Gian nan gieo chữ chốn rừng sâu

Gian nan gieo chữ chốn rừng sâu
TP - Daklak đang vào mùa mưa. Đất đỏ bazan lầy lội, mưa rừng như trút, nước sông dâng cao, bùn lầy ngập đến thắt lưng…Con chữ, bằng một cách tuyệt vời nhất, đã len lỏi vào tận những nơi heo hút khó khăn.
Gian nan gieo chữ chốn rừng sâu ảnh 1
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng nụ cười vẫn nở trên môi những em học sinh vùng biên.  Ảnh: Đăng Khoa

Từ thành phố Buôn Ma Thuột, đi theo quốc lộ 27 khoảng 70km là đến trung tâm huyện Ea Soup, sau khi xuyên qua huyện Buôn Đôn nổi tiếng và rừng quốc gia Yok Don.

Từ đây, chạy thêm khoảng 40km đường đất đỏ dày và đặc quánh, hoang vu nữa là đến xã Ia R’vê, xã biên giới giáp với Campuchia.

Đây là vùng kinh tế mới, nằm lọt thỏm giữa bốn bề là rừng với rất nhiều dân tộc sinh sống. Bởi ở một nơi đặc thù và khó khăn đến như thế, hành trình của con chữ cũng gặp không ít thác ghềnh.

Người xứ dừa học chữ trên non

Có lẽ không ở một nơi nào, ngoài tỉnh Bến Tre, có số lượng người xứ dừa sinh sống đông như tại xã biên giới Ia R’vê này. Năm 2002, xã Ia R’vê được thành lập. Các hộ gia đình tại đây định cư theo dự án thành lập vùng kinh tế mới của Bộ Quốc phòng. Các hộ đi kinh tế mới tại đây được cấp đất, cấp vườn trồng điều và cứ như thế, quần thể dân cư dần đông đúc.

Mỗi ngày, có đến hai chuyến xe đi về Bến Tre, tỉnh đồng bằng cách xa đến gần 800km. Hành trình Ea Soup – Bến Tre đã qua lại gần 7 năm nay. Rất nhiều thế hệ con cháu xứ dừa sinh ra, lớn lên tại Bến Tre nhưng theo những chuyến xe này lên cái xã biên giới heo hút này lập nghiệp.

Tập quán làm ăn sinh sống cũng dần thay đổi. Từ con cá, cọng rau… vơ tay ra là có, họ lên đây “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Khí hậu cũng không còn hiền hòa như trước. Mưa rừng như trút, đường đất đỏ lầy lội, mùa nắng bụi đỏ bốc mù trời. Cũng bởi khí hậu khắc nghiệt và công việc mưu sinh ngập đầu như thế, việc dạy chữ nơi đây càng gian nan đến bội phần.

Tôi theo chân anh Dương Văn Tiến – Phó hiệu trưởng trường Tiểu học, THCS Nguyễn Thị Định – đi thăm hết tất cả 3 phân hiệu của trường tại đây mới thấy hết những gian lao và hi sinh mà giáo viên nơi này gánh chịu.

Mỗi phân hiệu cách nhau 9km đường đất đỏ bụi mù. Giáo viên đa số đều ở xa, mỗi ngày đều cặm cụi băng rừng, vượt suối để bám trường, bám lớp. Như nhà anh Tiến, cách trường 23 km.

Đường đi hoang vắng, không một bóng người. Chiếc xe máy bám dày đất đỏ của chúng tôi ngoài việc nhích từng bước còn té ngã liên tục. Nhưng anh Tiến thì chỉ cười, vì quãng đường như thế, anh đã quá quen thuộc. Nhiều đêm vì công tác phải về trễ, cũng phải cố nhích từng tí cho đến nhà.

Anh Tiến là một trong bốn giáo viên có mặt tại vùng biên này sớm nhất. Khi ấy, trường cũng chỉ toàn tranh tre, vách nứa. Tối ở lại bám trường, nhìn ra màn mưa như trút nước, buồn đến bật khóc. Học sinh học dồn tất cả vào một lớp, học bữa đực bữa cái.

Giáo viên phân ra đi đến tất cả các gia đình vận động cho con em đến lớp. Học sinh người dân tộc Thái, Dao, Tày, Nùng, thậm chí cả con em các gia đình Bến Tre lên đây, nhiều em còn hỏi ngây ngô: “Tụi em ở nhà đi rẫy kiếm tiền chứ đi học làm gì?”.

Vì các hộ gia đình còn nghèo quá, giáo viên còn phải hỗ trợ cả gạo cho phụ huynh, vận động, thậm chí là “dỗ” các em đến lớp. Nhiều lúc phụ huynh túng đói quá, mang bán từng con gà cho các giáo viên để có tiền đong gạo.

Giờ thì những cố gắng của các giáo viên đã được đền đáp. Nhiều em nhà ở tít sâu trong rẫy, cách trường đến 13, 14 km cũng yêu trường, mến bạn mà đến lớp.

