Gian nan gieo chữ chốn rừng sâu

Bài 2: Những người từ trong rừng ra

Bài 2: Những người từ trong rừng ra
TP - Để sinh sống người ta tìm đến với rừng. Nhưng vì con chữ, họ phải ra khỏi rừng vì biết rằng, nếu con cái họ không cơm nắm, muối vừng, băng đèo, lội suối đi tìm cái chữ chúng sẽ nghèo khổ mãi.

Buôn làng bây giờ đã mang tên Cư K’Nao (thôn Đông Sơn, xã Hòa Hiệp, Cư Kwin, Đăk Lăk). Nhưng chỉ 2 năm trước đó, dân trong buôn vẫn còn sống rải rác, quần cư sâu tít trong rừng. Nghèo, đói, khổ cứ đeo đẳng. Trẻ con vừa sinh ra đã theo bố, mẹ vào rừng, lên rẫy. Nhiều cán bộ thôn, bản đã bỏ công lặn lội vào rừng, đi từng nhà thuyết phục khô nước bọt, kéo người từng nhà, từng nhà ra khỏi rừng để đến với cái chữ.

24 căn nhà xây được dựng lên để đón đồng bào Dao, Thái, Tày, Nùng… về ở, thành lập nên buôn Cư K’Nao. Tuy vậy, với mọi người trong buôn, việc sinh sống bằng cách làm nương, lên rẫy, đánh cá, săn bắt thú rừng đã quá quen thuộc, không thể nào rời bỏ được.

Buôn Cư K’Nao vẫn phải sống dựa vào rừng. Đường đi vào buôn vẫn cực kỳ gian khổ. Con đường dễ nhất để đi, từ nơi có người ở nhất đến cách buôn 6km, vào mùa mưa coi như bị cắt đứt vì bùn ngập đến thắt lưng.

Con đường còn lại, phải lội bộ 3 km qua những cánh đồng, con suối rộng 4 m cộng với những đoạn bùn ngập đến đầu gối. Mùa lũ lên, buôn Cư K’Nao biến thành ốc đảo, nằm trơ trọi bên cạnh rừng già.

Nhưng bất chấp tất cả những trở ngại ấy, một lớp học vẫn được dựng lên, dù đến lúc này, chỉ có 5 em trong số 24 học sinh của lớp có giấy khai sinh. Buổi sáng, một cô giáo được cử đến dạy lớp mẫu giáo, lớp học vừa có chức năng dạy học vừa có chức năng giữ con nhỏ cho bố mẹ yên lòng khi lên nương.

Buổi chiều, tất cả học sinh mọi lứa tuổi được dồn vào học nhờ lớp mẫu giáo buổi sáng với những bộ bàn ghế bé tí xíu. Đứng lớp là một cô giáo người dân tộc Ê Đê, thương học sinh đến mức quên cả thân mình.

Cứ ăn xong buổi cơm trưa, cô H’Nen BTô lại tất tả ngược đường vào buôn Cư K’Nao, chia tay với 4 đứa con nhỏ xíu và buôn Kpung của mình. Trong túi xách mang theo, không bao giờ H’Nen quên những viên phấn để phân phát cho 24 em học sinh của lớp mình.

Ở ngăn khác là những viên kẹo để “dụ” cho học sinh tới lớp. “Phương pháp giảng dạy bí mật” này lại chính là cách hữu hiệu nhất. Thứ Sáu phải mang nhiều kẹo hơn một chút, bởi nếu không cho học sinh, hứa tuần sau mang thêm kẹo, học sinh được nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật sẽ… nghỉ học luôn.

H’Nen bước chân vào nghề giáo đã hơn 20 năm rồi và được cử vào buôn Cư K’Nao dạy ngay từ khi buôn được thành lập. Cô khoe: “Từ khi vào dạy tại đây, có khi cả năm mình không phải thay một đôi dép nào”.

Hóa ra, dép được gửi ở một nhà trong buôn và cô đi bộ suốt quãng đường đến lớp vì… chẳng có cơ hội mang dép khi nào khi lội đồng, vượt suối. Quần áo chỉnh tề mặc lên lớp cũng thế. Con suối rộng 4 m chỉ có 2 thanh tre nhỏ xíu bắc ngang. Đến giờ, H’Nen cũng chẳng còn nhớ mình bị rớt xuống con suối này bao nhiêu lần nữa. Cứ ướt như chuột lột đến đầu buôn, thay đồ, mang dép và lên lớp.

Ngày 19/9, H’Nen vẫn đến lớp như bình thường. Sáng 20/9, cô lên phân hiệu chính gần nhà dự giờ của các giáo viên khác. Đến chiều, cô…sinh con! Suốt 9 tháng 10 ngày mang thai, cô giáo của bản làng vẫn cứ lội bộ mà băng đồng, vượt suối vào với học sinh mình. Bụng chửa vượt mặt, nhiều lúc nước suối dâng quá cao, H’Nen phải đứng chờ thuyền đánh cá, vẫy nhờ sang buôn đi dạy.

