, xử lý 24/24 chứ không có chuyện buông vào buổi tối, ngoài giờ hành chính”- Ông Linh khẳng định.

Về chủ trương xử lý vi phạm, ông Thành cho biết: Ngày đầu ra quân, thành phố tiếp tục tuyên tuyền, nhắc nhở, chưa xử phạt ngay. Tuy nhiên, các hộ vi phạm bị lập biên bản, có cam kết không tái phạm- đây là cơ sở để xử phạt khi tái phạm. “Cách làm là bền bỉ, mềm dẻo nhưng kiên quyết, có lý có tình, sẽ không có chuyện đánh trống bỏ dùi”-Ông Thành nói.

Không “xóa” hết hàng rong

“Thành phố hoàn toàn không có chủ trương xóa sạch hàng rong”- Bà Nguyễn Thị Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương nói. Theo bà Mai, thành phố chủ trương thực hiện nghiêm cấm bán hàng rong tại 62 tuyến phố và 48 điểm quy định trong danh mục đã được công bố.

Theo bà Mai, một vài cán bộ có tâm tư muốn cấm hoàn toàn hàng rong tại địa bàn quận Hoàn Kiếm, nhưng đó chỉ là ý kiến cá nhân. Hiện tại, theo quyết định của UBND TP Hà Nội, ngoài danh mục phố cấm, người bán hàng rong vẫn được hoạt động bình thường tại những điểm chợ, các tuyến phố.

“Người bán rong cũng được đi lại qua tuyến phố cấm để đến các tuyến phố khác, nếu việc đi lại không vi phạm Luật Giao thông”.

Bà Mai lưu ý, về lâu dài, Sở Công thương sẽ nghiên cứu hình thức chuyển đổi cho hàng rong. Cụ thể là tiếp tục quy hoạch, xây dựng phát triển mạng lưới chợ, trung tâm thương mại để người dân có chỗ kinh doanh an toàn, đảm bảo văn minh, vệ sinh.

Ngoài ra, có thể nghiên cứu chuyển đổi từ gánh hàng rong sang các loại xe đẩy tay, tuy nhiên hình thức này phụ thuộc vào các mặt hàng kinh doanh, điều kiện giao thông của các tuyến phố.

“Chợ truyền thống được nâng cấp, sửa chữa giúp bà con có thêm diện tích bán hàng. Bước đầu, thành phố chỉ hạn chế hàng rong trong phạm vi nhỏ-đó là những tuyến phố chính, trung tâm, trụ sở cơ quan mà thôi” – Bà Mai nói.

Theo báo cáo của bà Mai, TP Hà Nội có khoảng 10.000 người bán hàng rong, trong đó 80-90% là người ngoại tỉnh.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.