Vì những giọt mồ hôi của bố

Chàng thủ khoa chuyên bán nước rửa bát

Chàng thủ khoa chuyên bán nước rửa bát
TPO - Cùng bố rời Bắc Ninh lên Hà Nội thuê nhà trọ, bươn chải kiếm sống lấy tiền ăn học, Phạm Văn Huy (chuyên tin ĐH Sư phạm Hà Nội) đã vượt qua bao khó khăn để đỗ thủ khoa 30 điểm ĐHBK Hà Nội (khối A) và đỗ ĐH Y Hà Nội (khối B) với 28 điểm.
Cứ 4 giờ sáng, hai bố con Huy thức dậy, lấy nước rửa bát đóng vào chai, khi cả Hà thành đang còn chìm trong giấc ngủ thì hai bố con đã đạp xe giao hàng cho các quán hàng ăn. Đến giờ đi học, Huy lại lọc cọc đạp xe vượt 6km tới lớp...

Ngày Phạm Văn Huy nhận được tin đỗ lớp chuyên tin trường Đại học Sư phạm Hà Nội, bố mẹ Huy vui ít, lo nhiều.

Cả nhà chỉ trông vào mấy sào ruộng, biết lấy đâu ra tiền cho Huy lên thành phố. Nhưng, sau nhiều đêm mất ngủ, vắt tay lên trán suy nghĩ, ông Phạm Huân quyết tâm bỏ nghề phu hồ lên Hà Nội cùng con kiếm sống.

Ra Hà Nội, không họ hàng, người quen, hai bố con lang thang tìm nhà trọ.

“Tôi muốn con ở gần trường đi học cho thuận lợi nhưng hỏi giá phòng không dưới 500 nghìn đồng/tháng. Đắt quá, hai bố con đành chấp nhận lên tận Thụy Khuê thuê nhà trọ” - Ông Huân tâm sự.

Chàng thủ khoa chuyên bán nước rửa bát ảnh 1
Huy giúp bố đóng nước rửa bát vào chai để đem đi giao. Ảnh : Minh Thùy

Để có tiền cho cậu con trai học giỏi tiếp tục được cắp sách đến trường, có tiền thuê nhà trọ, sinh hoạt nơi thành phố…, cứ 4 giờ sáng, hai bố con Huy thức dậy, lấy nước rửa bát đóng vào chai, khi cả Hà thành đang còn chìm trong giấc ngủ thì hai bố con đã đạp xe giao hàng cho các quán hàng ăn. Đến giờ đi học, Huy lại lọc cọc đạp xe vượt 6km tới lớp.

Không quản khó khăn, vất vả nhưng do chưa quen mối hàng nên tháng đầu tiên, hai bố con không còn tiền để trả cho chủ nhà trọ. Biết ở nhà cũng túng thiếu, nhưng người cha vẫn phải gọi điện về, bảo vợ vay nóng 400 nghìn đồng để “cấp cứu”. Thế rồi, ngày này qua tháng khác, không biết bao nhiêu giọt mồ hôi của người cha nghèo đã đổ xuống đường, những mong cho con có ngày vào đại học. 

“Nhiều đêm trời mưa tầm tã, các quán gọi mang hàng đến, bố lại âm thầm khoác vội chiếc áo mưa, lao vào màn đêm đang ầm ầm sấm sét. Những lúc như thế, em thầm hứa với lòng mình, phải quyết tâm học thật giỏi để những giọt mồ hôi của bố mẹ đổ xuống không vô nghĩa” - Huy xúc động nhớ lại.

Gần đến ngày thi đại học, các bạn trong lớp rủ nhau đi học thêm để hệ thống lại kiến thức, Huy giấu bố vì không muốn ông phải lo thêm khoản. Huy dặn bạn cùng lớp, khi đến chơi đừng nhắc đến việc học thêm trước mặt bố.

Biết chuyện, ông Huân gọi con ra bảo: Con phải học cho bằng bạn bằng bè, bố mẹ thiếu tiền còn vay được nhưng con thiếu kiến thức thì không bao giờ vay được ai”.

Nghe lời bố, Huy đành đến lớp học thêm. Nhưng nhiều lần, cầm 30 nghìn đi học mà Huy vẫn thấy áy náy, đành quay về. Số tiền ấy bằng cả ngày trời ông Huân đạp xe khắp Hà Nội mới kiếm được, tiêu đi rồi lấy đâu ra chi cho các khoản khác.

Thương bố mẹ hết lòng, hết dạ vì con, Phạm Văn Huy học ngày, học đêm, quyết tâm phải đỗ đại học. Nhiều hôm, học đến tận 3 giờ sáng, mệt quá, Huy gục xuống ngủ luôn trên bàn học…

Lấy những điểm 10 trong học tập để xóa tan những giọt mồ hôi trên đôi má sạm đen vì bụi đường của bố, Huy đạt được thành tích cao trong học tập. Không chỉ luôn đứng đầu lớp về các môn tự nhiên, Huy còn giành được giải nhì Olympic Toán thành phố năm lớp 10.

Mong ra trường sớm để giúp gia đình

Mấy ngày nay, xóm trọ ở số 34 ngõ 545 Thụy Khê – nơi bố con Huy ở - rôm rả hẳn lên. Ai cũng lấy tấm gương anh Huy vượt khó học giỏi để khuyến khích con cháu.

“Thi xong Đại học Bách khoa Hà Nội, em đoán được khoảng 28 điểm, nhưng không dám nói trước với bố. Giờ biết điểm rồi, em đang ráo riết học tiếng Anh để vào học đại học được cấp học bổng đỡ đần thêm gia đình” - Huy cho biết.

Dù đạt 30 điểm vào trường Đại học Bách khoa Hà Nội, và 28 điểm trường Đại học Y Hà Nội - hai trường đại học hàng đầu ở 2 khối thi khác nhau - nhưng Huy vẫn khiêm tốn: “Em còn kém lắm”. Nói về bí quyết để làm bài đạt điểm tuyệt đối, Huy cười, nói: “Em chỉ tập trung cao độ và tận dụng tối đa thời gian”.

“Em sẽ học trường Đại học Bách khoa vì đúng với sở thích. Học Đại học Y cũng có nhiều cơ hội nhưng thời gian học kéo dài tới sáu năm, em sợ bố không nuôi nổi” - Huy tâm sự.

Cũng chính vì thương bố mà dù được bố bắt nghỉ ngơi, đi chơi với bạn bè sau kỳ thi căng thẳng nhưng Huy vẫn nhất quyết giữ nguyên “lịch trình” như suốt 3 năm qua: Học tiếng Anh, trưa nấu cơm và sáng sớm đi giao hàng cùng bố.

Biết Huy hiền lành, chịu khó, lại đạt kết quả cao trong kỳ thi vừa qua, nhiều người quanh xóm trọ ngỏ lời cho ông Huân mượn tiền để mua giúp Huy chiếc xe đạp điện đi học. Chị Hạnh - người trọ sát phòng bố con Huy cho biết: “Vừa học, vừa làm sợ Huy không đủ sức để theo kịp với bạn bè trên lớp, nên mọi người muốn giúp đỡ cháu…”.

Tuy vậy, hai bố con vẫn không dám nhận: “Các cô, các chú thương thì cất dùm cháu, sau này ra trường cháu sẽ nhờ cô chú” - Ông Huân nói.

MỚI - NÓNG