Liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm trở về đất mẹ Thái Bình

Liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm trở về đất mẹ Thái Bình
TP- Khi gặp lại Tiến tại quê nhà, câu chuyện như kéo dài thêm về những ngày ở Washington lẫn Maryland của Tiến.

Kỳ trước: Người duyên nợ với âm phần

Vị cựu binh thủy quân Lục chiến, Wayne nay là GS sử học Đại học Maryland đã mời Tiến nói chuyện với sinh viên đại học Maryland. Người dịch cho Tiến và vị GS nọ là Sedgwick D. Tourison, Jr. nguyên là Sĩ quan Quân báo Lục quân.

Ông đã có nhiều năm tham chiến trên chiến trường Việt Nam và rất giỏi tiếng Việt. (được phép của Tiến, có lẽ một dịp thích hợp toàn bộ bức email khá xúc động mà ông mới vừa gửi cho Tiến sẽ được công bố. Sau đây là trích một đoạn: 

Ngày 27/7 là ngày đặc biệt của toàn dân Việt Nam đặc biệt là quân nhân và gia đình của liệt sĩ Việt Nam đã nằm xuống vì Tổ Quốc. Hàng vạn hài cốt liệt sĩ vẫn chưa mang về...

 Mỗi ngày tôi như nghe thấy tiếng gọi của liệt sĩ Việt Nam nói nho nhỏ, cho tôi về nhà đi... Cho tôi về nhà đi... Nếu trong khả năng của tôi thì tôi sẽ hết sức cố gắng thi hành nhiệm vụ của một con người giúp họ về càng sớm càng tốt...

Trở lại với buổi nói chuyện của Tiến ở ĐH Maryland. Hơn một giờ đồng hồ, Tiến đã nói về nỗi đau dằng dặc hàng bao năm của những bà mẹ Việt Nam có con đi chiến đấu ở chiến trường xa. Rồi sau chiến tranh, có hàng trăm ngàn bà mẹ người thân của họ lại gánh thêm nỗi đau không tìm thấy hài cốt của con em mình.

Tiến kể về công việc khiêm tốn của mình trong nhiều năm qua đã góp sức cùng nhiều người và nhiều cơ quan khác có trách nhiệm ở Việt Nam như một sự chung tay làm dịu đi nỗi đau ấy.

GS Wayne rất xúc động và gần như có cuộc phát động ngay sau đó rằng các cựu binh Hoa Kỳ có mặt ở đây và các sinh viên có mối quan hệ với các cựu binh nên thông tin cho họ rằng nếu tìm thấy hoặc đang cất giữ những kỷ vật của bộ đội Việt Nam thì hãy trao trả cho Việt Nam hoặc trực tiếp liên lạc với  bà Nguyễn Thị Tiến có địa chỉ ở Việt Nam và email đây!

Xin trở lại với lời dặn dò nhắc nhở của bà mẹ Homer rằng phải tìm cách trả lại cuốn sổ cùng địa chỉ vị trí nơi chôn cất liệt sỹ Hoàng Ngọc Đảm.  Xúc động lẫn trăn trở về những tâm sự của người bạn thân Homer, năm 2005, GS Wayne đã tìm được cơ hội.

Trong một chuyến công tác sang Việt Nam, cũng là dịp trở lại chiến trường xưa, ông đã liên hệ với nhiều cơ quan có trách nhiệm và đáng nói nhất là đã liên lạc được với gia đình liệt sỹ Hoàng Ngọc Đảm.

Trở về Mỹ, vị GS nọ luôn ám ảnh bởi buổi được chứng kiến khung cảnh cực kỳ cảm động khi gia đình liệt sỹ Hoàng Ngọc Đảm cùng địa phương đã tổ chức đón cuốn sổ nhật ký của Hoàng Ngọc Đảm như thế nào.

