Xuân Quỳnh- Những nghịch lý của tình yêu và số phận

Xuân Quỳnh- Những nghịch lý của tình yêu và số phận
TP - Là người không chịu khuất phục số phận, mặc dù gặp tình cảnh trớ trêu, Xuân Quỳnh vẫn không nguôi khát khao hạnh phúc: “Núi cao biển rộng sông dài - Tôi đi khắp chốn tìm người tôi yêu”.

>> Kỳ IV: Lòng anh là đầm sen/Hay là nhành cỏ úa?
>> Kỳ III:  Ai biết đâu chữ “ghét”/ Là nhịp cầu nối duyên
>> Kỳ II: 'Ngọn gió lào cát trắng của đời tôi/Tôi của cát của gió lào khắc nghiệt'
>> Kỳ I:“Tuổi thơ tôi lạc lõng giữa đời/Như một cánh chim bơ vơ mất tổ”

Kỳ V: Đường tít tắp không gian như bể/Anh chờ em cho em vịn bàn tay

Xuân Quỳnh- Những nghịch lý của tình yêu và số phận ảnh 1
Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ năm 1978

Chỉ có điều bây giờ chị thực tế và từng trải hơn, không còn nhìn cuộc đời, nhìn tình yêu qua lăng kính màu hồng nữa.

Giữa lúc Xuân Quỳnh đang chới với và hụt hẫng đau khổ thì đã có một người đàn ông đến với chị. Người đó chính là Lưu Quang Vũ.

Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ quen biết nhau đã từ lâu. Họ là những người bạn thơ cùng thế hệ, cùng ở trong một khu nhà dành cho văn nghệ sĩ. Cả hai đều cảm mến nhau vì tài thơ.

Trong sổ tay của họ đầy ắp những bài thơ tâm huyết mà họ đã chép tặng cho nhau. Nhưng tại sao lúc này họ mới đến với nhau? Khi cả hai người cùng có nỗi bất hạnh của gia đình đổ vỡ, cùng đã từng trải qua những cuộc tình không may mắn.

Tôi đã hơn một lần hỏi cả hai anh chị câu này. Và cũng đã nhận được một câu trả lời gần giống nhau: đó là do sự sắp đặt của số phận, của duyên trời.

Năm 1973, họ đến với nhau. Đó là thời điểm khó khăn, lận đận nhất của cả hai người. Họ rời gia đình cũ ra đi với hai bàn tay trắng. Cả hai đều mang trong lòng những nỗi đau, những cuộc khủng hoảng lớn trong tâm hồn.

Cũng có khi ở ngay Hà Nội nhưng chị tránh không gặp mặt anh. Chỉ có những bức thư nói hộ nỗi lòng đang da diết, cháy bỏng của chị:

“Tôi đã biết sống bao giờ đâu. Bây giờ nhận dần ra mọi điều thì tâm hồn tôi đã méo mó đi. Vũ yêu tôi, tôi biết, nhưng sao tôi chả tin ở cái gì, chả tin ở tình yêu nữa.

Bao nhiêu năm tôi khao khát, chờ mong người đi cùng đường với mình, tình yêu của mình. Khi tôi gặp được rồi thì tôi lại thấy tôi như người ngoài cuộc.

Trước tất cả những sự đằm thắm của Vũ. Tất cả những sự cảm thông của Vũ. Tôi cứ như người ngạc nhiên: “Có phải thế này không? Trên đời có thật là có những điều như thế này không? hay đó rồi cũng là một sự xa xỉ”. Và nếu mọi điều là thật, là còn tốt đẹp đến thế thì tôi chẳng xứng đáng gì với tình yêu của tôi.

Tôi chưa bao giờ được đối xử bình đẳng như một người yêu thật sự. Chỉ, hoặc là người ta bò dưới chân tôi hoặc là người ta tìm cách miệt thị tôi. Vậy thì sao Vũ lại đối xử với tôi bình đẳng thế được? Điều đó hầu như không có lý.