Trường đã có đến 3 phân hiệu, tổng số 30 lớp với 33 giáo viên. Những người tiên phong đi gieo chữ tại vùng biên này đã có thể vui mừng, dù khó khăn vẫn chất chồng, dù vẫn phải đi vận động từng ngày. Nhiều năm mất mùa điều, số lượng học sinh bỏ học theo gia đình về quê lại tăng lên, trường học lại vơi đi nhiều gương mặt.

Thầy giáo áo xanh

Mùa gặt. Gia đình Nguyễn Thị Ngọc Nhung (25 tuổi) vừa đi gặt về. Vợ chồng con cái cùng các thợ gặt quây quần bên mâm cơm muộn sau một ngày làm việc mệt nhoài.

Bỗng một bóng áo xanh xuất hiện ngay ngõ: “Nhung ơi đi học!”. Người chồng nhùng nhằng: “Vợ tui đi học, ai lo dọn dẹp trong nhà”. Bóng áo xanh, cũng là bộ đội biên phòng - dứt khoát: “Cho vợ đi học đi, tôi ở lại giúp anh”. Nhung tất tả cắp sách đi học, chưa kịp lùa vội miếng cơm vào miệng.

Nhung đến lớp khi các bạn khác đã cắm cúi tập trung vào sách vở. Chiến sĩ biên phòng Trương Văn Hoành đang đồng phục đứng lớp. Lớp học thật đặc biệt. Tất cả học viên ở mọi lứa tuổi tập trung lại, học nhờ một lớp mẫu giáo ban ngày. Hàng cuối là những em nhỏ khoảng 9 – 11 tuổi.

Trước đó là những thanh niên 20 – 26 tuổi. Chếch sang bên phải, những khuôn mặt khắc khổ đầy nét hằn sâu, có cả những mái đầu bạc đang chụm đầu vào trang sách. Họ chỉ đang học vỡ lòng. Người lớn tuổi nhất lớp đã xấp xỉ tuổi 40. Đây là “lớp học xóa mù” tại biên giới do chính các chiến sĩ biên phòng phối hợp cùng giáo viên đứng lớp.

Tại xã Ia R’vê này, bộ đội biên phòng cũng chính là những người gần dân, hiểu dân và giúp đỡ dân nhiều nhất. “Lớp học xóa mù” xuất phát từ công tác dân vận, các chiến sĩ biên phòng nhận ra số người lên đây đi kinh tế mới, rất nhiều trong số đó mù chữ hoặc bỏ học giữa chừng.

Dần dần qua thời gian, họ không còn nhớ mặt chữ nữa. Đến mức mà đi bán lúa, bán điều, nhiều người còn không biết ký nổi tên mình, chỉ đánh dấu chữ thập xiên xiên vào giấy. “Phải làm một điều gì đó” – Các chiến sĩ biên phòng tự nhủ với nhau như vậy. Và hai chiến sĩ năng động nhất, có kinh nghiệm gần dân nhất được cử đi làm công tác đặc biệt này.

Lớp học xóa mù chữ đầu tiên được mở vào giữa năm 2007 tại một thôn khác của xã với tổng số 38 học viên. Vất vả nhất là quá trình vận động bà con đến lớp. Những gia đình như Nhung, đầu tắt mặt tối khi vào vụ mùa không phải là hiếm.

Lại vào mùa lũ, khi nước dâng cao, mưa rừng đổ xuống như trút, bùn lầy ngập đến bắp chân, để duy trì đầy đủ học viên cho lớp càng khó khăn đến bội phần. Phối hợp cùng cán bộ thôn, xã, các chiến sĩ biên phòng cứ đến trước giờ học lại đi đến từng nhà, khuyến khích, kêu gọi, thậm chí cả năn nỉ để học viên đến lớp.

Mỗi chiến sĩ biên phòng cũng chính là một tay gặt cừ khôi, tay hái điều thiện nghệ. Lăn lưng vào làm, giúp đỡ các gia đình khi vào mùa vụ, ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ gần dân hơn, họ cũng chỉ mong muốn đổi lại được một cái gật đầu, một tinh thần hiếu học, tìm đến lớp “xóa mù” của những người chồng, người vợ.

Với những cố gắng vượt bậc ấy, lớp học “xóa mù” đầu tiên có 35/38 học viên hoàn thành chương trình, biết đọc biết viết. Lớp học “xóa mù” thứ hai này cũng đã đi được hơn nửa chặng đường và sẽ tiếp tục lớp thứ 3, thứ 4… ở những thôn, xã khác. Đây là lớp học di động và chừng nào chưa “phủ sóng” hết tất cả địa bàn xã, lớp học sẽ vẫn được tiếp tục dựng lên.  

Bài 2: Những người từ trong rừng sa

MỚI - NÓNG