Quảng Bình: Tan hoang sau trận cuồng phong

Bão số 7 vẫn gây thiệt hại nặng

Bão số 7 vẫn gây thiệt hại nặng
TP - Theo dự báo, tỉnh Quảng Bình sẽ bị ảnh hưởng do bão số 7 mạnh nhất bắt đầu từ trưa đến chiều 30/9, tuy nhiên, thực tế bão vào sớm hơn khiến trở tay không kịp.

Chiều tối 29/9, có mặt tại huyện miền núi Minh Hóa, chúng tôi đã chứng kiến những đợt mưa tầm tã, gió giật mạnh. Cửa nhà dù đã được khóa, cột cẩn thận nhưng vẫn bị gió giật rung bần bật.

Mưa và gió mạnh kéo dài đến sáng 30/9 khiến đèo Đá Đẽo trên đường Hồ Chí Minh bị sạt lở nặng, tắc đường hoàn toàn.

Đến 8 giờ ngày 30/9, quốc lộ 12 từ thị trấn Quy Đạt (Minh Hóa) xuống thị trấn Đồng Lê (Tuyên Hóa) bị ngập nước một vài đoạn nên không thể lưu thông được.

Các vùng bị bão quần thảo, khung cảnh bao trùm là  xơ xác, tan hoang. Cây sập đổ ngổn ngang, lá cây bị bão xé tung rải dày trên mặt đất. Hàng chục km đường Hồ Chí Minh bị cây đổ gãy chắn ngang, làm tắc cả một tuyến dài. Ở thị trấn Hoàn Lão ( Bố Trạch),  nhiều cây cổ thụ bật gốc.

Cột điện dọc đường 12 thuộc địa phận xã Quảng Trường (Quảng Trạch), xã Vạn Trạch (Bố Trạch) bị gãy đổ, chìm trong nước khiến thông tin liên lạc bị gián đoạn, cắt đứt nhiều nơi.

Hàng ngàn mái nhà lợp bằng tôn, bảng biển quảng cáo từ to đến nhỏ bị gió xé toạc, hất tung, đổ nhào và bị vặn cong biến dạng. Thành phố Đồng Hới bị bão số 7 quần thảo từ rạng sáng cho đến 8 giờ khiến cho hệ thống cây xanh bị vặt trụi lá. Nhiều công sở bị cuốn tốc mái và kính cửa sổ bị gió giật vỡ tung. Điện chiếu sáng bị tê liệt từ sáng cho đến gần 18 giờ cùng ngày mới được khôi phục lại.

Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Quảng Bình đến chiều 30/9 toàn tỉnh có 5 người chết, 8 người mất tích, 16 tàu bị chìm, 3.000 ha lúa và hoa màu bị nhấn chìm, hơn 3.000 ngôi nhà bị đổ sập và tốc mái.

Thiệt hại trên địa bàn  chưa thể thống kê hết được. Chiều 30/9, lực lượng cứu hộ vẫn tìm cách đưa một chiếc tàu và 10 người trên tàu đang gặp nạn ở khu vực Cảng Gianh vào bờ.

Đến 18 giờ, UBND tỉnh đã có công điện khẩn chỉ đạo các đơn vị địa phương, tập trung khắc phục hậu quả của bão số 7 gây ra, trong đó đặc biệt chú ý không để cho dân thiếu đói, không để xảy ra dịch bệnh;

Kịp thời sửa chữa hệ thống trường học cho học sinh đến trường; Những nhà dân bị đổ và bị tốc mái cần khắc phục ngay tránh để dân sống “cảnh màn trời chiếu đất”; Khắc phục ngay các tuyến giao thông trọng yếu để đảm bảo thông tuyến; Cử cán bộ chủ chốt bám chắc địa bàn và nắm chắc diễn biến thời tiết để chủ động ứng phó. 

Hà Tĩnh: Ba người chết, hàng ngàn hecta lúa mùa sớm bị ngập

Theo Báo cáo của Ban phòng chống lụt bão tỉnh đã có 3 người bị chết là ông Nguyễn Văn Nam ở xã Thạch Trung, thành phố Hà Tĩnh và hai cháu Nguyễn Huy Cẩm, Nguyễn Huy Mạnh ở xóm Trà Sơn, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc. Có 5 người khác ở Kỳ Anh, Cẩm Xuyên bị thương nặng.

Thiệt hại về tài sản là 483 nhà bị tốc mái, 16 phòng học bị hư hỏng. Mưa bão đã gây thiệt hại 15 tỷ đồng cho ngành nông nghiệp của tỉnh. Diện tích lúa hè thu và mùa sớm đã bị đổ, ngập 941ha, rau màu bị hỏng 100ha, sắn bị đổ 2.100ha, ngô, lạc vụ đông bị hư hỏng gần 1000ha.