Được tận mắt chứng kiến nỗi khát khao của gia đình nếu như tìm thấy hài cốt của liệt sỹ qua vị trí chôn cất mà Homer có hướng dẫn tỷ mỉ trong thư. Và điều GS kể lại cho ông bạn thân Homer khiến bạn sửng sốt rằng, dẫu biết mười mươi người đã giết con mình là bạn thân của ông người Mỹ đang có mặt tại nhà họ, nhưng âm hưởng chủ đạo của cuộc gặp lẫn buổi đón nhận cuốn nhật ký lại là không khí cảm động chứ những người thân của liệt sỹ Đảm tuyệt nhiên không có ai nhắc tới hận thù này khác!

Đó là một trong những duyên do khiến bà mẹ Homer hối giục con mình nên mau mau một lần trở lại chiến trường cũ!

Có một việc Homer và ngay cả GS Wayne cũng không thể ngờ được rằng, theo hướng dẫn của Homer trong thư, gia đình liệt sỹ Hoàng Ngọc Đảm đã vào tận đèo Măng Giang, Kon Tum...

Cứ như vị trí mà Homer khẳng định, thì trước đó từ lâu, địa phương đã phát hiện ra ngôi mộ liệt sĩ ở vị trí của Homer từng xác định sau này và đã làm cái việc cất bốc, quy tập mộ Liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm về nghĩa trang liệt sỹ của địa phương.

Tất nhiên phần hài cốt của liệt sỹ Đảm ấy khi vào nghĩa trang cũng là vô danh như phần nhiều ngôi mộ liệt sỹ khác. Thật may mắn là trong những lần quy tập ấy, người ta đã kịp đánh số vẽ sơ đồ cho mộ liệt sỹ.

Sau chuyến đi Mỹ trở về, đầu tháng 5/2008, Nguyễn Thị Tiến được GS Wayne báo tin sẽ cùng với ông bạn thân Homer sang Việt Nam. Và họ sẽ có chuyến vào Măng Giang, Kon Tum đến tận nơi Hoàng Ngọc Đảm đã nằm xuống.

Nhưng phải cuối tháng 5, hai cựu binh Thủy quân lục chiến ấy mới có mặt tại Việt Nam. Được phép của cơ quan có trách nhiệm cũng như gia đình liệt sỹ Hoàng Ngọc Đảm, một chuyến đi vào Kom Tum đã được thực hiện. 

Chuyến đi đó ngoài hai người cựu binh Thủy quân lục chiến còn có mấy người anh em ruột của liệt sỹ Hoàng Ngọc Đảm là Hoàng Đình Lượng, Hoàng Đình Cát, Hoàng thị Tươi.

Nhà văn nhà báo Minh Chuyên, một người cũng có nhiều duyên nợ âm phần, từng thực hiện nhiều bộ phim về đề tài này cùng kíp làm phim 3 người của Đài Truyền hình Việt Nam.

Đặc biệt tham gia chuyến đi còn có một người cháu gái của cựu binh Homer. Và còn có một nhà ngoại cảm đi theo theo yêu cầu của gia đình liệt sỹ. Một trận cảm bất ngờ đã khiến trung tá Nguyễn Thị Tiến không có mặt trong đoàn.

Trong thời gian không lâu nữa, có thể trong dịp 27/7 sắp tới, bộ phim do nhà văn Minh Chuyên đạo diễn và kíp làm phim thực hiện về cuộc đi hy hữu này sẽ được trình chiếu nhưng những gì người viết bài này được kể lại một phần trong chuyến đi đó vẫn khá ấn tượng.

Quá nửa ngày, cựu binh Homer đã quày quả đi đi lại lại, săm soi chỉ một khúc đèo ngắn của Măng Giang. Gần 40 năm qua mọi vật cảnh quan có lẽ đã đổi thay nhiều.

Cây cối xứ nhiệt đới đã nhổng nhao nhanh chóng ở những khoảng ngày xưa là đồi trọc. Và vô khối khoảnh rừng già đã biến mất. Nhưng cuối cùng, trường đoạn của cảnh quay cũng đã kết thúc khi Homer qua quá trình khoanh vùng đã loại bỏ dần và xác định được tọa độ.

