Trập trùng huyền thoại - Kỳ III

Trập trùng huyền thoại - Kỳ III
TP - Tôi có ý ngóng mãi mà chưa thấy có  bài báo nào chi tiết thêm về người vợ miền Nam của tướng Nguyễn Sơn, bà Huỳnh Thị Đổi.
Trập trùng huyền thoại - Kỳ III ảnh 1
Ông Trần Hàn Phong (hàng ngồi, người đầu tiên bên phải), bà Vũ Thanh Các (ngồi bên cạnh ông Phong) cùng một số con, cháu của tướng Nguyễn Sơn và quan khách tại Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Ảnh: Xuân Ba

Dịp lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn do Hội khoa học lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng tổ chức, tôi may mắn gặp người con rể của tướng Nguyễn Sơn, ông Nguyễn Thế Hải. Những tưởng người vợ miền Nam khi sinh hạ cho tướng Nguyễn Sơn một cô bé kháu khỉnh liền sau đấy những là bóng chim tăm cá hóa ra không hẳn vậy.

Câu chuyện với ông Hải dẫn tôi về tít tận những ngày ông với cương vị Bí thư chi đoàn Đoàn Văn công quân Giải phóng. Ca sĩ Mai Lâm mới tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội, vừa được bổ sung vào đoàn văn công thanh sắc thời điểm ấy đang khá nổi.

Bí thư đoàn Nguyễn Thế Hải có trách nhiệm kèm cặp bồi dưỡng Mai Lâm cả về chuyên môn lẫn chính trị. Gì chứ cái đường chính trị thì khỏi phải bàn. Mai Lâm là con gái của tướng Nguyễn Sơn huyền thoại...

Mãi khi đã thân nhau, trong những ngày ở chiến trường ác liệt sống chết kề nhau trong gang tấc, Thế Hải mới được Mai Lâm kể cho nghe về người mẹ miền Nam mà khi đó Thế Hải cho là khá đặc biệt.

Bà Huỳnh Thị Đổi là con gái của cụ Huỳnh Văn Chim. Gia đình cụ Huỳnh Văn Chim là một điền chủ giàu có nổi tiếng ở vùng Vĩnh Long. Huỳnh Văn Chim được giác ngộ và tham gia cách mạng từ rất sớm. Những năm ba mươi của thế kỷ trước, ông đã là cán bộ tuyên huấn của Xứ ủy Nam kỳ rồi Phó Bí thư huyện ủy Trà Ôn của Vĩnh Long. Năm 1934, ông không may bị sa vào tay giặc bị tra tấn hết sức dã man rồi bị đày đi Côn Đảo.

Chế độ lao tù hà khắc đã giết dần giết mòn cụ. Giữa năm 1936, cụ trút hơi thở cuối cùng ở xứ địa ngục trần gian Côn Đảo. Cụ Huỳnh Văn Chim, gái trai có tám người  thì 4 con trai của cụ đã bỏ mình trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Trong những người con gái của cụ thì Huỳnh Thị Đổi có nhan sắc khá mặn mòi. Cô đã từ chối khá nhiều đám dạm hỏi mà tinh những loại có thế lực nếu không điền chủ thì cũng công chức hạng sang của xứ Nam kỳ. Cô từ chối hết thảy để tham gia cách mạng. Huỳnh Thị Đổi đã từng bị địch bắt giam  với bà Bảy Huệ (sau này là phu nhân của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh).

Trong một lần vượt ngục, bà Đổi may mắn trốn thoát và được tổ chức bố trí thoát ra ngoài miền Trung. Cách mạng tháng Tám thành công, cô Huỳnh Thị Đổi được bố trí công tác lên vùng Tây Nguyên phụ trách kinh tài của cơ quan. Năm 1946, cô được điều về công tác ở Quảng Ngãi.

Người chiến sĩ hồng quân Hồng Thủy từng tham gia vạn lý trường chinh với những Mao Trạch Đông, Chu Đức, Chu Ân Lai... theo lệnh của Hồ Chủ tịch trở về Việt Nam tham gia kháng chiến có tên là Nguyễn Sơn. Khi đó ông là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến miền Nam kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến miền Nam Trung Bộ, Tham mưu trưởng Quốc phòng, Hiệu trưởng trường Sĩ quan Lục quân Quảng Ngãi...

Danh tiếng Nguyễn Sơn nổi như cồn. Trai tài gặp gái sắc. Thời điểm gặp bà Đổi không lâu sau đó cũng là lúc Nguyễn Sơn đột ngột tiếp được hung tin (mãi khi về lại Trung Quốc mới biết là nhầm) rằng vợ và hai con trai đã bị sát hại trong cuộc phi cơ Nhật oanh tạc vào chiến khu Diên An.

Cuộc hôn nhân giữa vị tướng tài hoa và cô cán bộ cách mạng có nhan sắc mặn mòi diễn ra như một sự tất yếu. Nguyễn Mai Lâm là kết quả của cuộc hôn nhân ấy.

