Điện: Phải có luật kiểm soát độc quyền

Điện: Phải có luật kiểm soát độc quyền
TP - Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, ngành điện có cơ quan điều tiết điện nhưng cả nước chưa có cơ quan quản lý độc quyền nên hiệu lực của cơ quan điều tiết điện hiện cũng nằm trong Bộ Công thương, chưa được như mong muốn.
Điện: Phải có luật kiểm soát độc quyền ảnh 1
Người dân hi vọng, giá điện sẽ tăng cùng với chất lượng phục vụ - Ảnh Phạm Yên

EVN vừa trình phương án tăng giá điện 20% kể từ năm 2009. Theo ông với tình hình kinh tế hiện nay của Việt Nam việc tăng giá điện này có làm ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế?

Theo thông tin tôi biết thì Thứ trưởng Bộ Công thương Bùi Xuân Khu đã cho biết EVN đề nghị mức tăng cao hơn mức 20% nhưng sau khi cân nhắc Bộ Công thương chỉ đề xuất tăng 20%.

Việc tăng giá điện là điều có lẽ không tránh khỏi vì Chính phủ đã ổn định giá điện trong khi giá các nhiên liệu đầu vào đang tăng mạnh. Giá dầu lên cao, giá than xuất khẩu cũng lên cao nên việc kìm không tăng giá điện quá lâu cũng khó có thể bảo đảm được. Vấn đề là nên tăng như thế nào?

Ngành điện hoạt động đương nhiên phải có lãi vì có lãi thì ngành điện mới có thể đầu tư và kinh doanh lâu dài được. Nếu để ngành điện lỗ, không ai đầu tư vào ngành điện thì mạng điện sẽ sập, không có nguồn điện để cung ứng. Thực tế này đã diễn ra ở California Mỹ hồi những năm 1980.

Việc tăng giá điện ở đây có 3 vấn đề. Một là nên nâng giá điện từng bước. Tôi thấy trong cuộc sống không có trường hợp nào mà lại tăng đột ngột đến 20 - 30% như vậy. Tăng đột ngột sẽ khiến người tiêu dùng gặp khó trong điều chỉnh. Việc điều chỉnh giá điện sẽ khiến người tiêu dùng phải tiết kiệm hơn và phải sử dụng những nguồn khác ngoài điện.

Giữ giá điện ổn định nên trong thời gian qua khi giá gas cao nhiều doanh nghiệp, người dân đã quay sang dùng điện, tăng thêm áp lực cho ngành điện.

Điện: Phải có luật kiểm soát độc quyền ảnh 2
Ông Lê Đăng Doanh

Vấn đề thứ hai là vấn đề quan trọng là giá thành của ngành điện  thế nào là hợp lý và mức tăng thế nào là có lãi. Trong tình hình này không thể có quyết định vừa làm hài lòng ngành điện vừa làm hài lòng người tiêu dùng.

Điểm thứ ba cần nhấn mạnh là trong hoàn cảnh hiện nay cả xã hội  người tiêu dùng và sản xuất phải tiết kiệm tối đa và tìm các nguồn năng lượng khác thay thế như khí sinh học, mặt trời, gió... Đó mới là xu hướng lâu dài.

Ngành điện đưa ra lý do giá điện thấp hơn giá khu vực để họ đề nghị điều chỉnh giá điện. Nhưng có ý kiến cho rằng EVN chưa đặt trong bối cảnh thu nhập chung của Việt Nam? Ông có thấy điều này hợp lý?

Ở đây có hai mặt. Một là ngành điện có lý vì nguyên liệu đầu vào không phụ thuộc theo thu nhập của nước nào cả. Giá dầu, giá than, giá máy móc đều không phụ thuộc. Nhưng ở Việt Nam có tỷ lệ thủy điện tương đối lớn nên chúng ta cần đưa lên bàn cân tính toán một cách sòng phẳng.

Theo tôi, cần có một mức giá điện linh hoạt và đa dạng. Một mức giá điện thấp cho những người tiêu dùng ít, tối thiểu và có mức tăng có hợp lý và mức tăng tùy theo giờ cao điểm. Các việc này chúng ta cũng cần công bố công khai và lấy ý kiến toàn dân để cho mọi người đồng thuận.

Theo ông, với việc nâng giá điện thì chất lượng điện có cải thiện?

Đây là vấn đề tôi rất mong ngành điện trả lời cho người dân là nâng giá điện thì chất lượng điện có tốt lên không và việc cân đối nguồn điện như thế nào. Người dân hy vọng rằng tôi trả giá cao hơn thì tôi phải được hưởng chất lượng điện tốt hơn.

Theo tôi không nên tính đến mức tăng đồng loạt nhưng mức tăng  đối với người sản xuất phải tăng tương ứng. Nhà nước không nên tăng giá điện với người tiêu dùng để bù lỗ cho những người sản xuất. Bởi giá điện tăng ở mức cao thích hợp sẽ là sức ép lành mạnh để người ta phải cải tiến công nghệ và giảm tiêu hao năng lượng điện.

Có ý kiến ngành điện vốn được coi là độc quyền nên việc cắt điện, nâng giá không cần tham khảo ý kiến của các cơ quan, người dân. Ông có cho rằng đây là hành động coi thường người dân?

Chính vì độc quyền nên cần có điều tra độc lập, đối thoại công khai. Ngành điện có cơ quan điều tiết điện nhưng cả nước chưa có cơ quan  quản lý độc quyền vì vậy hiệu lực của cơ quan điều tiết điện, hiện cũng nằm trong Bộ Công thương, chưa được như mong muốn. Nếu làm theo các nước thì phải có luật kiểm soát độc quyền. Với luật đó thì Ủy ban giám sát về vấn đề này sẽ có quyền giám sát những việc tương tự như thế này.

Xin cảm ơn ông.

Phạm Tuyên thực hiện

MỚI - NÓNG