Những cuộc chia ly không hẹn trước

Những cuộc chia ly không hẹn trước
TP- Cuộc chia tay nào mà không làm tan nát lòng người trong cuộc. Sống với nhau gắn bó, cùng chia ngọt sẻ bùi, nên khi phải xa một người nào đó tôi cũng thấy mất mát....

>> Kỳ I: Cô giáo dạy Văn và bệnh nhân đặc biệt
>> "Cuộc sống diệu kỳ" của cô giáo chạy thận nhân tạo

Họ đều có một góc nào đó trong tâm hồn tôi. Họ cũng bị bệnh tật giống mình, rồi một ngày mình cũng thế - nghĩ vậy mà thêm chạnh lòng

Những cuộc chia ly không hẹn trước ảnh 1
Mẹ con cô giáo Lam Hà

Canh khuya thân gái dặm trường

Những người mới bắt đầu lọc máu bao giờ cũng được làm vào ban đêm, ban ngày là của những người đã vào chu kỳ. Đó là ca 4 (7h-11h đêm) ca 5 (từ 11h-3h sáng) thậm chí có hôm bệnh nhân cấp cứu đông còn có ca 6 đến sáng hôm sau luôn.

Chạy thận ban đêm nhưng tôi không ngủ được. Tôi mang theo một quyển truyện Kiều bé bằng bàn tay và học thuộc. Dạo trước đã thuộc nhiều đoạn bây giờ nối lại cho đến khi không cần sách nữa. Khi đã thuộc Kiều tôi lại đọc những bài thơ khác, làm sao cho hết thời gian lọc máu thật nhanh, đỡ thấy dài như vô tận.

Ban đêm, đường đi qua Viện Tim mạch đóng cửa nên tôi phải đi theo đường qua nhà bếp bệnh viện khá xa. Hôm nào lúc tan ca cũng là lúc nhân viên bệnh viện quạt lò nấu nước cho buổi sáng mai. Bếp than cháy rừng rực. Về phòng trọ lọ mọ cứ như tên ăn trộm. Phần lớn mọi người đã ngủ nhưng cũng có lúc mọi người chưa ngủ được, lại tiếp tục nói chuyện đến sáng luôn.

Mất ngủ là chuyện xảy ra thường xuyên. Bác sĩ nói thiếu máu, máu lên não không đủ nên gây ra vậy. Ban đầu mất ngủ ai cũng lo lắng tìm đủ mọi cách: uống tâm sen, uống nước lá vông, uống thuốc ngủ... Sau nghe bác sĩ nói vậy nên thôi, không ngủ thì nói chuyện, chẳng sao cả. Tôi thường ra câu đố để mọi người giải cho vui.

Nói chung chúng tôi luôn tìm mọi cách để vượt qua thực tế cuộc sống. Luôn cố gắng vui vẻ trước tất cả mọi điều. Để vì mình và cho người thân đỡ lo lắng. Nhiều người nhà bệnh nhân ở tim mạch, huyết học thấy chúng tôi lạc quan họ rất ngạc nhiên. Ai cũng là người giai đoạn cuối cả. Sống ngày nào là được ngày đó. Phải vui để mà sống.

Lúc còn chạy ban đêm tôi rất yếu, mỗi lần đi về đều phải thuê xe điện (Nhiều người nói: Với thời gian sức khỏe sẽ tốt hơn, quen hơn, như anh Bình chẳng hạn, lúc đầu có ba người chăm nuôi mà giờ một mình - tôi và gia đình cũng hi vọng thế). Lại là bệnh nhân đặc biệt nên thường xuyên phải gọi y tá, bác sĩ.

Rất may là các bác sĩ, y tá ở khoa đều hiểu và thông cảm cho bệnh tình của tôi, đã giúp đỡ động viên nhiệt tình. Đó là bác sĩ Bích và bác sĩ Châu, bác sĩ Thu, bác sĩ Tuấn, bác sĩ Cương, bác sĩ Dũng... Và các y tá: anh Tùng, anh Chung, chị Quế, chị Hằng, chị Trang, anh Tuấn, anh Tiến... tôi biết ơn tất cả mọi người.

Những cuộc chia li không hẹn trước

Năm tháng dài chạy thận ở Bạch Mai tôi đã chứng kiến nhiều sự ra đi. Và sự ra đi của bất cứ người nào cũng để lại cho tôi những nỗi buồn khó tả.

