Vụ án quy kết nợ nần

Vụ án quy kết nợ nần
TP - Nếu tất cả không được xem xét lại, câu chuyện về 50 triệu đồng vẫn được nhiều người nhớ như một sự chia sẻ với anh Lý Quốc Nghiệp, chàng trai trẻ tuổi “đơn thương độc mã” kinh doanh ở xứ người...

>> Bị cáo “tố” chủ tọa phiên tòa đòi hối lộ 50 triệu đồng
>> Trà Vinh: Hình sự hóa một quan hệ dân sự

Vụ án quy kết nợ nần ảnh 1
Lý Quốc Nghiệp (đứng bên phải) và ông Lê Văn Tài (đứng bên trái) tại phiên tòa phúc thẩm - Ảnh: Sáu Nghệ

Lý Quốc Nghiệp, con út trong gia đình 4 anh em trai ở xã An Thạnh 1 (Cù Lao Dung, Sóc Trăng), 21 tuổi qua bên kia sông Hậu thuộc đất Trà Vinh lấy vợ.

Năm 2003, tròn tuổi 22, Nghiệp đưa vợ con về phường 6 (TX Trà Vinh) sinh sống và mở đại lý Shell Gas ở số 522B, đường Nguyễn Đáng.

Nể bạn hàng

Lý Quốc Nghiệp say mê kinh doanh, điều này thừa hưởng từ truyền thống gia đình, thêm cô vợ chuyên cần, thùy mị nên đại lý Shell Gas mới mở đã đông khách.

Nghiệp có ô tô riêng, giao hàng nhanh gọn, giá cả “mềm” hơn một số đại lý khác. Làm ăn tấn tới, chỉ sau 2 năm đã mở thêm được một cây xăng.

Trong số khách hàng của Nghiệp, có vợ chồng ông Lê Văn Tài và bà Huỳnh Thị Bích Thủy, chủ “Cửa hàng điện máy Thủy”. Ông Tài sinh năm 1961, bà Thủy sinh năm 1958, đều đã qua một lần ly hôn, mới về chắp nối với nhau.

Ông Tài qua nhà Nghiệp lấy gas, thấy nhà của Nghiệp gần chợ mà rộng, còn một gian phía trong không bày hàng hóa liền ngỏ ý nhờ để hàng điện máy của ông. Bởi hàng điện máy của ông bán còn chậm.

Lúc đầu Nghiệp không muốn, việc buôn bán gas và bếp gas đã bận rộn, về sau nể bạn hàng nên đồng ý. Ông Tài cho người chở đến nhà Nghiệp 7 cái kệ để trưng bày hàng hóa, ngày 28/11/2004 chở thêm 19 cái ti vi và mấy cái tủ lạnh, máy giặt. Cũng ngày đó, Nghiệp khai trương “Cửa hàng Điện máy Quốc Nghiệp”.

Lẽ thường, hàng điện máy cũ rất khó bán, người nhận bán chỉ theo phương thức ký gửi, hưởng hoa hồng. Nghiệp và ông Tài cũng vậy. Nghiệp cho ông Tài trưng bày hàng mẫu ở nhà mình, có khách mua thì sang “Cửa hàng Điện máy Thủy” của ông Tài lấy hàng.

Bởi vậy, số hàng chở đến nhà Nghiệp ngày 28/11/2004, ông Tài không xuất hóa đơn. Về sau, bán được cái nào xuất hóa đơn cái đó. Sự hợp tác này không có hợp đồng.

Trong gần 1 năm, Nghiệp bán được 8 cái ti vi và một số tủ lạnh, máy giặt. Hiệu quả như thế rất thấp, để thêm chật nhà, Nghiệp bảo ông Tài chở về. Ngày 13/8/2005, ông Tài cùng nhân viên đến kiểm kê hàng tồn và chở về nhà.

Những con số mâu thuẫn

Chở hàng về buổi sáng, buổi chiều ông Tài chở trở lại bỏ trước cửa nhà Nghiệp “để đòi nợ”. Khác với lúc chở hàng về có Nghiệp chứng kiến, khi ông Tài chở hàng trở lại Nghiệp vắng mặt. Lúc ấy trời chuyển mưa, người nhà của Nghiệp khiêng 19 cái ti vi ngoài cửa vào nhà.

