Chàng thủ khoa chân đất

Chàng thủ khoa chân đất
TP- Lê Đình Hưng ở xóm 2, làng Trịnh Thôn, xã Hoằng Phú, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa học sinh trường THPT Hoằng Hóa 2 vừa nhận được tin vui đỗ thủ khoa ĐH Bách khoa Hà Nội, Khoa Điện tử-  viễn thông.

Niềm vui vừa đến, nhưng nỗi lo cơm áo gạo tiền khi ăn học tại Hà thành lại hiện lên khuôn mặt của chàng thủ khoa chân đất này.

Giỏi việc đồng áng

Nằm sâu trong ngõ nhỏ ở một làng quê bình yên xã Hoằng Phú, ngôi nhà của ông Lê Đình Hùng (47 tuổi) - bố của Hưng - vắng lặng và yên ắng lạ thường sau cái chết của mẹ Hưng bà Lê Thị Dung do căn bệnh ung thư máu.

Ngoài ngôi nhà cũ 2 gian, ông bà Hùng- Dung chỉ có hơn 7 sào ruộng lúa để kiếm tiền nuôi 2 con ăn học.

Ý thức về hoàn cảnh khó khăn của gia đình, hai chị em Hưng tự lập học tập để không phụ lòng cha, mẹ. Thành tích học tập và những khen thưởng từ các kỳ thi học sinh giỏi của các em là sự biết ơn dành tặng bố, mẹ.

Khó khăn lại chồng thêm bất hạnh khi chị gái Lê Thị Mai đang ôn thi đại học, Hưng vào lớp 10 thì mẹ mang bệnh nặng. Hai bên gia đình nội, ngoại chạy đôn chạy đáo để lo tiền thuốc thang cho mẹ Hưng. Nhưng rồi tiền mất mà bà Dung cũng không cứu được. Trách nhiệm gia đình đè nặng lên vai ông Hùng.

Tưởng như hai con Mai- Hưng không thể tiếp tục được đến trường vì hơn 7 sào ruộng lúa không đủ tiền ăn học. Được anh em họ hàng giúp đỡ, ông Hùng vay mượn và nuôi thêm con gà, con lợn, tiết kiệm từng bữa ăn để cho các con đến trường.

Ngày chị Mai đi học ở trường Cao đẳng Ngân hàng (Hà Nội), ngôi nhà lại vắng thêm một người nữa. Ngoài giờ học trên lớp, Hưng cùng bố đi cấy, gặt lúa, tất bật vào các mùa vụ quanh năm. Xóm giềng thương cho gia cảnh “gà trống nuôi con”, nhưng lại mừng cho gia đình ông Hùng vì có những người con hiếu thảo.

Chẳng có việc gì mà không đến tay Hưng, và một ngày mùa kết thúc khi sân rơm, lúa được thu gọn, khi nồi cơm, canh đã được Hưng nấu xong. Có những bữa ăn tối không ngon miệng vì mệt, nhưng Hưng vẫn cố gắng hoàn thành bài, vở trong đêm để đến lớp tiếp thu bài giảng mới.

Chàng thủ khoa chân đất ảnh 1
Lê Đình Hưng và bố 

Bà Lê Thị Yên (76 tuổi)- bà nội Hưng kể lại: Dành dụm mãi bố con Hưng mới mua được con lợn nái để nuôi lấy tiền chi phí cho 2 chị em ăn học. Nhưng con lợn nái đã chết trong dịch lợn tai xanh.

Nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước, 2 bố con lại mua mấy con gà, con ngan nuôi. Những lúc cho chúng ăn, Hưng nói với bà là mong chúng nhanh lớn để bán lấy tiền đóng học. Ngoài giờ lên lớp, Hưng dành thời gian để tự học ở nhà.

Có những hôm đang ngồi ăn cơm, nghĩ ra cách giải bài Toán hay, Hưng đứng bật dậy vào bàn học ghi ghi, chép chép, giải xong bài mới trở lại ăn cơm. Hưng mới nhìn giống như một thanh niên giỏi việc đồng áng hơn là việc học hành.

Đôi bàn chân chai sạn, bởi “ngoài giờ lên lớp chẳng mấy khi em đi dép ở nhà, chân trần để dọn dẹp đi lại cho nhanh còn tranh thủ học bài” - Hưng nói. Có lẽ vì vắng bàn tay chăm sóc của mẹ và phải vất vả vừa học, vừa làm nên trông em ốm yếu, mệt mỏi và luôn có vẻ mặt buồn buồn.

Mừng ít, lo nhiều

Việc học của Hưng không có gì đặc biệt ngoài sự chăm chỉ, chịu khó và đam mê. Không có máy vi tính, không được tiếp cận với các chương trình học hiện đại, thi thử ở Internet như nhiều bạn khác, nhưng chàng trai chân đất học trường huyện chịu khó, miệt mài bên bàn học của mình suốt những năm học phổ thông đã đạt được kết quả thi đại học với số điểm tuyệt đối khối A (30/30 điểm) vào ĐH Bách khoa Hà Nội và đỗ Đại học Y Hà Nội (28,5 điểm).

Hưng tâm sự: “Kết quả này là món quà mà em muốn dành tặng người mẹ quá cố, người cha tần tảo và những người thân yêu của mình”.

Những ngày qua, láng giềng đến chúc mừng Hưng lúc nào cũng chật nhà. Còn gia đình Hưng vui ít mà lo nhiều. “Cháu đỗ thủ khoa đại học gia đình mừng lắm, nhưng tôi không biết hơn 7 sào ruộng lúa có nuôi nổi các cháu ăn học cho đến khi ra trường hay không. Dẫu không nói nhiều nhưng cháu cũng lo lắm, cứ hỏi bố: “Bây giờ phải làm sao?” - ông Hoàng lo lắng.

Mấy hôm nay, Hưng hì hụi sửa lại chiếc xe đạp cũ, dự định mang ra Hà Nội để đi học và tìm kiếm việc làm thêm phụ giúp bố. Ước mơ làm việc trong ngành điện tử viễn thông đã thắp sáng trên gương mặt buồn phiền, lo lắng của Hưng. Đó như là điểm tựa để chàng sinh viên nghèo phấn đấu ở những chặng đường phía trước.

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".