Xa gia đình, bạn bè, xa những người thân yêu. Hôm nay là người đó, ngày mai có thể là mình, hoặc một ai khác không nói trước được.

Người đầu tiên là anh Quang. Vào giai đoạn cuối anh rất nguy kịch, ho nhiều, khó thở, bụng chướng đầy, có người còn nói anh bị ung thư phổi. Vậy mà anh vẫn lạc quan: “Chẳng sao cả, chỉ thiếu máu chút thôi”.

Có lẽ anh nói thế để động viên gia đình và để chúng tôi - những người suốt ngày bên anh đỡ sợ. Anh có vẻ tỉnh táo và khỏe mạnh cho đến tận khi chết. Anh nói chỉ thèm nước đá thôi. Anh chết nên nhà trọ thưa hơn tiếng đập chai đá trong đêm. Bây giờ thì anh thoải mái uống nước, uống bao nhiêu cũng được, không bị ai cấm phải uống vụng, uống trộm nữa. Cả hút thuốc cũng thế.

Tôi nhớ ngày hôm trước (hôm sau là anh đòi về nhà), anh từ khoa cấp cứu về nhà trọ chơi, đó là lần cuối cùng thấy anh ở nhà trọ, nơi ở quen thuộc bao năm, anh còn nói tôi để cho lạng trà pha uống, còn lấy hai điếu thuốc nói là hôm sau trả tiền. Tôi cười và mời anh không ngờ hôm sau anh đã bỏ chúng tôi ra đi. Sau khi anh chết, Thư đốt cho anh bộ tú lơ khơ “cho anh chơi đỡ buồn”.

Anh hay đánh bài, đánh cho quên những cơn khó thở và thèm nước. Anh Quang mất, tôi rất buồn và nhớ. Anh đưa tôi đi chạy thận đêm nhiều lần, chúng tôi hay chơi cùng nhau. Có lúc anh thèm một món gì đó vì ăn cơm bụi mãi cũng chán. Anh bảo tôi nấu, tôi đùn đẩy cho Thư, bây giờ anh không còn nữa mới thấy thương anh quá.

Gia đình anh đông anh em nhưng đều đã có gia đình riêng ai lo phận nấy, chỉ có anh ở với ông bố. Mẹ anh buồn đau vì anh mắc bệnh đã mất sau khi anh chạy thận vài năm. Nhà chỉ có một bố một con mà hai người lại ở hai nơi: anh trên Hà Nội, bố dưới Nam Định.

Thực ra anh cũng đã có vợ. Vợ anh thua anh hàng chục tuổi, nghe nói cũng khá xinh. Chị là người nhanh nhẹn, tháo vát. Anh Quang kể lần đó anh cấp cứu nguy kịch đã mê man, ông bố và nhiều anh em nói: “Đưa về nhà, có chết thì chết ở nhà khỏi chết đường, chết chợ”.

Chị vợ kiên quyết giữ lại: “Còn nước còn tát. Có chết cũng chết ở bệnh viện”. Chị bảo vậy và kiên quyết giữ anh lại khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện Bạch Mai. Nhờ vậy mà anh sống đến hôm nay. Anh chị cưới nhau khá lâu mà không có con. Khi biết mình suy thận, đi bệnh viện cấp cứu mấy lần, rồi phải chạy thận anh giải phóng cho chị.

Anh nói cũng buồn nhưng tốt cho chị ấy, mình thì bỏ đi rồi. Anh đã chạy thận được bảy, tám năm, với người giai đoạn cuối như thế là cũng lãi lắm rồi. Nhưng khi anh ra đi chúng tôi vẫn đau lòng biết bao, tôi rất nhớ anh Quang đã từng nói với chị gái tôi:

- Chị cứ yên tâm, ở đây đã có bọn em rồi, chị không phải lo nhiều cho Hà đâu. (Anh Quang thua tuổi chị tôi và hơn tuổi chồng tôi).

Đó là cái chết đầu tiên mà tôi biết từ khi chạy thận nên để lại trong tôi nhiều ấn tượng khó phai mờ. Người ta có thể chết thật dễ dàng. Mới nói, mới cười, mới trò chuyện cùng tôi vậy mà thoắt một cái đã trở về nơi cát bụi.

