Còn nhiều điều chưa thỏa đáng

Còn nhiều điều chưa thỏa đáng
TP - Ngày mai 30/9, vụ nhà báo Hoàng Dưỡng (Đăk Lăk) - người dũng cảm chống lại nạn lâm tặc - bị côn đồ hành hung trọng thương sẽ được đưa ra xét xử. Tuy nhiên tại Kết luận điều tra cũng như Cáo trạng vẫn thấy còn có nhiều điều chưa thỏa đáng...

Nhà báo Hoàng Dưỡng từng công tác tại Đài truyền thanh huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) trước khi nhận công tác tại Đài truyền thanh huyện Buôn Đôn (Đak Lak) - huyện có vườn quốc gia lớn nhất nước. Năm 2004, anh được bổ nhiệm làm Trưởng đài.

Thời gian này, nạn khai thác gỗ lậu trong vườn quốc gia Yook Đôn diễn ra khá nhức nhối. Hàng loạt cây trắc, gụ, hương cổ thụ bị chặt hạ rồi đưa về Buôn Ma Thuột, dù từ Buôn Đôn về đấy chỉ duy một con đường… Với chiếc camera, Hoàng Dưỡng cùng các đồng nghiệp dũng cảm ghi lại được nhiều chứng cứ về hành vi của một số đối tượng chuyên khai thác, vận chuyển gỗ lậu.

Tin cậy các PV Đài truyền thanh huyện, người dân địa phương đã cung cấp rất nhiều nguồn tin ban đầu cho các PV, nhờ đó Hoàng Dưỡng và các đồng nghiệp có thêm được rất nhiều đoạn phim quý về lâm tặc, có thể nói là hy hữu đối với các PV tác nghiệp bằng máy ghi hình.

Những cảnh quay nguy hiểm

Các PV Tiền phong có trong tay đĩa CD ghi lại hàng chục “pha” gay cấn, cho thấy Hoàng Dưỡng và các đồng nghiệp tại Đài truyền thanh huyện Buôn Đôn khi có mặt trong rừng, lúc trên tỉnh lộ, khi quay ban ngày, lúc quay trong đêm tối (dùng tia hồng ngoại). Qua ống kính của họ, gỗ quý bị khai thác trái phép nằm lăn lóc trong rừng, hoặc được tập kết trong các vườn cà phê, vườn điều, hoặc đang được vận chuyển với nhiều loại phương tiện xe tải, xe công nông…

Còn nhiều điều chưa thỏa đáng ảnh 1

Chiếc xe của lâm tặc bị các PV Hoàng Dưỡng và Hồng Quân chặn lại, chỉ với “vũ khí” là chiếc camera trong đêm 11/3/2006. Ảnh do các đồng nghiệp cung cấp.

Còn nhiều điều chưa thỏa đáng ảnh 2

Người lái xe nhảy xuống, rút ngay điện thoại gọi cho Võ Văn Huy tức “Hưu”. Ảnh do các đồng nghiệp cung cấp.

Đặc biệt ấn tượng là cảnh gã trùm lâm tặc Ngọc “Huế” trong bộ rằn ri giữ tợn hét vào mặt các nhà báo “Tụi bay muốn tau chặt chưn con bay, tau đốt nhà bay không?”. Nói xong, Ngọc “Huế” buông xe máy, cùng đám đàn em gần chục đứa định nhảy vào “mần” các nhà báo. Có lẽ chiếc camera vẫn chĩa thẳng vào mặt và thái độ bình tĩnh của các nhà báo đã khiến Ngọc Huế phải chùn bước.

Còn nhiều điều chưa thỏa đáng ảnh 3
“Hưu” xuất hiện, năn nỉ các PV “tha” cho hắn… Ảnh do các đồng nghiệp cung cấp.
Còn nhiều điều chưa thỏa đáng ảnh 4

Hai cán bộ Công an huyện Buôn Đôn có mặt tại hiện trường, đưa đối tượng và tang vật về trụ sở. Ảnh do các đồng nghiệp cung cấp.

