Trạm thu phát sóng di động có gây hại cho sức khoẻ?

Trạm thu phát sóng di động có gây hại cho sức khoẻ?
Nhiều ngày qua, DN viễn thông đối mặt nguy cơ bị phản đối lắp đặt trạm thu phát sóng di động (BTS). Ngày 6.8, không ít độc giả đã hỏi về việc BTS gây hại cho sức khoẻ con người?
Trạm thu phát sóng di động có gây hại cho sức khoẻ? ảnh 1
Chưa thể khẳng định BTS gây hại cho sức khỏe.

Sở dĩ vấn đề này bỗng chốc trở nên nóng bỏng bởi ngày 31/7, TS y khoa Đào Kỳ Hưng có bài viết cho rằng bức xạ sóng HF từ BTS có thể gây ra u não, kích thích ung thư não và nhiều hiệu ứng khác lên hệ thần kinh, bệnh máu trắng và gây vô sinh.

Kẻ nói có

Đa số người dân sống quanh trạm BTS cho rằng sóng từ của BTS có thể khiến họ... không sinh được con trai. Cá biệt trước đây, nhiều hộ dân (phố Quan Nhân - Hà Nội) còn gửi đơn kêu cứu UBND TP vì cho rằng họ bị... choáng váng và đau đầu.

Ngay sau đó, sự phản đối như vết dầu loang. Năm 2006 và 2007, hàng loạt người dân khu vực Từ Liêm, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Long Biên (Hà Nội) rồi cả người dân ở Hà Tây, Thái Bình, Khánh Hoà, Quảng Ngãi, Lâm Đồng... đồng loạt gửi đơn kiện lên Bộ BCVT (nay là Bộ TTTT) về việc trạm BTS tác động xấu đến sức khoẻ...

Đứng về phía quan điểm này, TS y khoa Đào Kỳ Hưng có bài viết cho rằng: Bức xạ sóng HF từ các trạm BTS có thể gây ra u não, kích thích ung thư não và nhiều hiệu ứng khác lên hệ thần kinh, bệnh máu trắng và gây vô sinh.

Chứng minh cho vấn đề này, TS Hưng cho biết tại Hội nghị quốc tế Việt Đức về vật lý và kỹ thuật lần thứ 11 vừa tổ chức tại Nha Trang tháng 4/2008, báo cáo "Nghiên cứu điện tử học y sinh lượng tử về các hiệu ứng của bức xạ điện từ cao tần (HF) lên cấu trúc trung tâm của protein sắt - lưu huỳnh đa chức năng của tuyến thượng thận" do GS.TS Nguyễn Văn Trị, GS Lê Đức Tu, GS Dương Xuân Đạm và các cộng sự thực hiện đã thể hiện vấn đề này.

TS Hưng cũng khuyến cáo: Rồi đây, người già, các thế hệ kế cận và các trẻ em đang đứng trước nguy cơ tiềm ẩn của hiệu ứng bức xạ cao tần, có thể gây suy giảm chức năng các tuyến nội tiết, ung thư não, bệnh máu trắng, vô sinh thì ai là người chịu trách nhiệm?

Người bảo không

Năm 2006, khi làn sóng phản đối xây trạm BTS lên đỉnh điểm, các DN viễn thông cùng Viện Y học Lao động và Vệ sinh môi trường đã đo kiểm một số trạm BTS của Viettel ở Hà Tây.

Kết quả, điện từ mạnh nhất của các trạm BTS tại xã Sơn Đồng là 2,2 - 2,3 mW/cm2; khu vực ngoài phòng máy 0,2- 0,6 mW/cm2 và các khu dân cư là 0,0 mW/cm2.

Tại trụ sở Báo Hà Tây, kết quả đo tại khu vực đặt thiết bị là 0,0 - 0,5 MW/cm2, các vị trí xung quanh và khu vực dân cư cạnh BTS có kết quả là 0,0 MW/cm2. Tương tự kết quả đo kiểm trạm BTS tại Học viện Quân y (thị xã Hà Đông) và tại Đại Mỗ... đều dưới mức 7mW/cm2 rất nhiều. Cẩn thận hơn, viện này cùng với Bộ KHCN, Bộ BCVT cùng khảo sát và nghiên cứu.