H’Nen bảo: “Mình thương học sinh lắm! Mình không buồn vì đường đến lớp quá khó đi mà chỉ buồn khi có học sinh nghỉ học, tìm đến nhà hỏi lại bảo ở nhà đi mò cua vì mò cua có tiền chứ đi học không có tiền. Ngày nào đến buôn cũng phải đi vận động. Nhiều lúc, vào mùa trồng dưa, học sinh theo bố mẹ đi làm dưa hết, cả lớp chỉ có 5 người tính cả cô giáo. Buồn muốn khóc!”.

Bài 2: Những người từ trong rừng ra ảnh 1
Bụng chửa, cô giáo H’Nen vẫn băng rừng đến lớp mỗi ngày

Vượt 60 km học chữ

Trường THCS Phan Bội Châu nằm ngay đèo Phượng Hoàng, khu vực giáp ranh giữa tỉnh Đăk Lăk và tỉnh Khánh Hòa. Chỉ cách nhau có một con đèo, nhưng cuộc sống của người dân của huyện M’drăk (Đăk Lăk) và huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã khác nhau nhiều lắm.

Huyện M’drăk là một trong những huyện nghèo và khó khăn nhất của tỉnh Đăk Lăk với diện tích rừng núi rộng nhất, nhì tỉnh và nhiều dân tộc chung sống. Ở M’drăk, số lượng người Thái, Dao, Tày, Nùng… từ các tỉnh phía Bắc đổ về đều ở sâu tít trong rừng. Tính theo đường rừng, ra đến quốc lộ đều từ 20km trở lên.

Nhưng Mã A Chanh (người Mông) đã học được đến lớp 6. Nhà em nằm sâu tít trong rừng. Em còn ba người anh, một người chị nữa nhưng chỉ đứa con út mới có cái vinh dự theo đuổi con chữ. Em băng rừng ra đây học một mình.

Nhà Hạng Seo Diu (người Mông) cũng cách trường đến 30km. Em ở rừng, phát nương làm rẫy. Đi hết cánh rừng nhà em ở, lại phải băng qua một cánh rừng khác mới đến được trường. Vậy mà cứ cuối tuần, Mã A Chanh và Hạng Seo Diu lại lội bộ về nhà, vác trên vai một bao gạo, mắm muối… do gia đình tiếp tế để quay lại trường học tiếp.

Chanh, Diu và các bạn đều ở trong những lán làm bằng tre, nứa do bố mẹ mình dựng lên khi dẫn con ra nhập học. Tất cả học sinh các khối lớp nhà ở xa đều ở tại những lán thấp lè tè, chỉ cao ngang cổ người lớn như thế.

Cứ 6 em ở chung một lán, một giường, chia làm 2 khu nam, nữ riêng biệt. Gạo địu từ trong rừng ra. Thức ăn góp từng đồng bạc lẻ lại mua nấu. Những người bán rong mang thịt, cá đến trường cho các em đều cố gắng bán ở giá thấp nhất có thể.

Học sinh chịu khó, thầy cô càng thương học trò. Hiện nay trường không hề có một phòng làm việc nào vì đã nhường tất cả cho các em làm chỗ ở. Thầy, cô chia nhau ra túc trực theo dõi cuộc sống sinh hoạt của học sinh.

Chỗ ở ẩm thấp, chật hẹp, các em bệnh liên miên. Học sinh chạy đến nhà gõ cửa, nhờ thầy cô chở bạn đi bệnh viện vào đêm hôm khuya khoắt là việc diễn ra rất thường xuyên.

Thầy hiệu trưởng Nguyễn Mạnh Điệp bùi ngùi: “Nhiều khi tôi cũng không hiểu nhiều em nhà ở trong rừng, xa trường đến 60 km vẫn theo đuổi con chữ, sức lực ở đâu ra? Nhìn các em bệnh tật vì ăn ở ẩm thấp, thương ứa nước mắt.

Nhưng thầy cô lực bất tòng tâm. Năm nay, xã có hỗ trợ xây 10 phòng ở cho các em theo dự án 135 nhưng cũng chỉ giải quyết được khoảng 1/3. Các em còn lại vẫn phải tiếp tục ở trong các lán”.

Rời dãy lán của các em, tai tôi vẫn văng vẳng tiếng guitar bập bùng của Mã A Chanh: “Trường của em be bé, nằm lặng giữa rừng cây…”. Bạn bè em, người đang chẻ củi, người đang nấu cơm, khơi bếp lửa. Bao giờ học bổng hỗ trợ sẽ đến tay tất cả các em? 

Bài cuối: Người “phiên dịch” của núi rừng.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.