Diện tích ao đầm nuôi trồng thuỷ sản bị ngập sâu hơn 400ha, tôm, cá bị mất. Không chỉ vậy, hệ thống truyền tải điện có 220 cột bị đổ gãy, 750m đường dây bị đứt; đê điều bị sạt lở trên chiều dài 3km, đường giao thông bị sạt lở 5.000m3 đất đá và 5.500m2 mặt đường nhựa bị hư hỏng. Tổng thiệt hại khoảng 30 tỷ đồng.

l Tại huyện Kỳ Anh, tàu Phú Hưng 16 của Cty TNHH Phú Hưng ở Hải Hậu - Nam Định, chở 850 tấn xi măng từ cảng Hải Phòng đi Đà Nẵng, khi đến vùng biển Hà Tĩnh thì gặp gió bão. Từ 2 giờ sáng các thuyền viên đã phát tín hiệu cấp cứu. Tuy nhiên do sóng to, gió lớn lại không có các phương tiện nên các lực lượng cứu hộ không thể tiếp cận thuyền, đến 7 giờ sáng thì tàu bị chìm ở khu vực Kỳ Phương huyện Kỳ Anh, cách đất liền 1,5 km.

Nhận được tin báo, đồn biên phòng Cảng Vũng Áng đã triển khai lực lượng cứu hộ đưa toàn bộ 10 thuyền viên vào bờ. Hai thuyền viên bị thương nặng là Phạm Văn Đạt  và Cao Văn Hoà đã được lực lượng bộ đội biên phòng sơ cứu và chuyển đến bệnh viện huyện.    

Đà Nẵng: Kịp thời ứng cứu ba tàu bị nạn và 63 ngư dân mắc kẹt trong bão

Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (DMRCC) cho hay, ba tàu SAR của trung tâm đi cứu nạn khởi hành 16giờ chiều 29/9 đã tiếp cận và cứu hộ thành công hai tàu cá bị hỏng máy, một tàu bị chìm cùng 63 ngư dân gần tâm bão.

Được biết, tàu SAR 412 cứu hộ thành công 2 tàu ĐNa 90349 và ĐNa 90019 cùng 53 ngư dân, còn tàu SAR 27 – 04 cũng đã ứng cứu thành công tàu Đna 90240 cùng 10 ngư dân đang bị chìm tại 16,14 độ Bắc – 108,29 độ Đông.

Các tàu ngư dân đã được lai dắt an toàn về đảo Cù Lao Chàm, Quảng Nam. Ngoài ra, hai tàu Singapore gặp nạn là YinXon Power 2, 3 cũng đang được lực lượng Hải quân Việt Nam tích cực cứu hộ cứu nạn.

Thông tin từ UBPCLB TP Đà Nẵng cho hay, khoảng 21 giờ tối 29/9, hai tàu vùng 3 Hải quân là HQ 714 và HQ 715 đã tiếp cận với tàu bị nạn, cứu sống tám người và vớt được thi thể của một thủy thủ trên tàu YinXon Power 2.  

Quảng Trị:Năm người mất tích, 10 tàu thuyền bị chìm

Theo Chi cục Phòng chống lụt bão và Quản lý đê điều Quảng Trị. Do ảnh hưởng của bão số 7, từ đêm 29 đến sáng 30/9, ở Quảng Trị có mưa to và rất to. Trên địa bàn có 10 tàu, thuyền bị đắm và hư hỏng nặng, trong đó có 2 chiếc của Đà Nẵng, 1 chiếc của Đồn BP 214 Cồn Cỏ trú ở âu tàu Cồn Cỏ; 5 tàu của ngư dân huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) bị chìm, mới trục vớt được 4.

Riêng tàu QB 2229 của Quảng Bình (chủ tàu là ông Hồ Văn Quân), do chủ quan không vào neo đậu tránh bão trong âu cảng Cửa Tùng mà neo đậu ngoài lạch nên gió to sóng quật mạnh đứt dây neo làm tàu trôi, 2 người nhảy xuống biển bơi vào bờ được, 5 người khác gồm cha con ông Võ Văn Giải và Võ Văn Dưỡng (thôn An Đức 1, xã Vĩnh Quang, Vĩnh Linh, Quảng Trị) cùng 3 người nữa tên là Xuân (50 tuổi), Lòi (41 tuổi) và Long (37 tuổi) quê Bố Trạch, Quảng Bình bị trôi ra biển, hiện vẫn chưa tìm thấy.  

Quảng Ngãi: Đã cứu, liên lạc được với các tàu bị nạn

Chiều 30/9, tin từ BCH Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tàu cứu nạn của Hải Quân vùng 3 (Đà Nẵng) đã tiếp cận và lai dắt tàu của ông Phạm Văn Bình ở xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn mang số hiệu QNg 96525-TS về vũng neo đậu tàu thuyền của huyện đảo Lý Sơn.

Chiếc tàu này có 13 lao động, trong lúc tìm đường chạy tránh bão vào chiều 29/9 thì bị hỏng máy. BĐBP cũng đã liên lạc được với ba tàu của các ngư dân ở xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn gồm: Tàu của ông Lê Văn Lộc (QNg 6137-TS, với 16 lao động); tàu của ông Lê Đức (QNg 96554-TS, 11 lao động) và tàu của ông Phạm Mùi (QNg 96309- TS, 14 lao động).  

MỚI - NÓNG