Thái Lan còn bất ổn đến bao giờ?

Thái Lan còn bất ổn đến bao giờ?
Chính trường Thái Lan đang phát triển theo những chiều hướng thuận, nghịch. Tình hình bất ổn định chính trị kéo dài tác động xấu đến kinh tế nước này.
Thái Lan còn bất ổn đến bao giờ? ảnh 1
Ông Sondhi Limthongkul, người đứng đầu PAD, tại cuộc họp báo ở một sở cảnh sát tại Bangkok ngày 10/10 - Ảnh: AP

Sau 137 ngày biểu tình, ngày 10/10, sáu nhà lãnh đạo chủ chốt của Liên minh nhân dân vì dân chủ (PAD) - lực lượng phát động làn sóng biểu tình chống Chính phủ Thái Lan - đã ra nộp mình cho cảnh sát. Đổi lại, họ được tòa phúc thẩm xóa bỏ ba tội danh nổi loạn, âm mưu lật đổ và tàng trữ vũ khí.

Mức án phạt tối đa đối với tội nổi loạn là tử hình hoặc chung thân. Nhưng tòa vẫn giữ nguyên hai tội danh tụ tập biểu tình trái phép và kích động bạo lực.

Hai nhân vật chóp bu bị bắt trước đó, trong đó có tướng Chamlong - cựu thị trưởng Bangkok - được nộp tiền tại ngoại. Lực lượng biểu tình tiếp tục chiếm giữ tòa nhà chính phủ, trong khi cuộc thương lượng giải quyết khủng hoảng vẫn bế tắc.

“Bên thứ ba”

Tình hình bất ổn định chính trị kéo dài tác động xấu đến kinh tế. 24 nước, trong đó có 10 thị trường du lịch chủ yếu, nâng mức cảnh báo lên sau sự cố ngày 7-10. Tỉ lệ phòng thuê khách sạn tụt giảm 40%, khách du lịch giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Hành khách Thai Airways giảm 20%.

Nhóm lãnh đạo PAD nhận thức họ không thể kéo dài biểu tình lâu hơn, vì lễ quốc tang công chúa điện hạ Galyani Vadhana sẽ được tổ chức trong tháng tới.

Mặt khác, những cuộc biểu tình có thể vượt ra ngoài sự kiểm soát của nhóm lãnh đạo PAD khiến họ có thể gánh chịu những trách nhiệm hình sự nặng nề. Như cuộc đụng độ trước tòa nhà quốc hội hôm 7/10 làm hai người chết và hơn 400 người bị thương.

Giữa các cáo buộc lẫn nhau gây đổ máu, bác sĩ tại các bệnh viện Bangkok xác nhận các thương tích không phải do hơi gas gây nên.

Truyền hình trực tiếp còn cho thấy một số người biểu tình sử dụng súng và các vật sắc nhọn làm vũ khí chống cảnh sát. Chủ tịch Hội đồng cơ mật hoàng gia, tướng Prem, bày tỏ quan ngại về khả năng “một bên thứ ba” thúc đẩy làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng.

Phán quyết của tòa phúc thẩm có thể mở một lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan. Bằng một động thái cân bằng, tòa án hành chính trung ương ra lệnh cấm cảnh sát trấn áp các cuộc biểu tình chống chính phủ đang leo thang. Quyết định này gây khó cho chính phủ.

Để ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay, giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử là một lựa chọn. Nhưng bầu cử không thay đổi cục diện, một khi đảng Quyền lực nhân dân (PPP) thân Thaksin, thay họ đổi tên, tái đắc cử với số ghế đủ để lập chính phủ liên minh. Như thế tạo ra vòng luẩn quẩn chính trị.

Lý do là tuy ông Thaksin Shinawatra và vợ đã nộp đơn xin tỵ nạn chính trị tại Anh, nhưng các chính sách dân túy Thaksin vẫn được một bộ phận lớn nông dân hâm mộ. Người nông dân đưa ông Thaksin lên làm thủ tướng, còn các trí thức và tầng lớp trung lưu hạ bệ ông ta.

Giới biểu tình phê phán Thaksin thực hiện “chính trị tiền bạc”, tham nhũng và lạm quyền. Nhưng các nhà phân tích chính trị Thái Lan cũng thừa nhận rằng một số biện pháp dân túy như phi tập trung hóa chính trị, cải cách điền địa, giảm thuế cho người nghèo, thực hiện các chính sách phúc lợi… lại cần thiết khắc phục bất bình đẳng xã hội và cách biệt nông thôn - thành thị.

Sẽ có cuộc đảo chính thứ 24?

Đến nay, quân đội khẳng định “giữ trung lập” và không đảo chính. Nhưng tướng Anupong - tư lệnh lục quân - đứng trước sức ép trong, ngoài có thể cho quân đội hành động để ngăn chặn rối loạn và đổ máu.

Đảo chính, trao quyền lại cho một chính phủ dân sự lâm thời quy tụ các phe phái chính trị đang được bàn tính. Nhưng quân đội có thể chưa sẵn sàng thực hiện cuộc đảo chính thứ 24.

Hôm qua, cựu phó thủ tướng Thái Lan Chavalit Yongchaiyudh nói rằng chỉ một cuộc đảo chính quân sự mới có thể giải quyết tình trạng bất ổn chính trị hiện nay ở Thái Lan.

Ông Chavalit là người ra lệnh cho quân đội tấn công những người biểu tình làm hai người chết và hơn 400 người bị thương, đổi lại ông này vừa phải từ chức.

Trong tương quan lực lượng hiện nay, không đảng chính trị nào đủ mạnh để giữ ổn định lâu dài. Những biến động ở đất nước thanh bình này phản ánh một hiện tượng khá phổ biến diễn ra tại một số nước Đông Nam Á khác, nơi những giá trị dân chủ phương Tây xung đột gay gắt với truyền thống bản địa và nền văn hóa chính trị chưa bám rễ vững chắc.

Trong quá trình phát triển, việc xử lý các vấn đề kinh tế, xã hội, sắc tộc lại chịu tác động của toàn cầu hóa và tự do hóa kinh tế.

Theo Nguyễn Ngọc Trường
Nguyên đại sứ VN tại Thụy Điển và Mexico
(Tuổi Trẻ)

MỚI - NÓNG