Ghi từ tâm lũ Trấn Yên, Yên Bái

Ghi từ tâm lũ Trấn Yên, Yên Bái
TPO - Trong cơn mưa lớn ào ào như thác đổ, sau gần một giờ lênh đênh trên dòng lũ, chúng tôi có mặt tại ốc đảo Cổ Phúc. Cả thị trấn vốn sầm uất giờ ngập chìm trong biển nước. Từ các nóc nhà người dân hướng những cặp mắt thất thần ngơ ngác về phía chúng tôi... 

>> Yên Bái chìm trong biển nước, 31 người chết

Ghi từ tâm lũ Trấn Yên, Yên Bái ảnh 1

Thị Trấn Cổ Phúc (Trấn Yên, Yên Bái) ngập chìm trong biển nước và đang bị cô lập hoàn toàn. Ảnh : Minh Đức - Đình Tứ

137 người chết và mất tích

Đến 22 giờ ngày 10/8, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 đã kèm theo mưa lớn gây ra lũ lịch sử, lớn nhất hàng chục năm qua ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Thống kê chưa đầy đủ bước đầu xác định có 137 người chết, mất tích (100 người chết, 37 người mất tích) và 27 người bị thương. Hàng chục nghìn nhà dân, hàng nghìn hécta lúa, hoa màu đã bị chìm trong biển nước, hàng nghìn gia súc bị lũ cuốn trôi.

Thiệt hại nặng nề nhất là các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ... Con số thiệt hại vẫn chưa dừng lại, bởi trời đang mưa rất to, nước lũ tại Lào Cai, Yên Bái và Phú Thọ lên nhanh.

Thông tin mới nhất của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết: Hiện dải áp thấp đang tái lập ở khu vực Bắc Bộ, nên từ ngày mai (11/8) khả năng các tỉnh Bắc Bộ lại có mưa lớn trên diện rộng, nên mực nước trên các sông suối ở đây lại lên trở lại.

Vì vậy nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên các sông suối miền núi các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Bắc Kạn, Tuyên Quang là rất lớn.

Chiều nay (10/8), dự định vào vùng lụt Hồng Hà (thành phố Yên Bái) của chúng tôi đổi hướng đột ngột khi gặp chuyến xe chở mỳ tôm cứu trợ của tỉnh vào vùng lũ Trấn Yên, nơi những người dân trên ốc đảo Cổ Phúc đang bị cô lập hoàn toàn giữa mưa lũ.

Chiếc Zin 130, loại đặc chủng thuộc Trung đoàn bay 931 chồm lên, chồm xuống vượt qua những điểm ngập cục bộ tại sân bay Yên Bái đưa chúng tôi đến khu vực thôn Hồng Hà xã Nga Quán.

Anh lái xe cho biết: Mới buổi sáng con đường này bất kỳ loaị xe nào cũng không qua được! Từ Hồng Hà, lênh đênh trên thuyền nan phía dưới là nhà cửa, cây cối hoa mầu, đường liên thôn, đường sắt...với tay đã tới ngọn tre. Nhiều cột điện cao thế đứt dây lòng thòng trên mặt nước.

Anh Định, người chủ thuyền đưa chúng tôi đi vừa khoả tay chèo vừa nói giọng xót xa: "Các anh ơi, chỉ trong vòng buổi sáng mà cả cánh đồng Gianh xanh màu lúa này giờ đã trắng băng nước. Không biết rồi đây dân chúng em sống bằng gì"!

Anh Nguyễn Xuân Bình - xã đội trưởng cho biết thêm: "Nga Quán bọn tôi có 180 hộ ngập hoàn toàn. Riêng thôn Ninh Thuận nằm ven đường Yên Bái - Khe Sang có tới 120 hộ bị ngập. Cả 84 ha ruộng lúa và toàn bộ diện tích hoa màu chìm dưới đáy sâu. Các anh ơi! Nhiều hộ giờ có chạy được lúa khỏi ngập lụt cũng không có gạo mà đổ vào nồi, vì điện đâu mà sát thóc. May mà sáng và chiều nay, đã có mì tôm của tỉnh cứu trợ!"

Sau gần một tiếng đồng hồ lênh đênh rồi chúng tôi cũng có mặt tại thị trấn Cổ Phúc. Cả thị trấn vốn đông đúc sầm uất giờ chìm trong biển nước. Theo thống kê ban đầu riêng thị trấn đã có trên 700 hộ bị ngập. Từ các nóc nhà hai, ba tầng người dân hướng những cặp mắt ngơ ngác về phía con thuyền đi cứu hộ.

