Khi phu nhân đại sứ Hàn Quốc làm nghệ thuật

Khi phu nhân đại sứ Hàn Quốc làm nghệ thuật
TP - Những viên sỏi vô tình nhặt được trên vỉa hè Hà Nội, những con sò trên bãi biển Vịnh Hạ Long hay những loại hạt trên những cánh đồng quê miền bắc Việt Nam... tất cả sẽ là những chất liệu cho các tác phẩm nghệ thuật của bà Cho Onn Young - phu nhân Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam mà bà gọi đó là “những vật kỳ lạ”.
Khi phu nhân đại sứ Hàn Quốc làm nghệ thuật ảnh 1
Bà Cho Onn Young tại triển lãm Dao động

Nếu ai đã từng xem Triển lãm Dao động của bà Cho Onn Young vừa khai mạc hôm 25/9 tại ngôi nhà nghệ thuật (31A Văn Miếu, Hà Nội) sẽ nhận ra sự tinh tế của người phụ nữ Hàn Quốc này.

Vốn tốt nghiệp khoa mỹ thuật Đại học Quốc gia Seoul, nên người phụ nữ này luôn mang trong mình tâm hồn nghệ thuật. Vì thế, khi tới mảnh đất nào, bà luôn tìm thấy những điều kỳ thú theo cách của riêng bà.

Khi theo chồng sang Iran công tác (ông Im Hong Jae nhận nhiệm kỳ Đại sứ tại Iran trước khi là Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam), bà tỉ mẩn sưu tập những viên đá, những hòn sỏi để tạo nên những chiếc vòng cổ, hay khuyên tai xinh xắn được trưng bày tại triển lãm kể trên.

Sinh sống tại Việt Nam được một năm, bà cũng nhận ra nhiều điều kỳ thú ở Việt  Nam. Những viên sỏi nhặt được trên vỉa hè Hà Nội, những con sò trên bãi biển Vịnh Hạ Long hay những loại hạt trên những cánh đồng quê miền bắc Việt Nam, tất cả những chất liệu này sẽ đi vào tác phẩm nghệ thuật của bà Cho Onn Young, bà gọi chất liệu đó là “những vật kỳ lạ”.

Những loại hạt đó bà không biết tên gọi nhưng bà thấy độc đáo, chưa từng gặp trong các chuyến đi của mình từ trước tới giờ. Cây quả ở Việt Nam như cây cọ, quả chuối khi đặt lên vải vẽ của bà có thể trở thành tác phẩm nghệ thuật. Bà đang tìm kiếm những “vật kỳ lạ” với hy vọng trước khi chia tay Việt Nam sẽ tổ chức thêm một triển lãm cá nhân.

Đưa nghệ thuật đương đại Hàn Quốc tới Việt Nam

Hơn 100 tác phẩm tranh thạch bản và tranh in vân trên giấy thủ công dù nhỏ nhắn nhưng cũng phải rất công phu mới có thể mang từ Hàn Quốc sang Việt Nam. Ấy là tấm lòng của một cá nhân, một người bạn Hàn Quốc, người muốn giới thiệu nghệ thuật đương đại của Hàn Quốc với Việt Nam.

Dòng nghệ thuật này tương đối lạ: Vẽ trên đá và in vân trên giấy. Khi tình cờ được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật này của bà Cho Onn Young, bà Nga Nguyễn - chủ của Ngôi nhà nghệ thuật - đã mời phu nhân Đại sứ Hàn Quốc tới triển lãm tại đây.

Nếu như trước đây, bà Nga đã có nhiều tâm huyết trong việc tìm kiếm công nghệ và kỹ thuật từ Pháp về công nghệ in giấy để có thể tận dụng các loại giấy vứt đi thành giấy cao cấp và phát triển các làng nghề thủ công Việt Nam thì nay đã có người bạn Hàn Quốc giỏi nghề và tình nguyện sẽ truyền lại những kỹ thuật này.

Trong thời gian tới, bà Cho Onn Young sẽ có lớp hướng dẫn về kỹ thuật làm tranh thạch bản và tranh in vân cho các nghệ nhân Việt Nam.

Bà Cho Onn Young mới trở lại với nghệ thuật 8 năm nay. Vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, cha bà (ông Cho Duck Hwan) là họa sỹ nổi tiếng của Hàn Quốc.

Tuy nhiên, cũng như biết bao phụ nữ Hàn Quốc khác, khi lập gia đình, người phụ nữ này dường như trở về với cuộc sống khép kín của một bà nội trợ, chăm sóc chồng con. Kể từ khi tốt nghiệp Đại học Quốc gia Seoul năm 1978, bà chỉ sáng tạo nghệ thuật cho riêng mình chứ không hề đem trưng bày trước công chúng.

Được sự động viên và khuyến khích của chồng và hai con gái, bà đã đánh dấu sự trở lại con đường nghệ thuật chuyên nghiệp của mình bằng cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên vào năm 1999. Cô con gái thứ hai đang học Luật tại Mỹ chính là người viết giới thiệu triển lãm cho mẹ.

Cô viết: “Trong thời điểm chuyển giao giữa hai thiên niên kỷ cũng là bước ngoặt lớn với mẹ tôi bằng triển lãm cá nhân đầu tiên. Triển lãm này còn có ý nghĩa đặc biệt vì nó đã làm mẹ tôi hồi sinh, đưa mẹ trở lại con đường nghệ thuật. Suốt nhiều năm qua mẹ im lặng để suy ngẫm, nay là lúc mẹ bày tỏ lòng mình.”

Tiếp sau cuộc triển lãm này, Cho Onn Young liên tục gặt hái những giải thưởng như  Giải thưởng của Hiệp hội Print-Makers Đương đại Hàn Quốc (1999), Giải thưởng của Hiệp hội mỹ thuật Hàn Quốc (2000, 2001) và Giải thưởng của “Thế giới nghệ thuật” (2001).

Tranh sơn mài và tranh thêu của Việt Nam là hai thể loại tranh mà bà Cho Onn Young rất ngưỡng mộ. Bà hy vọng sẽ dành thời gian để học thêm về thể loại tranh độc đáo của Việt Nam.

Hiện, bà đã tìm được giáo viên dạy tranh sơn mài. Cũng như nhiều người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam, Cho Onn Young yêu mến con người và đất nước Việt Nam. Những món ăn Việt Nam mà bà rất ưa thích đó là món bún chả, phở.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.