Vũ cứ để mặc tôi, sống với số phận của tôi. Tôi khổ thế này làm sao mà tôi sống được với Vũ. Khổ thế này hả trời! Tôi như con ốc ấy, suốt đời phải mang trên lưng cái vỏ của mình.”

...…

“Mặc dù tôi thấy ở Vũ có đầy đủ những điều khao khát của tôi, nhưng tôi đã trốn tránh Vũ và thỏa hiệp với mức độ khác mà cho rằng như thế là tạm được. Vũ đừng giận tôi. Nghĩ đến điều này tôi rất buồn. Ước gì ngược lại thời gian để tôi đến với Vũ bằng tấm lòng trọn vẹn chứ không phải rách nát như thế này.

Điều tôi buồn nữa là: Vũ ít tuổi hơn tôi, Vũ tài năng hơn tôi. Vũ đừng cho tôi là nói làm dáng. Tôi nói thật đấy. Có khi tôi bị ngợp đi trong Vũ. Điều đó cũng làm tôi sợ hãi. Tôi cứ muốn giãy giụa ra khỏi tình yêu này.

Hay là như Vũ nói ấy. Có lẽ chúng ta chỉ nên sống độc thân thôi. Hoặc sống riêng ra. Như vậy có thể giữ được mọi điều tốt đẹp lâu dài chăng. Vũ ơi, tôi buồn vô cùng. Tôi biết tôi phải học phải làm việc nhiều hơn nữa cho tôi và cho Vũ.

Hôm qua tôi nằm mơ thấy chúng ta tan ra thành toàn là chữ nghĩa. Nó cứ lộn xộn trên mặt giấy mà chẳng thể nào sắp xếp lại được. Đấy mơ mà cũng “cải lương” thế đấy Vũ cười tôi không Vũ?”

Sau bao nhiêu đắn đo e ngại, trước sự nồng nhiệt và quyết tâm của Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh đã đón nhận tình yêu của anh như đón nhận cái phao giữa dòng nước xoáy.

Và khi đã đón nhận tình yêu ấy, Xuân Quỳnh đã dành cho nó tất cả sức lực và tâm huyết của đời mình. Chị lại trở về với bản chất cố hữu, chăm chút hy sinh hết thảy cho người mình thương yêu.

Thời gian này Xuân Quỳnh đang làm việc ở báo Văn nghệ. Lưu Quang Vũ thuộc thành phần tự do, sống ngoài biên chế. Anh làm đủ nghề để sống: Kẻ vẽ panô khẩu hiệu, vẽ tranh “Bờ Hồ” thuê cho các cửa hiệu, in bưu thiếp.

Có lúc anh làm nhiệm vụ chấm công cho một đội làm đường, làm công việc tuyên truyền thi đua cho một phường ban thuộc Tổng cục Đường sắt.

Không chỉ động viên Lưu Quang Vũ sáng tác, Xuân Quỳnh còn đôn đáo, xoay xở, tìm mọi cách để xin cho Lưu Quang Vũ được vào làm việc ở một cơ quan văn nghệ nào đó. Có lúc chị rủ anh đi cùng. Có lúc lặng lẽ đi một mình. Chị rất kiên nhẫn. Nhiều lúc anh Vũ biết chuyện can ngăn nhưng chị không hề nản lòng.

Thấy chị vất vả, lo lắng vì chuyện công ăn việc làm của anh, chính cha tôi đã có lần nói với chị: “Thôi con cứ yên tâm để Vũ làm việc ở Đường sắt một thời gian, rồi người ta sẽ thu xếp để nhận Vũ vào làm việc chính thức trong biên chế. Bác Vạn Lịch đã hứa như vậy.” (Ông Vạn Lịch là một người bạn thân của cha tôi, lúc đó đang là Chánh văn phòng Tổng cục Đường sắt).

Chị trả lời ngay: “Vũ phải có một chỗ đứng, một việc làm trong cơ quan văn nghệ. Anh ấy có tài và có rất nhiều khả năng để làm việc. Con không muốn thấy Vũ phải làm những việc không thích hợp, vừa phí công sức lại vừa làm Vũ chán nản”.

