Giải quyết khiếu nại như… đùa

Giải quyết khiếu nại như… đùa
TP - Hiện nay, ở nhiều địa phương bên cạnh đa số công chức thi hành công vụ một cách cẩn trọng lại vẫn còn ít người thi hành công vụ như đùa giỡn với công dân.

Ông Nguyễn Phước Lành, 71 tuổi, ngụ tại 322/27A, đường Lý Thường Kiệt, phường 4 (TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng). Trước đây, ông có căn nhà số 01-Pasteur, phường 8 (TP Sóc Trăng) cha truyền con nối ăn ở.

Năm 1977, cán bộ phường mượn làm trụ sở UBND phường. Năm 1986, ông làm đơn đòi lại nhà. Cũng do ông không có nhà cửa nào khác nữa mà phải ở đậu khổ sở.

Hiện hồ sơ còn lưu từ 2001 đến 2007, năm nào UBND tỉnh Sóc Trăng cũng trả lời ông Lành: “Khiếu nại của ông đang được các cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra xác minh, báo cáo UBND tỉnh xem xét giải quyết” và động viên ông “chờ kết quả giải quyết của UBND tỉnh Sóc Trăng”.

Mới nhất, ngày 6/3/2008, UBND tỉnh Sóc Trăng có công văn gửi ông Lành: “Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh kiểm tra xác minh, báo cáo UBND tỉnh xem xét giải quyết”.

Thực tế thì căn nhà ấy đã bị bán mất rồi. Cuối 2006, UBND phường dời đi nơi khác. Ngày 25/12/2006, ông Nguyễn Minh Thống, Chủ tịch UBND TP Sóc Trăng có công văn đề nghị UBND tỉnh Sóc Trăng bán căn nhà. Ngày 5/2/2007, ông Huỳnh Thành Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng ký quyết định bán cho Bưu điện tỉnh Sóc Trăng với giá 6.662.661.000 đồng. 

Chúng tôi đến Phòng Quản lý công sản (Sở Tài chính Sóc Trăng) hỏi về hợp đồng mua bán nhà 01-Pasteur. Ông Trương Tài Minh, Phó trưởng phòng trả lời: “Chúng tôi không biết gì vụ này, hồ sơ mua bán không có ở đây”.

Ở UBND TP Sóc Trăng có lưu quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng và hợp đồng mua bán. Tại sao nhà của ông Nguyễn Phước Lành và ông Lành đang khiếu nại đòi lại mà địa phương đem bán?

Một cán bộ của UBND TP Sóc Trăng trả lời: “UBND tỉnh chỉ đạo, cấp dưới phải chấp hành”. Chúng tôi gặp ông Nguyễn Trung Hiếu, Bí thư Thành ủy TP Sóc Trăng. Ông Hiếu rất ngạc nhiên khi nghe chúng tôi phản ánh vụ việc.

Tại sao đã bán căn nhà rồi mà UBND tỉnh Sóc Trăng vẫn đều đặn ký công văn hẹn giải quyết đơn đòi nhà của ông Lành? Không cán bộ nào giải thích được. Mẹ của ông Lành năm nay đã 94 tuổi, khóc nức nở: “Hơn 30 năm rồi tôi phải ở đậu nhà sui gia để chờ chính quyền giải quyết, ai ngờ ra nông nỗi này”.

Phán như … Chủ tịch tỉnh

Chánh văn phòng phải có ủy quyền của Chủ tịch UBND thì mới được phép ký công văn trả lời công dân. Hoặc chỉ ký công văn truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND. Nhưng ở Bạc Liêu, Chánh văn phòng UBND tỉnh tự ký công văn trả đơn khiếu nại của công dân như … Chủ tịch UBND tỉnh.

Xin dẫn chứng trường hợp bà Nguyễn Thị Thắm ở ấp Tam Hưng, xã Vĩnh Hưng (Vĩnh Lợi, Bạc Liêu). Bà Thắm mua một đám đất của láng giềng, được huyện cấp sổ đỏ. Khi đất có giá, láng giềng cho rằng chưa bán và đòi lại. Huyện bác đòi hỏi vô lý nhưng UBND tỉnh Bạc Liêu lại giải quyết kiểu “ba phải” là thu hồi sổ đỏ của bà Thắm và chia đôi đám đất cho hai người.

Nhưng đám đất ấy đã được bà Thắm cho con rể Dương Văn Tỷ và anh này cũng đã có sổ đỏ. Tức là đám đất có hai sổ đỏ. Ngày 21/3/2008, UBND tỉnh Bạc Liêu ra tiếp quyết định thu hồi hai sổ đỏ và vẫn chia đôi đám đất. Mẹ con bà Thắm khiếu nại lên Thanh tra Chính phủ.

Ngày 1/5/2008, Thanh tra Chính phủ có công văn đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu xem xét hủy các quyết định đã ban hành vì đất đã có sổ đỏ thuộc quyền giải quyết của tòa án. Thế rồi ngày 20/6/2008, Chánh văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu Bùi Thanh Hồng ký Công văn số 206 trả lời bà Thắm.

Nội dung chính như sau: “Qua kiểm tra nội dung đơn khiếu nại… xét thấy … Văn phòng UBND tỉnh gửi trả lại đơn cùng các tài liệu liên quan và thông báo cho bà được biết. Đồng thời yêu cầu bà chấp hành tốt quyết định giải quyết của UBND tỉnh”.

Hiển nhiên, Chánh văn phòng dù “phán” như Chủ tịch UBND tỉnh thì cái công văn ấy cũng không có giá trị pháp lý. Nhưng thi hành công vụ kiểu như thế làm công dân rất mệt mỏi. Ngày 2/7/2008, Thanh tra Chính phủ tiếp tục có công văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhắc lại nội dung công văn ngày 1/5/2008.

MỚI - NÓNG