Tôi đi làm lao động phổ thông - Bài 4:

Những khoảng tối ở “làng nhập cư”

Những khoảng tối ở “làng nhập cư”
TP - Thiếu sân chơi lành mạnh, không ít nam công nhân sau giờ tan ca cứ dán mắt vào phim chưởng rồi ăn nhậu và “quậy”. Song hành với bức tranh ấy là tình trạng nam nữ công nhân yêu “ăn cơm trước kẻng”, nạn nạo phá thai ở ngày một nhức nhối hơn...

>> Chông chênh cảnh tha hương

Những khoảng tối ở “làng nhập cư” ảnh 1
Hai nhóm công nhân đang ẩu đả trước khu công nghiệp Sóng Thần, huyện Dĩ An sau khi nhậu xỉn

Yêu “liều” và “quậy”tới bến

Buổi tối trong khu nhà trọ 15 phòng ở ấp 2, xã An Phú, huyện Thuận An, Bình Dương, đông đúc nam nữ công nhân. Bên cạnh phòng trọ của một người quen, tôi nhìn thấy một đôi nam nữ vừa mới dọn cơm tối ra ăn.

Nguyễn Thị Hằng, 24 tuổi, ở Thừa Thiên- Huế, công nhân Cty TNHH may mặc Poong in Vina ở khu công nghiệp Sóng Thần 1, tỉnh Bình Dương, rỉ tai: “Đó là cặp “vợ chồng” son đấy.

Trước đây, con bé đó ở chung với tụi em nhưng nửa tháng nay nó ra riêng rồi dọn đồ đạc qua ở chung với “chồng” nó luôn. Cả hai chưa cưới hỏi gì cả”. Không chỉ có một cặp, ở khu nhà trọ gần 15 phòng này có đến 4-5 phòng dành riêng cho những công nhân góp gạo nấu cơm chung.

Hằng kể: “Sau khi cả nhóm dọn tới thuê trọ ở đây vào đầu tháng 6 thì chỉ 2 tuần sau, Tuấn quê ở Nghệ An - đã ở trọ đây từ trước thường xuyên qua phòng chơi mỗi buổi tối rồi gặp Hồng.

Tình đồng hương, rồi sự khát khao tình cảm đã nhanh chóng “dính” họ lại. Thế rồi thay vì ở trọ với bạn bè, Tuấn dọn ra ở riêng và kéo Hồng qua ở luôn. Cả hai sống như vợ chồng chỉ có điều không biết khi nào họ cưới”.

Rẽ vào khu nhà trọ với hơn 500 công nhân của các Cty Doanh Đức, Thông Dung...ở cụm công nghiệp Tân Đông Hiệp, tỉnh Bình Dương, hàng chục phòng trọ là các “tổ ấm” của nhiều đôi công nhân không có đăng ký kết hôn. Họ đến với nhau vì thiếu thốn tình cảm nơi đất khách quê người, dựa dẫm vào nhau để sống trong thời buổi “thóc cao gạo kém”...

Chúng tôi đến khu nhà trọ đường 25, xã Bình Hòa, huyện Thuận An, Bình Dương, cạnh khu công nghiệp Sóng Thần và Đồng An mới chua xót khi nghe bà chủ dãy phòng trọ này bộc bạch:

“Mấy anh chị công nhân đã không yêu thì thôi chứ yêu là...yêu dữ lắm. Tôi có 10 phòng trọ cho thuê thì ba phòng dành riêng cho ba cặp “góp gạo nấu cơm chung” rồi. Bọn nó chưa có đứa nào cưới hỏi gì cả. Thích thì về ở với nhau vậy thôi!”

Tôi tấp xe hỏi một nữ công nhân tên Hương làm ở Cty V.N, ở khu công nghiệp Tân Tạo TPHCM, vừa mới tan ca về: “Ở  đây còn phòng trọ cho vợ chồng ở không em?”.

Hương chỉ tay về phía bà chủ khu trọ rồi nói:

“Ở đây phức tạp lắm, anh thuê làm gì”.

Hương cho biết ở đây có 3 cặp công nhân sống với nhau kiểu vợ chồng chưa cưới. “Đêm nào cũng nghe họ cãi nhau, không cặp này thì cặp khác.

Mới đây cũng có 2 cặp dọn đi nhưng sau này hỏi mấy người quen em mới biết họ có bầu. Nghe đâu đã đi phá thai ở bệnh viện Từ Dũ rồi”- Hương kể. Theo Hương, gần 5 năm ở đây cô đã chứng kiến hàng trăm cặp sống với nhau như vợ chồng, không hôn thú rồi nam nữ dắt nhau về phòng qua đêm, và cũng không ít trường hợp nữ bạn bè của mình gặp phải “Sở Khanh”.

Sau khi “con ong đã tỏ đường đi lối về” thì “quất ngựa truy phong” để lại hậu quả cho người phụ nữ gánh chịu. Hương ngậm ngùi: “Ở  khu trọ còn có nữ công nhân “cặp” với cả những người bằng tuổi bố mình để kiếm tiền”. 

Không chỉ có chuyện “yêu liều sống vội”, công nhân nam cũng thường xuyên hỗn chiến bằng gậy gộc và mã tấu với nhau như trong phim “bạo lực”. Mới đây, sau một lần nhậu tới bến, một nhóm công nhân Cty may xuất khẩu Mỹ Dung và Cty Hưng Phát ở khu công nghiệp Sóng Thần cũng “bổ” nhau khiến 2 công nhân phải nhập Bệnh viện 4 Quân đoàn 4.

Bác sĩ Trương Quang Dũng - Trưởng Ban Y tá- điều dưỡng bệnh viện 4 Quân đoàn 4, tỉnh Bình Dương nói: Chuyện công nhân nhập viện vì tai nạn và đánh nhau diễn ra như cơm bữa tại đây. Hương - công nhân Cty V.N. kể: Cách đây 2 ngày, ở khu trọ đường Bà Hom, cạnh khu công nghiệp Tân Tạo, 2 công nhân nhậu say rồi gây sự và choảng nhau vì...ghen. Hậu quả, một người phải đến phòng mạch khâu 2 mũi ở đầu.

Những khoảng tối ở “làng nhập cư” ảnh 2
Tư vấn về kiến thức sức khỏe sinh sản cho công nhân

Nhức nhối sau những “cuộc vui”

Nằm giữa địa bàn 4 khu công nghiệp là Sóng Thần 1, Sóng Thần 2, khu Đồng An và Tân Đông Hiệp, với hơn 1.200 nhà trọ chứa trên 80.000 công nhân, Bệnh viện 4 Quân đoàn 4 tỉnh Bình Dương luôn là điểm đến của hầu hết công nhân. “Có khoảng 75% công nhân đến đây để khám chữa bệnh, trong đó báo động là nạn nạo phá thai”- Bác sĩ Dũng nói.

Từ năm 1999- khi các khu công nghiệp nhanh chóng mọc lên, thu hút lượng lớn công nhân cũng là thời điểm bác sĩ Vũ Tiến Hoạt- chủ nhiệm khoa Sản Bệnh viện 4 -Quân đoàn 4 cùng cộng sự thực hiện đề tài về tình trạng nạo phá thai ở nữ công nhân.

Chỉ từ năm 1999- 2001, bác sĩ Hoạt cho biết tại bệnh viện đã có 405 công nhân đến hút nạo phá thai, trong đó có 67% công nhân có trình độ văn hoá dưới lớp 9 và 35% chưa có chồng. Báo động hơn là số tuổi công nhân đến “giải quyết” hậu quả nạn “ăn cơm trước kẻng” chỉ từ 18- 22 tuổi và hầu hết họ không áp dụng biện pháp tránh thai. 

Nhiều năm làm ở lĩnh vực sản khoa, bác sĩ Hoạt nhiều khi mất ăn mất ngủ vì có những trường hợp công nhân mang thai quá tuổi cũng vào xin bệnh viện phá bỏ nhưng đành chịu.

Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2008, nơi đây cũng đã tiếp nhận 288 ca công nhân đến nạo hút thai. Chưa hết, cách đây 2 năm, nhiều công nhân sau khi sinh con xong đành “gửi” lại ở cổng bệnh viện. “Có lần chúng tôi phải gửi các cháu vào trại trẻ mồ côi hoặc làm thủ tục cho con nuôi” - Bác sĩ Hoạt buồn bã.

Nhiều công nhân Cty giày Delta ở khu công nghiệp Sóng Thần 2 còn nhớ vào năm 2006 một nữ công nhân sau khi sinh con đã bỏ đứa con - hậu quả của thời vụng dại vào nhà vệ sinh rồi sau đó biệt tăm. Bác sĩ Hoạt cho biết: Tỷ lệ công nhân nạo thai thực tế còn cao hơn, vì nhiều công nhân đi nạo hút “chui” tại các phòng khám tư.

 Ở đó họ làm kín đáo, giờ nào cũng làm nên công nhân cứ vào. Và không ít trường hợp đã gặp tai biến như chảy máu, thủng tử cung...đã phải đưa vào bệnh viện cấp cứu.

----------------- 

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.