Đến tháng 8/2006, Bộ BCVT cùng với Bộ Y tế và Bộ KHCN có kết luận: Sóng di động từ BTS không ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Tiếp đó tháng 9/2007 UBND TP.Hà Nội ban hành Chỉ thị 21/2007/CT-UBND chỉ đạo về việc tăng cường công tác quản lý, phát triển trạm BTS với quy định: Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân có hành vi gây rối, cản trở trái phép hoạt động xây dựng, lắp đặt BTS.

Đến tháng 12/2007, Bộ Xây dựng và Bộ TTTT có thông tư liên tịch 12/2007/TTLT/BXD-BTTTT quy định về lắp đặt BTS. Sở dĩ có những văn bản pháp quy này là do các bộ, ngành và các nhà khoa học đều khẳng định: Sóng từ BTS không gây hại đến sức khoẻ con người.

Cơ quan chức năng và nhà khoa học nói gì?

TS Hưng căn cứ vào đâu?

Theo TS Hưng thì từ năm 1998, UB quốc tế về an toàn bức xạ không ion hóa (ICNIRP) đã được lập bên cạnh Tổ chức Y tế thế giới (WHO). UB này đưa ra chỉ số hấp thụ đặc trưng (SAR: Specific Absortion Rate) nêu ra ngưỡng an toàn và không an toàn của công suất sóng HF đối với cơ thể người. Ngay khi SAR ra đời, chỉ có 30, nay giảm xuống còn 30 quốc gia trên thế giới chấp nhận.

TS Hưng viện dẫn là GS Nguyễn Văn Trị khẳng định: BTS có anten cao 50m, công suất 600W, búp sóng đến khu dân cư bán kính 300m (từ chân cột) với mật độ công suất tương đương 0,2mW/kg thể trọng có thể gây nguy hiểm nếu không đảm bảo kỹ thuật.

Bộ trưởng Bộ TTTT Lê Doãn Hợp: Các tổ chức quốc tế đã nghiên cứu và có các văn bản về vấn đề này, đặc biệt là WHO, ICNIRP và Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU). Các nghiên cứu đều kết luận: Qua xem xét mức độ phơi nhiễm rất thấp và các kết quả nghiên cứu, chưa có bằng chứng khoa học thuyết phục cho thấy tín hiệu tần số vô tuyến điện yếu từ BTS gây ảnh hưởng có hại cho sức khoẻ".

Ở VN, Bộ KHCN đã ban hành Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 3718-2005. Bộ TTTT có quy định bắt buộc áp dụng TCVN 3718-1:2005 đối với BTS. Với việc bắt buộc áp dụng TCVN này, trị giá mật độ dòng năng lượng quy định đối với các BTS là 2w/m2. Trị giá này nghiêm ngặt hơn một số tổ chức và một số nước, ví dụ ICNIRP là 4,5w/m2, Mỹ, Nhật Bản là 6w/m2; Anh là 32w/m2.

Bộ cũng ban hành tiêu chuẩn ngành về phương pháp đo mức phơi nhiễm trường điện từ, ban hành các quyết định về kiểm định công trình viễn thông (hiệu lực từ 1.2007), theo đó từng trạm BTS phải được kiểm định, nếu tuân thủ TCVN 3781-1:2005 thì mới được hoạt động.

TS Phạm Công Hùng (giảng viên khoa Điện tử Viễn thông ĐH Bách Khoa HN, thành viên Ban Kỹ thuật - Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng): Năm 2005, chúng tôi đã nghiên cứu thế nào là mức bức xạ từ BTS trong ngưỡng an toàn. Công suất phát sóng BTS nhỏ hơn rất nhiều so với đài truyền hình và phát thanh. Một trạm di động chỉ vài chục W còn đài truyền hình và phát thanh đến mấy chục KW. Hơn nữa tần số BTS không phải là tần số lớn.

Cho đến giờ, chưa ai phát hiện thấy vấn đề gì nguy hiểm cả... Kết luận với công suất phát theo tiêu chuẩn thì hoàn toàn yên tâm vì không có bất kỳ tác hại nào đến sức khoẻ.

Ông Nguyễn Xuân Hiên (Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường, Bộ Y tế): Đơn vị chúng tôi có chức năng đo kiểm sóng điện từ trường của các trạm BTS, nhất là trạm BTS thường đặt trên nóc nhà dân. Kết quả là tất cả các vị trí đo đều trong giới hạn cho phép TCVN (TC 3718-1: 2005 quản lý bức xạ tần số radio, mức phơi nhiễm lớn nhất trong dải tần từ 3kHz đến 300GHz). Tiêu chuẩn này được xây dựng phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.  

Theo Lao động

MỚI - NÓNG