Các tác giả bài viết này đã lọc ra một số hình ảnh từ hai vụ Hoàng Dưỡng và các đồng nghiệp ghi cảnh một số đối tượng đang vận chuyển gỗ lậu cho Võ Văn Huy (tên gọi khác là Hưu), một trong những trùm lâm tặc của huyện Buôn Đôn, kẻ đã thuê người hành hung nhà báo Hoàng Dưỡng.

Vụ thứ nhất được ghi hình vào khoảng 23h ngày 1/3/2006. Nhận được tin báo của quần chúng, Hoàng Dưỡng và PV Hồng Quân đã mật phục tại quãng đường đất thuộc xã Tân Hòa. Khi chiếc xe công nông chở gỗ lậu chạy qua, các PV phóng theo, Hoàng Dưỡng đưa camera lên vai, quay theo chế độ tia hồng ngoại. Khi đã qua cổng Công an huyện, các PV vượt lên, Hoàng Dưỡng chuyển chế độ quay có đèn.

Chiếc công nông dừng lại, người ngồi trên xe trình bày “Em chở cho anh Hưu”, và rút điện thoại gọi. Ít phút sau, một người đàn ông ria mép dữ tợn đi xe máy tới, giới thiệu là Hưu, và trình bày mới bị tai nạn, xin được đi nốt chuyến này… Theo điện báo của Hoàng Dưỡng, hai công an huyện Buôn Đôn đã có mặt, đưa cả đối tượng và tang vật về trụ sở Công an huyện.

Vụ thứ hai được ghi hình vào trưa ngày 1/3/2008. Cũng từ tin báo của quần chúng, Hoàng Dưỡng và PV Xuân Quỳnh kịp thời có mặt tại xã Ea Wer quay cảnh hai chiếc công nông chở đầy gỗ lậu đang chạy hết tốc lực. Khi các PV vượt lên trước, các đối tượng bỏ xe trốn vào vườn điều. Hoàng Dưỡng gọi điện cho Tổ cơ động của Hạt kiểm lâm huyện. Khi hai cán bộ kiểm lâm có mặt, những người chở thuê cũng đã quay trở lại trình bày “Tụi em chở cho anh Hưu”. Hai chiếc xe được đánh về Hạt kiểm lâm để xử lý.

Còn nhiều điều chưa thỏa đáng ảnh 5

Các PV Hoàng Dưỡng và Xuân Quỳnh bám theo hai chiếc xe chở gỗ lậu vào trưa ngày 1/3/2008. Ảnh do các đồng nghiệp cung cấp.

Còn nhiều điều chưa thỏa đáng ảnh 6

Vượt lên, ghi hình trực diện. Ảnh do các đồng nghiệp cung cấp.

Còn nhiều điều chưa thỏa đáng ảnh 7

Hai cán bộ kiểm lâm được Hoàng Dưỡng mời đến đang đánh xe tang vật về trụ sở. Ảnh do các đồng nghiệp cung cấp.

Còn nhiều điều chưa thỏa đáng ảnh 8

Người lái xe này khai “Tui chở thuê cho anh Hưu”. Ảnh do các đồng nghiệp cung cấp.

Sau vụ thứ hai này, người đàn ông tên Hưu đã gọi điện cho Hoàng Dưỡng, nói rằng Hưu chỉ “chở giùm” người khác, năn nỉ Hoàng Dưỡng “tha” cho mình. Hoàng Dưỡng đáp: “Tôi không có thẩm quyền, anh đến trình bày với các anh ở Hạt kiểm lâm”.