Bây giờ ngồi chép những dòng này tôi quên bẵng không hỏi ông Thế Hải bởi gần như là một sự đứt đoạn, một góc khuất trong tiểu sử của Mai Lâm bởi  sau khi sinh nở Mai Lâm, cô Đổi đã đi những đâu, rời đất Quảng Ngãi đến những nơi nào?

Đến năm 8 tuổi Mai Lâm lại về ở với 4 người con của mẹ Hằng Huân, người vợ sau cô Đổi của tướng Nguyễn Sơn? Sau những ngày biểu diễn phục vụ bộ đội ở chiến trường B2 ác liệt, năm 1967, Đoàn văn công quân Giải phóng được ra thăm miền Bắc, kế đó là chuyến đi biểu diễn của Đoàn đến Trung Quốc, Liên Xô.

Tôi cũng được ông Hải kể thêm về chi tiết Nguyên soái Diệp Kiếm Anh nhận ra Mai Lâm là con gái người bạn chiến đấu Hồng Thủy tiếp thân mật và tặng quà ra sao. Lại cả việc Mao Trạch Đông ủy thác cho Giang Thanh có cuộc gặp thân mật Mai Lâm nữa...

Một điều vô cùng hạnh phúc của Mai Lâm trong chuyến đi đó  cô đã gặp được người mẹ Trung Quốc Trần Kiếm Qua và hai người anh Tiểu Phong và Tiểu Việt ngay tại Bắc Kinh. Chuyện của ông con rể càng về cuối càng như một thứ cổ tích có hậu.

Ngay sau ngày miền Nam giải phóng, đúng ngày 19/5/1975, vợ chồng ông đã bất ngờ bắt liên lạc và tìm được người vợ cũ của tướng Nguyễn Sơn Huỳnh Thị Đổi ra sao. Những ngày cuối của bà được sống trong tình thương của cả nhà con gái con rể và cô cháu ngoại kháu khỉnh cho đến khi bà mất năm 1987.

Phần mộ bà Đổi hiện ở phường An Hòa thành phố Cần Thơ. Tấm lòng hiếu thảo của con rể cùng con gái đã dẫn họ ra tận địa ngục trần gian Côn Đảo sau ngày đất nước thống nhất. Tại Côn Đảo, cũng phải mất khá nhiều công sức, họ đã tìm được phần mộ của người cha vợ tướng Nguyễn Sơn, nhà cách mạng  Huỳnh Văn Chim.

Lên 8 tuổi, Mai Lâm về ở với mẹ Hằng Huân cùng 4 em. Sóng gió khó khăn thời bao cấp dường như chỉ làm tình cảm của 6 mẹ con gia đình bà Hằng Huân thêm nồng đượm. Có lúc cả nhà hết gạo, chị em phải ăn ngô khoai lang trừ bữa. Tình hình như vậy có lúc kéo dài hàng chục ngày.

Khi có gạo, chị Mai Lâm cùng em phải căn giờ dậy thật sớm để đi xếp hàng mua gạo. Gạo đa phần đã có mọt. Vậy mà chỉ có một nồi cơm một bát tô rau muống luộc là cả nhà đã xì xụp ngon lành.

Có lần bà Hằng Huân nói rõ cho con biết Đảng, Chính phủ Trung Quốc đã cấp cho bố con 3 vạn nhân dân tệ. Theo thời giá năm 1956 có thể đổi thành 30 triệu đồng. Bố con đã lấy ra hai triệu mua quà tặng họ hàng, bạn bè chiến đấu còn lại 28 triệu đồng.

Với giá tiền của năm 1956, một triệu đồng có thể mua một tòa biệt thự ở trung tâm Hà Nội. Khi bà Huân trao tiền cho Nhà nước theo lời dặn của tướng Nguyễn Sơn, Bộ Quốc phòng đã viết biên nhận đầy đủ. Nhưng bà Huân quyết không giữ lại đã đốt bỏ trước mặt mọi người để làm chứng.

Cũng tại buổi lễ kỷ niệm trăm năm tướng Nguyễn Sơn, câu chuyện của tôi với bà Thanh Hà, người con gái đầu của tướng Nguyễn Sơn và Hằng Huân cứ dài mãi ra về những ngày gia đình bà ở Trung Quốc, cả thời gian mới đầu về Hà Nội năm 1956 ra sao.

Trực tiếp chứng kiến cảnh cha mình ra đi vì bạo bệnh và đám tang với những ấn tượng khủng khiếp như thế nào. Trí nhớ của cô bé lên 10 khi ấy cho đến bây giờ vẫn còn rất sâu đậm. Hết thảy mọi điều, bà Hằng Huân gần như tâm sự với cô con gái lớn mọi việc trong đó có việc sẽ ăn ở cư xử với người mẹ Trung Quốc Trần Kiếm Qua cùng các anh cùng cha khác mẹ.

