Con đỗ thủ khoa, mẹ lo bán lợn, bán thóc...

Con đỗ thủ khoa, mẹ lo bán lợn, bán thóc...
TPO - Nhà của thủ khoa ĐHBK Hà Nội Nguyễn Quốc Đạt (29,75/30 điểm) ở xã Xuân Bắc, Xuân Trường, Nam Định rất nghèo, đồ vật giá trị nhất trong ngôi nhà cấp 4 xiêu vẹo là chiếc TV 14 inch đời cũ, hai chiếc quạt và mấy chiếc xe đạp cà tàng...

“Cháu đỗ ĐH mừng thì ít nhưng lo thì nhiều, tôi đang chuẩn bị tích góp tiền cho cháu nhập trường. Con lợn hiện mới 45kg, tôi cố vỗ béo trong 1 tháng nữa, hy vọng nó được 60kg, bán đi cũng được 1,8 triệu cộng với bán mấy tạ thóc nếp, dồn được 3 triệu lo cho cháu tiền trọ tiền học phí, tiền ăn. Còn lại mấy tháng sau gia đình lại xoay vòng tiếp”, mẹ Đạt lo lắng khi nghĩ đến việc lo tiền cho con học.

Về tìm gặp Nguyễn Quốc Đạt ở xã Xuân Bắc (Xuân Trường, Nam Định), chúng tôi không gặp khó khăn, bởi Đạt đã trở nên nổi tiếng ngay sau khi trường ĐH Bách khoa công bố danh sách thủ khoa một ngày (29,75/30 điểm).

Gặp mẹ Đạt ngay đầu xóm, với đôi chân trần, lấm lem bùn đất, cùng chiếc xe đạp cà tàng, bác đạp vội, và dẫn lối cho chúng tôi vào thăm gia đình. Gạt mồ hôi trên mặt, bác hồ hởi: “Được tin bạn của Đạt báo là cháu đỗ thủ khoa, cả gia đình tôi và Đạt vẫn không tin, cháu đạp xe ngay ra hàng internet kiểm tra đi kiểm tra lại.

Con đỗ thủ khoa, mẹ lo bán lợn, bán thóc... ảnh 1
Nguyễn Quốc Đạt và cha (Trong ảnh, ông Hiệu khoe tập giấy khen và bảng thành tích từ lớp 1 đến lớp 12 của Đạt). Ảnh : Hải Yến

Biết chính xác rồi, tôi đã đi khoe khắp làng, mừng lắm”. Bạn bè gọi Đạt là cậu thủ khoa chân đất, bởi ngoài giờ học em cầy bừa, cấy gặt giỏi như một nông dân thực thụ.

Bà Trần Thị Loan kể: “Trước Đạt là 5 chị em gái, vợ chồng tôi cố sinh thêm cháu trai để có người nối dõi, thờ cúng tổ tiên. Mừng quá, chúng tôi đặt tên con là Đạt, tức đã đạt được nguyện vọng”. Đạt sinh vào giờ ngọ, ngày ngọ, tháng ngọ, năm ngọ.

“Làng trên xóm dưới nghe nói tôi đã sinh được con trai lại sinh vào giờ -ngày- tháng -năm đặc biệt, không ai tin, họ đã chạy đến chật cả trạm xá để mục sở thị”. Mẹ Đạt chia sẻ về niềm vui vượt cạn thành công khi đã gần 40 tuổi.

Bố của Tuấn, ông Nguyễn Quốc Hiệu là lính lái xe Trường Sơn những năm kháng chiến chống Mỹ, thời kỳ 1965-1975, trở về quê cùng gia đình sau ngày giải phóng, ông mới biết mình bị nhiễm chất độc màu da cam, sức khỏe giảm dần, ông không còn là chủ lực chính trong gia đình nữa, vợ ông cùng chồng chung vai gánh đỡ việc nhà, nuôi dạy các con.

Ông tâm sự: “Những khi trái gió trở trời, người tôi lại đau nhức, cơn sốt rét hành hạ. Những năm 1989-1990 tôi còn cố gắng theo bạn bè đi đào vàng, kiếm tiền nuôi vợ con, nhưng bây giờ thì chịu hẳn, sinh được cháu Đạt xong, tôi ở nhà làm nghề thủ công, là tay phụ trong nhà”.

Nhìn hình ảnh bố gầy yếu, dáng người mảnh khảnh, làn da xạm đen, và ngày càng già đi trong sự lam lũ vất vả, Đạt chỉ muốn được vào ĐH thật nhanh và đi làm thêm có chút tiền trang trải chuyện học, đỡ phần nào gánh nặng cho gia đình.