Cha tôi là một người làm văn nghệ lâu năm. Ông quen biết nhiều người nắm giữ trọng trách trong các cơ quan văn nghệ (báo, đài, NXB,…), nhưng ông giàu lòng tự trọng và có “máu kẻ sĩ” rất cao. Ông không thích việc quỵ lụy, xin xỏ, nhất là đối với những người ông không coi trọng.

Có lần chị Quỳnh nhờ ông nói với người lãnh đạo một cơ quan văn nghệ để xin việc cho anh Vũ. Ông nói: “Tay đó không đáng để mình phải mang ơn mắc nợ”.

Mẹ tôi nghe chuyện đã phải kêu lên: “Trời ơi, đi xin việc mà bố con ông cứ cao đạo thế thì làm sao mà có kết quả”… Công việc của anh Vũ cứ long đong, lận đận mãi.

Sự khó khăn đó cũng có những lý do chủ quan lẫn khách quan. Tuy xuất hiện và nổi tiếng trên văn đàn từ khá sớm, khi mới 20 tuổi, tập Hương cây - Bếp lửa (in cùng Bằng Việt) ra đời đã gây xôn xao dư luận, nhưng trong thực tế Lưu Quang Vũ không có bằng cấp gì.

Chưa tốt nghiệp phổ thông anh đã đi bộ đội. “Ta kịp biết gì đâu - Vừa hết trẻ con đã là người lính”. Lại cộng thêm với những điều tiếng: tư tưởng “có vấn đề”, tự do vô kỷ luật, yêu đương phức tạp… cho nên anh càng gặp nhiều trở ngại khi đi kiếm công ăn việc làm trong một cơ quan nhà nước.

Những ngày ấy thật cơ cực, khổ sở, nghèo túng. Cả nước đều khổ, nhưng dường như tình cảnh của anh chị càng khó khăn, ngặt nghèo hơn. Có người nói đùa rằng trong giới văn nghệ sĩ cùng thế hệ, Vũ  - Quỳnh là cặp vợ chồng có số con đông nhất (3 đứa), có diện tích nhà ở chật nhất (6m2). Nhưng tôi nghĩ rằng đó cũng là quãng thời gian hạnh phúc nhất của anh chị.

Hai người đã dành trọn cho nhau thời gian, công sức và tình cảm của mình. Cuộc sống vất vả, phải vật lộn từng ngày với mối lo cơm áo gạo tiền cũng không thể đè bẹp niềm lạc quan yêu đời và sự lãng mạn vốn có trong bản chất thi sĩ từ trong máu thịt của cả hai người.

Tôi đã bao lần chứng kiến chị Quỳnh chắt chiu từng đồng nhuận bút để lo chi tiêu cho sinh hoạt gia đình. Thế mà, trong căn phòng nhỏ của anh chị bao giờ cũng tràn ngập hoa tươi.

Vượt lên trên những lo toan chật hẹp đời thường, họ vẫn mơ mộng, vẫn sống đầy đam mê và cùng nhau làm việc không ngừng nghỉ. Tôi nhớ mãi hình ảnh rạng ngời hạnh phúc của Xuân Quỳnh trong một buổi chiều thu ngập nắng.

Chị ngồi sau chiếc xe đạp “cà khổ” của anh Vũ, trong tay ôm một bó cúc vàng thật lớn, đằng trước ghi đông treo lủng lẳng mấy chiếc lọ gốm. Họ vừa cùng nhau đi sang làng gốm Bát Tràng.

Nghe thấy tôi gọi, cả hai người xuống xe, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, cười tít mắt và tíu tít kể chuyện như hai cô cậu mới lớn. Chị Quỳnh kể: “Cậu ấy mải nhìn gái xinh, không kịp tránh ổ gà, sa xuống hố nên ngã lăn cả hai”. Anh Vũ lại bảo: “Đồ ki bo, ngã đau điếng, mà lúc lồm cồm ngồi dậy chỉ thấy sung sướng vì không chiếc lọ nào bị vỡ”. Chị Quỳnh tổng kết: “May quá, tay chân tuy bị xây xát chút ít, nhưng quần áo không bị rách, mấy cái lọ không bị sứt mẻ gì”.

