"Cuộc sống diệu kỳ" của cô giáo chạy thận nhân tạo

"Cuộc sống diệu kỳ" của cô giáo chạy thận nhân tạo
TP - Mắc căn bệnh quái ác, phải “chung thân” với máy chạy thận suốt đời, nhưng chính những năm tháng ngụp lặn trong tận cùng nỗi đau, Lam Hà đã tìm thấy một “cuộc sống kỳ diệu” mà chị đã viết trong cuốn tự truyện cùng tên.

Sau khi lấy chồng, mang thai đứa con đầu lòng, người Lam Hà bỗng phù nề rất to. Chất đạm trong cơ thể bị thải qua đường nước tiểu nên chị tăng trên bảy mươi cân, chân phù to đến mức phải mượn dép tổ ong của chồng để đi.

Bạn bè động viên: “Đẻ xong sẽ hết, lo gì”. Ngày chị sinh đã khiến cho các y bác sĩ ở Khoa sản - Bệnh viện Việt Nam - Ba Lan một phen toát mồ hôi.  Chị bị vỡ ối, đứa bé được cứu kịp thời nhưng phải nằm trong lồng kính, không được bú mẹ. Mẹ của bé cũng phải cấp cứu.

Lúc này Lam Hà đã bị nhiễm độc nước ối. Chất độc không thải được ra ngoài do thận làm việc kém đã tràn vào, phá hoại các cơ quan khác. Cái thứ nước dịch ấy cứ tự do chảy ra ngoài ở bất cứ chỗ nào có thể khiến cho bao nhiêu chăn, gối... đều ướt bẩn hết. Lam Hà không ăn uống được gì, lúc mê lúc tỉnh. Nằm trong khoa sản, ai cũng nghĩ cô giáo này không qua khỏi.

Bên cửa sổ của phòng cấp cứu, có nhiều học sinh của Lam Hà đứng đó, có những em đã bật khóc khi hình dung rồi đây bục giảng sẽ vắng cô giáo. Y tá phải nhắc: “Các cháu đứng xa cửa sổ cho cô giáo thở”.

Cuối cùng, Lam Hà được chuyển ra Bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu. Chồng và cha cô giáo Lam Hà cùng đi Hà Nội, còn bà nội, bà ngoại và em chồng ở nhà lo cho cháu bé.

Vì xe cố chạy nhanh nên rất xóc. Dịch càng ngày càng dâng cao khiến chị không thể nằm mà phải dựa vào người thân. Ba ngày cấp cứu, người mẹ này chưa một lần được thấy mặt con gái và trên đường ra Bệnh viện Bạch Mai, chị đã cố hình dung ra gương mặt con gái bằng trí tưởng tượng.

Lam Hà được điều trị ở khoa Thận – Tiết niệu, từ đây lại bắt đầu con đường đầy trắc trở của số phận. Chị bảo: “Thần chết đã nắm được tay tôi, nhưng tất cả mọi người thân đều ra sức kéo lại. Và tôi đã sống”.

“Ta phải sống như không thể chết”

Lam Hà có gương mặt của một cô giáo dạy văn, gương mặt toát lên vẻ dịu dàng và đôi mắt to dường như vẫn còn mơ mộng, lãng mạn dù đã trải qua bao nhiêu nỗi đau thật khó hình dung nổi. Tôi gặp chị tình cờ và chẳng ngờ chị lại là cố nhân.

Cách đây khoảng hai mươi năm, tôi và chị cùng ở trong một khu tập thể của trường PTTH Thanh Chương I. Bố mẹ chị, thầy Lê Bá Đức và cô Kim Dung, là giáo viên dạy văn rất uy tín ở miền đất trung du hiếu học ấy.

Bác ruột chị - giáo sư ngữ văn, nhà giáo ưu tú Lê Bá Hán nổi tiếng ở trường Đại học Sư phạm Vinh. Chị theo nghiệp bố mẹ, học khoa Văn – Đại học Vinh và khi ra trường được về dạy trường cấp III Lê Viết Thuật, đường đời có vẻ như rất “xuôi chèo mát mái”… 

Sau khi được xác định mắc bệnh hội chứng thận hư và kéo theo hàng loạt bệnh khác, Lam Hà coi như bị “kết án chung thân” với máy chạy thận nhân tạo. Cô giáo dạy văn này đã không thể nào quên được cái ngày đầu tiên chạy thận (4/3/2005).

Hôm ấy, đi ôtô từ thành phố Vinh ra Bệnh viện Bạch Mai, tình trạng sức khỏe của Lam Hà khiến các bác sĩ  buộc chị phải lọc máu ngay. Lần đầu tiên chạy thận, chị đã phải “thoát y” trước nhiều người! Chẳng thể nào diễn tả hết sự ngượng ngùng bối rối lúc đó, nhưng rồi chị cũng vượt qua những ngày đầu tiên ấy.

Điều đó chẳng phải dễ dàng gì, chị đã chứng kiến một người phụ nữ phải vào chạy thận, bỏ lại chồng con, lao từ tầng 5 xuống tự tử vì quá bi quan, chán nản.

Trong những tháng ngày ở Bệnh viện Bạch Mai, không ít lần, người bạn đang chạy thận nằm cạnh chị đã trút hơi thở cuối cùng.