Cuối năm 1973, lần đầu Tiểu Phong dẫn em Tiểu Việt đến căn nhà ọp ẹp của bà Hằng Huân trong một hẻm nhỏ. Lần gặp ấy chỉ thiếu mỗi Mai Lâm đang ở trong chiến trường còn 7 anh chị em đều có mặt... 

Cuộc sum họp cùng những giọt nước mắt ngày ấy, tôi nghĩ phải có bàn tay nhân ái của hai bà mẹ Trung Quốc Trần Kiếm Qua và Việt Nam, Hằng Huân sắp đặt? Những người con của tướng Nguyễn Sơn đều đã trưởng thành. Trung tá quân đội Nhân dân Việt Nam Nguyễn Thanh Hà, cán bộ Học viên quân sự nay đã nghỉ hưu và lên chức bà nội bà ngoại. Trung tá Nguyễn Cương thuộc Bộ Tư lệnh thông tin, em kế bà Hà nay cũng đã nghỉ hưu có một con trai, một con gái. Cô út Nguyễn Việt Hằng, cũng theo nghiệp binh như bố Nguyễn Sơn và các anh chị của mình.

Chỉ tội nghiệp Việt Hồng, cô gái thứ ba học rất giỏi được đi học ở Tiệp Khắc cũ. Do cú sốc bị ngăn cấm tình yêu với một thanh niên Tiệp đã khiến bà gần như tàn phế về tâm hồn và tinh thần suốt đời. Việt Hồng hiện nay đã 55 tuổi mà vẫn trầm cảm vò võ một mình như thế...

Bà Hà cho hay, ngay sau buổi lễ kỷ niệm trăm năm ngày sinh của cha, mấy anh chị em trong đó có vợ chồng Trần Hàn Phong và Lâm Song Song bên Trung Quốc sang (là khách mời của Bộ Quốc phòng Việt Nam. Vợ chồng Tiểu Việt bận chăm sóc mẹ, bà Trần Kiếm Qua năm nay tuổi đã 94 nên không sang dự lễ được.

Tiểu Việt hiện nay đang phụ trách một Cty kinh doanh có tên là Thăng Long. Cô con gái của Hàn Phong là Trần Nguyễn Lăng cũng không sang được vì đang công tác với chồng bên Úc.

So với cuộc gặp 9 năm trước, ông trưởng nam của tướng Nguyễn Sơn lần gặp này ngó vẻ bệ vệ hơn. Ở bên Trung Quốc, có rất nhiều công việc đang đợi ông. Đó là việc góp phần với các cơ quan nghiên cứu văn hóa làm nhiệm vụ quảng bá hình ảnh tướng Nguyễn Sơn, cụ thể là giúp các học giả, các cơ quan nghiên cứu việc các chiến sĩ quốc tế tham gia khởi nghĩa Quảng Châu và Trường Quân sự Hoàng Phố.

Thật hiếm hoi khi có một nhân chứng sống, một công dân Trung Hoa đó là người con của  Nguyễn Sơn từng tham gia khởi nghĩa Quảng Châu và theo học khóa 4 Trường Quân sự Hoàng Phố) sẽ cùng đến cơ sở y tế lâu nay chăm sóc Việt Hồng để thăm bà.

Tất nhiên không thể thiếu bà lão Nguyễn Thanh Các năm nay cũng đã ngoại bát tuần. Người con gái của tướng Nguyễn Sơn với bà Hoàng Thị Diệm (mất năm 1952) tóc trắng xóa, đi lại phải có người dìu nhưng đã bay từ TPHCM ra dự kỷ niệm trăm năm sinh nhật bố.

Chồng bà là một vị lão thành cách mạng năm nay tuổi đã 92. Bà là chủ một cộng đồng vui vẻ gồm 4 trai 1 gái cháu chắt đầy nhà. Với trí nhớ hẳn còn mẫn tiệp, bà kể cho các nhà báo nghe về thời gian bà làm công tác quản lý trong Trường Thiếu sinh quân, câu chuyện bà thường kể cho các học viên tuổi như con mình là những câu chuyện bất tận đẹp như huyền thoại về người cha yêu quý, Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn.

Bà Thanh Hà cũng không quên giới thiệu cho tôi những người thân của gia đình Vũ Ngọc Phan - Hằng Phương trong đó có nữ họa sĩ Vũ Giáng Hương mà bà gọi là chị, có mặt trong lễ kỷ niệm.

Trong câu chuyện của bà, đâu như tôi có nghe loáng thoáng về lần lẩu lâu nào đó, Thanh Hà đã mục sở thị một cảnh đầm ấm. Đó là hai người con gái vốn là hoa khôi của nhà yêu nước Sở Cuồng Lê Dư ngồi đọc chung lá thư của bà Hằng Phấn từ bên nước ngoài gửi về.

Kỳ tới: Chuyện tướng Nguyễn Sơn hút hồn giới văn nghệ sĩ

MỚI - NÓNG