Hôm sau nữa, Hoàng Dưỡng lại nhận được điện thoại của Hưu, lần này ngắn gọn: “Dưỡng ơi, sao ông ác thế. Thằng Hưu này chưa ác với ông đâu”. PV Hoàng Dưỡng nhận ra vẻ đe dọa trong giọng nói của Hưu, nên đã dặn anh em trong Đài phải cảnh giác…

Cuộc trả thù hèn hạ

Chiều 7/3/2008, nhà báo Hoàng Dưỡng chở vợ lên TP Buôn Ma Thuột mua sắm một vài vật dụng cần thiết cho gia đình. Trên đường đi, Dưỡng phát hiện ra Hưu đi cùng chiều. Hắn vượt lên trước rồi dừng xe bên đường gọi điện cho ai đó. Dưỡng nói với vợ: “Người đàn ông kia là một lâm tặc, anh từng ghi hình hắn”. Vợ Dưỡng lo lắng khuyên chồng quay về, Dưỡng đáp “Mình cần đề phòng đêm hôm hoặc chỗ vắng, còn lên TP đông người chúng không dám manh động đâu”.

Còn nhiều điều chưa thỏa đáng ảnh 9

Hiện trường nơi ba tên côn đồ tấn công nhà báo Hoàng Dưỡng chiều 07/3/2008. Ảnh : PV

Đến chợ Buôn Ma Thuột, Hoàng Dưỡng để vợ vào mua đồ, anh tranh thủ đi rửa vài tấm hình. Khi Dưỡng vừa ra khỏi số nhà 99 Điện Biên Phủ, ba người đàn ông bất ngờ ập đến từ phía sau, đánh anh tới tấp. Dưỡng ngã xuống hè phố, chúng vẫn không tha, tiếp tục đạp vào người anh. Một tên lượm hòn gạch đập thẳng vào đầu Dưỡng. Thấy vụ đánh người quá dã man, người dân xung quanh đã xô vào can ngăn. Ba kẻ lạ mặt lập tức bỏ chạy về phía chiếc xe ô tô đang chờ gần đó.

Hoàng Dưỡng được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Sau nhiều ngày điều trị, anh ra viện với tổn thương sức khỏe 12%. Vụ nhà báo Hoàng Dưỡng bị đánh gây thương tích đã gây xôn xao dư luận, nhiều tờ báo trong đó có Tiền phong kịp thời có bài phản ánh.

Hội nhà báo Việt Nam đã có công văn gửi UBND và Công an tỉnh Đak Lak, công văn viết “Việc nhà báo Hoàng Dưỡng - một trong những nhà báo dũng cảm đấu tranh chống lại hiện tượng khai thác lâm sản trái phép tại địa bàn huyện Buôn Đôn tỉnh Đak Lak trong thời gian gần đây - bị côn đồ hành hung đang gây bức xúc lớn trong dư luận. Hội nhà báo Việt Nam đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Đak Lak chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra làm rõ và xử lý nghiêm khắc các đối tượng đã tham gia hành hung nhà báo Hoàng Dưỡng”.

Còn nhiều điều chưa thỏa đáng ảnh 10

Các đồng nghiệp Đài PTTH Đak Lak vào bệnh viện thăm Hoàng Dưỡng (ngồi cạnh Hoàng Dưỡng là vợ anh). Ảnh : PV

Những kẻ hành hung nhà báo Hoàng Dưỡng đã lần lượt sa lưới pháp luật. Đó là Nguyễn Bửu Điện (sinh 1962), Nguyễn Văn Tiến (sinh 1969), Văn Văn Tùng (sinh 1976), đều trú tại TP Buôn Ma Thuột, và đều đã có tiền án tiền sự. Kẻ đã mướn các đối tượng côn đồ hành hung nhà báo Hoàng Dưỡng cũng đã bị bắt, đó chính là Võ Văn Huy tức Hưu - gã trùm lâm tặc hai lần bị nhà báo Hoàng Dưỡng ghi hình khi đang vận chuyển gỗ lậu.