Địa điểm mà liệt sỹ Hoàng Đình Đảm nằm xuống mà Homer khẳng định cũng trùng với khu vực mà trước đây nhiều năm đội quy tập liệt sỹ đã cất bốc mộ của liệt sỹ Hoàng Ngọc Đảm đưa vào nghĩa trang địa phương.

Trời trưa Tây Nguyên bốc nắng dữ dội, nhìn vị cựu binh Thủy quân lục chiến cao gầy, tóc bạc râu bạc ở cái tuổi 62, nén hương trong tay run rẩy, người như đổ sụp xuống ngôi mộ Hoàng Ngọc Đảm và cất tiếng khóc ồ ồ thảm thiết khiến những người có mặt không khỏi bùi ngùi.

Chao ôi nếu như không có động thái xiết cò khẩu AR15  máy móc bản năng và vô thức ấy của người lính Thủy quân lục chiến Homer bắn vào anh chiến sĩ y tá trong đội phẫu thuật tỉnh đội Gia Lai (trong cuốn nhật ký mà Homer giữ hàng chục năm nay, bây giờ những người thân của anh Đảm mới được coi những tấm hình anh vẽ về bộ phận cơ thể người.

Y tá Hoàng Ngọc Đảm, theo như trung tá Nguyễn Thị Tiến kể lại khi Tiến được tiếp xúc với cuốn nhật ký đó, thì những hình vẽ của anh Đảm rất đẹp, cứ như là chuyên nghiệp.

Nếu không mệnh hệ gì, lành lặn trở về, thì biết đâu bây giờ anh Đảm đã là một họa sĩ tên tuổi)  vào mùa xuân năm 1969 thì làm gì hôm nay bao người đã phải nhọc nhằn? Mà đâu chỉ riêng cuộc đi này, hành trình của dân tộc mình trong lộ trình nâng niu trân trọng quá khứ, trả lại tên cho các liệt sỹ vô danh sẽ còn vô khối những chặng như cuộc đi như thế này nữa...

Phần mộ của liệt sỹ Hoàng Ngọc Đảm đã được cất bốc để đưa về quê anh ở xã Thái Giang, Thái Thụy, Thái Bình. Đó là ngày 24/5/2008. Sinh ngày 1/4/1944 (nhờ trí nhớ của Homer mà gia đình anh Đảm từ nay cúng đúng giỗ theo lịch âm tức ngày Mồng Một tháng hai Âm lịch) đã 39 năm anh Đảm nằm lại đất Kon Tum.

Homer kém anh Đảm 2 tuổi. Một thuở một thời khác chiến tuyến. Nhưng hôm nay, cùng một lứa bên trời lận đận? Người nằm trong chiếc tiểu sành kia với kẻ lênh khênh, đầu tóc xác xơ, bờm xờm, toã tượi từng đã dằn vặt sám hối bao năm đến nỗi vướng phải thể trạng tâm thần nhẹ, chẳng biết ai thanh thản hơn ai?

Tiến kể lại rằng (chắc cũng trùng với những thước phim của Minh Chuyên cũng có những đoạn những “xen” tương tự)  trời hôm đó nắng nóng khác thường cựu binh thủy quân lục chiến Homer mồ hôi ướt sũng quần áo, cũng dáng thiểu não toã tượi như thế đã đứng vái lạy trước di cốt cũng như tự nguyện đứng hàng đầu để khênh chiếc tiểu sành đựng hài cốt anh Hoàng Ngọc Đảm trong lễ truy điệu. Chỉ có tiếng khóc tiếc thương đủ mọi cung bậc của người thân. Nhưng tuyệt nhiên không một lời oán thán này khác.

Homer và người cháu gái lẫn GS Wayne đều không biết tiếng Việt nhưng họ hiểu thứ ngôn ngữ ấy, thông điệp ấy qua cái nhìn, ánh mắt của những người thân anh Đảm và những người dự lễ truy điệu cũng như  khi đưa anh Đảm vào lòng đất Mẹ ở nghĩa trang liệt sỹ xã nhà Thái Giang, Thái Thụy, Thái Bình!