Hai ngày sau, vợ của ông Tài, bà Huỳnh Thị Bích Thủy gửi “đơn yêu cầu giải quyết” đến Công an TX Trà Vinh để “kính trình cơ quan chức năng xem xét giúp tôi nhận lại số tiền 151.540.000 đồng”.

Đây là đơn yêu cầu “đòi nợ giùm”, công an không có trách nhiệm làm việc ấy. Ngành nội chính TX Trà Vinh họp đã thống nhất chuyển hồ sơ sang tòa án giải quyết dân sự.

Đơn của bà Thủy cho rằng, hôm Nghiệp khai trương cửa hàng, vợ chồng bà chở đến 56 cái ti vi chứ không phải 19 cái, cùng một số hàng khác, bán nguyên lô hàng nhưng cho trả chậm. Nghĩa là không có chuyện ký gửi.

Sau đó, Nghiệp trả được mấy chục triệu đồng và còn nợ số tiền trên, bà đòi. Không có bất kỳ chứng cứ nào cho món nợ bà nêu. Nếu xử dân sự sẽ thua, ngày 26/5/2006, bà Thủy rút đơn kiện dân sự và yêu cầu chuyển sang xử lý hình sự.

Công an TX Trà Vinh vào cuộc, sau đó cả Công an tỉnh Trà Vinh. Ngày 31/5/2007, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Trà Vinh, trung tá Nguyễn Văn Đèo, ký quyết định khởi tố bị can Lý Quốc Nghiệp.

Theo “Bản kết luận điều tra” ngày 24/9/2007 của Cơ quan CSĐT Công an TX Trà Vinh, việc điều tra chủ yếu chứng minh có món nợ như đơn bà Thủy.

Dựa vào cuốn sổ ghi chép được chữa lung tung của bà Thủy, những lời khai của nhân chứng mà một số nhân chứng sau này tại tòa đã phản bác, cho rằng điều tra viên ghi không đúng. Tóm lại, điều tra nhằm tìm chứng cứ cho một vụ đòi nợ không có chứng cứ.

Kết quả, ra những con số đầy mâu thuẫn. Chẳng hạn, bà Thủy cho rằng đã giao cho Nghiệp 56 cái ti vi, nhưng “điều tra” ra 60 cái. Số lượng tủ lạnh thì “điều tra” lại để mất 3 cái so với lời khai của bà Thủy.

“Bản kết luận điều tra” còn viết: Ông Tài “kiểm kê hàng tồn” ở nhà Nghiệp có 31 cái ti vi, 1 tủ chứa kem, 1 máy giặt, 1 âm li, 13 đầu đĩa và chở về hết; sau đó chở trở lại nhà Nghiệp 19 cái ti vi. Vậy số hàng còn lại ở đâu? Không hề được đề cập nhưng buộc Nghiệp phải chịu (???).

Việc chứng minh nợ nần như thế chưa thành công. Nhưng dẫu có chứng minh được Nghiệp đang nợ tiền bà Thủy, điều đó không có nghĩa là Nghiệp đã “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Cáo trạng của Viện KSND TX Trà Vinh sao chép gần y nguyên “Bản kết luận điều tra”.

Vụ án quy kết nợ nần ảnh 2
Vợ con của Lý Quốc Nghiệp bên những chiếc ti vi tai họa

Quy kết thiếu khách quan

Vì “đầu vào” hàng hóa ở nhà Nghiệp đã tăng lên theo lời của bà Thủy, sổ ghi chép của bà cũng đã được sửa ăn khớp, cơ quan CSĐT tìm “đầu ra” cho phù hợp.

Họ kiếm được anh Châu Sari, từng lái xe tải cho Nghiệp. Anh Châu Sari khai: có một lần chở “khoảng 10 cái ti vi, 12 cái tủ lạnh và máy giặt cùng 40 bình gas để giao sang Sóc Trăng”.

Chứng cứ buộc tội mà “khoảng” thì không chính xác. Hơn nữa, chiếc xe tải Châu Sari lái là loại nhỏ, không thể chở một chuyến được chừng ấy hàng. Nhưng đáng quan tâm hơn, Châu Sari từng thiếu minh bạch tiền bạc nên đã bị Nghiệp cho nghỉ việc trước khi vụ án được khởi tố.

Trong toàn bộ “vụ án”, nhân chứng Châu Sari có vai trò rất quan trọng, như đã nói, để cho khớp với những con số vô căn cứ trong đơn của bà Thủy. Thế nhưng tại tòa sơ thẩm (ngày 24 và 25/4/2008), Châu Sari vắng mặt.

31 nhân chứng khác trong tổng số 39 nhân chứng của “vụ án” cũng vắng mặt. Tòa sơ thẩm tuyên buộc Nghiệp 4 năm tù giam, “bồi thường” trọn vẹn số tiền bà Thủy đòi, tính thêm tiền lãi 35.141.620 đồng.

Vị đại diện Viện KSND tỉnh Trà Vinh tại phiên tòa phúc thẩm ngày 5/9, ông Võ Hoàng Dũng, nhận xét: Không điều tra chứng cứ chứng minh tội phạm mà chỉ quy kết; vụ án dựa chủ yếu vào nhân chứng để buộc tội mà hầu hết nhân chứng lại vắng mặt nên án sơ thẩm đã “xâm hại nghiêm trọng quyền lợi của bị cáo”.

Còn có vấn đề: Ai là bị hại ở vụ án này? Trong hồ sơ, “đơn yêu cầu giải quyết” đầu tiên gửi công an, đến khởi kiện ra tòa dân sự, rồi đình chỉ giải quyết dân sự chuyển hồ sơ cho công an, chỉ xuất hiện bà Huỳnh Thị Bích Thủy.

Quá trình ấy xác định bà Thủy là nguyên đơn. Thế nhưng, ra tòa xuất hiện “bị hại” là ông Lê Văn Tài mà không hề có đơn từ của ông, không có giấy ủy quyền của bà Thủy. Theo đại diện Viện KSND tỉnh Trà Vinh tại phiên tòa phúc thẩm, đây là sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Tố cáo quan tòa đòi 50 triệu đồng

Ở phiên tòa sơ thẩm, khi khai mạc, Nghiệp đã xin đổi Chủ tọa Hội đồng xét xử nhưng không được chấp nhận. Lên phiên phúc thẩm, trong phần thẩm vấn công khai, đại diện Viện KSND tỉnh Trà Vinh Võ Hoàng Dũng đã hỏi Nghiệp lý do xin thay đổi ấy.

Nghiệp trả lời: Vì sợ không được xem xét khách quan, do trước đó, Chủ tọa Hội đồng xét xử sơ thẩm Nguyễn Thanh Sỹ đã đòi 50 triệu đồng nhưng anh không đưa.

Nghiệp khai: Sau thời gian bị tạm giam (từ 4/6/2007 đến 31/12/2007), Nghiệp trở về đi nhậu cùng ông Sỹ được ông bảo đưa 50 triệu đồng thì sẽ không bị buộc tội hình sự mà chỉ xem xét dân sự. Nghiệp thấy mình không có tội nên từ chối.

PV Tiền phong đã hỏi ông Dũng việc thẳng thắn đề cập vụ 50 triệu đồng. Ông Dũng trả lời, ông làm nhiệm vụ Đảng và Nhà nước phân công, thực hành quyền công tố theo luật định, có quyền buộc tội và gỡ tội, đấu tranh để làm rõ chân lý và còn giám sát hoạt động xét xử, kiểm sát việc thực thi pháp luật tại phiên tòa. Ông dự đoán, vụ 50 triệu đồng, Hội đồng xét xử khi tuyên án sẽ có quan điểm.

Thế nhưng, ngày 8/9, Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên án đã không đề cập đến tình tiết 50 triệu đồng. Vẫn với các con số đầy mâu thuẫn, vắng mặt hầu hết nhân chứng (cả Châu Sari), vẫn “bị hại” Lê Văn Tài và mặc dù đại diện Viện KSND tỉnh đề nghị hủy án sơ thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm vẫn tuyên y án sơ thẩm.

Có thể vụ án sẽ được xem xét giám đốc thẩm hoặc không, có thể vụ 50 triệu đồng sẽ được xem xét bởi cơ quan nào đó hoặc không.

Nếu tất cả không được xem xét lại, câu chuyện về 50 triệu đồng vẫn được nhiều người nhớ như một sự chia sẻ với anh Lý Quốc Nghiệp, chàng trai trẻ tuổi “đơn thương độc mã” kinh doanh ở xứ người.

ĐBSCL ngày 10/9/2008

MỚI - NÓNG