Ghi từ tâm lũ Trấn Yên, Yên Bái ảnh 2
Chuyển mì tôm cứu trợ vùng tâm lũ Trấn Yên. Ảnh : Minh Đức - Đình Tứ

Các tuyến đường trong thị trấn đã thành những dòng sông, suối ngầu đục phù sa cuộn chảy. Có lẽ khu vực duy nhất mà nước chưa dâng tới là trụ sở UBND huyện.

Anh Nguyễn Khánh - Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban phòng chống lụt bão - cứu hộ cứu nạn huyện vừa tất bật chỉ đạo lực lượng cứu hộ vận chuyển mỳ tôm lên thuyền, vừa nói với chúng tôi: Gay lắm các anh ạ, từ nhỏ đến giờ tôi chưa gặp cơn lũ nào lớn thế! Cũng may  huyện đã chủ động di dời kịp thời trên 4000 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nên số người thiệt hại ít, chỉ có 2 người chết, một ở Báo Đáp, một ở Qui Mông; ước tính tổng giá trị thiệt hại trong đợt lũ lên tới trên 30 tỷ đồng.

Mặc dù không thiệt hại nhiều về người, nhưng Trấn Yên là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất về tài sản, hoa màu. Theo thống kê ban đầu, huyện Trấn Yên có 16 xã bị thiệt hại do lũ.

Được coi là vùng thâm canh lúa lớn của tỉnh, nhưng trong đợt lũ này do đê Việt Thành, Cổ Phúc, Nga Quán, Phúc Lộc bị tràn bờ, một số điểm trọng yếu bị vỡ, nên 2.500 ha lúa đang thì con gái và hoa màu bị ngập hoàn toàn.

Tất cả diện tích chè ươm chuẩn bị cho trồng mới với 120 vạn bầu bị ngập chìm trong nước.

Ghi từ tâm lũ Trấn Yên, Yên Bái ảnh 3
Lực lượng quân đội chuyển mì tôm cứu trợ đồng bào vùng lũ Trấn Yên. Ảnh : Minh Đức - Đình Tứ

Nước sông Hồng lên cao khiến tuyến đường bộ, huyết mạch độc đạo Yên Bái - Khe Sang  lên Trấn Yên bị chia cắt thành nhiều đoạn. Chỉ tính từ xã Nga Quán đến Cổ Phúc và xã Việt Thành đã có 5 điểm đường bị ngập lụt ách tắc.

Cổ Phúc - thị trấn huyện lỵ bị cô lập hoàn toàn. Vì vậy, người dân Trấn Yên đang sống trong: không lương thực, không nước sạch, không điện, không thông tin...

Cùng đoàn cứu hộ của huyện trên chiếc máy chở mỳ tôm lên cho đồng bào trên trọng điểm lũ Việt Thành, Đào Thịnh, chúng tôi cứu được cha con anh Đinh Văn Quang, một người dân ở thị trấn Cổ Phúc.

Khi  đang chèo bè nứa trên đường Yên Bái - Khe Sang gặp dòng nước xoáy bè nứa bị cuốn phăng ra sông Hồng. Sau cơn khiếp đảm, kinh hồn anh nói: "Mấy ngày nay, nhà tôi bị ngập hết không còn của cải gì, đói quá đi kiếm thực phẩm thì gặp nạn, may mà..."

Ghi từ tâm lũ Trấn Yên, Yên Bái ảnh 4
Trung tâm huyện Trấn Yên . Ảnh : Minh Đức - Đình Tứ

Đi cùng đoàn, Bí thư Huyện uỷ Nguyễn Tiến Dũng lo lắng " Trấn Yên có tất cả 16 xã bị ngập trong lũ, trong đó có những nơi như: Minh Quân, Giới Phiên... đến giờ phút này vẫn bị cô lập hoàn toàn, vì vậy việc cứu trợ gặp vô cùng khó khăn.

Đặc biệt, với tình hình ngập lụt bất ngờ như hiện nay, có hàng vạn người dân không chủ động để đối phó nên chuyện thiếu ăn là khó tránh khỏi. Hơn thế nữa, với số lượng người cần cứu trợ như hiện nay là quá sức của huyện. Vì vậy huyện rất cần sự hỗ trợ từ trên".

Lũ đang  lên chia cắt Trấn Yên thành nhiều khu vực, thuyền cứu trợ của tỉnh và huyện không thể theo sông Hồng để đến với người dân vùng lũ đang trong cảnh "màn trời chiếu đất".

Trở về mang theo hình ảnh những người dân đang sống trên những nóc nhà với nỗi chờ mong khắc khoải giữa biển nước mênh mông mà lòng chúng tôi như quặn lại...

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.