Những tháng ngày long đong, lận đận của Lưu Quang Vũ chấm dứt khi Tạp chí Sân khấu được thành lập năm 1978. Hôm đó, trong bữa cơm gia đình, chị Quỳnh phấn khởi nói với cha tôi: “Tạp chí Sân khấu sắp thành lập, anh Xuân Trình đang đi chiêu mộ quân lính, con giới thiệu Vũ và anh ấy đã nhận lời. Bố tìm hiểu và tác động thêm cho tụi con nhé!”.

Cha tôi cũng rất vui vì sự kiện này. Từ trước cách mạng, ông đã cùng một vài người bạn sáng lập tờ Tạp chí Sân khấu và nhà xuất bản Hoa Lư. Ông cũng là một trong những hội viên sáng lập Hội Nghệ sĩ sân khấu. Nay thấy Hội nghề nghiệp mà mình gắn bó suốt đời có cơ quan ngôn luận riêng, cha tôi mừng lắm.

Thời gian đầu anh Vũ mới vào làm việc ở Tạp chí Sân khấu, cha tôi đã giúp anh rất nhiều trong việc truyền lại những kinh nghiệm của nghề làm báo và những kiến thức sân khấu.

Trước đây, khi làm việc ở báo Văn nghệ, cha tôi cũng được phân công chuyên theo dõi về mảng sân khấu. Có thể nói, việc được vào làm ở Tạp chí Sân khấu là một cơ hội may mắn cho Lưu Quang Vũ. Anh có đất để dụng võ.

Những ngày đầu, tờ tạp chí chỉ có vài ba người. Anh làm đủ việc: từ viết bài, sửa morát, đi nhà in, vẽ minh họa, đặt họa sĩ vẽ bìa… Công việc bận rộn, vất vả nhưng Lưu Quang Vũ không nề hà.

Anh mau chóng trở thành cây bút chủ lực của tờ tạp chí. Mẹ tôi nói với cả nhà: “Anh Vũ vào làm việc ở Tạp chí Sân khấu, Vũ vui 1, bố vui 2, còn Quỳnh thì vui… 10”.

Anh Vũ có việc làm ổn định, tinh thần của cả hai anh chị thoải mái hơn. Chị Quỳnh yên tâm và rất vui khi thấy anh Vũ say mê, thích thú với công việc và được mọi người trong cơ quan tín nhiệm. Tuy vẫn còn khó khăn, vất vả nhưng cuộc sống trong gia đình anh chị rất hạnh phúc và đầm ấm.

Thời gian này, cả hai người đều sáng tác rất khoẻ - làm thơ, viết báo, viết truyện. Chị Quỳnh bắt đầu viết nhiều cho thiếu nhi. Các tập thơ, truyện của Xuân Quỳnh liên tiếp được xuất bản.

Chị nói với tôi là viết cho các em có nhiều điều thú vị. Mình như được hoà nhập vào thế giới vui tươi, ngộ nghĩnh của trẻ thơ; khi viết rất hứng thú, dễ được in ấn, nhuận bút có khi còn cao hơn viết cho người lớn. Chị coi những sáng tác của mình là “món quà của một bạn nhỏ ngày xưa tặng các bạn nhỏ bây giờ”.

Bạn bè trong giới văn nghệ thường nhận xét rằng Xuân Quỳnh là người sắc sảo, đáo để và có tài đối đáp rất nhanh. Chị còn là người nói chuyện rất có duyên. Ở cơ quan hôm nào Xuân Quỳnh vắng mặt là mọi người cảm thấy buồn hẳn.

Đối với gia đình, chị Quỳnh là một người phụ nữ đảm đang, tần tảo chi chút, hết lòng chăm lo cho tổ ấm của mình. Và không chỉ thế, chị còn là người hiểu được tài năng của Lưu Quang Vũ, là người biết cách khơi dậy và vun đắp cho tài năng ấy luôn tỏa sáng.

(Còn tiếp)

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.