Chặng đưa hài cốt anh Đảm ra Bắc đến thành phố Vinh thì trung tá Nguyễn Thị Tiến mới nhập cuộc được. Trận cảm bất ngờ chưa dứt nhưng Tiến đã quyết nhập chặng hành trình từ Vinh đưa tiếp anh Đảm về Thái Bình. Và Tiến cũng đã kịp bày biện ra một bất ngờ khác.

Xin bạn đọc trở lại những thứ mà Homer móc trong túi LS Hoàng Ngọc Đảm và cất giữ mấy chục năm nay, ngoài cuốn nhật ký của anh Đảm còn có một tấm bằng lái xe loại trung xa  mang tên Nguyễn Văn Hai cấp ngày 28/7/1964 do trung tá Nguyễn Văn Đôn, Cục Quản Lý Xe máy, Tổng Cục Kỹ thuật ký.

Mãi trong chuyến đi Mỹ vừa rồi, khi nghe GS Wayne kể lại, Tiến giật mình bởi cô thường xuyên nhận được những tin nhắn về kỷ vật liệt sỹ, cuối tháng 12 năm ngoái cũng có tin đến cô cái bằng lái xe nào đó của Nguyễn Văn Hai. Vừa về nước, cô phát tiếp tin nhắn tìm trên một số phương tiện thông tin đại chúng.

Một ngày cũng mới đây thôi, có một ông lão gầy gò tìm đến nhà Tiến và xưng là... Nguyễn Văn Hai! Sau khi kiểm tra kỹ càng CMT và nghe ông lão tên Hai kể chuyện, Tiến vui mừng nhận ra ông Nguyễn Văn Hai may mắn còn sống sót và ông chính là chủ nhân của cái bằng lái xe nọ.

Quê ông lại cách thành phố Vinh cũng chả xa mấy. Đó là xã Công Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Để đợi đoàn rước mộ anh Đảm, ông Hai đã ở hai ngày trong nhà gia đình Tiến để đợi Homer.

Nhân chuyến đi của Homer và gia đình anh Hoàng Ngọc Đảm vào Kon Tum đưa mộ liệt sỹ Đảm về Thái Bình, Tiến đã liên lạc gấp với ông Nguyễn Văn Hai về Vinh để gặp lại người từng giữ chiếc bằng lái xe của ông mấy chục năm trời.

Và trước khi đưa anh Hoàng Ngọc Đảm về lại Thái Bình, tại thành phố Vinh đã có một cuộc kỳ ngộ thú vị giữa cựu chiến binh Nguyễn Văn Hai và cựu binh thủy quân lục chiến Homer cùng các thành viên trong đoàn.

Còn tại sao cái bằng lái xe trung xa của ông Nguyễn Văn Hai lại ở trong túi của anh y tá Hoàng Ngọc Đảm rồi lọt vào tay Homer là cả một câu chuyện dài xin khất bạn đọc vào một dịp khác.

Người viết xin được khép lại ghi chép nhiều kỳ "Lại kể tiếp chuyện đi Mỹ" này bằng dòng tin nhắn theo yêu cầu của trung tá Nguyễn Thị Tiến.

Ông Phạm Thanh Siếu bây giờ đang ở đâu? Ai là thân nhân của Phạm Thanh Siếu? Thông tin cụ thể hơn xin gặp gia đình ông Hoàng Đình Lượng (em trai liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm) xã Thái Giang, Thái Thụy, Thái Bình. Hiện nay cuốn sổ tay của ông Phạm Thanh Siếu, ông Lượng vẫn chịu trách nhiệm bảo quản tại nhà riêng.

(Trong những kỷ vật mà Homer trao lại ngoài cuốn nhật ký của anh Đảm, bằng lái xe của ông Hai còn có một cuốn sổ cá nhân mang tên Phạm Thanh Siếu. Nhưng tiếc rằng, có thể vì lý do để giữ bí mật chăng mà anh Phạm Thanh Siếu đã không ghi tên địa chỉ quê quán, đơn vị trong cuốn sổ?)

Tháng 7 năm 2008
X.B

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.