Bán lợn, bán thóc chưa đủ tiền cho con vào ĐH

Con đỗ thủ khoa, mẹ lo bán lợn, bán thóc... ảnh 2
Mỗi tháng cả nhà Đạt đan được 500 con ngựa mã, lãi được 1000đ/con. Ảnh : Hải Yến

Nhà Đạt nghèo, đơn sơ, đồ vật giá trị nhất trong ngôi nhà cấp 4 chật hẹp là chiếc TV 14 inch đời cũ, hai chiếc quạt và mấy chiếc xe đạp cà tàng.

Nhà có 8 người nhưng chỉ có 5 sào ruộng cộng thêm một sào mượn người quen là 6, thóc gạo thu được mỗi vụ chỉ đủ ăn và chi trả những khoản phí nhỏ trong gia đình. Thu nhập chính của nhà Đạt là nghề thủ công đan ngựa mã.

Bà Loan cho biết, thường ngày đi học về, Đạt lại lo cơm nước thay mẹ, Đạt cũng đi làm ruộng, cấy thẳng hàng hơn cả con gái, bừa kéo như anh nông dân thực thụ, và tối tối thứ Bảy hay ngày Chủ nhật lại tỉ mẩn đan lát cùng bố mẹ.

Cả ngày cặm cụi đan cho tới tối khuya, một tháng nhà Đạt cũng làm được 500 con ngựa mã, làm nhanh nhất là ông Hiệu, ngày cao nhất được 30 con ngựa. Khi dành cả chủ nhật để làm, Đạt cũng đan được 20 con ngựa/ ngày. Trừ vốn và công chẻ nạt đi rồi, mỗi con ngựa gia đình Đạt thu lời được 1.000 đồng, như vậy cả tháng sẽ được 500.000 đồng. Số tiền ấy với mức sống ở quê có thể tằn tiện lo đủ, nhưng khi Đạt lên Hà Nội học sẽ là mối lo lớn cho gia đình.

“Cháu đỗ ĐH mừng thì ít nhưng lo thì nhiều, tôi đang chuẩn bị tích góp tiền cho cháu nhập trường. Con lợn hiện mới 45kg, tôi cố vỗ béo trong 1 tháng nữa, hy vọng nó được 60kg, bán đi cũng được 1,8 triệu cộng với bán mấy tạ thóc nếp, dồn được 3 triệu lo cho cháu tiền trọ tiền học phí, tiền ăn. Còn lại mấy tháng sau gia đình lại xoay vòng tiếp”, mẹ Đạt lo lắng khi nghĩ đến việc lo tiền cho con học.

“Ngày trước nuôi cô con gái thứ tư học ĐH Sư phạm Hà Nội, chúng tôi phải xoay vòng, nuôi lợn 2 tháng bán lấy được tiền cho cháu ăn học trong 1 tháng, với Đạt chúng tôi cũng tính sẽ áp dụng cách làm này.

Cùng lắm tôi cho cháu khoản tiền 600.000 đồng trợ cấp hàng tháng của tôi, diện người bị nhiễm chất độc da cam”, ông Hiệu nói rồi thở dài: “Bây giờ chỉ biết lấy ngắn nuôi ngắn thôi, chúng tôi không lo xa được, trước mắt cứ tính dần, nếu túng quá lại đi vay mượn bà con chòm xóm.

Tôi nghe nói nhà nước có chính sách hỗ trợ cho sinh viên vay tiền ăn học, một tháng được vay 1 triệu, nếu không lo đủ tiền cho cháu, tôi sẽ nhờ nhà trường hướng dẫn làm thủ tục vay tiền. Dù thế nào chăng nữa, chúng tôi cũng cố lo, cho cháu theo được mấy năm đại học”.

Một mình “lai kinh ứng thí”

Đạt cho biết khi thi đại học vừa rồi một mình Đạt bắt xe lên Hà Nội dự thi, không cho bố mẹ đi cùng một phần vì bố đã già yếu, mẹ còn bận với đồng ruộng và cũng không biết đường đi lối lại ở Hà Nội, hơn nữa Đạt sợ bố mẹ lo lắng quá ảnh hưởng đến tâm lý của mình. Đến Hà Nội, Đạt nhờ chị họ chỉ lối đi, vào phòng thi. Kết quả Đạt được 10 ở môn Toán, 10 điểm ở môn Lý, 9,75 điểm môn Hóa.

Khi hỏi chia sẻ về bí quyết học giỏi, Đạt chỉ cười: “Em tập trung nắm chắc kiến thức SGK và làm đầy đủ bài theo sự hướng dẫn của thầy cô, còn em không đi học thêm”.

Ngoài giờ học Đạt còn bận rộn với việc nhà với nghề thủ công của gia đình, đến mức không biết chơi điện tử và cũng không biết lên “chát” trên mạng. Đạt tâm sự: “Em quyết tâm vào học ngành Công nghệ thông tin của ĐH Bách khoa, phấn đấu thành kỹ sư giỏi”.  

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG