Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn (1/10/1908 - 1/10/2008)

Trập trùng huyền thoại

Trập trùng huyền thoại
TP - Cũng chả phải rỗi, nhưng nhiều bận cứ lẩn thẩn giở chồng vở ghi chép đã ngả màu. Có lắm cái bất chợt từ những vụn hồi ức cũ... Mới đây lật cuốn sổ be bé gián đã nhấm lỗ đỗ quanh mép. Ra một trang Nguyên tiêu Bắc Kinh năm Kỷ Mão 1999...

Dòng chữ nguệch ngoạc ấy chợt bừng thức một việc, nói đúng hơn một sự kiện, sớm nay vừa nhận cái giấy mời kỷ niệm chẵn trăm năm sinh tướng Nguyễn Sơn...

Chưa phải là Nguyên tiêu rằm tháng Giêng nhưng bữa ấy là 13 âm lịch. Hoá ra trăng Bắc Kinh gần viên mãn cữ rằm cũng như trăng xứ Việt mình những bữa trời trong thôi.

Cũng lạ, những đèn đuốc muôn cỡ loá mắt của Bắc Bình hiện đại là thế bỗng ló ra một vầng trăng qua tán lá! Tự dưng thế thôi chứ đang quáng quàng bấn bíu chạy theo chương trình chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tại Trung Quốc chứ bụng dạ tâm trí đâu mà trăng với sao!

Bảy giờ rưỡi tối 13 âm lịch ứng với tối thứ Sáu ngày 26  tháng 2 năm 1999, Tổng Bí thư có cuộc gặp bà con Việt kiều tại Sứ quán Việt Nam.

Sau bài nói ngắn, Tổng Bí thư cười thân mật “Nào giờ cho phép tôi chuyện trò với bà con Việt kiều một chút...”. Đại sứ Bùi Hồng Phúc tươi cười mời mọi người sang phòng bên.

Trong số những người có mặt có con gái và hai cháu ngoại của Giáo sư Nguyễn Khánh Toàn. Cuộc đời Giáo sư thật đặc biệt. Ông được Đảng cộng sản Pháp cử đi học Đại học phương Đông ở Maxcơva, kiến thức uyên bác về nhiều lĩnh vực rồi trở thành Giáo sư Viện sĩ của nhiều nước trên thế giới.

Sau này bận rộn ở cương vị quản lý là Thứ trưởng Bộ Giáo dục, Bí thư Đảng Đoàn Bộ Giáo dục nhưng ông vẫn có thời gian lên lớp ở nhiều trường đại học, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ trí thức Việt Nam.

Trong thời gian hoạt động ở Trung Quốc cũng như Liên Xô cũ, con người to cao đẹp trai đầy phong độ ấy đã có nhiều mối tình và cũng khá hi hữu là có gia đình riêng ở cả hai nước! Mà hình như ở cả ba nước trong đó có Việt Nam nữa chứ?

Hai người con gái của Giáo sư dẫn theo hai cậu con trai vóc dáng cao lớn khá đẹp trai chắc có hưởng  chút “gien” của  ông ngoại. Cả hai chị em,  bốn mẹ con bác cháu, tiếc cái là không ai nói được tiếng Việt! Tôi quên mất tên người chị và chỉ nhớ tên người em là Lan, Nguyễn Khánh Lan.

Một làm ăn tận Hồng Kông một làm ăn ở Bắc Kinh. Tổng Bí thư với nụ cười thông cảm khi biết được bà vợ Giáo sư Nguyễn Khánh Toàn tuổi cũng đã cao lại yếu mệt nên không đến được. Ông trân trọng trao gói quà tặng vợ Giáo sư để chút nữa hai chị em mang về...

Tôi nhớ đó là những quả thanh long của vùng Bình Thuận xứ mình. Hôm trước khi gửi nộp đồ đạc ở vụ lễ tân Ban đối ngoại, tôi nhác thấy người ta đóng thùng khá nhiều quả thanh long này để làm quà biếu.  Cũng lạ, đất nước mênh mông này đâu thiếu những “thời trân thức thức sẵn bày” nhưng hình như chưa có quả thanh long?

Trập trùng huyền thoại ảnh 1

Từ trái qua: Trần Hàn Phong, bà Trần Kiếm Qua, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, hai vợ chồng TiểuViệt. Bắc Kinh tháng 2 năm 1999 Ảnh: Xuân Ba

Tiếp đó, Tổng Bí thư tiến đến bên một cụ bà dỏng thâm thấp, quàng chiếc khăn lụa màu, vẻ mặt phúc hậu dáng hơi còng nhưng vẫn toát lên vẻ tinh anh mau mắn...

Tôi sững người khi nghe giới thiệu đó là bà Trần Kiếm Qua, phu nhân tướng Nguyễn Sơn - Vũ Nguyên Bác - vị lưỡng quốc tướng quân huyền thoại!

Hai người đàn ông đã đứng tuổi có gương mặt tròn phúc hậu tươi cười đứng bên. Đó là hai người con của tướng Nguyễn Sơn.

Tổng Bí thư thân thiết cầm lấy đôi bàn tay phu nhân Trần Kiếm Qua ân cần hỏi thăm sức khoẻ và gia cảnh. Cũng chỉ biết loáng thoáng rằng tướng Nguyễn Sơn có gia đình bên này nhưng được gặp họ ở đây tôi vẫn khá bất ngờ.

Lịch sử dẫu ngẫu nhiên lẫn tình cờ, chả nói riêng chi hai nước Việt - Trung mà cả trên hành tinh này, liệu có chuyện hy hữu một người mà hai nước phong tướng? Lại nữa, ba lần đến Trung Quốc với các sứ mệnh khác nhau. Ba lần bị khai trừ khỏi ĐCS Trung Quốc và cũng được hồi phục.

Tham gia Vạn lý trường chinh với những Mao Trạch Đông, Chu Đức, Diệp Kiếm Anh... trong đội hình hơn 30 vạn người ăn tuyết nằm sương, mặt đầy gió bụi, lòng rộng hơn sông gan to hơn núi  (thơ Tố Hữu) trải qua hơn năm vạn hai ngàn lý (12.500 km) khi đến nơi chỉ còn gần 3 vạn quân.

Hào quang  huyền thoại về việc tham gia cuộc Vạn lý trường chinh của Hồng Thủy - Nguyễn Sơn còn chưa tắt thì với cái tài dùng người của Hồ Chí Minh, tên tuổi ông lại càng chói sáng hơn với vị tướng Tư lệnh khu Bốn văn võ song toàn.

Chưa hề lùi lắng lại những ngày chống Pháp gian nan ấy, bằng cớ là bây giờ ở Việt Nam nhất là vùng Thanh Hóa khu Tư người ta vẫn truyền tụng về những câu chuyện tài văn lược võ của ông. Cả về cái chuyện mới hơn tứ thập mà đã trải qua 4 đời vợ, một Hoa ba Việt với 8 người con mà mãi hơn 20 năm sau ngày ông mất các con mới lại gặp nhau lần đầu! vv... và vv... 

Thời gian của buổi sơ kiến chả có bao. Đợi lúc Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cùng đoàn tuỳ tùng rời Sứ quán (trước lúc về không quên chu đáo có quà cho cả gia đình phu nhân Trần Kiếm Qua, hình như có cả những quả thanh long Bình Thuận thì phải?) tôi đánh liều nán lại...

Bởi biết trong cái nghiệp ghi chép, những sự kiện gặp được như thế này không phải là nhiều... Và động tác đầu tiên là kính cẩn nắm lấy hai bàn tay mềm nhưng ấm của trưởng lão phu nhân Trần Kiếm Qua. Bà ngỏ lời cảm ơn khi tôi cho cả nhà hay rằng ở Việt Nam chuyện về tướng Nguyễn Sơn vẫn đậm đà và gây nhiều dấu ấn đối với các thế hệ người Việt...

Tôi biết người đàn ông đứng tuổi có tên thân mật do tướng Nguyễn Sơn đặt là Tiểu Phong họ tên đầy đủ là Trần Hàn Phong lúc đó công tác ở một Vụ thuộc Quốc Vụ viện CHND Trung Hoa. Người em tên là Tiểu Việt đang làm ăn ở một công ty ở Bắc Kinh. Trần Hàn Phong sinh tháng Giêng năm 1944 tại căn cứ địa Diên An, khi đó Hồng Thủy – Nguyễn Sơn đã 36 tuổi. Tiểu Việt sinh tháng 2 năm 1946 cũng ở Diên An.

Sinh ra không biết mặt bố vì thời điểm đó tướng Nguyễn Sơn đang ở tít mù tận Khu tư Thanh Hoá của Việt Nam. Tên là do mẹ đặt để nhớ về người cha đang trả nợ nước nơi cố quốc. Khi Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn bị bạo bệnh rời Trung Quốc để xin được chết ở quê nhà Kiêu Kỵ, Gia Lâm Hà Nội thì Tiểu Phong đã 12 tuổi, Tiểu Việt lên 10.

Nhưng oái oăm cái nỗi, không trục trặc chiến tranh bom đạn chi ráo, thông tin liên lạc không hề gián đoạn tắc nghẽn, nhưng cả hai anh em, đúng hai năm sau mới biết bố mình đã không còn trên đời mà cứ ngỡ cha đi kháng Mỹ viện Triều như câu chuyện của mẹ thường kể cho hai anh em khi ấy.

Đó là cả một câu chuyện dài bi thương... Dài như cô gái có cái tên Trần Ngọc Anh yểu điệu thục nữ vùng Đông Dã trở thành đội viên tuyên truyền của chiến khu Tấn- Sát- Ký nổi tiếng với cái tên Trần Kiếm Qua (kiếm qua = giáo mác) do tướng Nguyễn Sơn đặt cho.

Dài như từ cái đêm tân hôn Kiếm Qua - Hồng Thủy đọc cho nhau nghe và tâm đắc hai câu thơ của Vương Bột xửa xưa từ đời Đường nhưng dường như đã dự cảm cho hậu thế một mối lương duyên quốc tế vô sản Hải nội tồn tri kỷ/ Thiên nhai nhược tỷ lân (Bốn bể còn tri âm/ Thiên hạ xa mà gần) đến cái ngày bà ở tuổi 86 khóc ngất trên nấm mồ tướng Nguyễn Sơn ở nghĩa trang Mai Dịch.

Dằng dặc như chuyện Tiểu Phong lớn lên nhờ những hộp sữa mà Tư lệnh Chu Đức nhường cho trong những ngày gian khó ở Diên An, cũng là những ngày vắng cha, cho đến cái ngày ông  và Tiểu Việt tìm đến Hà Nội đoàn tụ cùng mấy anh chị em cùng cha khác mẹ...

Vầng trăng sắp nguyên tiêu gặp bữa trời trong cứ vằng vặc trên khuôn viên Sứ quán. Không dám làm phiền hai anh em Tiểu Phong, Tiểu Việt, thêm nữa chẳng dám bất kính nài cụ bà Trần Kiếm Qua ngồi thêm nữa, tôi đành tạm kết thúc buổi sơ kiến mà mình đang rất muốn nghe thêm...

Nói tạm là tôi dự định sau đó sẽ có buổi nhờ anh em sứ quán dẫn đến nhà riêng để thăm cụ bà với  hai anh em... Nhưng dự định ấy có lẽ mãi vẫn chỉ là dự định bởi lịch trình chuyến đi đã cuốn theo những kẻ tháp tùng.

Nhưng có lẽ tôi cũng bớt chút tiếc nuối của sự lỡ dở bởi lúc chia tay, anh Trần Hàn Phong có hé cho tôi  rằng  cụ nhà đang gấp rút hoàn thành cuốn hồi ký về cuộc đời mình từ khi gắn bó với người đàn Việt Nam Hồng Thuỷ- Nguyễn Sơn đến tận lúc đó!  Các anh chấp bút cho cụ? Không, mẹ tôi tự làm! Nhờ trời cụ còn minh mẫn như anh thấy...

Cái năm Kỷ Mão 1999 qua mau. Rồi 2000, 2001... Những diệu vợi  nhiêu khê này khác dường như đã hướng những trông đợi vào những bóng chim tăm cá. Cuốn hồi ký của một bà lão ở tuổi 86? Hay lại là một huyền thoại nữa đây?

Ghi chép của Xuân Ba
(Còn nữa)

MỚI - NÓNG