Nhiều điều chưa thỏa đáng

Ngày 9/9, Viện KSND TP Buôn Ma Thuột có bản Cáo trạng, truy tố bốn đối tượng trên ra tòa với tội danh “cố ý gây thương tích”. TAND TP Buôn Ma Thuột đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử vào ngày mai, 30/9.

Nghiên cứu bản Kết luận điều tra (không ghi ngày) cũng như bản Cáo trạng, các PV Tiền phong và nhiều đồng nghiệp khác vẫn thấy còn có nhiều điều chưa thỏa đáng.

Kết luận điều tra và Cáo trạng cho thấy ba đối tượng trực tiếp hành hung đều không thù oán, mâu thuẫn gì với nhà báo Hoàng Dưỡng, thế nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng TP Buôn Ma Thuột đã không đi sâu làm rõ động cơ của ba người này. Dễ thấy đây chỉ là băng đánh mướn, và hành vi thuê đánh hoặc đánh thuê đã được quy định thành tình tiết tăng nặng của hành vi cố ý gây thương tích, theo Điều 104 BLHS.

Bản Kết luận điều tra và Cáo trạng cũng thể hiện Võ Văn Huy không phải là người trực tiếp chỉ đạo các đối tượng Điện, Tiến, Tùng đánh nhà báo Hoàng Dưỡng. Sau khi phát hiện và theo dõi vợ chồng anh Dưỡng, Huy gọi điện báo cho Đoàn Văn Dương tức “Tùng Huế” (sinh 1962, trú tại TP Buôn Ma Thuột). Sau khi nhận điện của Huy, Dương đã chở các đối tượng Điện, Tiến, Tùng đến địa điểm hành hung nhà báo Hoàng Dưỡng.

Nhiều nhân chứng cho biết, đánh anh Dưỡng xong, các đối tượng lên xe ô tô của Dương để tẩu thoát. Thế nhưng Đoàn Văn Dương tức “Tùng Huế” không bị khởi tố, với lý do “không đủ căn cứ”. Theo nhiều người dân địa phương thì Dương là “đồng nghiệp” của Huy, một trong những “sát thủ giỏi nhất” của những cánh rừng Cao Nguyên.

Điều đáng nói nhất, bản Kết luận điều tra và Cáo trạng không đi sâu làm rõ động cơ của Huy trong việc thuê người đánh nhà báo Hoàng Dưỡng. Kết luận điều tra không đề cập, còn Cáo trạng thì ghi ngắn gọn “Do tức anh Nguyễn Hoàng Dưỡng hay bắt gỗ của Võ Văn Huy nên khoảng tháng 1/2008, trong lúc ngồi nhậu cùng với Điện và (…), Huy nói: Khi nào thằng Dưỡng ra phố tao điện cho tụi mày chặn đánh nó một trận”.

Cả bản Cáo trạng, không một chữ nào ghi người bị hại của vụ án là nhà báo, còn người đánh anh là lâm tặc, trong khi các cảnh quay của nhà báo Hoàng Dưỡng hoàn toàn đủ để xác định điều đó. Thiếu sót này không chỉ làm mất đi tình tiết “cản trở người thi hành công vụ” của lâm tặc Võ Văn Huy đối với nhà báo Hoàng Dưỡng, nó còn gây bất lợi cho cuộc chiến cam go bảo vệ những cánh rừng của vườn quốc gia Yook Đôn, trong đó có sự góp sức rất đáng kể của các nhà báo.

Còn nhiều điều chưa thỏa đáng ảnh 11

Mong muốn của nhà báo Hoàng Dưỡng - “Các đồng nghiệp hãy tiếp tục bảo vệ những cánh rừng cuối cùng của Tây Nguyên”. Ảnh : PV

Người dân ở TP Buôn Ma Thuột và tỉnh Đak Lak mong đợi HĐXX phiên tòa mở vào ngày mai sẽ làm rõ các điều chưa thỏa đáng, họ cho rằng việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung là cần thiết.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG