Danh hiệu tôn vinh nghệ nhân - tại sao chưa?

Danh hiệu tôn vinh nghệ nhân - tại sao chưa?
TP - Gìn giữ và phát huy nghệ thuật cổ truyền luôn là mối quan tâm đặc biệt. Không thể nhớ hết bao nhiêu dự án với số tiền nhiều tỷ đồng đã được đầu tư để giữ vốn quý này. Nhưng có một điều quan trọng đang bị lãng quên: Nghệ nhân.
Danh hiệu tôn vinh nghệ nhân - tại sao chưa? ảnh 1
Nghệ nhân Trống quân Dạ Trạch, Hưng Yên

Không phải là những tung hô, tôn vinh nhất thời bằng khoản kinh phí thù lao biểu diễn báo cáo sau thời gian triển khai dự án. Sự tôn vinh ở đây là bằng tinh thần và vật chất thật cụ thể cho các nghệ nhân trong một kế hoạch dài hơi.

Ai cũng biết nghệ nhân là yếu tố hàng đầu đối với các dự án phục hồi giá trị truyền thống. Khi triển khai một dự án, thường thấy các nhà khoa học kêu gào phải phục hồi gấp vì các cụ tuổi đã cao, kẻo khi ra đi mang theo cả là hết. Đủ thấy vị trí nghệ nhân quan trọng thế nào.

Như hiện nay, việc vinh danh nghệ nhân dân gian quy mô nhất là danh hiệu cùng tên “Nghệ nhân dân gian” của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Song, danh hiệu này dù có quy mô toàn quốc nhưng chỉ là của một tổ chức chuyên ngành, đồng thời chỉ mang tính tượng trưng vì hầu như không có quyền lợi kèm theo.

Việc này phải được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa cao nhất thực hiện. Mặt khác như vậy danh hiệu mới đúng tính chất Nhà nước tôn vinh. 

Từ lâu nhiều nước đã vinh danh nghệ nhân. Tại Mỹ, người góp công gìn giữ, phát huy văn hoá truyền thống được tôn vinh bằng danh hiệu “Di sản” ở hai cấp quốc gia và bang, do chính quyền trao.

Một người Mỹ gốc Việt là GS.TS Nguyễn Thuyết Phong từng nhận danh hiệu “Di sản quốc gia” (National Heritage Fellow) năm 1997 do phu nhân tổng thống Bill Clinton - bà Hillary Clinton trao tặng tại Nhà Trắng.

Trước đó GS. Phong đã nhận danh hiệu cấp bang. Chợt nghĩ sao chúng ta không có một danh hiệu vinh danh nghệ nhân ở cấp nhà nước và địa phương? Rõ ràng nó không hề quá sức và hiện rất cần thiết.

Có nhiều cái tên, chẳng hạn: Nghệ nhân xuất sắc/ưu tú, Nghệ nhân vàng/bạc, Di sản cấp 1/cấp 2, Di sản sống quốc gia, Báu vật quốc gia… đi kèm theo phải quan tâm đến quyền lợi. Thiết nghĩ nên làm tương tự như bên nghệ sĩ, tức là danh hiệu nào tương đương với NSND hay NSƯT thì được hưởng những quyền lợi như vậy.

Và cảm ơn bằng một chút vật chất!

Sau việc tôn vinh, cũng nên nghĩ ngay tới chuyện quan tâm đặc biệt bằng một lượng kinh phí nhất định theo tháng, quý hoặc năm với một số nghệ nhân xuất sắc nhất.

Ở đây không dùng từ trợ cấp bởi các nghệ nhân không thuộc diện không tự nuôi sống bản thân cần sự hảo tâm của xã hội. Phải dùng từ cảm ơn bởi họ là những di sản, những “báu vật sống” lưu giữ hồn cốt dân tộc. Nếu tính ra tiền biết bao cho đủ?

Kinh tế của ta hiện đang theo hướng phát triển, việc quan tâm đến nghệ nhân, một bộ phận vô cùng ít ỏi trong xã hội (chắc chỉ vài chục cụ đều ở độ tuổi rất cao), hết sức quan trọng đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống dân tộc.

Hơn nữa nguồn kinh phí Nhà nước cấp cho nghiên cứu khoa học hiện là 2% GDP mỗi năm (ước khoảng 400 triệu USD, cỡ 6.650 tỷ đồng) nhiều khi không chi hết.

Trích thường xuyên một phần cực nhỏ của số lẻ 50 tỷ trong số kia sang cho việc cảm ơn nghệ nhân, như thế Nhà nước vừa không phải lo thêm một khoản tiền, các nghệ nhân lại có được niềm vui từ sự quan tâm ấy. Làm việc này sớm chừng nào hay chừng ấy. 

Tiếp xúc nghệ nhân, mới thấy cuộc sống các cụ hầu như đều khó khăn. Bao nhiêu lần về thăm “báu vật sống” Hà Thị Cầu (Ninh Bình) bấy nhiêu lần nghe cụ kể về một mơ ước ấp ủ suốt hơn 20 năm qua: Hàng tháng có một chút tiền để yên tâm hát ca. Một vài trăm ngàn/tháng có là gì so với sứ mệnh lưu giữ cả một kho tàng hát xẩm đặc sắc cho dân tộc. Nhưng đến giờ mơ ước vẫn chỉ là ước mơ với nghệ nhân xẩm gần 90 tuổi này.

Với nghệ nhân đờn ca tài tử Nguyễn Vĩnh Bảo ở TPHCM, cuộc sống không quá khó khăn nhưng cũng rất đạm bạc. Dân trong Nam gọi cụ là nhạc sư. Cụ cũng từng được một trường đại học danh tiếng của Pháp mời dạy chính thức nhưng không nhận lời để về sống tại căn nhà nhỏ tại TPHCM, chỉ với một lý do là được cùng bạn bè hòa đàn. Giờ đã ngoài 90 vẫn tiếp tục truyền bá cho thế hệ trẻ trong nước và kiều bào.

Còn nhiều nghệ nhân một đời gìn giữ báu vật cho dân tộc đáng vinh danh và cảm ơn, chẳng hạn nghệ nhân ca trù Trần Thị Khứu 90 tuổi ở Quảng Bình, các nghệ nhân trống quân ở Hưng Yên, Phú Thọ, quan họ ở Bắc Ninh… Đúng là phải làm thật nhanh kẻo các cụ đi mất.

Như nghệ nhân ca trù, hát xẩm tài ba Nguyễn Văn Khôi ở Hà Đông, đằng đẵng cả cuộc đời chật vật miếng cơm, manh áo cho tới tận ngoài 90 nghệ nhân khiếm thị này vẫn giữ những làn điệu hát xẩm, ca trù vô giá cho dân tộc. Tiếc là cụ đã ra đi mùa xuân vừa rồi ở tuổi 92.

Tất nhiên, có hay không có sự tôn vinh bằng danh hiệu và cảm ơn bằng một khoản vật chất thì nghệ nhân vẫn sống. Tuy nhiên, nếu có thì hành động sẽ ẩn chứa tính nhân văn, sự hàm ơn của người đương thời, cũng là một cách để giữ di sản còn mãi với dân tộc.

MỚI - NÓNG