Loay hoay bài toán con người

Loay hoay bài toán con người
Cho dù đã chấp nhận cả những phương án tình thế, các trường vẫn chưa thể giải được bài toán thiếu người. Khảo sát tại một số trường vừa đưa ra thông báo tuyển dụng cho thấy hầu hết đều rơi vào cảnh “ngồi đợi” mà không biết đợi đến bao giờ.

>> Khát nhân lực giảng dạy đại học

Loay hoay bài toán con người ảnh 1
nhóm giảng viên trẻ và cán bộ trẻ khoa sinh Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) tại phòng thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc -Ảnh: Như Hùng (Tuổi Trẻ).

Ngay cả những trường tưởng chừng là “miền đất hứa” của những giảng viên năng động như ĐH Kinh tế TP.HCM cũng không phải ngoại lệ. Một cán bộ phòng tổ chức nhân sự Trường ĐH Kinh tế TP.HCM thú thật, trong những năm gần đây chưa năm nào trường tuyển đủ chỉ tiêu.

Vị này đưa ra ví dụ, có những ngành chỉ cần tuyển hai giảng viên nhưng vẫn không thể tuyển được. Bước vào năm học này, trường tiếp tục thông báo tuyển mới gần 50 giảng viên nữa.

Đã tuyển lại tiếp tục tuyển

Ở các trường ngoài công lập, “sự nghiệp” tìm kiếm giảng viên còn khó khăn hơn gấp bội. PGS-TS Trịnh Phôi, hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, tâm sự: “Chuẩn bị cho năm học này, trường thông báo tuyển 60 giảng viên từ giữa tháng bảy. Nhưng đến nay chỉ mới 30 người đăng ký vượt qua vòng thi viết. Còn đến hai vòng thi quan trọng nữa là phỏng vấn và giảng thử, không biết sẽ tuyển được bao nhiêu người”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm nào ban giám hiệu nhà trường cũng tập trung rất nhiều cho vấn đề tuyển giảng viên nhưng chưa năm nào nguồn tuyển lại trở nên căng thẳng như năm học này.

PGS-TS Trịnh Phôi đánh giá không chỉ số lượng đăng ký dự tuyển ít hơn mọi năm, chất lượng hồ sơ của ứng viên cũng không bằng những năm trước. Ông lo lắng: “Có lẽ trong một vài tháng nữa, trường sẽ phải tổ chức thêm một đợt tuyển”.

Đại diện Trường ĐH Kinh tế TP.HCM giải thích, nhu cầu tuyển dụng của trường căn cứ trực tiếp trên nhu cầu của từng khoa, và tính toán tạo nguồn để thay thế những giảng viên lớn tuổi, sắp nghỉ hưu trong vài năm tới.

Bên cạnh đó, trường cũng tính đến hướng phát triển và phục vụ yêu cầu đào tạo theo học chế tín chỉ. Đó cũng là những yếu tố mà hầu hết các trường căn cứ để tiến hành tuyển dụng giảng viên.

Thêm vào đó, hiện tượng giảng viên không giảng dạy ở trường này, chuyển sang giảng dạy ở trường khác hay bỏ đi làm kinh tế được các trường đánh giá là “chuyện thường ngày... ở trường”.

Theo PGS-TS Trịnh Phôi, tỉ lệ giảng viên tuyển mới không tiếp tục giảng dạy hoặc chuyển sang trường khác của Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM không dưới vài chục phần trăm.

Tại Trường ĐH Dân lập Văn Hiến, theo ông Nguyễn Quốc Hợp - trưởng phòng đào tạo, hiện tượng giảng viên về trường giảng dạy một thời gian rồi ra đi cũng không phải ít. Hầu hết các trường hợp đều vì lý do kinh tế.

Xoay xở đủ kiểu

Tình cảnh đó buộc các trường phải tìm cách “căng kéo” để tìm kiếm và giữ được người ở lại với mình. Ông Nguyễn Quốc Hợp cho hay, để giữ giảng viên, thời gian qua trường đã chủ trương trợ cấp trượt giá, tăng thù lao định mức cho giảng viên.

Ngoài ra, trường cũng đang thuê một đơn vị tiến hành xây dựng lại bảng lương theo hướng tăng lên để thu hút, giữ chân giảng viên. Hiệu trưởng một trường ĐH khác cho biết, ông còn gửi thư cho từng giảng viên đang giảng dạy tại trường để giải thích tình hình khó khăn của trường, của sinh viên mong giảng viên hiểu.

Không chỉ thế, nhiều trường còn tạo điều kiện tối đa cho giảng viên được tham gia đào tạo, nâng cao trình độ. Chẳng hạn Trường ĐH Ngoại thương vừa cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ ở trong và ngoài nước cho gần 100 người.

Trong đó, chỉ riêng kinh phí đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong nước đã lên đến 300 triệu đồng. Tương tự, Trường ĐH Tiền Giang cũng cử bảy giảng viên đi làm nghiên cứu sinh, 61 giảng viên đi học cao học... với kinh phí gần 300 triệu đồng.

Và ngay khi thông báo tuyển dụng, các trường cũng tìm đủ mọi cách để mở rộng nguồn tuyển. Trước đây, các trường luôn xem sinh viên trường mình tốt nghiệp thủ khoa là nguồn tuyển chính để bổ sung vào đội ngũ giảng viên.

Giờ đây, trước nhiều cơ hội làm việc hấp dẫn bên ngoài cùng số lượng trường ĐH quá lớn, lực lượng này chẳng thấm vào đâu. Nhiều trường không còn yêu cầu ứng viên phải tốt nghiệp ĐH loại giỏi nữa mà chỉ cần loại khá là được.

Thậm chí Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM chỉ yêu cầu ứng viên tốt nghiệp ĐH chính qui. Chỉ riêng ngạch giảng viên, giáo viên thực hành mới yêu cầu tốt nghiệp loại khá giỏi các chuyên ngành liên quan. Về ngoại ngữ, Trường ĐH Giao thông vận tải - cơ sở 2 cũng chỉ yêu cầu trình độ B.

“Vì sao tôi xin nghỉ dạy?”

Một giảng viên trẻ, là thạc sĩ chuyên ngành kinh tế vừa nộp đơn xin nghỉ và chấm dứt hợp đồng với một trường đại học tại TP.HCM, đã tâm sự những lý do về việc rời trường của mình (vì lý do khách quan, chúng tôi xin không nêu tên):

Giảng viên trẻ bây giờ bị thiệt thòi rất nhiều, đó là tiền lương, cơ hội thăng tiến, cơ hội mở mang kiến thức, cơ hội được va chạm thực tế và nhiều nhiều cơ hội khác mà nhà trường không thể đem lại.

Nếu với trình độ thạc sĩ, tôi đi làm chuyên viên ngân hàng lương khoảng 16 triệu đồng/tháng, ngày làm tám giờ; khi đi dạy thì được 65.000 đồng/giờ.

Đi làm một tuần 40 giờ rất nhẹ nhàng, còn đi dạy một tuần mà đứng lớp 20 giờ là rất mệt, trong khi nếu tính theo tiền chỉ được 5,2 triệu đồng/tháng. Muốn dạy tốt phải chuẩn bị bài, nghiên cứu tốn nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, giảng viên trẻ mới vào trường chỉ hưởng lương theo hệ số lương nhà nước, muốn đi dạy thêm cũng không được vì không có đơn vị nào mời dạy, chưa có kinh nghiệm nên thu nhập rất thấp. Do đó, ai không có cơ hội tìm được việc làm tốt hơn mới về trường

Theo Hùng Thuật - Nguyễn Phan
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.