Trường “xé rào”, thí sinh vuột cơ hội vào đại học

Trường “xé rào”, thí sinh vuột cơ hội vào đại học
Nhiều trường tuyển sinh bất chấp quy chế đã dẫn đến cả ngàn thí sinh (TS) khốn khổ. Các bạn trẻ đó không chỉ tốn tiền bạc của gia đình, thời gian, công sức mà quan trọng hơn là mất cả cơ hội vào đại học (ĐH).
Trường “xé rào”, thí sinh vuột cơ hội vào đại học ảnh 1

Cán bộ của Trường ĐH Bình Dương (áo trắng) đang ra sức giải thích cho TS và phụ huynh - Ảnh: Anh Thoa (Tuổi Trẻ).

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, hạn cuối nhận hồ sơ xét tuyển NV2 vào ngày 10/9, thế nhưng Trường ĐH Dân lập Bình Dương đã tự quy định riêng ngày hết hạn nhận hồ sơ là 15/9. Do đó, nhiều thí sinh (TS) thủng thẳng nộp. Và thế là những ai nộp hồ sơ từ 11 đến 15/9 đều ôm đầu kêu khổ vì không hợp lệ.

Sáng 15/9, gần 300 TS và phụ huynh từ các tỉnh đã tập trung về thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương) - nơi trường này đóng - phản đối việc tuyển sinh của trường. Song chỉ là để bày tỏ bức xúc, còn cơ hội đã thật sự mất.

Một phụ huynh trình bày: “Ngày 11/9, con tui nhận được giấy báo đủ điểm xét tuyển NV2, sáng 13/9 đến trường thì được bảo mua hồ sơ về làm. Hôm nay, tui mang hồ sơ đến thì họ bảo đã đủ chỉ tiêu rồi”.

Bộ hồ sơ phụ huynh này mua có giá 90.000 đồng. Hàng trăm TS khác tập trung về đây mang theo hồ sơ xét tuyển, nhập học, giấy trúng tuyển… nháo nhào lo lắng. Không khí càng căng thẳng hơn khi TS, phụ huynh bức xúc còn bảo vệ trường có thái độ bất nhã, thách thức, thậm chí khiêu khích những người đòi hỏi được phía nhà trường đưa ra lời giải thích.

Khắp nơi vi phạm

Tuyển sinh 2008, Trường ĐH Ngoại thương được phép tuyển 500 chỉ tiêu hệ ngoài ngân sách và đã gửi giấy báo trúng tuyển cho các TS có mức điểm khối A là 22, khối D 20,5. Nhưng sau đó, trường lại thông báo nâng điểm chuẩn khiến nhiều TS từ đậu thành rớt.

Trường CĐ Kinh tế - công nghệ TP.HCM công bố hạ điểm chuẩn. Nhưng sau đó trường đã bị buộc ngưng vì không được phép từ Bộ GD-ĐT, khiến hàng trăm TS đến làm thủ tục nhập học phản ứng dữ dội.

Thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết, đang xem xét hình thức kỷ luật đối với hai trường ĐH Tây Đô và ĐH Trà Vinh vì đã vi phạm quy chế tuyển sinh. Hội đồng tuyển sinh của hai trường đã tự ý nới rộng điểm ưu tiên lên 2 điểm (theo quy định hiện hành, ưu tiên đối tượng 1 điểm và ưu tiên khu vực 0,5 điểm) để tuyển thêm hàng ngàn chỉ tiêu. Thanh tra còn phát hiện nhiều TS chỉ có 6 điểm nhưng vẫn nằm trong danh sách trúng tuyển.

Trường ĐH Dân Lập Lạc Hồng (Đồng Nai) mặc dù có trong danh sách các trường được hưởng quy định những trường đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương cũng được nâng điểm ưu tiên những TS khu vực này lên 1 điểm (quy định cũ là 0,5 điểm), nhưng vẫn tự tiện nâng điểm ưu tiên thêm thành 1,5 điểm. Nếu Bộ GD-ĐT yêu cầu thực hiện đúng, sẽ có thêm nhiều TS tiếp tục từ đậu thành rớt.

Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có thông báo điểm chuẩn NV2 và xét tuyển NV3 với mức điểm chuẩn của một số ngành khối C là 13 điểm, thấp hơn điểm sàn quy định 1 điểm. Mức điểm chuẩn trái với quy định này nếu bị hủy chắc chắn sẽ tiếp tục có nhiều TS không trúng tuyển.

Vì chỉ tiêu là nguồn thu(!)

Nỗi lo thiếu người học là nỗi lo thường trực của các trường mỗi mùa tuyển sinh, dẫn đến nhiều trường “xé rào” như: gọi nhập học vượt quá chỉ tiêu, nâng điểm ưu tiên…

Trong khi đó việc xử phạt các trường theo đánh giá là quá nhẹ, dẫn đến nhiều trường sẵn sàng nộp phạt để tuyển vượt chỉ tiêu.

Kỳ thi tuyển sinh 2007, Bộ GD-ĐT đã tổ chức đoàn kiểm tra trực tiếp tại 19 trường (12 trường ĐH và bảy trường CĐ), kết quả kiểm tra cho thấy 18/19 trường tuyển vượt trên 20% chỉ tiêu, trong đó có trường tuyển vượt đến 97,84% so với chỉ tiêu đã giao.

Các trường đều bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 40 - 60 triệu đồng, tùy theo mức vi phạm. Tổng số tiền từ 17 trường nộp phạt gần 700 triệu đồng.

Nhận định của Bộ GD-ĐT cũng cho rằng: “Việc tuyển sinh vượt chỉ tiêu đã dẫn đến tình trạng các trường bố trí học ghép lớp, tăng ca, thuê mướn phòng học rải rác nhiều nơi, đội ngũ giảng viên thiếu, dạy “chay”, học “chay”, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo”.

Theo Nhóm phóng viên
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.