Người nuôi bỏ nghề, thịt phải nhập ngoại

Người nuôi bỏ nghề, thịt phải nhập ngoại
TP- Hàng loạt khó khăn, bất lợi ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi đã tác động không nhỏ đến đời sống người dân. Ở một số nơi, người dân đã bỏ chăn nuôi...

Nhiều trang trại, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm đã tuyên bố phá sản vì chi phí đầu vào tăng quá cao, chăn nuôi không có lãi, đòi hỏi phải có những tháo gỡ kịp thời cứu người chăn nuôi.

Chính vì thế, hội nghị thảo luận các giải pháp cấp bách mà Bộ NN&PTNT tổ chức sáng qua, 17/9 được các đại biểu, người chăn nuôi và người tiêu dùng trong nước kỳ vọng...

Người nuôi bỏ nghề, thịt phải nhập ngoại ảnh 1
Nhiều loại thực phẩm ngoại được nhập về phục vụ người tiêu dùng trong nước Ảnh: Hồng Vĩnh

Đỉnh điểm của khó khăn

Hơn 200.000 gia súc (trong đó có tới 70% là bê, nghé) chết trong đợt rét đậm, rét hại lịch sử hồi đầu vụ Đông – Xuân vừa rồi.

Dịch cúm gia cầm bùng phát tại 63 xã của 24 huyện, thuộc 25 tỉnh, thành phố, phải tiêu hủy hơn 65.000 con.

Dịch lở mồm long móng xảy ra tại 44 xã của 19 huyện, với 45 ổ dịch lớn.

Hơn 830 ổ dịch tai xanh trên lợn ở 14 tỉnh, thành phố, với số lợn phải tiêu hủy lên tới 275.000 con.

Các loại dịch bệnh gia súc, gia cầm vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trên diện rộng bất cứ lúc nào, khiến tâm lý người dân luôn bất an. Cùng lúc đó, giá các loại nguyên liệu đầu vào của chăn nuôi tăng chóng mặt theo từng ngày.

Mức tăng bình quân ước tới 60% so với cùng kỳ năm 2007, Một số nguyên liệu tăng đỉnh điểm, như khô đậu tương (150%), methionin (207%); thậm chí ngay cả giá lợn giống cũng tăng tới 106% so với cùng kỳ năm ngoái.

Điều đáng lo ngại mới xuất hiện đối với ngành chăn nuôi và chế biến thực phẩm nước ta là thực phẩm chất lượng cao và giá rẻ được nhập khẩu ồ ạt, sau khi Việt Nam gia nhập WTO.

Đấy là chưa tính đến tình trạng lạm phát dẫn tới hạn mức tín dụng thấp, lãi suất cao, lượng ngoại tệ thiếu... gây trở ngại không nhỏ trong việc nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và sản xuất kinh doanh chăn nuôi...

TS.Hoàng Kim Giao - Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng chưa bao giờ ngành chăn nuôi lại gặp nhiều khó khăn, thử thách như thời gian vừa qua.

 “Lo cho đời sống người nông dân (ở đây là người chăn nuôi), đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện các mục tiêu phát triển ngành đã được phê duyệt, để tiến tới nâng tầm ngành chăn nuôi hiện đại, chúng ta bằng mọi giá phải tìm ra các giải pháp cấp bách phát triển ngành chăn nuôi” – Ông Giao khẳng định.

Cũng theo TS.Hoàng Kim Giao, trong điều kiện khó khăn đó, chúng ta đã có những phát triển đáng ghi nhận, là tiền đề để các giải pháp đưa ra trong hội nghị này có tính khả thi cao.

Những kết quả đó là: Chăn nuôi gia cầm tăng trưởng 6% so với cùng kỳ năm ngoái; đàn bò sữa tăng 10%, đàn bò thịt tăng 3%, sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng 11%. Chăn nuôi trang trại, công nghiệp có chiều hướng phát triển nhanh hơn, dịch bệnh cũng đang nằm trong tầm kiểm soát.

Người nuôi bỏ nghề, thịt phải nhập ngoại ảnh 2

Giá thức ăn chăn nuôi tăng chóng mặt đang gây khó khăn rất lớn cho người chăn nuôi Ảnh: Hồng Vĩnh

Bỏ chăn nuôi vì không có lãi

TS.Nguyễn Đăng Vang - Nguyên Cục trưởng Chăn nuôi, hiện là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, người đã nhiều năm tâm huyết với chủ trương chăn nuôi tập trung, bày tỏ nhiều ý kiến đáng suy ngẫm.

Theo TS.Vang, biện pháp vừa cấp bách mang tính vĩ mô vừa thực tế đối với ngành chăn nuôi lúc này là Nhà nước nên điều chỉnh lại thuế nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào thức ăn chăn nuôi và một số loại thực phẩm cao hơn hiện nay (nhưng vẫn nằm trong lộ trình cam kết WTO), bởi thuế nhập khẩu các mặt hàng này đang rất bất hợp lý.

Ở nhiều nước, thuế xuất khẩu thức ăn chăn nuôi là 0%, vì thế các doanh nghiệp nước ta đang đẩy mạnh nhập khẩu. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 8 tháng đầu năm 2006, Việt Nam nhập 446 triệu USD thức ăn chăn nuôi, 8 tháng đầu năm nay, con số này đã lên tới 1,336 tỷ USD, tăng tới 3 lần!

Ngay cả thịt, sản phẩm tiêu dùng quan trọng của người dân, cũng phải nhập quá lớn. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam nhập 118.000 tấn thịt, nếu cứ đà này thì cả năm sẽ phải nhập cỡ 200.000 tấn thịt.

Thức ăn chăn nuôi và thực phẩm được nhập khẩu quá lớn sẽ làm mất cân bằng nền chăn nuôi trong nước. Nói cách khác, điều đó sẽ khiến hàng triệu người nông dân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ không dám chăn nuôi, vì không có lãi.

Chẳng hạn, theo thời giá hiện nay, giá thành gà công nghiệp (trong quy mô chăn nuôi 1.000 con/lứa, 45 ngày tuổi xuất bán) ở khoảng 23.500 – 24.000 đồng/kg; giá thành lợn siêu nạc (mua giống ngoài 20-25kg/con, chi phí thức ăn chăn nuôi 2,65 kg/kg tăng trọng) là 33.000-35.500 đồng/kg.

Như vậy, người chăn nuôi không hề có lãi. Thực tế, thời gian vừa qua, nhiều hộ nông dân đã không chăn nuôi, một số doanh nghiệp (trang trại) vừa và nhỏ cũng đã phải tuyên bố phá sản.

Thực trạng bỏ chăn nuôi tại các địa phương rất đáng lo ngại. Theo ông Lê Như Tuấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hoá, khó khăn chồng chất đã khiến nhiều người dân không dám chăn nuôi (dù số lượng gia súc, gia cầm trong tỉnh vẫn tăng).

Một số mục tiêu cụ thể năm 2008

Tổng đàn lợn cả nước: trên 27 triệu con (tăng 1,5% so với năm 2007); sản lượng thịt hơi: 2,7 triệu tấn (tăng 5,8%).

Tổng đàn gia cầm: 241 triệu con (tăng 7%). Tổng đàn bò sữa: 120.000 con (tăng gần 20%), sản lượng sữa: 250.000 tấn (tăng 10%). Tổng đàn bò thịt: 7,1 triệu con (tăng 5%). Tổng đàn trâu: 2,9 triệu con (tăng 3%)...

Tỉnh này đã có chính sách hỗ trợ rất cụ thể, như: Nếu lập trang trại nuôi từ 200 lợn nái trở lên thì tỉnh sẽ hỗ trợ cho vay ưu đãi tới 600 triệu đồng. Thế nhưng, thời gian qua, rất ít đơn xin vay vốn được chuyển lên; nhiều hộ dân đã bỏ chăn nuôi, một số trang trại đã phải chuyển sang sản xuất, kinh doanh lĩnh vực khác.

Đồng quan điểm với ông Tuấn, ông Nguyễn Thọ Cảnh - Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An cho rằng, mục đích của chúng ta là phát triển chăn nuôi theo mô hình tập trung, trang trại. Nhưng thói quen và thực tế hiện tượng chăn nuôi nhỏ lẻ để tự cung tự cấp thực phẩm của người nông dân vẫn đang rất quan trọng trong đời sống dân sinh.

Thế nhưng, nếu hạch toán kỹ thì hiện nay người chăn nuôi không có lãi, thậm chí lỗ. Vì thế, bằng mọi cách chúng ta phải tăng thuế nhập khẩu một số mặt hàng như nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, sản phẩm từ thịt, để kích thích sản xuất trong nước. Đây cũng là bước quan trọng không những để cứu ngành chăn nuôi mà còn tạo tiền đề quan trọng để tiến tới một nền chăn nuôi phát triển bền vững.

Trao đổi với Tiền phong, Thứ trưởng NN&PTNT Bùi Bá Bổng cho rằng, bên cạnh các giải pháp cấp bách khác về giống, công tác thú y, giám sát chất lượng vật tư chăn nuôi, chống đói, chống rét cho đàn gia súc trong vụ rét sắp tới, thì Bộ sẽ đề nghị Chính phủ điều tiết hoạt động xuất nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và các sản phẩm chăn nuôi, vừa đảm bảo góp phần kiềm chế lạm phát nhưng vẫn khuyến khích sản xuất trong nước phát triển.

Cụ thể, hạn chế nhập khẩu thịt, trứng; khống chế nhập khẩu các loại thực phẩm; duy trì giá thực phẩm ở mức đảm bảo người chăn nuôi có lãi...

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.