Một người nữa ra đi cũng để lại trong tôi sự trống vắng không bù đắp được đó là bác Lễ. Bác chạy ca 1 nhà E, nằm ngay bên cạnh giường tôi.

Vốn là lính lái xe Trường Sơn chuyển sang một xí nghiệp nào đó ở Hà Nội. Thời mở cửa bác xin về một lần và mua xe chạy ngoài. Vì vậy mấy năm đầu chạy thận không có bảo hiểm - xe hết tiền cũng hết. Sau đó mới xin được bảo hiểm người nghèo ở quê  Hà Tây.

Bác vui vẻ và hiểu biết. Chúng tôi nằm trò chuyện, kể cho nhau nghe nhiều chuyện, nói lung tung đủ mọi thứ để thời gian chạy qua mau. Ban đầu bác Lễ không ăn trong lúc chạy thận, về sau tôi nói mãi bác mới mua cơm nắm mang theo và công nhận là ăn lúc đang chạy rất ngon. Hai đứa con bác đều đã lớn, tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định. Vợ bác rất đảm đang.

- Cả nhà bây giờ chỉ có mình là vô công rồi nghề mà lại hay sinh chuyện. Vợ con bận tối mắt cả ngày – Bác Lễ bảo.

Nhà E có hai phòng: phòng 10 máy và phòng 5 máy. Hôm thứ tư, y tá có nói với tôi chuyển từ phòng 10 máy sang phòng 5 máy, bắt đầu từ thứ 6, để nhường chỗ cho một bác đau chân bởi phòng 5 máy phải leo tam cấp cao, ở phòng 10 máy tôi ít tuổi nhất, không trốn tránh được, dù ở đâu quen đó, tôi vẫn muốn ở bên này hơn.

Mấy người đều trêu đùa bảo tôi đi buồn quá. Bác Lễ còn dặn: Nhớ sang thăm bên này nhé. Tôi không muốn đi nhưng đành phải xa mọi người. Thứ 6. Kết xong tôi sang phòng 10 máy. Ca 1 chưa xong ca 2 đã đến, đông tấp nập nhưng không thấy bác Lễ đâu - giường trống. Hỏi bác Hạnh và Minh, không ai biết chuyện gì đã xảy ra. Vì sao bác không đi chạy. Bác Lễ chưa bao giờ bỏ ca. Khi có ai đi chậm bác còn đùa:

- Tưởng là khỏi rồi hoặc là lên nóc tủ buôn hoa quả.

Nghĩ vậy tôi khá lo lắng, chắc là có chuyện không hay rồi chứ làm gì có chuyện khỏi bệnh.

Thứ 2 tuần sau tôi thấy vợ bác đến nhà E mới biết bác đã mất vào thứ 5 - do tăng huyết áp quá dẫn đến tai biến. Mọi người ai cũng ngậm ngùi thương tiếc. Bác Thủy nói:

- Hà chuyển đi bác Lễ buồn quá đấy mà.

Bác buồn hay tôi buồn. Bác đã đi vào thế giới không buồn không vui để lại tôi nỗi buồn thương khó tả. Bác khỏe là vậy. Phóng xe đi chơi suốt ngày. Có hôm còn đến chỗ trọ của tôi. Vậy mà vì chủ quan nên thành người thiên cổ. Vợ bác kể bác đi uống rượu về, trưa nắng, lại làm một miếng dưa hấu trong tủ lạnh, ăn xong là cấm khẩu, gục xuống luôn.

Cuộc chia tay nào mà không làm tan nát lòng người trong cuộc! Sống với nhau gắn bó, cùng chia ngọt sẻ bùi, lại cùng chia sẻ với nhau những buồn vui bệnh tật nên xa một người nào đó tôi cũng thấy mất mát. Họ đều có một góc nào đó trong tâm hồn tôi. Họ cũng bị bệnh tật giống mình, rồi một ngày mình cũng thế - nghĩ vậy mà thêm chạnh lòng. Đến lượt mình ra đi chắc mọi người cũng dành cho mình một chút trong suy nghĩ và tình cảm. Tôi hy vọng là vậy!

Kỳ tới: Chuyện tình của tôi

MỚI - NÓNG