Wall Street giảm kỷ lục, gần 1.200 tỷ USD 'bốc hơi'

Wall Street giảm kỷ lục, gần 1.200 tỷ USD 'bốc hơi'
TPO - Hạ viện Mỹ bác bỏ kế hoạch giải cứu 700 tỷ USD, lập tức tác động xấu tới Wall Street khi thị trường này có phiên mất điểm kỷ lục trong lịch sử, với giá trị tương đương gần 1.200 tỷ USD.
Wall Street giảm kỷ lục, gần 1.200 tỷ USD 'bốc hơi' ảnh 1
Nỗi hoảng loạn của nhà giao dịch. Ảnh: AP

Chỉ số Dow Jones giảm 777,68 điểm, xuống còn 10.365,45 điểm, vượt qua đợt giảm điểm kỷ lục 721,56 điểm vào ngày giao dịch 17/9/2001, khi thị trường mở cửa trở lại sau sự kiện 9/11.

Nếu tính vế phần trăm, đây là đợt giảm khủng khiếp chỉ thua Ngày thứ hai đen tối (Black Monday) năm 1987 và trước Đại khủng hoảng (Great Depression) trong những năm 1930.

Tương tự, các chỉ số khác cũng giảm giá. Standard & Poor's 500 giảm 106,62 điểm, tức là mất gần 9% xuống còn 1.106,39 điểm. Đây cũng là đợt giảm giá kỷ lục của S&P kể từ tháng 10/1987.

Chỉ số Nasdaq mất 199,61 điểm, tức 9%, xuống còn 1.983,73%, mức giảm tồi tệ thứ ba trong lịch sử chỉ số này. Chỉ số Russell 2000 của các công ty nhỏ giảm 47,07 điểm tức 6,7% xuống còn 657,72 điểm.

Trong suốt phiên giao dịch, các nhà đầu từ luôn dán mắt lên màn hình xem tình hình kết quả của cuộc bỏ phiếu của Hạ viện về kế hoạch giải cứu 700 tỷ USD.

Chỉ trong vòng 5 phút sau khi Hạ viện bác bỏ kế hoạch giải cứu 700 tỷ USD, toàn bộ chỉ số công nghiệp Dow đã tụt dốc không phanh.

Hàng ngàn lệnh bán liên tiếp được thực hiện khiến cho 3.073 mã đồng loạt giảm giá, chỉ có vỏn vẹn 162 mã chứng khoán tăng giá.

Với mức sụt giảm như trên, thiệt hại mà các nhà đầu tư phải chịu tính theo giá trị thị trường lên tới xấp xỉ 1.200 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử con số thiệt hại trong một phiên vượt quá 1.000 tỷ USD.

Tương tự, giá dầu thô cũng đã giảm 10,52 USD xuống còn 96,36 USD/thùng trong phiên giao dịch rạng sáng nay tại New York do lo ngại kinh tế sẽ tiếp tục rơi vào khủng hoảng.

Còn vàng, nơi nhà đầu tư cảm thấy an toàn hơn, đã tăng 23,20 USD lên mức 911,70 USD/ouce trong phiên giao dịch Nymex.

Tuấn Đức
Theo AP/Reuters

Giới đầu tư Wall Street bị sốc

Ông Drew Kanaly, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Kanaly Trust Company, cho biết giới đầu tư Wall Street bị sốc và "hoàn toàn bất ngờ với kết quả bỏ phiếu, do vậy ngay trong 10 phút đầu tiên sau kết quả bỏ phiếu, chỉ số Dow Jones đã mất giá tới hơn 400 điểm. Các loại cổ phiếu chủ lực khác thậm chí còn bị mất giá thảm hại hơn.

Cổ phiếu của các tập đoàn tài chính và ngân hàng bị mất giá khủng khiếp nhất, dẫn đầu là ngân hàng Wachovia bị mất giá tới 80%, sau thông báo phải bán 2,2 tỷ USD tài sản cho Citigroup vì thua lỗ nặng. Cổ phiếu của ngân hàng National City bị mất giá 61% vì giới đầu tư xác định họ có thể sẽ là nạn nhân tiếp theo của cuộc khủng hoảng tài chính.

Để ngăn chặn nguy cơ sụp đổ của hệ thống tài chính toàn cầu do kết quả cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Mỹ, ngày 29/9 các ngân hàng trung ương thế giới, dẫn đầu là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), thông báo bơm thêm tổng cộng 330 tỷ USD vào hỗ trợ các ngân hàng thương mại.

Theo thông báo, riêng FED sẽ tăng gấp 3 các khoản tiền mặt cho các ngân hàng thương mại vay, từ 25 tỷ USD lên 75 tỷ đối với các khoản vay trong 28 ngày và từ 75 tỷ USD lên 225 tỷ USD đối với các khoản vay 84 ngày.

Chính phủ Bỉ và Hà Lan cũng quyết định chi 16 tỷ USD để quốc hữu hóa một phần ngân hàng chung Fortis NV, trong khi Chính phủ Đức cam kết chi 35 tỷ euro để bảo lãnh tập đoàn tín dụng bất động sản Hypo Real Estate Holdings AG.

Các ngân hàng trung ương của Anh, Na Uy, Nhật Bản, Áo, Đan Mạch, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Canađa và Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng tham gia vào chương trình cứu trợ toàn cầu mới lần này..

Theo Thái Hùng
TTXVN

MỚI - NÓNG