Phòng chạy thận ở dãy nhà E, sát ngay nhà tang lễ của bệnh viện, thường xuyên nghe tiếng trống kèn cùng tiếng khóc vọng sang. Đối với những người đang chiến đấu với tử thần như chị, âm thanh đó thật đáng sợ, nó khiến người ta nghĩ tới cái chết. Nhưng với Lam Hà, sau những đau đớn tuyệt vọng, chị đã tự nhủ thầm: “Ta phải sống như không thể chết” (thơ Hoàng Nhuận Cầm).

Có lẽ vì thế mà tiếng kèn đám ma hay những vành hoa trắng không làm cho cô giáo dạy văn này cảm thấy bi quan về cuộc đời. Không những thế, Lam Hà còn tìm thấy niềm vui với những người cũng mắc căn bệnh chẳng bao giờ chữa khỏi ấy.

"Cuộc sống diệu kỳ" của cô giáo chạy thận nhân tạo ảnh 1
Lam Hà đâu ngờ đường đời lại gặp sóng gió trắc trở ở tuổi thanh xuân

Đêm, ở xóm trọ của những người chạy thận, rất nhiều người mất ngủ vì thiếu máu, máu lên não không đủ. Trong nhưng cơn mất ngủ triền miên ấy, chị thường nghĩ ra những câu đố vui để hỏi mọi người bớt căng thẳng, bi quan.

Một mình ở Hà Nội trong xóm trọ tồi tàn, Lam Hà thường xuyên phải đi cấp cứu. Có những đêm mùa đông lạnh giá, chị lả đi vì mệt, bạn bè trong xóm trọ phải cõng vào viện.

Họa vô đơn chí, chị còn “cõng” thêm nhiều căn bệnh quái ác khác như sỏi mật, suy giảm tiểu cầu, dẫn đến xuất huyết ở mắt và răng. Chọc tủy kiểm tra, lại mắc thêm chứng suy tủy, ít tạo hồng cầu…

Từng ấy chứng bệnh, nếu mua thuốc điều trị cũng đủ cho một gia sản “đội nón ra đi”. Trong khi đó, kinh tế gia đình Lam Hà hết sức khó khăn. Chị phải đi viện suốt đời, chồng làm công nhân ở trạm biến thế 110 KV Bến Thủy, thu nhập cũng chưa đủ tiền mua thuốc cho vợ. Trong lúc gieo neo ấy, nhờ ông bà nội ngoại và chị gái của Lam Hà giúp đỡ, chị mới có thể tiếp tục cuộc chiến không cân sức với thần chết.

Khi sức khỏe có tiến triển tốt, cô giáo Lam Hà quyết định đi bán nước dạo trong bệnh viện để có thể tự túc phần nào tiền ăn ở. Ở xóm chạy thận, người nào cũng kiếm cho mình một nghề phù hợp như bán xôi, đánh giày, mài dao kéo…

Được chị gái cung cấp đồ nghề, Lam Hà mang phích, ấm, chén, chè đi “tác nghiệp”. Nhưng “đội quân” bán nước ở bệnh viện rất đông đảo, dễ “đụng hàng” nên phải phân chia địa bàn và tránh những giờ bảo vệ truy đuổi. Địa bàn của Lam Hà ở cửa Bệnh viện Việt - Nhật, chị thường bán cho tới khuya.

Tất cả các khách hàng của chị đều rất thông cảm với những người chạy thận. Chén nước chỉ 500 đồng họ thường trả 1.000 - 2.000 đồng mà không chịu lấy tiền thối lại, xem như một sự chia sẻ nho nhỏ.

Sau khi tỉnh Nghệ An thành lập trung tâm chạy thận, Lam Hà từ giã nghề bán nước, xóm trọ và Bệnh viện Bạch Mai đầy kỷ niệm, trở về thành phố Vinh. Vẫn một tuần 3 lần đi lọc máu.

Tri ân với “Cuộc sống diệu kỳ”

Chị đưa cho tôi xem cuốn vở học trò ghi kín những dòng chữ viết tay nắn nót. Đó là cuốn tự truyện “Cuộc sống diệu kỳ” mà chị đã viết trong khi phải nén những cơn đau vì bệnh tật giày vò.  Lam Hà sống được đến ngày hôm nay là một điều kỳ diệu và nhờ thế chị đã phát hiện ra bao điều diệu kỳ của cuộc sống.

Chị tâm sự: “Có những cuốn sách viết ra không phải vì tất cả mọi người. Tôi viết những dòng này cho cha mẹ tôi, những người vất vả lo toan suốt cả cuộc đời, cho người chị gái luôn bên tôi trong những giờ phút khó khăn nhất. Cho anh – người đã cùng tôi đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác;  cho con gái tôi - đứa trẻ sinh ra trong bệnh tật của mẹ và cho tất cả những người gần gũi, sẻ chia với tôi”.

Cuốn tự truyện của Lam Hà vừa được NXB Phụ nữ cho ra mắt và tôi đã đọc “Cuộc sống diệu kỳ” một mạch đến hết. Chẳng ngờ người phụ nữ đã chịu nhiều bất hạnh này vẫn giữ được cái nhìn trong trẻo, hồn hậu và yêu đời đến vậy.

Xuyên suốt cuốn tự truyện cảm động của Lam Hà toát lên niềm tri ân của một người hàm ơn nhiều người với rất nhiều câu chuyện và chi tiết mà phải trải qua những năm tháng tận khổ với bệnh tật mới có thể viết ra được.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.